Đang là mùa Xuân, mời bạn cùng đọc 15 Truyện Mùa Xuân do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác từ tiểu thuyết Sammy Going South của W. H. CANAWAY mà tôi đánh máy lại. Là câu chuyện của một cậu bé đi 5 ngàn dặm từ kênh đào Suez dọc sông Nile đến thị trấn Durban ở Nam Phi, về sau quay thành phim A Boy Ten Feet Tall vào năm 1963. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Ngày vui

Khi Sam-mi tỉnh giấc, trời sáng hồi nào.

Ông Cúc quay lại cười với nó:

– Trong khi cháu ngủ, xe vượt biên giới rồi… Giờ ta sắp qua một vùng khác nữa đây.

Chiếc xe đi ngay trong rừng, đôi lúc vượt ngang cả bụi rậm, phăng phăng như một thứ tê giác bằng máy. Tới bờ sông, xe ngừng. Ông Cúc bỏ chiếc nón trên đầu ra:

– Ta phải đợi phà chờ sang… Nghỉ ngơi ăn sáng đã!

Sam-mi ngốn no súp ngô, gan nướng và uống cà-phê đen. Ðó là bữa ăn ngon nhất từ trước tới nay với nó. Ông Cúc thản nhiên nằm ngủ dưới gốc cây, miệng há hốc, chiếc nón sụp xuống mắt. Lão Vạn và nhóm da đen đang buộc nhiều tấm ván vào một số thùng phuy rỗng. Lão nhe răng cười:

– Ðây là phà chở xe qua sông… Trông thế mà tốt ghê gớm nhé!

Hì hục mãi họ mới đẩy được phà xuống nước. Ông Cúc cũng vừa dậy. Chiếc xe xuống phà thực nhẹ nhàng, lão Vạn chặn bốn bánh bằng mấy thanh củi. Sam-mi được leo lên ngồi bên ông Cúc… Nệm xe khá cao, hai chân nó chưa đụng tới sàn, nhưng cũng chẳng sao, nó càng nhìn rõ phong cảnh bên ngoài. Dòng sông không rộng bao nhiêu, nước xanh lè, đôi chỗ củi khô trôi lều bều… Chiếc phà từ từ sang ngang nhờ hai sợi thừng buộc ngay mũi phà có bảy tám người phía bên kia sông gò lưng kéo. Chẳng biết họ từ đâu hiện ra, nhưng chắc toàn người quen với ông Cúc và lão Vạn. Phà đụng mạnh vào bờ cát, rung lên, Sam-mi suýt húc đầu vào kính, nhưng ông Cúc kịp nắm nó lại:

– Ðây là lối tắt để vượt biên… Chỉ có bác mới qua được. Bây giờ ta đi đổ xăng.

Chiếc phà được giấu ngay vào đám sậy ven sông, cả bọn da đen leo lên phía sau xe, vui vẻ như lũ trẻ nít ngồi xe hơi lần đầu.

Ông Cúc mở máy, chiếc cam-nhông lại lầm lì băng rừng… Vài đàn khỉ mặt đen nhánh, nháo nhác chạy trên ngọn cây, dăm con hoẵng nhảy vọt như tên bắn, lủi nhanh vào bụi.

Khoảng nửa giờ sau, xe ngừng, lão Vạn cho năm người xách thùng nhảy xuống. Sam-mi cố nhìn xem cây xăng đặt chỗ nào, nhưng tứ phía chỉ thấy táo gai và cọ, xòe tàn lá che kín mặt đất.

Ông Cúc bật lửa hút thuốc, rồi như hiểu được ý nghĩ của nó, nên cắt nghĩa:

– Chỗ này có kho xăng của quân Ðức chôn giấu, hồi thế chiến vừa qua… Khoảng bốn trăm ngàn lít… Bác tình cờ tìm ra, đem phân tán mỗi nơi một ít… Thành thử hàng chục năm nay, bác chưa tốn xu xăng nào, hên không?

Thằng bé nhìn người thợ săn một cách thán phục: ông ta sao giỏi vậy?… Ðã giỏi lại tốt bụng nữa chớ!… Chưa ai coi nó như người lớn, thân mật với nó như ông Cúc!

Ông móc túi lấy trái cam đưa cho Sam-mi:

– Cam rừng… Chua, nhưng đỡ khát, cháu ăn đi… Ta còn phải đi khá xa, bác có hẹn với vài người bạn, thế nào cũng phải tới gặp họ.

Giữa người thợ săn già và thằng bé, một thứ tình cảm mới mẻ nhưng bền chặt đã nảy nở… Sam-mi tự nhiên thuật hết cho ông Cúc nghe câu chuyện không may của nó, kể từ lúc trái bom đầu tiên rơi xuống khu kênh đào… Ông ta yên lặng nghe đứa bé, đôi chút xúc động lộ trong khóe mắt, nhưng không hỏi han gì, chỉ thỉnh thoảng gật gù cái đầu có mái tóc hoa râm, hay bặp mạnh chiếc tẩu thuốc bằng nanh lợn rừng bên khóe mép.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Mãi trưa bữa sau, xe mới dừng lại bên khoảng hồ nước trong vắt, đầy bông súng. Ông Cúc xoa tay:

– Ta tới sớm… Ðể bác dạy cháu bắn chim, nghe!

Sam-mi thích chí lắm, nó đỡ khẩu súng nhỏ trong tay ông Cúc, chăm chú nghe lời căn dặn của ông, nhưng tới khi nảy cò lại quên không ghì sát báng súng vào vai, thành thử bị một nhát giật tưởng vỡ mặt… Nó nghiến răng nhịn đau, nổ thêm phát thứ hai.

Cả hai viên đạn bay đâu mất… Nhưng ông Cúc tỏ ra hài lòng:

– Dám bắn tiếp là gan dạ lắm… Bác ngỡ cháu sợ đau chớ!

Mặt Sam-mi rạng rỡ:

– Ðau như người đấm vào mặt đó, bác!

– Tất nhiên, súng nào cũng giật nếu mình không ghì chắc… Bây giờ ta bắn thú rừng, nhé!

Sam-mi tắc lưỡi:

– Giờ thì cháu không sợ đau nữa, nhưng…giết chúng làm gì, bác?

Người thợ săn già gãi gãi mái tóc:

– Ô!… Nghe bác đây: Trước kia, có một hồi bác săn bắn kiếm tiền, giờ đây, cần có thịt tươi, bác mới bắn… Coi kìa, trên cây lim có chim cu đó… Chim ấy quay giòn, ngon tuyệt!… Muốn ăn, ta chỉ có mỗi cách là bắn lấy, thế thôi.

Thực ra, Sam-mi nhặt con chim lên tay sau khi nổ súng với đôi chút tự phụ, nhưng không khỏi phảng phất ân hận… Mãi tới lúc ngồi nhâm nhi con chim quay, nỗi buồn của thằng bé mới tan biến.

nguồn: Heritage Auctions, HA.com

Ðêm ấy, nằm dưới lều vải, nó ao ước sao được trở thành tài giỏi như bác Cúc, cộng với một ít khôn ngoan trung hậu của ông già hành hương. Sam-mi có cảm tưởng một cái gì đó trong tâm hồn nó đang được tôi luyện để trở thành cứng rắn.

Tới sáng hôm sau, nhóm khách của ông Cúc vẫn chưa tới.

Người thợ săn già đưa súng cho nó:

– Ta vào rừng chơi, cháu nghĩ sao?

Thằng bé hớn hở đón lấy súng với dáng điệu thành thạo của tay săn nhà nghề.

Từ trong bụi gai, con báo nghe tiếng chân bước, rồi đánh hơi người trước khi trông thấy thợ săn. Nó không buồn chạy: nó thù oán thứ mùi ngai ngái, mằn mặn thoảng trong gió… Trái lại, con thú chuyển mình thực nhẹ, mềm mại như một vệt nắng vàng len lỏi lại phía có tiếng cành vụn gãy răng rắc.

Chẳng bao giờ ông Cúc và Sam-mi nghĩ tới chuyện con báo rình rập ngay cạnh mình… cho đến lúc con vật chồm lại nhanh như chớp… Sam-mi đang đi cùng với gã da đen mang súng cho ông Cúc vội tránh sang bên; nó mơ hồ cảm thấy mình quá yếu đuối trước con mãnh thú. Phần hốt hoảng, phần vướng có người phía trước, ông Cúc không bắn trúng đích, cũng không đủ thì giờ nạp đạn… Sam-mi lần đầu tiên được trông thấy báo vồ mồi: con vật chồm từng bước dài, mình vươn ra, loang loáng ánh nắng… Phản ứng của đứa bé thực giản dị: đúng vào bước vọt chót của con báo, nó thản nhiên ghì súng thực chắc, nổ liền hai phát… Tiếng súng nhỏ nghe gọn, giòn tan, nhưng cũng đủ sức chặn đứng con thú… Thân hình óng ả của nó nẩy lên, quay lộn, rồi ngã vật xuống…

Hàng vuốt sắc như lưỡi dao bào, trong giây phút hấp hối của con vật, xé rách toang mảng áo đứa bé… Sam-mi nhảy lùi lại; nó ngã vào vòng tay ông Cúc. Lúc đó nó mới run…nhưng nguy hiểm đã qua rồi. Trên mặt cỏ, xác con báo lớn nằm sóng soài, thảm não như con mèo chết rũ ngoài mưa. Ông Cúc nghiêm trang:

– Khá lắm, Sam-mi!… Một mình cháu hạ nổi con báo đó! Nếu cháu bỏ chạy, sao nó cũng vồ cháu ngay… Ðúng là cháu cứu cả bác, biết không?… Khá lắm!… Bác chưa thấy đứa nhỏ nào cỡ tuổi cháu lại gan dạ tới mức đó!

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Cái sợ của Sam-mi tan biến hồi nào, nó hãnh diện về hành động của mình: ít ra nó cũng cứu được ông Cúc một lần để đền đáp chớ!

Người khách bí mật của ông Cúc ngồi đợi dưới mái lều: đó là một người da đen còn trẻ, bận quần cụt với chiếc sơ-mi vải vàng có vài mụn vá trên vai. Gã móc trong túi chiếc phong bì cứng, dày cộm, trịnh trọng trao cho ông Cúc. Người thợ săn già đón lấy, cân nhắc trong tay, rồi gật đầu, hài lòng…

Ông ta mở rương, mang ra chiếc hộp thiếc, đựng đầy tiền đồng. Sam-mi thầm nghĩ:

– Có tới năm trăm đồng chắc!

Nó cố gắng theo dõi hai người ngồi đếm tiền, nhưng tới đồng thứ ba trăm, nó đành chịu…ngán quá! Lãnh tiền xong, gã da đen uống một chai bia với ông Cúc, đoạn, gã đứng lên, giơ tay chào rồi lẳng lặng biến vào rừng, bí mật như lúc gã tới.

Sam-mi tò mò hỏi ông Cúc:

– Ai vậy, bác… Sao gã lãnh lắm tiền vậy?

Người thợ săn mỉm cười:

– Người cai thầu, làm việc cho bác ở vùng này… Hắn tới lãnh lương đó.

Thằng bé nghĩ chừng làm cai thầu phải vất vả lắm mới được ngần ấy tiền, nó chả ham! Thà làm thợ săn như ông Cúc mà sướng.

Trong căn lều vải, ông Cúc ngồi trầm ngâm một mình, chiếc phong bì rỗng vứt đó; trên mặt cái bàn con bên cạnh, mười hai viên đá cuội trắng lấp lánh dưới ánh đèn: Mười hai viên kim cương này, gọt, giũa, đánh bóng rồi, trị giá khoảng ba ngàn Anh-kim là ít nhất.

Chính vì món hàng đó mà ông Cúc muốn đánh lạc hướng nhân viên kiểm lâm… Họ yên trí ông đang đi săn tận cánh rừng phương Bắc kìa! Cả chục năm nay, làm nghề buôn lậu kim cương, ông tha hồ bị phạt về tội săn trộm tê giác với voi trong khu vực cấm, rộng khoảng nửa triệu cây số vuông vùng Bắc Phi… Kỳ thực thì ông len lỏi tới cạnh hồ này -nơi kế cận mỏ kim cương danh tiếng của công ty Anh-cát-lợi- rồi vài tay thợ mỏ quen thuộc, mò tới bán thứ đá quý đánh cắp được cho ông, với giá rẻ mạt.

Kể ra ông giàu từ lâu rồi… Ở chỗ núi rừng heo hút này có dùng gì tới tiền đâu?

Người thợ săn về già thở dài… Ông để tiền làm gì nhỉ?… Giá có được một đứa con trai để hướng dẫn nó, theo nếp sống thoải mái ngoài trời như ông vẫn ưa thích từ trước tới nay, có lẽ ông chẳng ao ước gì hơn… Một đứa con trai gan dạ, cởi mở như Sam-mi chẳng hạn… Vậy mà nay mai phải xa thằng bé, phải đưa nó về Ðua-băng mất rồi…

Tiếng thở dài của ông Cúc thực não nuột.

Trong chiếc lều nhỏ bên cạnh, Sam-mi ngủ say sưa… Giấc ngủ của tuổi trẻ bao giờ cũng vậy: từ bữa gặp ông Cúc nó như người đắm tàu dạt vào hải đảo. Mọi lo lắng tan biến, đôi khi nó tưởng đâu người thợ săn già là ruột thịt của nó không bằng… Giá không có dì Dao, chắc nó ở luôn đây lại hay… Nhưng má nó đã dặn… Nó phải vâng lời trước đã, mặc dù lúc này má đã sung sướng ở trên trời…

Khoảng đồng trống hiện ra thực bất ngờ giữa cánh rừng rậm… Cỏ tranh được đốt sạch, mặt đất lại phẳng phiu như sân banh.

Sam-mi thích thú lắm, nó quay lại ông Cúc:

– Rộng quá, bác há?… Giá có trái banh thì hay… Bác thích đá banh chớ?

Ông Cúc đang rầu héo ruột vì sắp phải xa thằng bé, cũng bật cười:

– Lúc bằng cháu kia… Giờ thì chịu, chạy không nổi.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Rồi ông cắt nghĩa:

– Ðây là sân bay quân đội… Từ hồi thế chiến kia. Sau này bác cho người săn sóc… Ðợi chút nữa phi cơ tới giờ… Cháu sẽ được về Ðua-băng như con chim nhỏ…

Sam-mi nắm tay ông Cúc:

– Còn bác?

Giọng nó dịu hẳn lại, thấm thía nỗi buồn lúc chia tay.

Người thợ săn nhún vai:

– Ô… Bác ngược lên miền Bắc…để gặp cha kiểm lâm. Chắc lão ta chờ bác ở đó, lâu rồi, phải nộp phạt chớ.

Có tiếng động cơ vọng tới, rồi phi cơ lượn vòng trên khoảng đất trống. Chiếc tàu bay chở hàng trông thực là to, nhưng bay chậm rì… Nhóm người da đen đốt mấy đống lửa hiệu quanh phi trường, rồi núp sau gốc cây, chờ tới khi cánh quạt dừng hẳn mới dám ló ra. Bao giờ họ cũng coi phi cơ là thứ quái vật đáng ngại nhất trong đời.

Một người còn khá trẻ, đầu hói bước xuống. Ông Cúc dắt Sam-mi tới:

– Ðây là ông Lâm, bạn đồng ngũ với bác khi xưa… Ông sẽ đưa cháu tới một nơi có xe lửa tới Ðua-băng, cứ yên trí.

Tự nhiên thằng bé thấy cay cay nơi khóe mắt, rồi trong họng nó có cục gì chặn lấy… Nó ngước nhìn ông Cúc, mắt đỏ hoe, chẳng thốt được lời nào… Người thợ săn vỗ vào lưng nó:

– Bây giờ cháu phải đi chớ!… Ðừng quên gói này…

Vừa nói ông vừa dúi vào tay nó chiếc da báo đã được lão Vạn bỏ ra cả tuần hết nạo, lại thuộc, chải… Lớp lông vàng óng, đốm đen, mịn như nhung:

– Cháu giữ tấm da…kỷ niệm của bác đấy nhé!

Rồi quay lại viên phi công ông chìa ra một “can” xăng:

– Xăng đây nhé, dư xài mà, khỏi lo.

Người hoa tiêu cười, nháy mắt về phía ông Cúc:

– Xăng thì bao nhiêu cũng vừa… Mình vừa cạn xong. Cũng may.

Ông Cúc nheo mắt với gã… Kế thực hay, chẳng ai có thể ngờ trong “can” xăng lại có cả chục viên kim cương lậu thuế như vậy.

– Thôi, bây giờ thì…đi.

Vừa nói, ông Cúc vừa vỗ vào lưng Sam-mi lần nữa.

– Tới nghỉ hè… Nếu cháu thích, cứ tới thăm bác, nghe.

Thằng bé nức lên:

– Cháu… Cháu thích lắm chứ. Thế nào cháu cũng tới…

Nó còn muốn nói thêm gì nữa…mà không sao nói lên được… Ngực nó muốn nứt ra… Tâm hồn nhỏ bé của nó đầy ắp cảm tình với núi rừng, với lão Vạn, và nhất là với người thợ săn già đã thương nó như con.

Dì Dao chẳng khác má bao nhiêu, đúng như nó tưởng tượng từ trước tới nay… Có lẽ dì trẻ hơn đôi chút, như vậy là phải. Dì ghì chặt lấy nó, khóc sướt mướt:

– Cháu… Sao cháu tới đây được!

Chính nó cũng tự hỏi như vậy: đoạn đường dài thế, cả bốn ngàn cây số, ít sao!… Vậy mà nó tới được khách sạn của dì Dao, với gói da báo trong tay… Khách sạn trắng xóa, bóng lộn trước mắt nó không còn là một ảo ảnh như lúc mới bước chân đi… Nó cũng không mồ côi nữa: dì Dao góa, lại không có con mà.

Nhưng dì Dao còn dành cho nó một ngạc nhiên thú vị khác nữa… Dì nhẹ nhàng xoa đầu nó:

– Sam-mi…con biết con giàu có lắm không?

Nó ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì.

Dì Dao cười…giống in nụ cười hiền từ của má:

– Dì nhận được thư ông Cúc… Ông hiếm hoi, nên làm chúc thư dành cả gia tài của ông cho con đó… Trên bốn mươi ngàn Anh-kim… Ông còn dặn sẽ đợi con về nghỉ hè, năm tới… Con thích vùng rừng núi đó không?

Sam-mi nghẹn ngào muốn khóc òa lên:

– Ô…Có chứ!… Mà bao giờ nghỉ hè, dì?

Hết

(William Hamilton Canaway, Sammy Going South, 1961)

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2022