Hollywood quỳ gối

Vài năm qua, trái với mong đợi, khi phát triển kinh tế, Trung Quốc không những không học các nước phương Tây và trở nên tự do hơn mà còn ảnh hưởng ngược lại, gây áp lực, tạo hiện tượng tự kiểm duyệt ở các nước dân chủ phương Tây. Trong bài trước, tôi đã viết về NBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia của Mỹ) và hàng loạt các thương hiệu quốc tế đã cúi đầu xin lỗi Trung Quốc và tự kiểm duyệt mình. Trong bài này, tôi sẽ viết về cách Trung Quốc ảnh hưởng và khống chế Hollywood.

Bảo Huân

Vì sao Hollywood cần Trung Quốc?

Năm 2020, tổ chức PEN America ra một báo cáo gọi là “Made in Hollywood, Censored by Beijing” (Làm ở Hollywood, kiểm duyệt bởi Bắc Kinh). Các hãng film Hollywood đều muốn gia nhập thị trường Trung Quốc vì quy mô của nó, và Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, vượt qua Hoa Kỳ. Trung Quốc càng có vị trí quan trọng giữa mùa dịch vì đã trở lại bình thường và mở cửa rạp chiếu film từ khoảng giữa/cuối năm 2020, trong khi nhiều quốc gia khác bị lockdown lâu dài và vẫn còn nhiều hạn chế.

Báo cáo của PEN cho thấy Hollywood vẫn cần thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường Trung Quốc hiện nay không quá cần Hollywood vì điện ảnh Trung Quốc vài năm qua đã phát triển và có thể cạnh tranh với film bom tấn Mỹ. Trong số 25 film đang đoạt doanh thu cao nhất, chỉ có 7 film của Hollywood, và trong số đó chỉ có “Avengers: Endgame” thuộc top 10. Sự thay đổi đó khiến các nhà sản xuất film Hollywood càng ngày càng phải để mắt xem cái gì sẽ thành công ở Trung Quốc và cái gì “có vấn đề”.

Nhưng không chỉ là film. Disney có 47% cổ phần trong Disneyland Thượng Hải, mở năm 2016 và tốn hơn 5.5 tỷ đô xây dựng. 62 Universal Studios trong khi đó định mở một khu nghỉ mát ở Bắc Kinh, bao gồm 2 công viên giải trí, 6 khách sạn, một công viên nước và một khu phức hợp giải trí.

Trung Quốc khống chế như thế nào?

Nỗi sợ chính của các nhà làm film Hollywood là bị đưa vào danh sách đen, bị rút film, bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc, hoặc thấy mọi film mình tham gia đều bị cấm ở Trung Quốc. Một ví dụ là tài tử Richard Gere, bị blacklist vì kêu gọi độc lập cho Tây Tạng. Ðạo diễn Jean Jacques Annaud bị blacklist vì film “Seven Years in Tibet”, nhưng 15 năm sau viết blog xin lỗi về bộ film, khẳng định Tây Tạng thuộc Trung Quốc và nói mình chưa bao giờ kêu gọi Tây Tạng độc lập. Jean Jacques Annaud được đạo diễn một film hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp là “Wolf Totem”.

Khoan nói đến blacklist, Hollywood cũng sợ film bị đình trệ, kéo dài, và mất khách, vì hệ thống kiểm duyệt điện ảnh ở Trung Quốc không chỉ quyết định chấp nhận film nào mà cũng quyết định cho ra lúc nào và như thế nào.

Tự kiểm duyệt

Nỗi sợ bị rút film và blacklist khiến Hollywood tự kiểm duyệt, và từ đó nhà nước Trung Quốc khống chế cách Hollywood thể hiện Trung Quốc và đảng cộng sản trên màn ảnh.

Theo báo cáo của PEN, nhiều film bom tấn Hollywood có một phiên bản thứ hai, phiên bản thay đổi cho thị trường Trung Quốc, như “Mission: Impossible III”, “Casino Royale”, “Skyfall”… Trung Quốc tất nhiên không phải là quốc gia duy nhất có kiểm duyệt film, nhưng khác với các nước độc tài khác, Trung Quốc không cần tự tay cắt xén mà có đủ quyền lực và ảnh hưởng để khiến Hollywood tự kiểm duyệt chính mình. Hollywood nhiều lúc phải có liên lạc gián tiếp tới các cơ quan Trung Quốc để xem cái gì chấp nhận được, cái gì phải cắt đi hoặc sửa chữa.

Hãng Sony cắt xén vài film như “Red Dawn” (2012) và “RoboCop” (2014), và cắt bỏ vài cảnh trong “Pixels” (2015) bao gồm cảnh người ngoài hành tinh đánh sập Vạn Lý Trường Thành vì không muốn đánh liều với hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc. Các cảnh cắt đi của “Pixels” là của phiên bản chiếu trên toàn thế giới nói chung, không chỉ là phiên bản riêng cho thị trường Trung Quốc.

Một ví dụ gần hơn là “Top Gun” (2020), xóa hình cờ Nhật Bản và cờ Ðài Loan trên áo khoác của Tom Cruise.

Các ý tưởng cấm kỵ

Trung Quốc không chỉ có tác động tới film đang làm hoặc đã ra của Hollywood, mà cũng ảnh hưởng tới ý tưởng nào có thể thành film: một số chủ đề cấm kỵ có thể là Ðài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, hoặc tranh chấp biển đảo ở Biển Ðông; Pháp Luân Công; Thiên An Môn; biểu tình Hồng Kông v.v. Các chủ đề này hoặc là không thể đụng tới, hoặc nếu đụng tới thì phải làm việc với nhà nước Trung Quốc và phải thể hiện đảng cộng sản một cách tích cực.

Cách thể hiện Trung Quốc trên màn ảnh

Trong khi rất nhiều film Mỹ lấy bối cảnh Chiến tranh lạnh, thể hiện Nga là kẻ thù hoặc có nhân vật phản diện người Nga, Hollywood phải cẩn thận với cách thể hiện con người, đất nước, và đảng cộng sản Trung Quốc, đặc biệt với những film có hãng film Trung Quốc cộng tác. Chẳng hạn film “Transformers: Age of Extinction” (2014) thể hiện quan chức Mỹ không ra gì nhưng thể hiện các nhân vật người Hoa đầy vị tha, đặc biệt trong cách họ sẵn sàng bảo vệ Hồng Kông khỏi sự tấn công của người ngoài hành tinh (bộ film tung ra giữa Phong trào Dù vàng ở Hồng Kông).

Ngoài ra, film Hollywood có thể thêm vài cảnh hoặc thậm chí đổi toàn bộ bối cảnh sang Trung Quốc, hoặc đưa vào diễn viên Trung Quốc (dù nhiều lúc chỉ cho vào vai phụ, chẳng hạn Trương Tịnh Sơ được quảng cáo là có vai chính trong “Mission: Impossible—Rogue Nation” (2015) nhưng cuối cùng chỉ xuất hiện 40 giây). Hollywood đôi khi còn đi xa hơn và tuyên truyền cho Trung Quốc, như film hoạt hình “Abominable” (2019) của DreamWorks có đường lưỡi bò.

Trường hợp John Cena

Trong năm 2021 có một trường hợp gây chú ý là John Cena. Khi quảng cáo film “Fast and Furious” mới, John Cena “lỡ miệng” nói Ðài Loan là quốc gia đầu tiên sẽ được xem bộ film, và sau đó phải tung ra video xin lỗi, bằng tiếng Hoa. Lời xin lỗi có đoạn như sau (tạm dịch từ bản tiếng Anh): “Tôi đã phạm một sai sót. Bây giờ tôi phải nói một điều rất, rất, rất quan trọng. Tôi yêu quý và tôn trọng đất nước và người dân Trung Quốc. Tôi rất, rất xin lỗi về sai sót của mình. Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, tôi rất xin lỗi. Các bạn phải hiểu rằng tôi thực sự yêu quý, thực sự tôn trọng đất nước và con người Trung Quốc. Tôi xin lỗi.”

Theo một bài viết của Forbes vào tháng 6, bộ film “Fast and Furious” mới có John Cena, tức “F9”, thu được 198 triệu đô chỉ ở Trung Quốc.

Kết

Trong bài này tôi đã viết về cách nhà nước Trung Quốc thao túng và khống chế Hollywood, khiến Hollywood phải tự kiểm duyệt, tự cắt xén, thậm chí góp phần tuyên truyền cho hệ thống và đảng cộng sản Trung Quốc (có thể xem thêm trong báo cáo của PEN America). Trong bài tiếp theo, tôi sẽ viết về cách nhà nước Trung Quốc kiểm duyệt các trường đại học phương Tây.

HDN

Nguồn:

https://pen.org/report/made-in-hollywood-censored-by-beijing/

https://nypost.com/2021/05/25/john-cena-apologizes-in-mandarin-for-calling-taiwan-a-country/

https://www.forbes.com/sites/scottmendelson/2021/06/04/f9-is-about-to-hit-a-major-box-office-milestone-in-china/?sh=3e21b14350f1