Ở Anh tuy không có ngày lễ gọi là Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) như ở Mỹ, nhưng cũng có cái tương tự là Lễ Thu Hoạch (Harvest Festival).

Lễ Thu Hoạch là gì?

Ở Anh Lễ Thu Hoạch được tổ chức vào ngày Chủ Nhật gần nhất harvest moon (tạm dịch trăng thu hoạch), tức là ngày trăng rằm gần nhất với thu phân, thường cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Năm nay Lễ Thu Hoạch rơi vào ngày 4/10. Ðây là cái gần nhất của nước Anh với Lễ Tạ Ơn của Mỹ, dù không quan trọng bằng.

Ngày nay Lễ Thu Hoạch được tổ chức vào ngày cố định nhưng trong quá khứ chuyện ăn mừng thường rơi vào ngày khác nhau, tùy khi nào xong hết mùa vụ. Cả cộng đồng, bao gồm trẻ con, đều phải giúp sức đến cùng vì cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào mùa gặt.

Lịch sử

Chữ “harvest” (thu hoạch) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ chữ tiếng Anh cổ “hærfest” nghĩa là “mùa thu”. Ðây là thời điểm quan trọng nhất trong năm—mùa thu hoạch thịnh vượng có nghĩa là cộng đồng có thức ăn qua mấy tháng mùa Ðông, được mùa hay mất mùa là vấn đề sống chết. Bởi vậy nước Anh, cũng như nhiều quốc gia và cộng đồng trên thế giới, đều có ngày lễ ăn mừng mùa thu hoạch và những truyền thống này ở Anh có thể có từ trước Cơ Ðốc giáo.

Truyền thống ăn mừng Lễ Thu Hoạch trong nhà thờ ở Anh bắt nguồn từ năm 1863, khi mục sư Robert Hawker mời giáo dân tới một bữa ăn tạ ơn ở nhà thờ tại Morwenstow ở Cornwall. Những bài thánh ca như “We plough the fields and scatter”, “Come, ye thankful people, come” hay “All things bright and beautiful” càng làm phổ biến Lễ Thu Hoạch và truyền bá phong tục trang trí nhà thờ bằng sản phẩm cây nhà lá vườn trong thời gian này.

Thu hoạch ở Anh. nguồn: harrisdigital.co.uk 

Chung tay vào ruộng

Mùa thu hoạch bắp trước đây bắt đầu khoảng đầu tháng 8, vài tuần trễ hơn so với sau này.

Vào thế kỷ 19, ở Anh và Wales có khoảng 1 triệu người lao động công nghiệp nhưng vẫn thiếu hụt khi tới mùa gặt, phải lôi kéo thêm tất cả những ai có thể làm thêm như phụ nữ, dân lang thang, gypsies, và dân Ireland. Cũng có người tới từ thị trấn để giúp thêm.

Các loại cây ngũ cốc như lúa mì hay yến mạch vẫn chủ yếu cắt bằng tay vào những năm 1860 dù đã có máy gặt. Trước năm 1863 có rất ít nông dân có máy gặt vì mỗi cái trị giá tới 25 bảng Anh và hầu hết nông dân thấy chẳng đáng khi chỉ dùng khoảng 4 tuần mỗi năm. Dùng người gặt bằng tay vẫn đỡ tốn kém hơn dù phải lo lắng kiếm đủ nhân công.

Nói như thế không có nghĩa là công cụ không thay đổi—các loại lưỡi hái được biến đổi qua thời gian để cắt nhanh hơn, cắt nhiều hơn.

Tuy nhiên tới thập niên 60 của thế kỷ 19, nhu cầu của các ngành công nghiệp làm giảm lượng lao động đó cho đồng ruộng.

Một người lao động nông trại bình thường ở Anh vào thế kỷ 19 được trả khoảng 10-12 shillings mỗi tuần có thể nhận được 1 bảng Anh mỗi tuần mùa thu hoạch, thậm chí đôi khi có thể được tiền thưởng khi kết thúc. Ngoài ra được cung cấp bữa trưa, và được uống bia hoặc cider giữa ngày nóng bức. Những người làm tạm thời, làm theo mùa được trả 12 shillings để cắt và buộc lúa mì cho một mẫu Anh (an acre).

Phát triển công nghệ

Công nghệ phát triển qua thời gian, và tới những năm 1870, nông dân ở Anh bắt đầu thay đổi suy nghĩ về máy móc. Người ta tính toán là với máy gặt, có thể cắt vụ mùa với chi phí bằng một nửa tiền thuê lao động thủ công, và chỉ cần người lái và có thể thêm một người là đủ vận hành nó.

Vẫn còn những việc như cào, xếp… nhưng người nông dân không còn phải phụ thuộc vào người lao động theo mùa và người lao động nhập cư nữa. Cánh đồng gặt trở nên ít nhộn nhịp đông đúc hơn khi máy móc thay người, và các thế hệ tiếp theo của máy gặt đập càng lúc càng giảm nhân công. Mùa thu hoạch ngày nay là một hình ảnh hoàn toàn khác: một khung cảnh trống trải với một người lái máy gặt đập liên hợp, với 2-3 người hỗ trợ bằng máy kéo.

Qua thời gian, khi công nghệ và máy móc phát triển, mùa vụ không còn quá phụ thuộc vào mùa màng và đa phần mọi người không còn tự trồng thức ăn nhưng ăn mừng thu hoạch vẫn là truyền thống ở Anh. Tuy nhiên ý nghĩa của ngày lễ có phần thay đổi, và ngày nay nhà thờ dùng Lễ Thu Hoạch để nói tới vấn đề trồng trọt và thiếu thốn thức ăn ở các nước đang phát triển và người nghèo đói trên thế giới.

Pearly Kings và Queens tại Harvest Festival. Photo: adrianscarbrough.com

Truyền thống lễ ở Anh

Lễ ăn mừng thu hoạch đã có từ trước Cơ Ðốc giáo nhưng nó vẫn được xem là thời điểm thiêng liêng trong năm. Một trong các truyền thống là búp bê ngô/ bắp, được đặt trên bàn tiệc và giữ đến mùa Xuân để cầu cho mùa gặt hái năm sau. Người ta dùng những lọn ngô cuối cùng vì theo truyền thống tin rằng trong đó có thần ngô trú ngụ, là hậu duệ của nữ thần ngũ cốc Ceres của La Mã.

Người Anh kỷ niệm ngày này bằng cách ca hát, cầu nguyện, trang trí nhà thờ bằng trái cây và thực phẩm, và chia sẻ thức ăn với người ít may mắn hơn mình. Các trường học cũng tổ chức Lễ Thu Hoạch theo một kiểu tạ ơn và trả lại với cộng đồng và giúp đỡ người nghèo khó.

Ngoài ra còn có nhiều lễ hội tạ ơn mùa đánh bắt (mùa đánh cá) ở nhiều nơi ở Anh.

Lễ Thu Hoạch mùa Covid-19

Riêng trong năm nay, vì đại dịch, Lễ Thu Hoạch không thể diễn ra như mọi khi. Tuy nhiên các nhà thờ và trường học đã biến đổi và đáp ứng: tổ chức ngoài trời, làm lễ qua mạng, hoặc nếu không thể tổ chức như nhà thờ All Saints ở Underbarrow, thức ăn quyên góp được gửi tới The King’s Food Bank (nơi hỗ trợ lương thực) ở Kendall.

Dù phải đối mặt với đại dịch và bị hạn chế tụ họp, người ta vẫn giữ truyền thống, tạ ơn mùa màng, và giúp đỡ người khốn khó.

DN

Nguồn:

https://www.bbc.co.uk/newsround/54361506

https://www.chardandilminsternews.co.uk/news/18843535.schools-mark-harvest-seasonal-celebrations/

https://www.churchofengland.org/more/media-centre/stories-and-features/innovative-harvest-festivals-planned-amid-covid-19-concerns

https://www.countryfile.com/how-to/food-recipes/british-harvest-how-long-does-the-season-last-when-is-harvest-day-plus-history-and-traditions/

https://www.countryfile.com/news/uks-first-ever-virtual-harvest-festival/

https://en.wikipedia.org/wiki/Harvest_festival

http://projectbritain.com/Harvest.html

https://www.thewestmorlandgazette.co.uk/news/18737748.covid-19-changes-form-harvest-festival-celebration-underbarrow/

https://www.twinkl.co.uk/event/harvest-festival-2020