Ðại dịch không phải là một biến cố xa lạ với con người. Một thế kỷ trước, thế giới cũng trải qua cơn tai biến, đại dịch cúm 1918. Trận đại dịch gieo rắc kinh hoàng, gây tử vong cho trên nửa triệu con người Huê Kỳ và trên 5 triệu người thế giới; những suy sụp về kinh tế tài chánh cũng như các xáo trộn xã hội.
Sau sức khỏe, công ăn việc làm là yếu tố thứ nhì ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống; giáo dục và môi trường sinh sống là những yếu tố quan trọng khác. Trong đại dịch, sau khi dồn mọi nỗ lực vào y tế, chữa trị bệnh tật và phòng ngừa sự lan tràn của trận dịch, nhà cầm quyền bắt đầu lo toan về các vấn nạn kinh tế tài chánh và giáo dục. Không khác chi ngày nay trong đại dịch Covid-19, thủa ấy, việc mở cửa trường học cũng là một đề tài khó khăn gây ra nhiều cuộc thảo luận gay gắt của xã hội trong đại dịch.

Theo tài liệu của bộ Y Tế, nha Y Tế Công Cộng, trong đại dịch cúm, tại hầu hết mọi thành phố lớn, trường học đóng cửa ngoại trừ trường học tại New York, Chicago (tiểu bang Illinois) và New Haven (tiểu bang Connecticut).
Tại ba thành phố kể trên, quyết định của các viên chức y tế dựa trên lập thuyết “học sinh an toàn hơn tại trường học”. Ngày ấy, trong thời kỳ Cấp Tiến, Progressive Era, tiêu chuẩn vệ sinh tại trường học được xem ngang hàng với mục đích giáo dục, tỷ lệ số y tá / số học sinh khá cao; một con số mà ngày nay ta không thể cáng đáng nổi vì quá tốn kém.

Năm 1918, New York có trên một triệu học sinh và 75% số học sinh này sống trong các chung cư chật chội, phần lớn trong tình trạng bẩn thỉu, thiếu vệ sinh theo bản tường trình của Nha Y Tế Công Cộng năm 2010 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2862335/

So sánh hoàn cảnh sinh sống của học sinh với môi trường sinh hoạt giáo dục, các chuyên viên y tế kết luận rằng trường học là một môi trường vệ sinh, thoáng khí nơi thầy cô, y tá, bác sĩ áp dụng những tiêu chuẩn gương mẫu của y tế công cộng.

Theo Bác Sĩ Howard Markel, một sử gia y tế và cũng là sếp lớn của the Center for the History of Medicine tại University of Michigan, một trong những tác giả của bản tường trình kể trên, thành phố New York là nơi chịu trận đại dịch cúm sớm nhất và nặng nề nhất (từa tựa như trận Covid-19 vừa qua). Học sinh rời nhà [bẩn thỉu] đến trường học được hưởng không khí trong lành trong phòng ốc sạch sẽ và nhất là được chăm sóc kỹ lưỡng bởi các chuyên viên y tế.
Bác Sĩ Royal Copeland, Health Commissioner của New York thủa ấy đã áp dụng các tiêu chuẩn y tế chặt chẽ như cấm trẻ em tụ họp bên ngoài cổng trường, phải vào lớp và trình diện với thầy cô, được quan sát xem có triệu chứng cúm nào không; nếu có, đứa trẻ được cách ly. Nếu đứa trẻ lên cơn sốt, nhân viên y tế đưa nó về nhà và đồng thời quan sát hoàn cảnh sinh sống. Nếu tình trạng sinh sống không đủ tiêu chuẩn cách ly và chữa trị; đứa trẻ được đưa vào bệnh viện. Nếu được cách ly và chữa trị chứng cúm tại nhà, đứa trẻ được chuyên viên y tế thăm viếng, theo dõi tại nhà hoàn toàn miễn phí.
Ông Copeland cũng cho rằng trẻ em được chăm sóc bởi chuyên viên y tế tại trường học thì an toàn hơn so với việc ở nhà. Do đó nên mở cửa trường hơn là đóng cửa.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Tương tự như New York, với cùng lập thuyết “tình trạng vệ sinh tại trường học an toàn hơn so với gia đình”, các viên chức y tế tại Chicago cũng mở cửa trường học cho 500 ngàn học sinh đến trường. Lớp học mở cửa sổ cho thoáng khí ngay cả trong những ngày lạnh giá vì các tòa nhà thường “quá nóng” (overheated).

Tuy nhiên, tại những ngôi trường mở cửa, học trò cũng vắng bóng vì cha mẹ chúng giữ con cái ở nhà, lo âu về sự truyền nhiễm của chứng cúm; họ lo âu đến nỗi sự sợ hãi trở thành tên gọi “fluphobia”. Ðại để là dù trường học mở cửa, sinh hoạt giáo dục trong thời đại dịch cúm cũng không khác cho mấy so với những trường học chọn việc đóng cửa!
Dựa trên các dữ kiện được ghi chép, một số sử gia cũng như các chuyên viên y tế ngày nay đồng thuận rằng việc mở cửa trường học tại mấy thành phố lớn là “hợp lý”.

Tuy nhiên, ông Markel và các chuyên gia khác, sau khi thẩm định kỹ lưỡng các tài liệu và bản tường trình của 43 thành phố khác trong thời đại dịch cúm, đã đi đến các kết luận sau  (https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/208354):

– New York “không đến nỗi nào” nhưng cũng không “đứng đầu” về cung cách áp dụng tiêu chuẩn y tế công cộng; Chicago thì “khá hơn” tí ti.

– Những thành phố áp dụng (1) việc cách ly, (2) đóng cửa trường học hoặc (3) nghiêm cấm việc tụ họp đông đảo chốn công cộng là những nơi đạt kết quả an toàn cao nhất.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

– Thành phố nào áp dụng cả ba phương cách [y tế công cộng] kể trên thường chịu ít thiệt hại nhất.

Associated Press 2020

Ngày nay, trong đại dịch Vũ Hán, mỗi tiểu bang trên đất nước Huê Kỳ chọn một con đường riêng. Nơi mở cửa trường học, chỗ lại đóng cửa và chọn cách giảng dạy qua liên mạng. Ta “nhìn” nhưng không “thấy” nhau; ta “nghe” nhưng chưa hẳn là “hiểu” nhau?! Một số trường học chọn cả hai, vừa dùng liên mạng vừa có lớp học với số học trò giới hạn để thầy trò có thể giữ khoảng cách 6 bộ Anh. Hầu hết các chuyên viên giáo dục đều đồng thuận rằng cách giảng dạy qua sự tiếp xúc, mặt đối mặt, thường có kết quả cao nhất chưa kể qua việc giao tiếp hàng ngày, trẻ em học bạn cũng như phát triển tâm tính, cách làm việc, chơi chung với người chung quanh. Theo ý riêng, giảng dạy qua liên mạng không phải là một việc làm lý thú vì ta mất hẳn sự quan sát các cử chỉ khi tiếp xúc với con người trước mặt.
Ðóng cửa trường học trong mùa đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến giáo dục mà còn kéo theo các hệ lụy về kinh tế / tài chánh liên quan đến việc trẻ em đến trường:

Những đứa trẻ có cha mẹ phải ra đường đến chỗ làm kiếm ăn không thể ở nhà một mình. Tùy theo tiểu bang, trẻ em phải đủ một số tuổi nhất định, 12-14 tuổi trở lên, cha mẹ mới được phép để con ở nhà mà không có người lớn trông nom. Các gia đình ấy tùy thuộc vào trường học dạy dỗ và trông nom con cái trong giờ họ làm việc. Khi trường học đóng cửa các phụ huynh biết làm sao khi lương bổng không đủ cáng đáng món lệ phí trông trẻ em? Chưa kể tại một số xóm nghèo, trẻ em không có máy điện toán để dùng hoặc nơi sinh sống không có phương tiện kết nối với liên mạng. Ðây là nhóm phụ huynh cần trường học mở cửa! Và cũng có những nhóm phụ huynh lo âu về bệnh truyền nhiễm nên muốn con cái học tại nhà.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Một vài trường học vừa mở cửa đã phải đóng cửa giải tán học trò, giảng dạy qua liên mạng vì bệnh tật lan tràn khi các bạn trẻ chọn việc tụ họp, ăn uống bất kể luật lệ của trường ốc, North Carolina tại Chapel Hill, Notre Dame và Ðại Học Michigan… là các thí dụ gần gũi nhất. Thật đáng tiếc vì xã hội mất cơ hội tìm hiểu về đại dịch Covid-19: Nếu các bạn trẻ tuân theo luật lệ của trường học như giãn cách, không tụ họp đông đảo và sử dụng mặt nạ khi ra chốn công cộng… thì ta có thể tiếp tục sinh hoạt tương đối bình thường hay không? Câu hỏi này chắc phải chờ ít lâu nữa, sau khi một số đại học mở cửa và được các bạn trẻ tuân theo luật lệ để có thể tiếp tục “sống với đại dịch” trong một thời gian nữa?

Nói chung, dù khác ý kiến về việc mở hay đóng cửa trường học trong thời đại dịch, hầu hết mọi chuyên viên y tế đều đồng thuận rằng Covid-19 khác với cúm. Khoa học hiểu biết khá nhiều về siêu vi khuẩn cúm trước khi đại dịch 1918 khởi phát trong khi coronavirus là loài siêu vi khuẩn khá mới, nhất là Covid-19, ta chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về bệnh tật do Covid-19 gây ra. “Chưa biết” là yếu tố gây lo âu, sợ hãi cho con người nhất là khi các con số về tử vong, thiệt hại gia tăng theo cấp số cộng, và nhất là sau 6-7 tháng oằn mình chịu đựng ta vẫn chưa có một giải pháp an toàn nào để đối phó với siêu vi khuẩn Covid-19 ngoài việc ẩn nhẫn, trốn tránh!

TLL