Tay ôm trái dứa
Lệ ứa hàng hàng
Lúc chưa ăn sao không hỏi
Giờ no kềnh mới bảo nhau…
(Ca… rao hàng)
Báo chí vừa kể chuyện trái dứa có giá bán $395.99, tròm trèm 400 Mỹ kim. Bảng giá ấy khiến bá tánh liên tưởng đến một dĩa caviar độc đáo, chai rượu vang quý hiếm trên du thuyền lắm tiền, nhưng trái dứa? Người đọc tẩn mẩn như Dế Mèn đây bèn chau mày, gãi đầu tự hỏi tại sao thế nhỉ?
Thì ra, giống dứa mới keng đang được đội quảng cáo khua chuông gióng trống rùm trời là “The Red Legend”, chiếc vương miện của loại dứa “Rubyglow”.
Chuyện cây trái Huê Kỳ lên ngôi [kiếm bạc triệu] không phải là chuyện lạ. Khởi đầu là giống táo Honeycrisp, loại nho Cotton Candy, Sumo (một loại trái cây lai giống từ cam, bưởi và quýt), rồi giống dâu mọc thẳng đứng của Nhật Bản… Toàn những thứ mới nghe kể lần đầu, của lạ, được kỹ nghệ quảng cáo đánh bóng kịch liệt “premium fruit”! Bá tánh tò mò nên chịu mở hầu bao mà rinh về ăn thử nhất là khi phải mua bán cầu kỳ, đặt tiền rồi ngồi chờ hàng đến nhà mới được thưởng thức để có chuyện mà kể với bạn bè!
Cư dân Huê Kỳ chuộng trái cây “hạng nhất” từ bao giờ? Khoảng 3 thập niên trước bạn ạ, khi giống táo Honeycrisp được trình làng, khách hàng chưa kén chọn cho lắm. Thủa ấy đi chợ, ta chỉ có Red Delicious, Golden Delicious và thỉnh thoảng McIntosh. Chấm hết. Ăn riết rồi ngán? Thế là trường Khoa Học Canh Nông của University of Minnesota bắt đầu… táy máy theo Giáo Sư Jim Luby, một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã “cấy” được giống táo Honeycrisp; ngọt, giòn và mới lạ! Các chuyên viên ấy phải thử nghiệm nhiều lần, cấy các di thể tạo đặc tính [ưa chuộng như ngọt, giòn, cứng cáp, ít bầm giập…] vào tế bào táo rồi ươm thành cây và trồng trong “nhà vườn” với nhiệt độ và độ ẩm cần thiết để nuôi dưỡng cây non cho đến khi lớn đủ để cho hoa trái. Thử qua thử lại. Thử tới thử lui cho đến khi giống táo mới keng ấy đạt đủ tiêu chuẩn định sẵn. Đủ tiêu chuẩn thì mới mời gọi được khách hàng và buôn bán thành công.
Thành công trong việc cấy trồng [sản xuất] chưa đủ, ta cần phải đưa được sản phẩm kia vào thị trường mà cạnh tranh để dành thị phần thì mới đủ sở hụi, bù đắp công trình tìm kiếm tốn kém trước đó rồi kiếm lợi nhuận. Đưa ra thị trường một món hàng mới là việc làm khá tốn kém, chuyên gia phải thuyết phục nhà vườn trồng cấy giống táo mới, nhà vườn phải thuyết phục các công ty buôn sỉ/lẻ và các nhà buôn kia phải thuyết phục được khách hàng. Giản dị là cuộc đầu tư cần thời gian, tiền bạc và sự may mắn chưa kể sức kiên trì theo đuổi mục đích của người chủ trương. Ăn xổi thì hỏng.
Cho đến khi được trồng cấy khắp nơi, Honeycrisp giữ cúp quán quân táo, giữ giá [cao] khá lâu nhờ bản quyền và quảng cáo ào ào. Sự thành công này trở thành kim chỉ nam cho việc phát triển các giống hoa trái mới, dâu, xoài, bơ…
Câu chuyện của dâu mọc thẳng đứng còn ly kỳ hơn nữa vì bảng giá của nó. Món dâu đặc biệt này được trồng trong nhà kính, mọc thẳng đứng nên đỡ tốn chỗ, nuôi dưỡng theo bài bản để đơm hoa tụ trái. Công ty Oishii bán ra gói dâu vỏn vẹn 8 trái với giá 50 Mỹ kim khi mới xuất hiện vào năm 2018. Tất nhiên là Oishii không chỉ bán dâu mà họ bán cả hình ảnh của một nếp sống sung túc qua cái hộp đựng dâu; mỗi trái dâu được bọc giấy mỏng, trái nào trái nấy đỏ mọng vô cùng ngon mắt, gói ghém cẩn thận như thể món quà quý. Nhờ vậy mà công ty nọ thu hút được khách hàng, họ có cả một danh sách những người xếp hàng chờ đợi, sẵn lòng bỏ ra 50 Mỹ kim mua món dâu quý! Ngày nay thì dâu Oishii được bán lền khên trong chợ với giá 10-14 Mỹ kim/hộp, nhưng vẫn còn đắt hơn dâu xoàng xoàng.
Chuyện táo Honeycrisp, dâu Oishii là chuyện cũ, dứa Rubyglow là chuyện mới. Như tên gọi, trái dứa kia vỏ hồng, rất ngọt theo lời mô tả của báo chí và được bán tại Melissa’s Produce, cửa hàng chuyên bán cây trái hạng nhất.
Rugbyglow do công ty Del Monte sản xuất, họ đã trải qua gần 10 năm tìm kiếm, thử nghiệm để có thể trồng cấy [tại Costa Rica] món dứa mới keng này. Thoạt tiên món hàng nóng phỏng tay được giới thiệu ở bên Tàu và kế đến là tại Huê Kỳ. Hơi lạ vì tình hình kinh tế có phần ảm đạm, giá thực phẩm gia tăng vì lạm phát và bá tánh đang thắt lưng buộc bụng mà trình làng một món thức ăn đắt quá xá là đắt!? Có hợp thời không?
Cung cách làm ăn của Del Monte không khác Oishii cho mấy, cũng gói ghém trong cái hộp thiệt đẹp, bọc vải cẩn thận để mang lại vẻ đắt giá cho món hàng, quà đặc biệt! Và họ nhờ những đầu bếp nổi tiếng rao hàng, trình bày tại các hàng quán đắt khách, đem món dứa kia vào thực đơn “đặc biệt” và chế biến các công thức nấu ăn dùng Pinkglow làm nguyên liệu. Áp dụng đủ mọi phương cách để giới thiệu sản phẩm với khách hàng online và offline!
Theo bà Cindy van Rijswick, chuyên về “sách lược” buôn bán cây trái của công ty Rabobank, khách hàng “đặc biệt” sẵn sàng bỏ tiền để sản phẩm “đặc biệt”, bất kể “đặc biệt” về cái chi! Người sành ăn, người hay tiêu xài và cả người thích trưng bày sự giàu có là những khách hàng dễ thu hút bởi những thứ mới lạ.
Chính tay quảng cáo của Del Monte, bà Melissa Mackay đã khoe rằng Pinkglow là món quà nóng hổi nhất cho ngày lễ Từ Mẫu, cách bày tỏ lòng yêu thương của con cái với bà mẹ nên chịu chi tiền mua trái dứa hồng hồng ngọt ngào thay cho lời tri ân mẹ?!
Bài bản quảng cáo thường dẫn đầu bằng các cửa hàng chuyên buôn bán xa xỉ phẩm [tạo cho khách hàng cảm tưởng giàu sang, rộng tay tiêu xài] sau đó mới từ từ xuống giá để buôn bán rầm rộ hơn với trị giá “thực” của món hàng, định nghĩa bởi người tiêu thụ trung bình. Nhưng cung cách làm ăn của Del Monte khác hẳn với khuôn mẫu kể trên, Pinkglow “ra đời” từ năm 2020, xuất hiện dưới dạng hộp quà với giá 50 Mỹ kim. Không hiểu tại sao vào dịp lễ Từ Mẫu thì món quà kia lại tăng giá theo cấp số nhân như thế?! Quyền lực của quảng cáo quả là đáng nể. Hễ kẻ xướng có micro to là sẽ có người họa rần rần!
Sau ngày lễ thì ta có thể đặt mua Pinkglow qua liên mạng với giá $8-$29, vẫn đắt hơn trái dứa xoàng xoàng vài ba tiền.
Dứa nổi tiếng không phải chỉ một lần mà ngày xa xưa, dứa đã từng lên ngôi ồn ào hơn nữa, “vua trái cây”. Bức họa của Hendrick Danckerts trong thế kỷ XVII mô tả cảnh vua Anh, Charles II, được dâng biếu trái dứa; biểu tượng của sự quý hiếm xa xỉ đương thời được mang về từ Tân Thế Giới xa xôi để tiến vua. Theo tay chép sử của hoàng gia John Evelyn, ông vua nếm món trái cây kia lần đầu năm 1668 trong bữa tiệc khoản đãi đại sứ Pháp.
Cuốn sách “The Pineapple: King of Fruits” của bà Francesca Beauman kể lại rằng trái dứa nọ được rinh về Anh từ thuộc địa Barbados. Thánh kinh cũng như cổ thư Hy Lạp và La Mã không hề đề cập đến dứa nên người Anh tha hồ tạo dựng hình ảnh cao đẹp, phong vương cho dứa mà không ngại “đụng chạm”, và dứa mọc rễ trong văn hóa Anh từ đó. Dứa trở thành biểu tượng của sự sang cả, quý phái trong giới quý tộc, sau vua thì đến quan lại, nhà giàu. Là món hàng nhập cảng đắt giá nên người ta đặt trên bàn mà nhìn ngắm nhiều hơn là đánh chén. Khi khó mua thì trái dứa kia được cho thuê, sau vài ngày trưng bày trong yến tiệc thì trái dứa được trả lại để người giàu có khác thuê tiếp!
Dứa quý giá như thế nên không lạ là nhà vườn bên Anh đã nhiều lần thử trồng cấy nhưng không mấy thành công vì thời tiết không thích hợp, miền đất ấy lạnh và ít nắng nên dứa không sống nổi, ngay cả khi dùng nhà kính dành riêng để nuôi cấy dứa. Phí tổn xây cất và sưởi ấm nhà kính khiến trái dứa có giá thành là 80 bảng Anh tương đương với giá của một chiếc xe ngựa thủa ấy, tính ra là 15 ngàn Mỹ kim ngày nay!
Đặc biệt lắm nên hình ảnh của dứa xuất hiện trên vải vóc, tranh vẽ; được tạc trên cổng St. Paul’s Cathedral, đặt tên cho các địa điểm quý phái như The Pineapple House, tại Dunmore Park, Scotland… Hình tượng dứa vẫn tiếp tục xuất hiện cho đến ngày nay, cúp quần vợt Wimbledon cũng khắc hình trái dứa dù món trái cây ấy đã xuống giá rất nhiều tự những năm 1850!
Tổ tiên của dứa xuất phát từ Châu Mỹ, vùng đất Brazil và Paraguay ngày nay do bộ tộc Mayas và Aztecs cấy trồng từ năm 750 trước Công Nguyên. Họ đặt tên dứa là “nana” hay “trái ngon”. Tên khoa học của dứa là Ananas comosus; tên gọi dân gian ‘pineapple’ nhưng chẳng dính dáng chi đến “pine” (thông) hay “apple”. Thời Trung Cổ, trái cây nào dạng tròn tròn đều được gọi là “apple” và dứa có hình trái thông nên thành tên ‘pineapple’.
Dứa ngon, dứa ngọt nên ta dễ mềm môi mà ăn hoài. Chỉ tiếc là ăn nhiều dứa dễ bị rát lưỡi, cảm giác kim châm ngứa ngáy trên lưỡi không dễ chịu chút nào nên bị cho là “dị ứng”.
Sách vở giải thích rằng dứa chứa hóa chất “raphides” kết tủa thành kim nhọn, chọc thủng màng nhày trong miệng, gây ngứa ngáy. Một hóa chất khác là bromelain, phân hóa tố chuyển hóa chất đạm. Dứa chứa acid cho vị chua, hợp chất acid – bromelain làm tróc lớp màng nhày trong miệng gây ngứa ngáy và đau rát trong miệng.
Khó chịu như thế nhưng dứa lại mang theo nhiều sinh tố, khoáng chất và cả chất chống oxy hóa, antioxidant như các món trái cây tươi khác.
Như thế dứa là thức ăn nuôi dưỡng cơ thể nên có trị giá dinh dưỡng như muôn vàn các thực phẩm trời cho khác, nhưng cái bảng giá ngất ngưởng kia thì sao? Ngẫm nghĩ rồi tự trả lời, caviar, rượu quý hay dứa [và những thứ mới lạ sắp xuất hiện trong tương lai) cũng chỉ là thói quen thích thưởng thức các món quý hiếm, lạ lẫm của trần gian mà thôi. Mai mốt, khi Pinkglow… xuống cấp, chỉ bán với giá cỡ 5 tiền thì Dế Mèn sẽ thử xem món trái cây kia ngon đến đâu và sẽ kể chuyện tiếp về dứa!?
TLL