Khoa học và kỹ thuật đi đôi với nhau nên việc tìm kiếm, học hỏi về thiên nhiên xem ra mỗi ngày một dễ dàng hơn, nhất là ngành sinh học, biology.

Ta hiểu biết nhiều hơn, sâu xa hơn về di tính của sinh vật, từ con người đến cây cỏ, hoa lá. Những kiến thức ấy được các chuyên viên áp dụng vào nhiều môi trường từ y học đến canh nông. Cây lúa, cây gạo đã được tìm hiểu cặn kẽ, giống lúa nào chịu được hạn hán, loài cây trái ít bị sâu bọ quấy rầy, ít bầm giập, dễ tăng trưởng… Từ đó, qua kỹ thuật ghép, sửa di tính, cây cối được cấy trồng thuận lợi hơn, không còn phụ thuộc nặng nề vào thời tiết, thổ nhưỡng.

Lợi ích trước mắt là con người có nhiều thực phẩm hơn nhưng không nhất thiết là các thức ăn ấy giữ được nguyên vẹn hương vị cổ truyền. Thực ra, nhiều món hoa quả đã bị thay đổi hương vị ít nhiều, ấy là loại cây cỏ “sạch” nhà vườn không dùng các loại hóa chất (độc) để bảo trì, để kích thích cho chóng lớn nên dù không ngon miệng nhưng vẫn (tương đối) an toàn về mặt sức khỏe.

Trong số các loài cây ăn trái có mặt hầu như khắp nơi, chuối là giống cây xem ra có di tính thuần nhất, “thuần chủng” ít pha trộn, nhờ kỹ thuật phân tích, ta có thể nhận diện di tính của mỗi giống chuối. Bản chất “thuần nhất” ấy khiến chuối không mấy thay đổi bất kể trồng ở đâu.

Tuy nhiên, di tính thuần nhất lại là điều đi ngược với thiên nhiên. Cây cỏ sinh trưởng, pha trộn (giống) và thay đổi vì gió mưa, thời tiết nóng lạnh, đất đai… theo các vùng môi sinh riêng biệt. Từ đó hoa trái có hương vị khác nhau theo thời gian và không gian. Trái cam California có hương vị khác với cam Florida dù cả hai địa phương đều có những vườn cam mênh mông. Chuối lại khác hẳn và nhờ vậy các công ty lớn trong ngành sản xuất lương thực có thể ăn trùm, độc quyền buôn bán mà không phải trông cậy vào các nhà vườn địa phương cung cấp sản phẩm.

Nông gia, vô tình hay cố ý, từ xa xưa đã áp dụng ít nhiều các kiến thức về di tính: chuối địa phương tự truyền giống, người trồng tha hồ chọn lựa, bụi chuối nào cho trái vừa miệng, ít hột hoặc không hột thì chia rễ, trồng khắp vườn. Nhóm nông gia này được gọi là “proto-farmer”. Chỉ trong vòng vài năm, nhóm nông gia ấy có thể đã gieo giống, “cấy” được giống chuối mang các di tính đặc biệt kia. Cứ như thế, họ tiếp tục cha truyền con nối giữ nghiệp nhà nhưng chỉ trong phạm vi làm ăn nhỏ, có tính cách địa phương.

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Vài ngàn năm sau, trong giai đoạn “Khám phá và Chinh phục”, the Age of Discovery and Conquest, kiểu mẫu trồng tỉa kể trên được truyền đi khắp thế giới. Kết quả là cây trái tăng trưởng và được đem bán khắp nơi, nổi danh nhất là giống chuối “Gros Michel” hay “Big Mike” mà bá tánh ăn thường xuyên ngày nay, hương vị không thay đổi. Kiểu mẫu mà các nhà kinh tế gọi là “predictable uniformity”, tạm hiểu là khi khách hàng “bén” mùi vị thì sẽ tiếp tục mua sản phẩm và đòi hỏi mùi vị tương tự như thế, không mấy khi thay đổi.

Người mua, người tiêu thụ trông cậy vào bản chất “không, hoặc ít thay đổi” của sản phẩm để tiếp tục buôn bán. Nhà sản xuất, hãng xưởng chế biến cũng theo quy tắc này để giữ khách hàng. Tương tự, trong ngành canh nông người mua, người trung gian, người bán đều cũng theo quy luật ấy, từ nông trại đến cửa chợ. Nhà vườn trông chờ vào việc cây cối tăng trưởng theo (đúng) mùa màng và đồng nhất để hoa màu được gặt hái theo thời điểm đã định, vận chuyển theo các quy tắc sẵn có. Các nải chuối trên cây sẽ được hái khi nào để có thể bỏ vào kiện hàng và gửi đi. Chuối hái muộn có thể xanh hoài không chín nên chát lè, chuối sắp chín mới hái thì dễ giập và đen thui khi đến tiệm thực phẩm. Chẳng mấy ai khuân về một nải chuối chín rục hay bầm đen ngoại trừ mấy tay đầu bếp mua chuối chín ngấu (vị ngọt đậm) để giằm nát làm bánh chuối? Nôm na là trái cây phải đủ cả hai tiêu chuẩn ngon mắt và có hương vị quen thuộc thì giữ được khách hàng dù chẳng mấy người mua băn khoăn về xuất xứ (trồng cấy) của nó.

Xem thêm:   Cuối Đông

Nhìn theo cương vị của doanh thương buôn chuối khắp thế giới thì loài cây trái này phải được trồng cấy từ Ecuador, Philippines, Guatemala, Costa Rica, và Colombia. Nghĩa là thời tiết ấm áp, đất rộng và nhân công rẻ nên dễ kiếm lời. Riêng giống chuối Gros Michel cho hoa màu đều đặn, nhìn đẹp mắt và có hương vị quen thuộc nên xếp hàng đầu trong mọi loại chuối để buôn bán. Vỏ chuối dày nên ít bầm giập khi chuyên chở, màu sắc không thay đổi nhanh chóng trên những chuyến hải hành liên lục địa và do đó chuối trở thành món ăn quen thuộc cho những vùng đất ôn đới, khí hậu mát lạnh, không trồng được chuối nhưng vẫn có chuối để ăn đều đều, kể cả những ngày mùa Ðông tháng giá.

Vì những lý do ấy nên United Fruit (Company) chiếm vị thế dẫn đầu trong việc trồng chuối khắp nơi suốt thế kỷ XIX – XX. Cạnh tranh với Gros Michel không phải là một điều dễ dàng vì để chiếm thị trường, giống chuối mới phải ngon hơn, ngon mắt hay ngon miệng hoặc cả hai điều kiện, mới mời gọi được khách hàng.

Nhưng ấy là chuyện ngày trước, chuyện ngày nay thì xem ra đã khác. Tại sao thế nhỉ? Cũng vì việc “di tính thuần nhất” bạn ạ! Sinh vật thay đổi từ từ để thích nghi với môi trường sống và trường tồn theo kiểu mẫu “vỏ quýt dày, móng tay nhọn”. Con người hay cây cỏ cũng thế. Loại sinh vật với di tính “bất biến” (hay thay đổi rất ít) thường dễ bị môi sinh huỷ hoại (bệnh tật) qua thời gian. Chuối là một thí dụ điển hình.

Vào thập niên 20 của thế kỷ trước, sau nhiều năm buôn bán rầm rộ, kỹ nghệ trồng chuối vấp ngã vì hai chủng nấm độc. Một chủng gây chứng Panama, chủng kia gây bệnh “Yellow Sigatoka” cho các rừng chuối. Các trang trại trồng Gros Michel hầu như phá sản trong phần đầu của thế kỷ XX và món chuối vắng bóng trên thị trường. Giống chuối Gros Michel hầu như bị tuyệt chủng trong khi các chuyên viên canh nông ngày đêm tìm kiếm cách cứu vãn. Họ trồng thử các giống chuối khác trong nông trại (thí nghiệm) và sau cùng tìm được giống chuối “con cháu” của Gros Michel, cũng mang nhiều di tính tương tự nhưng có thêm các di tính chống lại bệnh tật, giống Cavendish.

Xem thêm:   Chuyện rau cỏ

Hiện nay, chuối Cavendish đang thống lãnh thị trường chuối quốc tế, một nửa diện tích trồng chuối, khoảng 9 triệu mẫu đất, trên thế giới đang trồng giống chuối này. Tại một vài mảnh đất xa xôi, chưa nhiễm nấm độc thì Gros Michel vẫn sống hùng sống mạnh.

Lịch sử “chuối” tiếp tục lặp lại: chủng nấm độc “black Sigatoka” (bà con với chủng nấm độc “yellow Sigatoka”) bắt đầu tấn công các rừng chuối Cavendish trong khi con cháu nấm độc Panama, nấm Race 1, cũng đã bắt đầu tấn công giống chuối này. Và con người lại ráo riết tìm cách phản công để giữ lại thực phẩm quen thuộc cũ.

Cứ nhìn “lịch sử” biến đổi (evolution) của sinh vật thì ta có thể vỡ ra vài điều: Quan niệm “đẹp”/“ngon” sẽ dẫn con người đến các công trình tìm kiếm, kiểm nghiệm. Cây cỏ cũng như con người đều trải qua các giai đoạn ấy. Chuối, cam, bưởi là các thí dụ thường thấy.

Với con người, khi ta tiếp tục cho rằng răng trắng và đều mới “đẹp” thì các loại thuốc tẩy vẫn bán chạy dù một số thuốc tẩy ấy bào mòn men răng. Răng khập khễnh (răng khểnh hết duyên rồi) sẽ bị các nha sĩ dùng kềm vặn sạch hay dùng niềng sắt để ràng cho thẳng? Da mịn, tóc mượt… là các thí dụ khác khi bá tánh chọn người theo kiểu mẫu định sẵn để truyền giống (như các ca sinh nở/mang thai nhân tạo). Tạm hiểu là con người “lựa chọn” một số di tính ưa chuộng, thay đổi những “thứ” không thích và tìm cách duy trì những di tính được xem là tốt đẹp (như thuần chủng da trắng mắt xanh) nhưng hình như ta quên rằng sự khác biệt về di tính giúp con người trường tồn vì bớt bệnh tật?

Ăn uống, sinh sống in hệt nhau sẽ dẫn đến việc di tính trở nên thuần nhất, qua thời gian? Và khi một căn bệnh dữ xuất hiện, đàn áp được các di tính bất biến thì con người sẽ lao đao khốn khổ?

TLL