Duyên sâu duyên sầu

Dế Mèn đến đây mấy chục lần, quá nhiều lần để đếm; các chi tiết trong mỗi chuyến đi dường như trộn lẫn với nhau, khó lòng tách rời vì cũng những con đường ấy, những buổi mai sương mù, những buổi chiều vàng… nhiều năm rồi vẫn còn tươi rói như mới đây, như hôm nay, cảm xúc vẫn in như thế.

nguồn. polaris-re.com 

Duyên sâu là con đường rất ngắn đi đến duyên sầu, một dấu huyền nhỏ xíu, số hai trên phím chữ theo cách dùng của thảo trình gõ tiếng Việt. Tình ta với đất, với thành phố sâu đậm như thế nhưng vẫn là mối tình sầu vì chẳng được gần nhau. Dế Mèn yêu thành phố này từ lần gặp gỡ đầu tiên, có lẽ vào năm 1987, đến đây học một khóa huấn luyện. Chao ôi thủa ấy, thủa Dế Mèn còn hăm hở đi học đi hành, môn nào chưa biết cũng mày mò đi học thêm chút nữa, cái máu ganh đua nó cứ bừng bừng trong huyết quản. Thủa ấy, H. cũng còn vừa đi học vừa đi làm. Chàng bỏ chương trình kỹ thuật để theo đuổi một ngành khác thích hợp hơn với cá tính khiến cả gia đình đều buồn rầu, lo âu về quyết định của nó. H. đến đây và ở lại thành phố này. Dế Mèn đến thăm em rồi đi, rồi trở lại đầu Ðông nơi công việc làm ăn sinh sống cuốn chặt không rời. Con đường Dế Mèn chọn là con đường nối liền với công việc và bổn phận; bổn phận đối với chính bản thân và gia đình.

Con đường tình ta đi buồn như thế nhưng không kém phần thơ mộng. Dế Mèn đến đây và yêu ngay bờ Thái Bình Dương lồng lộng gió. Cũng một bờ biển nhưng gió San Francisco khác với gió San Diego nhiều lắm, gió ở đây lạnh hơn, sắt se hơn… Ngày đi cứ tẩn mẩn nghĩ thầm sẽ tìm cách dọn về đây để được ngắm hình ảnh mặt trời như trái cầu màu cam đỏ rực rơi từ từ xuống mặt biển ở Lobos Point. Hình ảnh tàn tạ của một ngày thì ở miền đất trời nào cũng có nhưng hình như ở Lobos Point thì cơn hấp hối kia rực rỡ vô cùng, cái rực rỡ của một ngọn đèn cạn dầu bừng lên một vài giây sau cùng trước khi tắt nghỉ. Biển cả còn lưu luyến ánh sáng, những vằn sóng đỏ bầm rồi tím lịm, mãi mới chịu chìm trong bóng tối cuối ngày. Dế Mèn nhớ buổi chiều hôm ấy, rõ ràng như mới hôm qua, hai chị em đứng trên đồi lộng gió, H. quàng vai chị sau khi lôi ra tấm mền rách trong cốp xe biểu phe ta choàng đỡ cho bớt run. Nó nói mặt chị tái xanh, môi tím ngắt… Dế Mèn yêu em, yêu cái săn sóc tỉ mỉ của nó. Trong gia đình bấy nhiêu anh chị em, có lẽ Dế Mèn hợp tính với H. nhất.
Dế Mèn đến đây rồi đi, những hệ lụy của đời sống cuốn chặt, công việc làm và đời sống riêng tư không thuận thảo với một dự tính mơ mộng như việc đặt rễ ở thành phố này. Ấy thế mà cũng hơn 20 năm. Lần này trở lại, nắng vẫn vàng óng và San Francisco vẫn lạnh như ngày nào.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Mỗi lần H. đón ở phi trường, hai chị em Dế Mèn thường đi luôn đến San Jose, ghé nơi buôn bán trên đường Lyons để ăn một bụng mì Quảng, bún ốc và khuân lỉnh kỉnh những món khác rồi mới chịu về. Dế Mèn nhớ cửa tiệm mì Quảng, bán chung với bún bò Huế, bánh bột lọc, bánh nậm ngay cạnh cửa hàng bán món ăn Bắc như bún ốc, bún riêu… H. cũng thích nếm món ăn nên phe ta thường khuân hai ba thứ rồi ăn chung để có thể thưởng thức nhiều món cùng lúc. Quán Ánh Hồng thịt bò bảy món cách đó không xa, phe ta thường rinh về món lá lốt… Hôm nay, H. biểu rằng hình như hàng quán đổi chủ nên thức ăn thay hương vị, không còn thu hút đủ để ta bôn ba đường dài như thủa nọ, nhưng chàng tìm ra một hàng quán khác ngay tại Burlingame, chừng mươi phút từ phi trường, cũng tạm tạm. Quán ăn Tàu nhưng phở và mấy thứ quen thuộc như bún thịt nướng, chả giò thì cũng đặng hương vị Việt. Chủ nhân người Việt gốc Hoa nên giọng nói lơ lớ.

Tác giả trở lại San Francisco thăm nguờ em định cư tại dây

Quán trọ nằm trong trung tâm thương mại Embarcadero, ngay bên bờ sông nước. Dế Mèn trọ ở đây vài lần, lần chót là vào mùa Giáng Sinh năm nọ nên đèn đuốc tưng bừng, ngó qua bên đường là Market Street, con đường dài kéo dài từ bờ sông, vịnh San Francisco đến cuối thành phố. Hôm nào có thời giờ nhiều Dế Mèn sẽ ngồi xe điện lên đồi xuống dốc gặp mặt San Francisco xem đủ ngõ ngách như mọi du khách thay vì tiện chỗ nào thì ngó chỗ ấy, mỗi lúc một mảnh rời của thành phố tùy nơi đang ở trọ.

Chiều Chủ Nhật buổi hội thảo bắt đầu, những con người chịu thương chịu khó tụ họp, gặp gỡ nhau để trình bày các kết quả nghiên cứu của mình. Những người đến từ Ấn Ðộ, Hoa Lục và Âu Châu. Dế Mèn nhìn quanh, họ đi những quãng đường xa gấp mấy lần mà vẫn hân hoan, hào hứng. Sự say mê nào cũng mang đến ít nhiều năng lực, như xăng dầu cần thiết để đưa bộ máy thân thể đến đích. Con người ta sống nhờ những đam mê thích thú, cuộc sống với mục đích có ý nghĩa và đáng sống hơn? Phe ta rùng mình nghĩ đến những câu than thở về sự buồn chán, khoảng không gian thời gian trống rỗng, vô hồn, không biết tiêu xài vào việc gì cho hết, sự trống vắng ấy khủng khiếp biết là chừng nào?!

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Bây giờ Dế Mèn kể chuyện với bạn chút ít về thành phố đang thở nhịp: San Francisco là một trong những thành phố tương đối xưa cũ của Hoa Kỳ. Dấu vết của người Ohlone, Tây Ban Nha và Mễ Tây Cơ rải rác khắp nơi, họ là những cư dân đến đây trước khi quân đội Huê Kỳ cắm cờ đặt rễ vào năm 1846. Phong trào di dân về miền Tây tìm vàng những năm 1849 hình như vẫn còn đậm hơi hướng, cũng cái hăm hở làm giàu thể hiện qua hình ảnh của khu phố tài chánh (financial district) và thung lũng silicone gần đó. Nơi nào cũng hừng hực sức sống như một thanh niên mới lớn khác với không khí mệt mỏi của Paris, thành phố ấy như một ông già đẹp trai hào huê nhưng lờ đờ chậm rãi.

Thành phố trải qua một trận thiên tai khá lớn, cuộc động đất lịch sử ngày 18 tháng Tư, năm 1906, San Francisco bốc cháy và tàn rụi, gần 500 khu phố tan nát. Người thành phố xây dựng lại từ tro tàn, câu nói của Thống Ðốc California thủa ấy là ông George Pardee như câu tiên tri “việc tái tạo San Francisco vừa bắt đầu, thành phố sẽ đẹp hơn và lớn hơn.” Chín năm sau, 1915, Tòa Ðô Chánh mở cửa. Kiến trúc này xây theo kiểu “Beaux Arts”, dựa theo hình thể điện Les Invalides của Paris. Ðây là tòa nhà hành chánh ghi nhận khá nhiều chứng tích lịch sử. Tổng Thống Warren G. Harding qua đời khi thăm viếng năm 1923, xác được quàn ngay tại Tòa Ðô Chánh. Gần đây, Thị Trưởng George Moscone và Giám Sát Harvey Milk bị thảm sát ngay tại văn phòng trong lúc làm việc, xác hai nạn nhân cũng quàn tại Tòa Ðô Chánh để người thành phố thăm viếng. Trung tâm hội thảo được đặt tên Moscone để tưởng niệm ông thị trưởng quá vãng…

Union Square. hình của San Francisco Chronicle

Dế Mèn chụp hình thành phố trên những bước chân lang thang, máy hình là chiếc điện thoại nên San Francisco mờ mờ nhân ảnh, nhìn ngắm qua tài nghệ của phó nhòm hạng bét thì không công bằng với thành phố chút nào nên mang về đây hình ảnh của những người khác, quen và lạ.

Lotta’s Fountain là một di tích cổ xưa nhất của thành phố, từ năm 1875. Ðây là món quà tặng của bà Lotta Crabtree, một nghệ sĩ trình diễn, đàn hát và cả nhảy múa tài danh thủa ấy. Bà ta theo chân cha mẹ đến San Francisco tìm vàng từ thủa thơ ấu, lớn lên và thành danh nhưng vẫn nhớ gốc gác. Khi trận địa chấn chấm dứt, đất đai ngừng run rẩy trước cơn thịnh nộ của ông Tặc Thiên, Lotta’s Fountain là kiến trúc duy nhất đứng vững trong khu phố bao vòng những con đường Market – Geary – Kearny và trở thành điểm hẹn hò của cư dân.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Từ khách sạn, băng qua đường là ta đến bờ sông nước. Ngày trước người ta dùng phà để đến San Francisco và bến tàu lớn nhất là nơi tòa nhà Ferry được xây cất vào năm 1898. Khi cầu Golden Gate (xây xong năm 1937) và Bay Bridge (1936) được dùng để nối thành phố với những vùng đất lân cận thì việc dùng phà để di chuyển bớt phổ thông. Tòa nhà trở nên vắng vẻ vì không còn mấy ai sử dụng. Trận động đất Loma Prieta năm 1989 hủy hoại một số xa lộ và người ta lại dùng phà để di chuyển cho đến ngày nay.

Năm 2003, Ferry Building được sửa sang và giữ vẻ mặt kia đón chào người qua lại cho đến ngày nay. Bên trong tòa nhà là những quán ăn, cửa hàng bán sách vở, cà phê… Nổi tiếng nhất có lẽ là quán Slanted Door, bán thức ăn Việt chế biến theo khẩu vị ngày nay, dùng những gia vị và cách nấu nướng quen thuộc xa cũ nhưng món ăn có hương vị khác rất xa, chỉ có mấy món gỏi cuốn, bì cuốn, bánh mì nóng giòn … là còn chút Sài Gòn. Muốn ăn uống ở đây, ta phải đặt chỗ trước cả tuần, tóm lại là chủ nhân ăn nên làm ra ngay trong buổi kinh tế chiều thu như thế này. Quán ăn có cửa hàng bán thức ăn đem về, Out of the Door, nên phe ta có dịp thử một vài thứ, cái bất tiện lớn nhất là lỉnh kỉnh mang xách về khách sạn dù chỉ băng qua một con đường trước mặt.

Một nơi khác, Union Square, khu phố được đặt tên như thế để kỷ niệm những cuộc biểu tình ủng hộ “Union” trong cuộc nội chiến của HK. Khu công viên dựng một tượng đài có tên “Victory” vào năm 1903, kỷ niệm cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ và Tổng Thống William McKinley. Tượng đài cao 97 bộ Anh, bức tượng một phụ nữ cầm vòng hoa. Người mẫu là bà Alma de Bretteville Spreckels, làm nghề kiểu mẫu khỏa thân và cũng là vợ một thương nhân giàu có nhất của San Francisco, ông Adolph Spreckels. Ngày nay là một quảng trường của thành phố, chung quanh là những cửa tiệm nổi tiếng.

(còn tiếp 2 kỳ)