Tháng Mười năm nay thì niên lịch không còn ghi nhận ngày Columbus và không còn là một dịp nghỉ “lễ” nữa. Người địa phương (ngày trước bị miệt thị là “thổ dân da đỏ”) phản đối suốt mấy chục năm mới thành công. Tôn vinh ông Columbus và cuộc xâm lăng Châu Mỹ là một sự sỉ nhục cho tổ tiên họ. Đang sinh sống trên đất nước thì bị đám người tay súng tay dao kéo đến tàn sát và tròng lên cổ người địa phương [thua trận] cái ách nô lệ. Họ phản đối vì lịch sử méo mó “làm đẹp” cho chuyện ngày xưa dù biết bao nhiêu chi tiết về cuộc xâm lăng [của người Châu Âu] vẫn còn rành rành chưa mất hết dấu vết. Vì yếu [sức] nên yểu [mạng]. Người địa phương thủa ấy đang sống phây phây, đâu cần ai khai phá, dạy dỗ nếp sống văn minh kiểu Âu Châu?

Portrait of Christopher Columbus, 1519. Metropolitan Museum of Art, New York. Artist: Piombo, Sebastiano, del (1485-1547). Heritage Images/Getty Images 

Chuyện ông Columbus “khám phá” ra Châu Mỹ là chuyện khá cũ, lịch sử viết bởi kẻ chiếm đất. Ông ấy được xem như nhà thám hiểm hàng đầu trong sách vở Âu Mỹ. Thế rồi người đời sau cũng tìm ra ít nhiều chi tiết về chuyến vượt biển lạc đường của ông ấy và con cháu kẻ chiếm đất cũng phải nhìn nhận việc làm [bất nhân] của ông cha mà tạ lỗi với người địa phương. Đầu tiên là chấm dứt việc vinh danh kẻ dẫn đầu [dù hoàng gia Tây Ban Nha đứng sau tài trợ, cung cấp tiền bạc, binh lính, thuyền bè…] chuyến “thám hiểm”. Mãi đến năm nay, niên lịch Huê Kỳ mới vắng bóng chữ “Columbus Day” và một vài cuốn lịch đã dùng “Native American Day” để ghi nhận sự hiện diện của “chủ đất” dù rất muộn màng.

Xem thêm:   Tuổi tác & tim mạch

Tất nhiên tại quê nhà xứ Tây Ban Nha bên kia biển rộng, xứ sở ấy vẫn vinh danh ông Columbus. Ông ấy qua đời năm 1506 tại Valladolid, Tây Ban Nha nhưng lại dặn dò con cháu là rinh hài cốt qua đảo Hispaniola, ngày nay là lãnh thổ [chung] của hai quốc gia Dominican Republic và Haiti. Đến năm 1542 thì ông ấy được như ý nguyện, nhưng rồi không hiểu tại sao mồ mả lại bị đào lên để chuyển sang Cuba năm 1795 và sau cùng năm 1898, lại đưa về Seville, Tây Ban Nha đặt trong nhà thờ chính tòa của thành phố.

Có lẽ đây là thành phố đẹp nhất của Tây Ban Nha theo ý riêng, còn giữ được đầy đủ dấu vết của người xưa kể cả kẻ đã một thời chiếm giữ vùng đất ấy. Hồi nẳm Dế Mèn ghé qua có đến nhà thờ và nhìn ngắm mộ [nổi] của Columbus, lần đầu thì vô cửa tự do nhưng lần thứ nhì ghé nhà thờ sau thánh lễ thì phải mua vé đàng hoàng!

Lăng mộ đặt trên bệ cao có những bức tượng “canh gác” chung quanh, cung cách lưu trữ hài cốt ngang hàng với vua chúa thì ta hiểu rằng người Tây Ban Nha nhớ công ơn ông ấy.

Là người dẫn đầu các cuộc khám phá Châu Mỹ của người Âu Châu nên cư dân ở bển có khuynh hướng nhận người sang làm họ. Kẻ nói rằng ông Columbus gốc gác từ Genoa, Ý; người lại cãi là ông ấy là người Hy Lạp, Tây Ban Nha gốc Do Thái, gốc Bồ Đào Nha, hoặc gốc Anh!?

Tranh luận mãi nên sau cùng, người ta lấy ra một mảnh xương từ quan tài tại Seville đem đi thử nghiệm di tính, DNS.

Xem thêm:   Chữ của năm 2024

Theo truyền thống Á Châu, ông Columbus là người bất hạnh, thân xác cứ bị đào xới, cắt cứa lu bù cả mấy trăm năm sau ngày qua đời. Mãi không yên. Nổi danh quá cũng… khổ?

Nhóm chuyên viên Tây Ban Nha, sau 22 năm nghiên cứu, Miguel Lorente, người dẫn đầu chương trình tìm kiếm, so sánh DNA từ hậu duệ, mới công bố kết quả qua chương trình truyền hình “Columbus DNA: The true origin”. Qua DNA của người con trai, ông  Hernando Colón, các di tính của họ tương đồng với nguồn gốc Do Thái.

Trong thế kỷ XV, khoảng 300,000 người Do Thái sinh sống tại Tây Ban Nha cho đến khi triều đại Isabella & Ferdinand ép buộc di dân Do Thái và tín đồ Hồi giáo cải đạo, phải theo Thiên Chúa giáo bằng không chịu trục xuất. Nhóm người “tân tòng” này được gọi “Reyes Catolicos”. Những người Do Thái [từ Tây Ban Nha] tản mát khắp thu được một [bản in] lá thư của ông Columbus gửi cho các chức sắc Ý trong thế kỷ XV. Lá thư này nằm trong bộ sưu tập của Biblioteca Nazionale Marciana tại Venice, Italy; bị đánh cắp trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Lá thư qua tay nhiều người sưu tầm và cuối cùng trong tay của một nhà sưu tầm cổ thư tại Hoa Kỳ. Ông này mua lại lá thư vào năm 2003.

Tháng Bảy năm 2023, đích thân viên chức phụ tá [của Director U.S. Immigration and Customs Enforcement (ICE)], ông Director Patrick J. Lechleitner, đã “khiêng” lá thư qua Rome, hoàn trả chính phủ Ý theo thỏa thuận quốc tế, không giữ vật [bị] đánh cắp. Của Cesar sẽ trở về với Cesar. Theo ông Lechleitner, trong mấy chục năm qua, đây là lần thứ tư Hoa Kỳ tịch thu được các bản in của lá thư đã bị đánh cắp. Các bản in khác đã được hoàn trả thư khố Vatican City năm 2018, thư viện của thành phố Florence, Ý và Library of Catalonia, Tây Ban Nha.

Xem thêm:   Cây đứt rễ

Lá thư viết bằng chữ La Tinh năm 1493, là một trong 30 lá thư còn sót lại của ông Columbus gửi vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella (hoàng gia Tây Ban Nha) kể chuyện khám phá đất mới. Đây là bản in Plannck I edition, theo tên gọi của nhà in nổi danh Stephan Plannck người đã phát hành hai bản in của lá thư [gốc] trên 500 năm về trước. Cổ thư và phó bản rất quý hiếm, được sử gia và những người sưu tầm tìm kiếm nên thường bị đánh cắp [để bán buôn]. Bản in kể trên trị giá khoảng 1.3 triệu Mỹ kim.

Những “cái quạt” (fan) xem ra bị thu hút mạnh mẽ bởi người nổi tiếng, bất kể tiếng thơm hay tiếng không thơm, rồi mày mò tìm kiếm cũng như thu nhặt di vật liên quan đến người nổi tiếng nọ. Ông cụ Columbus cũng không ngoại lệ, mồ mả bị đào xới, di hài bị cưa cắt săm soi, vật dụng cá nhân bị [được] truyền tay, con cháu được phỏng vấn [hay bị căn vặn?] đến nơi đến chốn để tìm ngọn ngành mà viết thành lịch sử và những câu chuyện bên lề.

Phe ta cũng là người khá tò mò, khách hàng của những câu chuyện lịch sử, đã tiếp tay phần nào cho những … đào xới kể trên nên có chút áy náy!? Các câu chuyện lịch sử về thổ dân Châu Mỹ từ những chuyến đi Peru, Guatemala, El Salvador, Berlitz, Honduras xem ra vẫn chưa đủ … cân bằng?

TLL