Không phải tự nhiên mà thượng đế tạo ra con người có hai phái tính khác nhau. Bởi vì mỗi phái có ưu thế riêng cho mỗi loại công việc: đàn ông làm việc của đàn ông, đàn bà làm việc của đàn bà. Tuy nhiên cũng có người làm được công việc của cả hai phái, nhưng số này rất ít.

Năm nay là năm con chó, tục ngữ mình có câu không có chó bắt mèo. Ý nói chuyện dùng tạm “tréo ngoe”. Vì tréo ngoe nên đưa tới chuyện “tréo cẳng ngỗng” là lẽ đương nhiên.

Có khi nào quý vị “giận hết sức” nghẹn ngào muốn khóc, khi đi làm về nồi phở nghi ngút khói, công lao chăm chút  nồi phở để cuối tuần con ở trong nội trú về ăn. Sáng nay trước khi đi làm, soạn đủ thứ gia vị mới thấy thiếu ngò. Dặn ông chồng rất ngọt ngào, chạy ra chợ mua giùm em bó ngò.

Bây giờ thì bó lá trong tay, mà trong đầu gào lên “Thiệt là không có chó bắt mèo”. Ông chồng thấy bà vợ đứng im, là biết có chuyện. Ông chạy lại, bà vợ quăng bó lá lên bàn, nói cộc lốc: không phải ngò, lá to quá, ngò rí lá nhỏ, đây là parsley dùng làm bánh mì garlic.

Ông chồng phân bua: tại anh thấy loại lá nhỏ trông hơi úa. Trong khi phía bên này lá xanh mướt (mầu đậm), anh nghĩ tươi hơn. Chán nản chẳng muốn đôi co, nhưng tiếc tiền vẫn hỏi lại một câu: lấy làm chi tới 2 bó to thế này? Thì chỉ có 1 đồng/một bó thôi mà.

Ðúng rồi, chỉ có 1 đồng, nhưng nồi phở không xài hết 50 xu (nửa bó ngò còn lại, dùng paper towel bọc kỹ cho lâu hư, để dành dùng lúc khác).

xai-do-di-ma

Bảo Huân

Không có chó bắt mèo là nói tắt cho lịch sự, chứ nhiều khi tức quá muốn gào đầy đủ nguyên câu: “Trời ơi! Không có chó bắt mèo ăn … ”. Lỡ thiếu chút gì, nhờ chồng nhờ con, coi như “nhất chín nhì bù”, thỉnh thoảng mới trúng một lần. Kêu mua nước mắm 3 con cua, thì mang về 3 con tôm. Nhờ mua mắm tôm ăn bún riêu, thì mang về mắm ruốc nấu bún bò. Dĩ nhiên “du di”  thì xài tạm, chứ mắm ruốc để nấu, ăn sống thấy kỳ kỳ. Có điều parsley mà thế ngò ăn phở là chắc chắn không được rồi, chẳng thà không dùng còn hơn làm mất mùi phở. Món ăn VN có mùi vị đặc trưng do gia vị khác nhau, không thể dùng lẫn lộn. Bởi vậy ngày xưa  có câu ca dao cho mấy bà nội trợ dễ nhớ:

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Con gà cục tác lá chanh/ con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ con chó khóc đứng khóc ngồi/ bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.

Thật sự ra tội mua lầm không làm cho mấy bà giận, chính cái tội làm phí tiền mới gây bực bội cho mấy bà, shopping bao nhiêu không tiếc, nhưng mất vài đồng bạc là mấy bà khó chịu (tội không nghe lời), thiệt là không công bằng cho mấy ông chút nào.

Ðàn ông luôn luôn tỏ ra hào phóng, khi vợ nhờ mua 1 đồng hành, thì phải lấy thêm vài thứ khác, còn hành cũng phải lấy hơn số tiền đã dặn. Hỏi tại sao phải mua thêm những thứ không cần thiết, thì nói trả 1 đồng thấy kỳ quá.

Phải rồi, không phải tự nhiên các cụ gọi người chi tiêu tính toán mọi thứ trong gia đình, là “tay hòm chìa khóa”. Chìa khóa để khóa chặt cái két (hòm) tiền.

Mấy bà hà tiện thì không sao, mấy ông hà tiện bị mỉa mai “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Các ông nào có biết, chỗ này 1 đồng, chỗ kia 50 xu, lương của cả hai đâu có bao nhiêu. Nhưng nhờ ky cóp nên người Việt thường mua nhà và trả hết trước khi về hưu. Trong khi dân Mỹ dù biết câu thuê nhà là “quăng tiền qua cửa sổ”, họ vẫn “xài như Mỹ”, suốt đời đi ở thuê.

Năng nhặt chặt bị, mấy ông nào có biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu, nên thường cằn nhằn chuyện mua bán. Có lần tôi đã bật cười khi gặp cậu em ở cửa chợ. Cậu xách cái túi thức ăn vừa mua xong, rên rỉ: không biết về có bị la không? Cậu dùng chữ “la” như kiểu mẹ la con, làm tôi phá lên cười.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Bản thân tôi cũng chẳng thích đi chợ với cái nửa kia của mình, vì không muốn thấy bộ mặt nhăn nhó nhìn theo khi mình bước vô quầy hàng “mark down” tức là hàng cũ ngày hôm trước.

Những thứ của ngày hôm trước, bán nửa giá như bánh mì, rau quả  cà chua, broccoli có hơi xấu chút đỉnh chứ không phải đã hư thối. Vả lại một tuần mới đi chợ một lần, mua hôm nay, cuối tuần mới ăn, coi như tự mình mark down rồi.

Cái sĩ diện của ông chồng mà tôi gọi là sĩ diện hão là nguyên nhân gây gổ, tôi cho rằng đó là loại tự ti mặc cảm thường thấy ở nhiều người mới qua.

Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện. Ðể tránh cho ổng khỏi áy náy ngó chừng khi thấy tôi săm soi ở quầy giảm giá (như thể mình làm điều kỳ cục), khỏi đi chợ chung là xong.

Ngay cả chuyện xài coupon ổng cũng ngại ngần khi đưa cho người tính tiền, dù coupon 50 xu, nhưng nhiều cái 50 xu gom lại, mỗi lần đi chợ hà tiện cả chục đồng, bằng mấy gallons xăng. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn, cha ông ta vẫn thường dạy dỗ con cháu, như người Mỹ cũng nói “Saving for the rainy days” không bao giờ sai.

Chuyện hà tiện còn bị mang tiếng bủn xỉn, vì có lần tôi nghe ổng nói với con: mẹ mày có 99 đồng, ráng kiếm thêm 1đồng, đổi tờ giấy trăm, bỏ vô tủ, khóa lại.

Mua thực phẩm thì chê bai mua đồ rẻ, chăm lo y phục cho cũng bị than phiền kềm kẹp không có quyền lựa chọn cho mình. Thật là oan ức cho mấy bà (cũng có chút độc tài), nào ai muốn ôm đồm, chẳng qua sự hiểu biết về áo quần của mấy ổng rất hạn hẹp, chỉ biết vỏn vẹn waist, length cho quần. Áo thì S,M,L,XL, không hề biết fit, slim, husky, khác nhau tùy theo vóc dáng.

Nhiều khi tự ái nổi lên, ổng phăm phăm lén đi mua một mình, hí hửng chọn được màu ưng ý. Hỡi ơi ông nào có biết có bao nhiêu chữ để chọn quần: carpenter, straight leg.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Người đã nhỏ con, mặc cái quần rộng (đùi) lùng bùng, trông như anh hề. Xấu chàng hổ ai, tiếc của nên chiến tranh xảy ra. Bởi vậy mấy ông đừng bao giờ đòi quyền ăn mặc theo ý mình, phục tùng theo ý mấy bả là yên nhà yên cửa.

Thật sự ra mấy bà vợ chỉ cằn nhằn chồng và lũ con khi chúng còn nhỏ. Lúc học xong đi làm có tiền là chúng sống theo ý chúng. Kiếm được bao nhiêu xài sạch bách, nhiều khi còn nợ credit card ngập đầu. Nếu có cằn nhằn “Bóc ngắn cắn dài” không biết dành dụm lỡ thất nghiệp, thì chúng nói “Cửa này đóng có cửa khác mở! ”.

Quý vị có biết châm ngôn mà đám thanh niên nam nữ truyền tai nhau không?

If you obey all the rules you will miss all the fun.

Ði chợ mình ên, nhưng mua sắm quần áo phải đi chung cho chắc ăn khỏi mua lầm. Có điều cũng phải “mánh mánh” lái qua mấy nhãn hiệu vừa với túi tiền.

Bây giờ tới lượt mấy bà. Có một lần tôi muốn khóc khi không thể xoay chìa khóa nổ máy xe, gọi cầu cứu, ổng bảo: em cứ lắc lắc cái volant. Anh ơi! lắc cái gì? Chỉ có cái đầu em lắc thôi. Ông chồng kêu trời: sao con vợ tôi ngu quá.

Chưa hết, một ngày kia ổng vắng nhà, nửa đêm tự dưng cái còi xe cứ rú lên từng chập. Trong đêm tối âm u, tiếng còi xe làm phiền hàng xóm. Lại gọi: Làm sao? Mở cọc bình ra. Hu hu cọc bình là cái gì? Ở đâu? Không dám đâu, lỡ nó nổ làm sao?

Nơi đầu dây bên kia, có người lẩm bẩm:Vậy mà lúc nào cũng nghĩ thông minh lắm, cúp điện thì mọi thứ tê liệt, còi cũng câm luôn. Thay vì chửi ngu, ổng buông: “Bình thường bà khôn lắm mà”.

Năm nay là năm con chó, đừng để mang tiếng cãi nhau như chó với mèo. Người ta đã năn nỉ “xài đỡ đi mà”, thì mình cũng vui vẻ cho êm nhà êm cửa.

Không có chó bắt mèo. Tiếng Mỹ có một câu rất dễ thương: It’s OK. OK.

LtM