Tiếng Việt hiện nay đang bị dùng sai, không chỉ trong giới trẻ mà ngay cả trên phương tiện truyền thông cũng tiếp tay truyền bá cái sai đó. Một điều đáng lo lắng là chẳng cơ quan nào có trách nhiệm lên tiếng. Trong khi đó, hằng ngày giới trẻ – và không ít người làm việc liên quan đến chữ nghĩa – vẫn tiếp tục sử dụng. Điều đó, khiến tiếng Việt dần mất đi sự phong phú, trong sáng.

Bài viết về tiếng Việt hiện nay của tác giả HAI QUÊ mặc dù chỉ đề cập việc sử dụng của giới trẻ và trên mạng xã hội nhưng đã thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho tương lai tiếng Việt.

TRẺ hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.

Bảo Huân

Kỳ 1

Cách ví von và từ Hán Việt mới

CÁCH VÍ VON MỚI

Hôm nào cơm có món ngon, bố lại reo: “Ðời đẹp như mơ ”. Thấy Hai Quê kém hăng hái thì mẹ hỏi han: “Làm gì lừ đừ như ông từ vào đền vậy con?”. Những khi nghe bọn công an, dân phòng lăng xăng, ồn ào ngoài ngõ, anh càu nhàu: “Bắng nhắng như nhặng vào cầu tiêu!”… Nóng như lửa, lạnh như băng, đắt như vàng, rẻ như bèo, hiền như bụt, dữ như chằn, tươi như hoa, dễ như bỡn, vui như Tết… Nhỏ lớn, Hai Quê nghe quen tai những ví von đầy hình ảnh như vậy.

Gần đây, nói chuyện với người trong nước hoặc xem youtube, đọc báo, status, comment trên các mạng xã hội, Hai Quê bắt gặp những ví von rất mới lạ như thế này: Chuyện nhỏ như con thỏ, chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, ngốc như con ốc, láo như con cáo, thô bỉ như con khỉ, phê như con tê tê, chảnh như con cá cảnh, dã man như con ngan, lạnh lùng con thạch sùng, hú hồn con chồn

Ðấy là nhóm thứ nhất, lấy thú vật ra so sánh. Nhóm thứ nhì ví von với hoa quả: Ðuối như trái chuối, tào lao bí đao, từa lưa hột dưa, ngon lành cành đào…

Nhóm thứ ba có: Hồn nhiên như cô tiên, bình thường như cân đường hộp sữa, bá đạo trên từng hạt gạo, tuyệt vời ông mặt trời… tức là dùng vật dụng và thiên nhiên để ví von.

Nhóm thứ tư đem tên người nổi tiếng ra so sánh: Chuẩn như Lê Duẩn, hăng như Ðinh La Thăng

Cả bốn nhóm đều có một quy tắc duy nhất là dùng từ cùng âm để hiệp vần, nghe cho dễ nhớ chứ tuyệt nhiên không so sánh tượng hình hay dùng nghĩa bóng nghĩa gió chi cả. Lối nói ví này mới nghe thấy lạ tai và ấu trĩ đến phải bật cười, nghe riết cười ra nước mắt vì nó khiến tiếng Việt nghèo như con mèo!

Sướng như tiên tuy không có vần điệu gì nhưng ai cũng hiểu vì tiên có phép thần thông, bay lượn trên không và sống cõi trời nên sướng là phải; còn hồn nhiên như cô tiên thì chỉ có cái vần “iên” là được việc chứ chả thể nào hiểu tại sao cô tiên lại hồn nhiên? Hồn nhiên như người điên, may ra vì người tỉnh thời buổi này ít ai hồn nhiên lắm !

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Ý nghĩ tiếp theo của Hai Quê: Việc đem tên các lãnh đạo cao cấp của Ðảng ra đùa giỡn là một chuyện hết sức chịu chơi trong bối cảnh chính trị “độc tài nho giáo” ở Việt Nam. Ðinh La Thăng là một lãnh đạo ngã ngựa, đang từ quan lớn (Ủy viên bộ chính trị kiêm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) biến thành quan tham, bị kết án 30 năm tù; đem Thăng ra đùa cợt, chẳng đồng chí nào thèm bênh là lẽ thường tình. Ðằng này Lê Duẩn, tuy đã chầu trời từ lâu, vẫn là một trong các cựu tổng bí thư, lãnh đạo hàng đầu của Ðảng Cộng Sản, nhân dân được dạy phải đời đời nhớ ơn, đem tên Duẩn ra để ví vì nó nhịp với chữ chuẩn, dù chuẩn có nghĩa là đạt tiêu chuẩn, tức có ý khen nhưng vẫn là đem bề trên ra giỡn hớt mà cũng chẳng hề hấn gì với công an mạng lẫn công an đường phố. Cứ cái đà này, có khi nay mai Bác cũng sẽ được đem ra ví. Chỉ là, không biết tính từ nào sẽ được dùng cho ăn vần với Bác đây?

NHỮNG TỪ HÁN VIỆT VONG NÔ

Phim Hàn Quốc, Trung Quốc mươi, mười lăm năm trở lại đây đường bệ lên ngôi ở Việt Nam, không chỉ đè bẹp phim Việt mà còn lấn lướt phim Hollywood, tạo ảnh hưởng lớn đến độ đẻ ra một mớ từ vựng mới, nhởn nhơ bay lượn chung quanh hai “từ trường” này. Những từ vựng thường thấy mà Hai Quê liệt kê sau đây, nếu bạn đọc hiểu hết có nghĩa là mức độ cập nhật tiếng Việt hiện đại của bạn quá siêu. Riêng Hai Quê thì “dân ta chẳng hiểu tiếng ta, cho nên cứ phải đi tra Gu-Gồ”.  Cơ mà phải thăm ông Google mấy vòng mới thốt được ba chữ “À, ra thế !”: Tổng tài, chị đại, soái ca, ngự tỷ, tra nam, tra nữ, trạch nam, trạch nữ, bạch nữ, sắc nữ, nam thần, phong sát, hủy dung, hắc hóa, cẩu lương, đam mỹ … Ðể độc giả nào đọc tới đâu ngẩn người tới đó khỏi mất thời giờ đi tra hỏi Gu-Gồ, Hai Quê xin chia sẻ những giải thích đã tìm hiểu được:

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Tổng tài: người đứng đầu công ty, tập đoàn, tổ chức (CEO, Boss)

Chị đại: người nữ sáng giá nhất trong một lãnh vực nào đó, thường là lãnh vực nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu v.v. Ví dụ, trước 75, Kim Cương được mệnh danh là Kỳ nữ kịch nói thì bây giờ sẽ được gọi là “Chị đại Kim Cương”. Danh ca Khánh Ly sẽ được gọi là “Chị đại Khánh Ly”.

Nam thần: người điển trai, tài giỏi, tỏa sáng

Soái ca: đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi

Ngự tỷ:  người con gái hoàn hảo

Tra nam / Tra nữ: người đàn ông / đàn bà xấu xa, suy đồi, hư hỏng, đáng ghét

Trạch nam / Trạch nữ: người nam / nữ thích sống khép kín, ẩn dật, nhất là những thanh niên thiếu nữ ưa ở lì trong phòng xem truyện, coi phim, chơi games v.v. hơn là ra ngoài chơi

Bạch nữ: cô gái thích tiểu thuyết bách hợp (bách hợp ở đây có nghĩa là tình yêu lesbian, nữ-nữ)

Ðam mỹ: boy’s love, tình yêu trai-trai, trong đó Công thủ vai chồng (tấn công) và Thụ thủ vai vợ (thụ nhận)

Sắc nữ: người (nữ) mê trai

Hủy dung: hủy bỏ nhan sắc

Hắc hóa: đầu phim là người tốt, dần dần lộ mặt hoặc chuyển thành người xấu

Cẩu lương: cơm chó, ý nói  puppy love, cử chỉ âu yếm, quấn quít nhau của một cặp đang yêu

Biến thái: dê xồm, dâm dật (biến thái đúng nghĩa là thay đổi hình thái sinh học, nhưng khi  phim Tàu được dịch qua tiếng Việt, lại mang nghĩa hoàn toàn khác như thế. Bạn đọc nào xem phim Tàu nhiều ắt đã thấy cảnh khi bị dê, nạn nhân thường mắng ầm lên: «Cái đồ biến thái!»)

Phong sát: phong tỏa và bao vây, ý nói việc «treo giò», không cho nghệ sĩ được diễn vì người này lỡ vướng xì căng đan hay có lỗi với đạo diễn…

Người biểu tình hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Ảnh VOA, 26/06/2014

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”  đã qua từ lâu, độc lập đánh đổi bằng xương máu của tổ tiên bao đời nhưng chỉ là độc lập trên giấy. Người Việt không có cách gì xóa bỏ ngàn năm nô lệ ấy vì bao nhiêu phong tục, tập quán, nếp ăn, nếp nghĩ và nhất là ngôn ngữ đều mang đậm hương vị nhà bên mất rồi.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Thời gian bài Trung, thoát Trung sôi sục, bà con tìm cách dùng từ thuần Việt mãi không xong vì văn hóa đại bang kia đã thấm quá sâu vào xương tủy tiểu quốc. Chỉ nói riêng chuyện cái tên thôi đã chịu thua ngay. Ðếm thử xem một xóm khoảng mười nhà, một nhà khoảng bốn người, được bao nhiêu người tên Nước, tên Rồng, tên Gió, tên Biển, tên Núi, tên Ðá, tên Rừng, tên Mây, tên Mưa, tên Trăng, tên Ðẹp, tên Tốt, tên Sáng, tên Ðược, tên Giàu, tên Tim, tên Yêu… ? Và bao nhiêu người tên Quốc, tên Long, tên Phong, tên Hải, tên Sơn, tên Thạch, tên Lâm, tên Vân, tên Vũ, tên Nguyệt, tên Kiều, tên Hảo, tên Quang, tên Ðạt, tên Phú, tên Tâm, tên Ái… ? Thêm tên lót vào nữa thì chuyện thuần Việt chỉ là mơ thôi: Ái Quốc, Bạch Long, Huyền Phong, Phúc Hải, Thái Sơn, Bảo Thạch, Tùng Lâm, Thúy Vân, Tuấn Vũ, Minh Nguyệt, Thúy Kiều, Vĩnh Hảo, Ðại Quang, Gia Ðạt, Thiên Phú, Minh Tâm, Nhân Ái…  Chỉ có thể lấy cái tâm chống Tàu làm an ủi!

Thế nhưng, giờ đây, đọc báo và nghe người trong nước nói chuyện, kể cả những MC được công chúng yêu thích, thấy họ dùng trơn miệng, viết trơn tay nhiều từ Hán Việt rất mới đối với Hai Quê, thật không hiểu tại sao cần phải làm như vậy trong khi ta đã có sẵn những từ ấy. Ví dụ, nội y thay vì đồ lót, dưỡng nhan thay vì chăm sóc sắc đẹp (canh dưỡng nhan, chè dưỡng nhan), mãn nhãn thay vì đã mắt, truyện ngôn tình thay vì truyện tình cảm ướt át, hôn trường thay vì nơi diễn ra đám cưới…

Phải chăng, trước khi Tàu hoàn tất tham vọng biến ta thành đặc khu hành chính Trung Quốc thứ nhì sau Hồng Kông thì ta đã tự nguyện hiến thân bằng cách cày phim Tàu mê mệt, xổ tiếng Hán Việt đời mới hồn nhiên… “như cô tiên”? Chẳng những quên khuấy việc bài Trung mà còn nạp Trung vô điều kiện. Vậy “Tùng Của” không cần phải dàn trận trên biển Ðông làm chi cho mệt, vừa hao phí vừa mang tiếng bành trướng xâm lược, chỉ cần “vào dần” bằng cách đưa thật nhiều phim lồng tiếng, phim thuyết minh, cả giọng nam lẫn giọng bắc lên ti vi và Youtube cho dân Việt xem đến độ “phê như con tê tê”, bảo đảm chẳng chóng thì chầy, khỏi uýnh cũng thắng.

(còn tiếp 2 kỳ)