Tiếng Việt hiện nay đang bị dùng sai, không chỉ trong giới trẻ mà ngay cả trên phương tiện truyền thông cũng tiếp tay truyền bá cái sai đó. Một điều đáng lo lắng là chẳng cơ quan nào có trách nhiệm lên tiếng. Trong khi đó, hằng ngày giới trẻ – và không ít người làm việc liên quan đến chữ nghĩa – vẫn tiếp tục sử dụng. Điều đó, khiến tiếng Việt dần mất đi sự phong phú, trong sáng.

Bài viết về tiếng Việt hiện nay của tác giả HAI QUÊ mặc dù chỉ đề cập việc sử dụng của giới trẻ và trên mạng xã hội nhưng đã thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho tương lai tiếng Việt.

TRẺ hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.

Bảo Huân

Kỳ 2

Tiếng việt: những biến thể mới

LÚC THỪA LÚC THIẾU

Hiện tượng cắt bỏ từ phức (từ có hai âm vận trở lên, ví dụ: hóm hỉnh, lẩm cẩm, câu lạc bộ) để biến chúng thành từ đơn (một âm vận, ví dụ: vui, già, chơi) xuất hiện nhiều năm nay, không rõ vì đời sống ngày càng vội vã, phải ngắn gọn tối đa để tiết kiệm thời giờ vàng bạc hay chỉ là nhu cầu tạo ra kiểu cách mới lạ cho nó “ấn tượng”. Ví dụ:

Như thế này bị cắt thành “như này”: Như này mà bảo không đắt là điêu!

Như thế kia bị cắt thành “như kia”: Ðã bảo phải làm như kia cơ mà!

Phẩm chất bị cắt thành “chất”: Cái kính mát này chất đấy, mua đi!

Vất vả bị cắt thành “vất”: Việc cháu làm lương cao nhưng vất lắm, bác ạ!

Cực chất: thay vì rất hay, rất đẹp, rất tốt: Nữ hoàng nội y tung loạt ảnh mới cực chất!

Khủng khiếp bị cắt thành “khủng”: Siêu mẫu chân dài tới nách lấy đại gia giàu khủng!

Ra phết bị cắt thành “phết”: Bảo đảm ngon phết!

Nữ chính thay vì nữ diễn viên chính; nam phụ thay vì nam diễn viên phụ; sau sinh thay vì sau khi sinh; cưng xỉu thay vì nhìn dễ thương muốn xỉu…

Xem thêm:   Tự tin

Cắt thẳng tay để rồi lại đi nhét vô tội vạ đầu thừa đuôi thẹo vào nơi không cần thiết. Lạ kỳ nhất là chữ H câm, vốn là một cục xương khó nuốt trong tiếng Pháp. Nó đứng chình ình đó nhưng phải lờ nó đi. Ví dụ: Haricot (đậu), viết có chữ H nhưng phát âm là [A-ri-cô], Héro (anh hùng), viết có H nhưng phát âm là [Ê-rô], v.v. Người nước ngoài học tiếng Pháp nhức đầu, mỏi miệng đã đành, chính người Pháp cũng lúng túng khi học tiếng nước ngoài vì họ có quá nhiều từ chứa H câm nên khi học tiếng Anh chẳng hạn, họ giữ thói quen không phát âm chữ H, đâm ra, người nghe thường xuyên bị chói tai với: “El-lô” (Hello), “Éd-en-shau-đơ” (Head and Shoulder) v.v. Ðó là vấn đề của người Pháp. Người Việt ta không bị H câm làm khổ thế nhưng nhiều người lại tự đi chuốc H vào thân lãng nhách thế này: “Vâng ạh”!

Nói chuyện thừa mứa, còn có: “Vui lắm luôn!” thay vì “Vui lắm!”; “Hơi bị”: “Món này hơi bị ngon”, “Truyện này hơi bị hay” thay vì “Món này ngon”, “Truyện này hay”.

BIẾN THỂ

Thật ra, việc thay hình đổi dạng một từ không phải bây giờ mới có, chúng ta đã quen với những từ “hông, hôn” thay vì không: Hiểu hôn? Chịu hông? “Chít” thay vì chết, “Ui” thay vì ơi… Nhưng dạo sau này, tình trạng các từ bị biến thể sinh sôi nảy nở rất nhiều. Phải chăng vì áp lực đời sống ngày càng cao, nhu cầu bóp méo ngôn từ cũng tăng theo để giúp cho việc giao tiếp giảm căng thẳng, tăng thân thiện?

Thôi biến thành Thoai hoặc Thui: Thoai, hổng dám đâu! Thui, ngu gì nói!

Rồi biến thành Rùi: Biết rùi! Chít rùi! Thui rùi!

Ðó biến thành Ðoá: Ðoá, thấy chưa?

Ðây biến thành Ðê: Bánh rán nóng hổi đê!

Không biến thành Khum hoặc Hem: Chịu đi chơi với anh khum? Yêu em hem?

Mình biến thành Mềnh: Mềnh đi làm đê, các tềnh iu! (mình đi làm đây, các tình yêu!)

Xem thêm:   Chu Trầm Nguyên Minh

biến thành : Ai biết đâu nà!

Sin lũi: Xin lỗi

Chếch chi: xếch xi

TỪ MỚI, CÁCH NÓI MỚI

Ðời sống không ngừng thay đổi và tiến bộ đưa đến việc từ điển mỗi năm có thêm từ vựng mới, kể cả tiếng lóng, đó là điều bình thường. Chẳng hạn như, ông bà mình ngày xưa làm sao biết được Selfie là cái chi, đã thế con cháu thời nay lại còn dịch ra là “tự sướng”. Một ví dụ khác, trước khi cái tã giấy ra đời và trước khi nó có mặt ở Việt Nam, làm gì có từ “Bỉm”.
-“Mẹ bỉm sữa” hay “mẹ bỉm” thay cho bà đẻ, và có cả “bố bỉm” nữa, để chỉ các quý ông chăm con sơ sinh.

– “Mẹ bầu” thay vì bà bầu. Cái này Hai Quê đồng ý. Mẹ trẻ, có bầu là chuyện bình thường, bà già, có bầu “hơi bị” kỳ.

– Netizen: cư dân mạng (10 năm trước, chưa chắc có từ này)

– Phô dâm: bệnh thích khoe của quý (exhibitionisme). Bệnh này không phải mới có nhưng bây giờ Hai Quê mới biết từ này.

– Hủ nữ: đây là trường hợp đặc trưng cho vấn nạn “dân ta không hiểu tiếng ta, cho nên cứ phải đi tra Gu-Gồ” của Hai Quê. Hỏi Google thì được trả lời như sau: “Hủ nữ có nguồn gốc từ tiếng Nhật và được sử dụng như tiếng lóng để chỉ một cô gái/một người phụ nữ thích những mối quan hệ đồng tính nam trên phim ảnh, truyền hình, manga…”.

Bên cạnh một số từ mới mà chúng ta tiếp nhận kiểu đương nhiên phải tiếp nhận thay đổi của đời sống và lại còn hoan hỉ nữa vì thực tình mà nói, trước đây ta biết chuyện đó mà không biết tiếng Việt gọi là gì thì có vô số từ ngữ được chế ra sao cho nó trendy. Xin bạn đừng quên, trendy thời Tiktok không phải chỉ để chơi cho vui, cho người ta chú ý đến mình mà còn để câu view kiếm tiền. Ai hơi đâu rảnh ngồi vắt óc sáng tạo chỉ để cho thiên hạ cười miễn phí!

Xem thêm:   Roma - La Mã

Thả thính: tán tỉnh

Tiểu tam hay Tuesday hay Con Giáp Thứ Mười Ba: chỉ người thứ ba, bồ nhí, người chen chân vào một cặp đã thành, người phá hoại gia cang người khác, «hồ ly tinh».

Căng đét:  rất căng thẳng

Xả cảm: giải tỏa ẩn ức, giải quyết sinh lý

Hoang hãi: hoang mang và sợ hãi

Lùm xùm / Dính lùm xùm:  bị tai tiếng

Cực lầy: cực kỳ lầy lội, dai dẳng, dấp dính

Thần thánh: tuyệt vời (Cái chảo thần thánh này chiên cá ngon đỉnh!)

Kháu lão: đẹp lão

Ðứng hình: sửng sốt (Nghe tin, mình đứng hình luôn, không nói được lời nào!)

Toàn tập: hoàn toàn (Bị công an đánh dữ quá, nó khai toàn tập rồi)

Chém gió: nói khoác, nói thánh nói tướng

Chuẩn chỉnh: đâu ra đó, chu đáo (Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh đẹp chuẩn chỉnh.)

Chuẩn bài: bài bản, đúng, tốt, hay (Ai thích ăn xôi tim xào, vào quán đấy là chuẩn bài.)

Ổn áp: tốt đẹp (Phối đồ như thế rất ổn áp)

Con ghẻ quốc dân: người bị công chúng ghét (Diễn viên Hồng Ðăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trở thành con ghẻ quốc dân sau vụ lùm xùm xả cảm với trẻ em vị thành niên ở Tây Ban Nha.)

Ðám cưới quốc dân: đám cưới được công chúng để ý và thích thú theo dõi (Ðám cưới của cặp đôi Huyn Bin và Son Ye-jin, nam chính và nữ chính trong phim Hạ Cánh Nơi Anh là đám cưới quốc dân hoành tráng nhất của năm 2022)

Ðẩy thuyền: đưa đẩy, tác động

Sang chảnh: sang trọng và kiêu sa

Chảnh chó:  chảnh chọe

Sang chảnh xịn mịn: sang trọng, kiêu sa một cách tốt xịn và mịn màng

Xịn sò, xịn mịn: ngon lành, đẹp, tốt, cao cấp

Vân vân và mây mây, hằng ha sa số, kể hoài không hết, càng kể càng… hết biết!

(còn tiếp 1 kỳ)