Nhà văn Hồ Trường An vừa qua đời ngày 27 Tháng Giêng, nhằm ngày Mùng Ba Tết Canh Tý 2020, tại Troyes, Pháp, hưởng thọ 82 tuổi.

Ông tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh năm 1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long. Ông còn có các bút hiệu khác là Đinh Xuân Thu, Đào Huy Đán, Nguyễn Thị và Đặng Thị. Ông nhập ngũ Khóa 26 Thủ Đức. Năm 1969 ông là Trưởng ban Chiến tranh Chính trị tại 2 chi khu Trị Tâm và Lái Thiêu tỉnh Bình Dương. Sau năm 1971 ông phục vụ tại Ban Thông Tin Báo chí Quân đoàn III.

Hồ Trường An cộng tác với nhiều tạp chí và nhật báo của Miền Nam, nhưng tại hải ngoại, Hồ Trường An mới thực sự nổi tiếng.

Ông từng là Tổng Thư Ký tòa soạn của các tập san Quê Mẹ, Làng Văn. Ông cũng cộng tác với các tạp chí Lạc Hồng, Viên Giác, Bút Lửa, Lửa Việt, Hồn Nước, Văn, Văn Học, Gió Văn,  Nắng Mới, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Xây Dựng, Sóng, Đẹp, Người Việt…

Ông xuất bản trên dưới 60 tác phẩm gồm nhiều thể loại, trong đó có  truyện dài, tập truyện ngắn, biên khảo và thơ.

Trẻ xin đốt một nén nhang tưởng niệm nhà văn Hồ Trường An, một nhà văn tiêu biểu cho văn học của người Việt hải ngoại.

Hôm nay, 2/2/2020 là ngày Hỏa Táng nhà văn Hồ Trường An ở Pháp. Tôi viết lên vài dòng để thương tiếc anh, như thắp một nén nhang lòng tưởng nhớ nhà văn mà tôi rất quý trọng.

Tôi có cơ duyên được quen biết nhà văn Hồ Trường An từ cuối thập niên 80. Lúc tôi chuẩn bị giao tập thơ đầu tiên của mình cho nhà xuất bản Viet Publications, Canada, của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa xuất bản và phát hành. Ðó là tập thơ “Trên Những Ngậm Ngùi”. Qua những thủ tục kỹ thuật trao đổi. Cuối cùng, tập thơ cũng được xuất bản đầu năm 1990. Sau đó, nhà văn Hồ Trường An dưới bút hiệu Ðào Huy Ðán đã phỏng vấn tôi trên tạp chí Làng Văn số 99 (tháng 11, 1992). Sau cuộc phỏng vấn này, chúng tôi thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Những lời lẽ anh viết cho tôi thật ân cần như một người đàn anh đi trước, dẫn dắt cho hậu bối. Tôi rất thích những truyện viết về miền Nam của anh, cho nên tôi đọc và lưu giữ hầu hết những tác phẩm của anh trong tủ sách gia đình.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Năm 1992, tôi qua Pháp lần thứ nhất, có ý định gặp anh, nhờ anh viết lời bạt cho tập truyện ngắn chuẩn bị in của tôi (được góp lại từ những tờ báo tôi cộng tác). Nhưng đúng lúc anh đi nghỉ Hè cùng bạn, tôi không gặp được anh. Một năm sau, (1993), nhà xuất bản Làng Văn, Canada đồng ý xuất bản và phát hành tập truyện ngắn đầu tay của tôi “Trước Bến Văn Lâu”. Lần này, tôi liên lạc bằng thư từ. Anh nhận lời rất ân cần vô điều kiện. Tôi hoan hỉ gửi bản thảo qua nhà văn Hồ Trường An để nhờ anh viết lời bạt. (Bác sĩ, nhà biên khảo Lê Văn Lân viết lời tựa cho tập truyện này). Nhà văn Hồ Trường An nhận được, rồi đọc kỹ toàn bộ những truyện ngắn tôi gửi anh. Sau đó, anh viết cho tôi lời bạt thật thấm đẫm ân tình. Nhìn những trang giấy viết tay của anh gửi qua từ bên Pháp, tôi không khỏi chạnh lòng cảm ơn anh, đã bỏ thì giờ và công sức để viết lời bạt cho một cây bút mới. Dạo đó, nhà văn Hồ Trường An rất bận, vì anh cộng tác với rất nhiều tờ báo, từ Mỹ, Úc, Canada, Pháp… Anh còn cho xuất bản truyện ngắn, truyện dài hình như là mỗi năm một tác phẩm (có năm nhiều hơn một cuốn). Anh viết rất sung mãn và trí nhớ thật sắc bén. Anh tả chi ly như từng đường kim mũi chỉ. Cho nên nhà văn Nguyên Hương (đã qua đời tại Canada, xin lỗi chị)  đặt cho anh hỗn danh là Bà Già Trầu.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Ðọc lời giới thiệu của Nhà Văn Hồ Trường An về mình, tôi biết anh đã viết cho tôi bằng cả tấm thịnh tình:

“Cõi văn chuơng của Việt  Phương thật buồn. Ðây không phải là một cái buồn làm dáng như lớp nhà văn hiện-sinh thuở trước, mà là nỗi buồn rất thật, trải qua biết bao kinh-nghiệm sống. Nó phản-ảnh nguyên-vẹn tâm-trạng của kẻ sinh ra và trưởng-thành trong chiến-tranh, phản-ảnh tròn đầy nỗi niềm của kẻ vừa sống, vừa làm nhân-chứng biết bao chặng đường lịch-sử đầy nước mắt máu xương. Ðây là một cõi văn-chương của một lớp thế-hệ đổ nước mắt trên muôn vàn mất-mát, ly-tán.” (Hồ Trường An).

Năm 2000, nhà xuất bản Cỏ Thơm ở Falls Church, VA, USA có xuất bản tập sách “Tác Phẩm Ðẹp Của Bạn” của nhà văn Hồ Trường An, gồm 8 chương, mỗi chương một tác giả. Trong đó có Vi Khuê, Trần Thiện Hiệp, Cao Mỵ Nhân, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Lưu Nguyễn Ðạt, Nguyễn Thanh Giản, Nguyễn Ðăng Tuấn và Việt Phương. Khi tác phẩm này ra đời, bị nhiều chỉ trích. Có  người cho rằng những tác giả được viết, đã bỏ tiền ra “mua” nhà văn Hồ Trường An viết về mình. Tôi giữ im lặng cho đến ngày hôm nay. Nói như thế thì coi rẻ nhà văn đã có một số tác phẩm quá phong phú và đồ sộ như nhà văn Hồ Trường An. Tôi cho những lời nói đó không phải xúc phạm đến chúng tôi, mà đến nhà văn Hồ Trường An. Tôi buồn, bỏ viết. Tôi quên tôi. Và người đọc dạo đó cũng quên tôi luôn.

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Ðiều tôi buồn nhất là có nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, không những ông đã viết đăng báo, mà còn gom lại in thành sách, nêu đích danh tôi ra. (Xin được nhắc lại: Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, chồng sau của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà văn cuối cùng trong Tự Lực Văn Ðoàn vừa qua đời tại Na Uy ngày 8/1/2020, để lại không biết bao nhiêu tiếc thương của người yêu chuộng chữ nghĩa). Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật bảo tôi “hám danh” nên lấy bút hiệu Việt Phương của nhà thơ Việt Phương trong nước. Những lời ấy được ông in trong cuốn sách “Chém Ðá” của ông với bút hiệu Sắc Không, do một người bạn gửi tặng. Tôi đọc xong, buồn bã và không thèm lưu giữ cuốn sách này như những cuốn khác trong tủ sách nhà tôi. Trời ơi, tôi rời quê hương lúc ở tuổi độ 20. Lúc đó tôi chẳng biết Việt Phương bên kia vĩ tuyến là ai? Tôi tập tễnh gửi bài cho các báo hải ngoại lúc tôi còn trong trại tỵ nạn Hong Kong. Ở đó, làm gì tôi biết Việt Phương, nhà thơ miền Bắc? Hơn nữa, những năm đầu “giải phóng”, sách báo miền Nam bị đốt hết, chúng tôi lại không thèm đọc sách báo tuyên truyền miền Bắc, thì làm sao mà tôi biết được ông Việt Phương ở bên kia? Hơn nữa, tên trùng tên là chuyện bình thường. Tôi buồn ngưng viết. Cụt ngòi.

Ðã qua rồi một thời tập chơi với chữ nghĩa. Giờ thấy mỗi người lần lượt ra đi. Cuộc đời quá đỗi vô thường. Vĩnh biệt nhà văn Hồ Trường An, một người đàn anh đáng kính, mà mỗi lần nghĩ tới, tôi thầm cảm ơn anh đã cho tôi niềm tin để sau “Trước Bến Văn Lâu”, tôi còn có thêm những tập truyện khác ra đời.

VP

2/2/2020

Chủ Nhật thật buồn