Lời tòa soạn: Văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu với truyện ngắn Tướng về hưu năm 1987. 32 năm sau, trong chuyên đề Viết và Đọc của Nxb Hội Nhà văn, Đỗ Hoàng Diệu được mời viết cho chuyên mục “Đọc lại Tướng về hưu” nhưng cuối cùng đã không thể “thông qua”, vì là tác giả của tập Lưng Rồng bị cấm. Đỗ Hoàng Diệu gửi đến tuần san Trẻ văn bản này.
Năm ngoái, từ bên kia bán cầu, nơi mà quê hương chỉ hiện diện trong những chiếc bóng mờ, giữa không gian của đêm và không khí của ma, tôi đọc tin một con chó ngoạm xác hài nhi chạy nhong nhong trên đường làng ngoại ô Hà Ðông. Ngay lập tức, ông Tướng về hưu xuất hiện đuổi theo con chó. Hà Ðông không xa Khương Trung, không xa làng Cò, quê Nguyễn Huy Thiệp. Không xa cái đơn vị hành chính ghi phố những sinh hoạt làng trong truyện Nguyễn Huy Thiệp. Ông Tướng về hưu ba mươi hai năm trước đã chết lặng khi nhìn thấy mấy ngón tay hồng hồng nhỏ tý trong nồi thức ăn chó dưới nhà ngang. Giờ đây, bác sĩ Thủy không cần dặn ông Cơ cô Lài giấu diếm bố chồng, bởi không chỉ con chó ngây thơ vô tội cắp thai nhi chạy hoang, ngay cả con người cũng thản nhiên vứt bỏ, đánh đập, ăn thịt chính huyết thống của mình. Nhà máy rác Cần Thơ phát hiện hơn 300 xác thai nhi trong bảy năm, nghe đã rùng mình. Nghĩ tới bàn tay ai đó đã ném những hài nhi bé bỏng ấy vào túi rác, càng rùng mình hơn. Suy cho cùng, trên hành tinh này, không giống loài nào độc ác bằng loài người.
Ông tướng của Nguyễn Huy Thiệp nếu sống đến giờ, sẽ không chỉ buồn không chỉ bất lực, thể nào cũng phẫn uất sinh nhồi máu cơ tim. Những năm tám mươi, ông còn có thể “bỏ chạy” khỏi xã hội nhiễu nhương, quay về chiến trường, chiến đấu với kẻ thù. Giờ thù đã thành bạn, bạn chót lưỡi đầu môi, bạn đâm bị thóc chọc bị gạo nhưng thỉnh thoảng nắm tay nhau dự tiệc nhân dân nên luôn luôn tốt. Ông tướng có muốn cũng khó tìm ra một chiến trường thực sự, chiến trường của sức mạnh, niềm tin, chiến trường vì nước vì dân. Cái chết của ông trên miền biên viễn, dưới đạn pháo kẻ thù, giải thoát ông khỏi hiện tại xa lạ, khỏi tương lai còn khủng khiếp hơn nhiều.
Ba mươi hai năm trước, người Việt lành hơn, xã hội ổn định hơn nay? Không! Chỉ là ba hai năm trước, chưa có Google, Facebook, Youtube, báo điện tử. Và rất ít nhà văn dám xông thẳng vào “mảnh đất lắm người nhiều ma”, dám “bước qua lời nguyền”, bước đi “bên kia bờ ảo vọng” mà rên lên “nỗi buồn chiến tranh”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn trong nước khi tuổi đời ba mấy bốn mươi nhưng nổi tiếng nhanh nhờ tác phẩm Tướng về hưu (1987). Dù chỉ là một truyện ngắn, nhưng Tướng về hưu đã gây tiếng vang khá lớn trong giới văn vào thời kỳ gọi là “mở trói văn nghệ”. Câu chuyện là sự xung đột trong gia đình giữa những giá trị mới cũ, trật tự bị đảo lộn trước đời sống thực dụng sau thời bao cấp của cộng sản. Một ông tướng về hưu bị lu mờ, lặng lẽ không những trong gia đình của ông ta mà cả trong cái xã hội ông ta góp phần dựng lên.
Năm 1987, sau đám tang mẹ, giữa “tình hình đất nước bấy giờ khá thê thảm”, trong những ngày trời nhàn nhạt, âm thầm ngồi thấm nỗi đau mất mát, Nguyễn Huy Thiệp viết Tướng về hưu. Nhà văn kể đám tang mẹ ông diễn ra giống hệt đám tang vợ ông tướng trong truyện. Không khí chậm nẫu, người chết nhắm mắt hưởng thụ bình an, người sống khóc lóc đấm ngực tự trách. Nguyễn Huy Thiệp cho rằng mình đã đưa được “đạo” vào truyện. Tôi thì nghĩ linh hồn người mẹ ông thương yêu đã cầm tay dẫn ông vào vùng bản ngã – ý thức – tài năng – bóng tối – ánh sáng chốt kín cửa trong con người ông mà bấy lâu ông lảng tránh, ông chối từ hoặc không biết đường đi.
Mở khóa cửa, ông “bước qua lời nguyền”, điềm tĩnh ngồi xuống, kể chuyện ông tướng từng anh dũng đi qua “đường ra trận mùa này đẹp lắm” nay lạc lõng giữa thời bình, bắt đầu nhen nhóm hoài nghi về cái đẹp con đường mình đã hành quân – xung phong – chiến đấu. Chuyện cô con dâu bác sĩ phụ sản mang những bọc thai nhi về nhà nấu cho chó lợn ăn. Chuyện cha con người giúp việc ngây ngô, tình nghĩa… Và chuyện chính mình, nhân vật tôi hèn hèn, yếu yếu, thụ động, bất lực, trầm mình trong vũng lầy trí thức trốn biển hồ thực tế quẫy sóng ngày đêm. Tưởng chỉ là chuyện gia đình, chuyện thường nhật. Nhưng tác giả đã tạo nên một con sóng lớn, chồm qua kho tàng văn học minh họa, đập vào bờ hiện thực không “phải đạo”, đập vào ghềnh lương tri, thức tỉnh sự thật. Cú “bước qua lời nguyền” của Nguyễn Huy Thiệp khiến cuộc đời ông sang trang, mang đến cả vinh quang lẫn cay đắng. Một truyện ngắn cũng có số phận như con người. Lá số tử vi của Tướng về hưu đầy hoa nở cùng lít nhít sâu độc.
Tôi đọc Tướng về hưu lần đầu năm 1991, khi còn là nữ sinh trung học. Trước đó đã đọc Những ngọn gió Hua Tát, bị ám ảnh suốt nhiều tháng. Nên Tướng về hưu không làm tôi ngạc nhiên. Vì người đã viết Những ngọn gió Hua Tát, sẽ không bao giờ kể chuyện nhạt, chuyện thoảng qua, chuyện đọc rồi quên. Không ngạc nhiên nhưng tôi sốc trước cách kể đanh, lạnh, giống hạt nhân gai cứng nằm gọn giữa bột mềm nhân ái. Ăn chiếc bánh, đứa trẻ mười lăm vừa cảm nhận vị ngọt vừa có cảm giác vỡ toác đầu bởi hơi cay xộc thẳng lên não. Não mở ra, tôi nhìn những gương mặt quanh mình bằng cái nhìn sâu hơn. Nhìn cô T. ngây ngô hay bắt chuồn chuồn trước cổng nhà dịu dàng hơn. Nhìn ông chú họ cựu chiến binh cổ lỗ sĩ trìu mến hơn, tự hỏi không biết ông ấy có còn nghĩ “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Nhìn xuống chân mình, thấy con đường trưởng thành, con đường làm người phía trước thật lắm gian nan.
Thú thực Tướng về hưu không nằm trong số những truyện Nguyễn Huy Thiệp mà tôi thích nhất. Với tôi, Con gái thủy thần, Không có vua, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê mới là đỉnh cao của ông. Tướng về hưu hoàn toàn hiện thực, không có phép thuật văn chương ma mị, huyền hoặc. Nhưng có sao, bao nhiêu năm trôi qua, truyện ngắn Ðôi mắt của nhà văn hiện thực phê phán Nam Cao vẫn là tượng đài sừng sững. Dù Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện hiện thực theo cách cũ nhưng truyện ông luôn mới, ba mươi hai năm trước, bây giờ hay mai sau. Bởi giọng điệu riêng biệt, bởi thế võ bí truyền chỉ mình ông biết dụng. Ông hay nói về đạo trong văn. Ðạo của ông không thờ Phật hay Chúa. Theo tôi hiểu, đạo Nguyễn Huy Thiệp là đạo đời, “con đường tự nhiên, con đường thoát hiểm, con đường sống sót, con đường hy vọng.” Ông tướng về hưu có đạo của mình, đạo hy sinh. Con dâu ông theo đạo tiền. Con trai lùng nhùng giữa đạo hèn trí thức. Cô Lài ngây ngô hát lời kinh thật thà. Họ vây quanh Nguyễn Huy Thiệp, giằng xé ông, đòi giác ngộ.
Giác ngộ? Tôi không biết bản thân Nguyễn Huy Thiệp giác ngộ đạo đời đến đâu, nhưng độc giả của ông, nhiều người đã thức tỉnh. Tướng về hưu mải miết đập vào ghềnh lương tri, suốt ba mươi hai năm, giờ vẫn đập đâu đó.
Mấy chục năm, ông tướng của Nguyễn Huy Thiệp hy sinh rồi, nhưng chưa nghỉ hưu. Ông luôn ở đó, song hành cùng hiện thực xã hội, bật mã số liên tưởng trong não bộ những người đồng đạo.
ĐHD
Ohio, tháng 5-2019