Năm đó là 1930, tại hội nghị của Hiệp hội Vật lý Đức được tổ chức ở Leipzig, sau khi chủ tịch hiệp hội hết lời ca ngợi bài phát biểu xuất sắc của nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein trong tiếng vỗ tay như sấm dậy, ông hỏi xem có ai trong hội trường muốn đặt câu hỏi không. Một khoảng im lặng bao trùm hội trường. Ai sẽ dám đặt câu hỏi cho Einstein, một trong những nhà vật lý được kính trọng nhất thế giới?
Bỗng, một giọng nói trẻ trung cất lên từ hàng ghế cuối cùng của căn phòng, bằng tiếng Đức vụng về: “Những gì Giáo sư Einstein vừa nói không phải là ngu ngốc, nhưng phương trình thứ hai ông viết ra không suy ra được từ phương trình đầu tiên. Thực tế, nó yêu cầu thêm các giả định mà chưa được nêu ra, và điều tệ hơn, nó không thỏa mãn tiêu chí bất biến mà đáng lẽ phải có.”
Tất cả các ánh mắt ngay lập tức hướng về giọng nói táo bạo ấy, tràn ngập sự kinh ngạc. Khi mọi người còn đang cố gắng hiểu điều vừa xảy ra và tự hỏi người dám nói ấy là ai, Einstein lại hoàn toàn chìm đắm trong việc rà soát phương trình sai lầm của mình trên bảng đen, gần như bất động bởi ý tưởng mới, ngoại trừ bàn tay của ông đang máy móc gãi ria mép.
Sau khoảng 60 giây, Einstein quay lại, thừa nhận sai lầm của mình và nói: “Quan sát của chàng trai trẻ ở đằng kia hoàn toàn chính xác. Vì vậy, tôi yêu cầu các bạn hãy quên tất cả những gì tôi vừa trình bày hôm nay.”
Ngay trong ngày hôm đó, chính khoảnh khắc ấy, định mệnh đã đưa chàng trai trẻ 22 tuổi, dũng cảm và táo bạo ấy, từ chốn vô danh trở thành nhà vật lý lý thuyết hàng đầu của Liên Xô, và có lẽ là một trong những thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Đó chính là Lev Davidovich Landau (22-01-1908 – 01-04-1968) – người sáng lập trường phái vật lý lý thuyết, đoạt giải Nobel về Vật lý năm 1962.
Cũng trong ngày hôm đó, Albert Einstein đã thể hiện sự khiêm nhường thuần khiết mà tri thức chân chính đem lại cho bất kỳ con người nào sở hữu nó.

Bảo Huân