Trong bài diễn văn năm 1924, học giả Phạm Quỳnh viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.” Không phải đến bây giờ người ta mới hô hào giữ gìn tiếng Việt, mà từ thế kỷ 13 các tiền bối nước nhà đã bắt đầu lo lắng về vấn nạn người Việt mất tiếng Việt rồi.

Bản dịch của học giả Nguyễn Văn Vĩnh    

Sẽ có người thắc mắc rằng người Việt đã nói tiếng Việt hàng ngàn năm rồi, làm sao “mất” được? Lịch sử nước Việt thăng trầm, “thương hải tang điền” thì cũng chỉ một số ít người Việt nói tiếng Tàu, tiếng Tây, tiếng Việt vẫn là “độc cô cầu bại” trên toàn cõi nước Việt. Tuy nhiên, sự lo lắng của các “lão tiền bối” túc nho không thừa chút nào.

Người Việt dốt tiếng Việt. Câu này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng ở thời buổi hiện nay, nó là một thực trạng trong người Việt. Dốt tiếng Việt ở đây xin hiểu là dùng sai từ ngữ, viết sai văn phạm, viết/nói câu văn ngô nghê, tối nghĩa, người viết thì một đàng mà người đọc hiểu một nẻo, hoặc không hiểu chữ đó từ đâu ra, không phải dốt tiếng Việt là không nói/không viết được tiếng Việt.

Sự sai lạc bắt nguồn từ khi nhà nước cộng sản Việt Nam độc quyền trong lãnh vực truyền thông. Lý lịch tuyển nhân viên làm việc, bổ nhiệm chức vụ trong các đài truyền hình và báo chí nhà nước gắt gao hơn tuyển công an. Phải con nhà dòng dõi cộng sản “đỏ rực”, xuất thân “người miền Bắc có lý luận” mới đủ tiêu chuẩn chính trị; điều kiện về kiến thức, học vấn, khả năng văn chương viết lách chỉ là phụ. Vậy là trên các phương tiện truyền thông tràn ngập ngôn ngữ miền Bắc kiểu “nói làm sao viết làm vậy,” câu cú ngọng nghịu, què cụt, tối nghĩa. Thời gian gần đây, để tỏ ra “thời đại 4.0” thì báo, đài bèn chèn tiếng Anh vô tiếng Việt tá lả, viết câu ba rọi (nửa nạc nửa mỡ.) Nếu bỏ thời gian để “bắt sâu” cho truyền thông nhà nước Việt cộng thì tôi phải viết một cuốn sách khoảng 100 ngàn chữ may ra mới trích dẫn hết, mà theo thời gian “sách” này phải bổ sung mỗi ngày, chớ không phải viết rồi thì “bắt” hết “sâu.”

Xem thêm:   Qua của tử

Mới  đây, người Việt quốc nội “la làng” trên Facebook: “Đề nghị nhà nước không Bắc kỳ hóa tiếng Việt trong sách giáo khoa dạy học sinh miền Nam.” Tôi nói với họ rằng phụ huynh ngày nay cần để ý giáo dục con em mình ở nhà về các mặt chính trị, văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng Việt. Nếu phó mặc cho nhà trường thì con em miền Nam hỏng hết. Coi chừng tới mức độ con cái nói cha mẹ, ông bà ở nhà không hiểu thì hỏng toàn diện.

Các mẫu quảng cáo in trang cuối sách Gia Long Tẩu Quốc.

Sự việc nếu chỉ dừng lại ở đó thì kệ nhà nước cộng sản, tôi không cần viết bài này. Hậu quả tai hại ở chỗ các thế hệ sau bắt chước y chang kiểu nói, viết sai bét ấy, rồi họ lại đem cái sai ấy ra hải ngoại, đem lên truyền thông Việt ngữ hải ngoại luôn.

Mạng xã hội Facebook cũng làm hỏng tiếng Việt theo hai kiểu:

Thứ nhất, cố ý viết sai để tránh bị kiểm duyệt theo “tiêu chuẩn cộng sản,” người viết dùng nhiều tiếng lóng, nói lái, chiết tự, dùng icons, emotions thay thế chữ, nghĩa. Thứ hai, chủ danh khoản viết sai do bắt chước lẫn nhau mà không hiểu sâu xa ngữ nghĩa, viết tùy hứng. Thành ra tiếng Việt hỏng từ trong ra ngoài.

Mới đây có người thắc mắc tại sao sách cũ dịch cuốn Les Misérables của văn hào Victor Hugo là “Những Kẻ Khốn Nạn”? Chữ khốn nạn được hiểu là để chỉ người có hành vi xấu xa, để mạ lỵ người khác? Thật là oan cho cụ Nguyễn Văn Vĩnh vì đó là bản dịch đầu tiên tác phẩm Les Misérables ở Việt Nam, in song ngữ Pháp – Việt tại nhà xuất bản Trung Bắc Tân Văn năm 1925-1928. Bản dịch thứ hai của dịch giả Hồng Trung, vẫn giữ tên sách là “Những Kẻ Khốn Nạn,” nhà xuất bản Sống Mới (Sài Gòn) ấn hành trước 1975. Sau 1975 thì Sống Mới bị đóng cửa.

Tác giả bộ sách viết về vua Gia Long (Tạ Phong Tần phục chế màu)

Hoặc có người nói ngày xưa không dùng chữ “sử dụng”, nhưng chữ “sử dụng” lại nằm trong Từ điển Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ, xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Thực tế, người miền Bắc dùng chữ “khốn nạn” để than thân trách phận (“Khốn khổ khốn nạn cái thân tôi”), người miền Nam dùng chữ “khốn nạn” để chửi (“Cộng sản đối xử với dân tột cùng khốn nạn”). Tôi không biết ai là dịch giả đầu tiên đã sửa tựa sách “Những Kẻ Khốn Nạn” thành “Những Người Khốn Khổ,” từ khi tôi đọc thông viết thạo đến giờ tôi chỉ đọc bản dịch “Những Người Khốn Khổ” được tái bản nhiều lần ở Việt Nam, hai bản dịch xưa tôi chưa được đọc.

Văn phạm chữ quốc ngữ Việt Nam chỉ mới hình thành sơ khai từ đầu thế kỷ 20. Tôi đọc những mẫu quảng cáo in phía sau các cuốn sách xưa xuất bản vào thập niên 30 ở Sài Gòn, thấy người viết quảng cáo dùng từ ngữ rất mắc cười. Kiểu viết đó hiện nay không ai dùng nữa, nhưng ngày ấy nó là “Tây học,” “văn minh” rồi. Qua một thời gian dài “gạn đục khơi trong,” đến khoảng thập niên 70 ở miền Nam Việt Nam có thể nói là đã hình thành quy tắc văn phạm tiêu chuẩn tiếng Việt. Có những từ ngữ ngày xưa dùng theo nghĩa khác, bây giờ lại hiểu theo nghĩa khác, khiến người đọc trẻ bị rối trí. Những người sống trong giai đoạn giao thời (tầm tuổi tôi trở lên) mới hiểu nổi các từ ngữ xưa ấy.

Tôi lập một chuyên mục đọc sách xưa là các tác phẩm hay của các nhà văn nổi tiếng, xuất bản từ 1930 đến 1975 trên YouTube, nhằm truyền tải sự đa dạng ngôn ngữ tiếng Việt xưa cho thế hệ hiện nay. Trong khi đọc, tôi phải thừa nhận rằng văn chương thời văn phạm tiếng Việt chưa định hình thì câu cú cũng lộn xộn lắm, sách càng xưa sự lộn xộn càng nhiều. Theo đó cho thấy các tiền bối túc nho nước Nam viết tá lả theo cách mà chính mình tâm đắc nhứt, mỗi người dùng từ ngữ một kiểu khác nhau.

Một trang Việt Nam Từ Điển Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ

Đó là nguyên nhân làm cho học giả Đào Duy Anh cố công soạn cuốn Hán – Việt Tự Điển Giản Yếu (Xuất bản lần đầu năm 1931) Cụ Đào Duy Anh viết: “Vô luận nước nào, văn tự đã phát đạt đến một trình độ kha khá đều phải có những sách Tự điển hoặc Từ điển để làm tiêu chuẩn làm căn cứ cho người học. Quốc văn của ta ngày nay đã có chiều phát đạt, thế mà ta chưa từng thấy có một bộ sách Tự điển hoặc Từ điển nào, đó thực là một điều khuyết điểm lớn mà ai cũng phải công nhận.”

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Bộ sách Gia Long Tẩu Quốc, Hoàng tử Cảnh như Tây, Gia Long Phục Quốc xuất bản từ năm 1930-1932 tại Sài Gòn (tác giả Tân Dân Tử – Nguyễn Hữu Ngỡi). Rất nhiều lần đang đọc ngon trớn tôi bị trẹo bản họng, hoặc đứt hơi, vì tác giả chấm phết, xuống dòng đôi khi rất bất ngờ, hoặc cụ dùng từ ngữ quá địa phương nên tôi phải tự ý sửa lại kẻo người nghe không hiểu. Thí dụ: thay chữ vết thương cho chữ “vít thương,” chữ “chân dung” cho chữ “chơn dung.” Câu “… chờ khi Võ Tánh cỡi ngựa chạy qua, liền vụt cái túi Đoạn Đầu đao ra…” thì thập niên 60, 70 không ai dùng chữ “vụt” nữa. Đến Phong Thần Diễn Nghĩa, Phong Kiếm Xuân Thu (Tín Đức Thư Xã xuất bản) thì đã chuyển qua dùng “quăng bửu bối lên không,” “quăng khổn tiên thằng lên…

Sách Quốc Sử lớp Ba (VNCH), tác giả viết “Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.” Sau 1975, sách, báo mới đều in “Vũ Tính và Ngô Tòng Chu” làm tôi bối rối không biết tên hai ông viết kiểu nào đúng. Nhờ đọc sách của cụ Tân Dân Tử tôi biết hai ông quê quán Nam kỳ, viết “Võ Tánh và Ngô Tùng Châu” mới đúng.

Chủ đề tiếng Việt xưa – nay còn nhiều. Xin hẹn quý độc giả một dịp khác tôi sẽ hầu chuyện tiếp.

TPT