“… Ôi những đêm,

Những đêm dài

Khóc.

Một mình, lẻ loi…”

[ThanhTâmTuyền / nhạc Cung Tiến]

Lệ Đá Xanh

Mười hai giờ đêm, giữa mất đi của một ngày cũ, đêm vẫn không cần sáng, để đón chào bình minh mới.

Apartment tôi vừa dọn vào bữa nay, căn phòng dù nhỏ xíu vẫn chưa thu xếp kịp cho ngăn nắp gọn gàng. Tôi không thể ngủ với mọi thứ lung tung, chẳng đâu vào đâu như một cửa hàng garage sale bừa bãi.

Tôi sắp đặt, tôi thu dọn trong mỏi mệt và trong sự im ắng của đêm khuya.

Chợt có tiếng hét la thất thanh, làm tôi phải vội vàng đóng ngay cửa sổ.  Ðêm, như có thêm sự hãi hùng bởi những âm vang nhọn, sắc, và cao vút. Tiếng gào làm tôi hình dung ra những điều chắc phải ghê gớm lắm, đang xảy ra.

Rón rén, nép sát vô màn cửa lén nhìn. Tôi giật mình.

Sculpture by Auguste Rodin 

Cô lăn lộn khóc trước căn nhà cửa đóng then gài. Ðêm tối tăm không chút chở che, không làm thấp giọng lời ai oán. Tôi lắng nghe, và chắc là nguyên cả khu phố đã hiểu ra hết chuyện gì… Dù chẳng có bóng ai tò mò, lảng vảng quanh đó.

USA, đất nước của những mở tung và cũng là nơi mà mọi thứ đều bí mật, khép kín… Khép kín và tung mở. Thiên hạ cứ tự do, tha hồ chọn lựa mọi chi tiết, rồi gom góp lại, thiếu đủ gì cũng được, miễn là vừa vặn cho một truyện dài đầy hồi hộp và gay cấn…

Xem thêm:   Babysit không lương

Nhưng có ai còn cần phải tưởng tượng, khi đang lén nhìn và đã nghe ra hết mọi điều? Chuyện lê thê kéo dài, cô đang ngân đang nga với bao lời kể lể.

Cánh cửa vẫn không ai mở, dù cô đã khan hơi réo gọi. Cô gọi mãi một cái tên đến cả trăm lần.

Phải có một trái tim sắt đá, một tảng tuyết băng khổng lồ chặn ngay trước cánh cửa… George nào đó mới nỡ dửng dưng.

Tiếng khóc lẻ loi và bi thảm nhất, luôn là những giọt nước mắt cho lứa đôi. Khi đổ vỡ, lúc chia lìa.

Và như chẳng còn đâu sức lực, cô quỳ rục rã dưới thềm gạch. Tiếng cô nỉ non rên rỉ, xin được vô lại căn nhà mà người bên trong nhất quyết không ai mở. Hai giờ sáng, gió lay động xôn xao trên những lá cây, cho tôi biết ngoài trời se sắt lạnh. Trước khi tôi kịp mang cho cô áo ấm, xe Cảnh sát đã đến. Cô vẫy vùng, phản kháng và la khóc nhiều hơn. Cô không phạm lỗi gì, ngoại trừ người đàn ông đã sống với cô suốt 5 năm, đêm nay chợt đổi ý.

Cái tội “đổi ý” trong yêu đương, “tội” lúc nào cũng được giảm khinh và luôn luôn được tha bổng.

Nhà khóa trái, với mối nhân duyên chắc đã từng hạnh phúc. Hạnh phúc của hôm qua, của tuần trước hay của những năm xưa?… Ðêm nay, nhân duyên nằm sõng soài, nằm khóc thảm thương bên ngoài khung cửa không ai muốn mở.

Xem thêm:   Những điểm du lịch không nên đến!

o O o

Tôi hình dung ra hình ảnh tiều tụy, bơ phờ của cô gái sáng hôm sau. Chỉ sáng mai thôi, cô sẽ bước thấp bước cao, rời Ty Cảnh Sát.

Cô bước những bước hoang mang với khóc, với cười, và cả với ngả nghiêng… Những bước ngắn dài, cô sẽ còn liên miên bước, vẫn phải tiếp theo cho một trang đời nhiều thay đổi.

Tiếng khóc oằn oại của đêm qua rồi sẽ được quên đi, cũng sẽ không còn ai nhớ đến và sẽ chẳng để lại chút vết tích gì, bên ngoài khung cửa khép.

Cô gái nhỏ rên siết những lời ai oán, nằm khóc lạc loài trước cánh cửa lạnh lùng đến dễ sợ của đêm xưa, tôi đã chẳng bao giờ quên.

Nhưng não nùng hơn thế, phải chăng là những nín câm? Những réo rắt thở than đã không còn ra lời, thành tiếng.

Khóc lẻ loi, khóc một mình.

Trong một đêm tối tăm, tóc xổ rối tung, Camille Claudel điên cuồng đập phá hết những tuyệt phẩm điêu khắc được trưng bày trong Studio của cô. Những tác phẩm cô đã sáng tác, đã nâng niu suốt bao tháng năm dài. Tiếng vỡ nát, tiếng vãi rơi tung tóe của những mảnh tượng thạch cao trong sự tĩnh lặng của đêm khuya, chính là tiếng gào của mối tình đẹp nhưng vô vọng với Auguste Rodin.

Film: Camille Claudel, [The true story ] Director: Bruno Nuytten.

Âm thanh giòn khô và đục câm, là tiếng đổ vỡ từ linh hồn của những pho tượng, với trí giác cũng biết yêu đương, biết vật vã cùng say đắm. Và trên hết mọi điều, tôi cảm nhận ra, âm vang của những tượng đang rào rào rơi vỡ đó, chính là tiếng khóc hờn oán của Camille; tiếng gào thét trong tận cùng đớn đau và tuyệt vọng. Tiếng khóc của lặng câm, tiếng khóc không thoát ra từ đôi môi mà một thời đã từng chìm đắm cùng Rodin.

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Ai có đủ can đảm tự phá hủy máu và xương, ruồng bỏ những tuyệt phẩm của chính mình? Những nhân vật tưởng như vô tri, nhưng đã cùng Camille hân hoan và hạnh phúc; đã đắng cay và cùng điên đảo…Rồi khi chính tác giả tự mình đập phá cho nát tan, cho mất đi hết những dấu tích. Camille đã ráo hoảnh, đã dõng dạc thét ra lời cáo chung với cõi đời.

Qua một cuộc tình tay ba cháy bỏng, Carmille và Rodin Yêu như điên, yêu sống yêu chết, nhưng cuối cùng đã chỉ như là… Nước lã ra sông.

Ðoạn kết của film, hình ảnh Camille ngồi một mình, câm nín với mắt nhìn chăm chăm, dài dại.

Ánh mắt vô hồn như không thấy gì, như chẳng thấy ai.

Camille và niềm tuyệt vọng, ngồi bên nhau lặng lẽ trước thềm bệnh viện tâm thần, trong ánh nắng nhạt của một chiều tàn sắp tối.

Tôi buồn bã kêu thương cùng ngôi nhà có cửa khóa kín.

Tôi bàng hoàng với bóng Camille ngồi âm thầm, thinh lặng trước bệnh viện tâm thần ở Paris.

Nhưng tôi hiểu ra rằng, ngày mai dù có chết.

Vẫn chẳng bao giờ ta từ khước một dấu yêu!

LCG