Tiền không là lá em ơi!/ Tiền là giấy bạc của đời in ra…” là 2 câu thơ trong bài thơ “Tiền và lá” của nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà, sáng tác năm 1956, mà có thời gian có người “gắn” cho nhà thơ Nguyễn Bính! Bài thơ nêu lên hình ảnh “mua bán” của trẻ thơ, dùng “lá” thay “tiền” để mua hàng, đồng thời khẳng định “giá trị” của đồng tiền, có thể mua được mọi thứ, kể cả con người và tình cảm mà trong thực tế cuộc sống, ai cũng đã từng trải qua!

Trong xã hội ngày nay, dù là thời đại 4.0, văn minh, hiện đại, mọi việc mua bán, trao đổi, nhất là trong các phiên chợ, dù là ở quê hay thành thị, tiền vẫn là phương tiện thông dụng để mua bán, đổi chác, ấy vậy mà có một nơi, trong một phiên chợ “đặc biệt” được tổ chức mỗi năm 1 lần, lá cây, được dùng thay cho tiền để mua hàng hóa, thực phẩm, như những “trò chơi” con trẻ ngày xửa, ngày xưa, khi còn thơ bé…

Chợ lá, hay còn gọi là chợ mua,  trả tiền … bằng lá, có mặt đã hơn 10 năm nay thuộc phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, địa chỉ không cố định, thường nằm ở các điểm gần sát với Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, mỗi năm chỉ mở một phiên duy nhất vào ngày lễ Nguyên Tiêu, rằm tháng Giêng hàng năm, chợ bày bán phần lớn là các thức ăn, thức uống như nước giải khát, chè, bánh, là những món ăn quen thuộc với mọi người như nước mía, nước cam, đá chanh, chè các loại v.v. Thức ăn có khoai lang, khoai mì, bắp luộc, bánh bột lọc, thậm chí có bánh canh, hủ tiếu, chay, mặn có đủ, phục vụ người dân trong vùng và du khách thập phương đến hành lễ và thăm viếng tòa Thánh vào dịp tháng Giêng hàng năm. Nghe kể, đây là sáng kiến của vị lương y, thầy thuốc Nam hay làm từ thiện có tên là Bùi Quốc Thái, ban đầu ông đứng ra tổ chức và vận động một số mạnh thường quân, dân chúng chung quanh khu phố, đứng bán hàng, theo ý tưởng các món chay trong chùa, đãi tín đồ miễn phí của cha ông và tòa Thánh trước đây, nhưng sợ mọi người… ngại vì ăn “ Free”, nên ông nghĩ ra cách trả tiền bằng… “lá cây”, cứ một chiếc lá thì mua được một món ăn vừa cho 1 người. Người bán, người mua đều cảm thấy vui vẻ, hài lòng, không ai… nợ ai, nên mọi người thích thú tham gia, năm sau nhiều hơn năm trước, và cũng theo sự suy nghĩ và tín ngưỡng tâm linh, những người đứng ra bán hàng, càng bán được nhiều hàng, công đức “từ thiện” càng tăng, cũng như thu được nhiều… lá, thì cũng như có nhiều “lộc” do ơn trên ban phát.

Xem thêm:   Hoa Lagerstroemia ở Houston-Texas

Chợ lá Tây Ninh, một nét đẹp văn hóa và nhân văn, của một vùng “đất Thánh” thuần hậu, người dân hiền hòa, chất phác, hiếu khách sẽ để lại trong lòng du khách sự ấm áp, chan hòa và những kỷ niệm đẹp khi có dịp ghé thăm …

THV