Christmas Day là một lễ hội hàng năm kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jesus Christ, chủ yếu được tổ chức vào ngày 25 Tháng Mười Hai như một lễ kỷ niệm tôn giáo và văn hóa giữa hàng tỷ người trên khắp thế giới. Là một lễ trọng tâm trong năm phụng vụ Kitô giáo, nó diễn ra sau Mùa Vọng (bắt đầu 4 Chúa Nhật trước đó) hoặc Mùa Chay Giáng Sinh, và bắt đầu mùa Lễ Giáng Sinh, theo lịch sử phương Tây kéo dài 12 ngày, và quan trọng nhứt vào Đêm Thứ Mười Hai. Christmas Day là một ngày nghỉ lễ ở nhiều quốc gia, được đa số người theo đạo Thiên Chúa kỷ niệm về mặt tôn giáo, cũng như về mặt văn hóa, khi mà hiện nay cả những người không thờ Chúa Jesus Christ cũng ăn mừng ngày này, tạo thành một phần không thể thiếu của mùa nghỉ lễ Christmas Day.

Cụm từ “đạo Thiên Chúa” ở đây xin hiểu là tất cả các tôn giáo thờ phượng Đức Chúa Trời, khái niệm này bao gồm Công giáo, Tin Lành, Anh giáo, Thanh giáo, Chính Thống giáo …

Phần lớn mọi người ở Mỹ thường quan tâm, thích thú với ngày Christmas Day vì sau Christmas Day là nghỉ Tết Tây, nên Christmas Day chính là kỳ nghỉ chánh thức dài hạn nhứt trong năm, ai cũng có nhiều thời gian đi đây đi đó thoả thích, nếu không phải tín hữu “đạo Thiên Chúa” ít ai để ý rằng trước ngày Christmas Day chính thức cũng là Mùa Vọng, cũng là thời điểm bất kỳ tín hữu Công giáo nào cũng phải thực hiện bí tích xưng tội. Người ta xếp hàng dài đông nghẹt để thứ tự tiến tới xưng tội trước một vị linh mục mặc áo chùng đen.

Thông thường, phòng giải tội kín đáo, linh mục và người xưng tội không nhìn thấy mặt nhau, không cần biết người đang nói chuyện với mình là ai, xưng tội xong bước ra, linh mục đó bắt buộc phải coi như chưa từng nghe thấy gì. Trước lễ Christmas Day, người xưng tội đông quá, nhiều nhà thờ phải tổ chức thành nhiều giờ, sắp xếp chỗ ngồi riêng cho hàng chục linh mục giải tội cho nhiều người cùng một lúc. Có lần, tôi hỏi mộtCha trong Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn rằng tại sao Công giáo chỉ phong chức linh mục cho nam, không có linh mục nữ như nữ mục sư Tin Lành? Vị linh mục này trả lời vì Công giáo quan niệm đối với đàn ông những gì nghe từ tai vào tới đầu thì dừng ở đó, còn nữ thì những gì nghe được chạy ra đàng miệng, nên không phong linh mục cho nữ.

Xem thêm:   S.O.S.

Lúc nhỏ tôi nghe người ta nói đạo Tin Lành úp miệng vô hũ đựng chao (rỗng) xưng tội mới không bị lộ bí mật. Sau này tôi được biết tín hữu Tin Lành chỉ xưng tội với Chúa (giống như cầu nguyện,) không xưng tội thông qua linh mục.

Nhiều người vô thần cứ cười cợt bọn “đạo Chúa” (từ ngữ Việt cộng) có tội nhiều quá phải xưng tội, rửa tội, phạm tội rồi xưng tội, rửa tội. Lại có người nói con nít mới đẻ ra có tội gì mà đem vô nhà thờ rửa tội, vậy là phụ huynh đã ép con cháu mình nhận tội oan. Hiểu thế là sai và là tin theo sự bóp méo bí tích rửa tội, xưng tội của tuyên giáo.

Mỗi người chỉ rửa tội một lần trong đời mà thôi. Rửa tội không phải là tội lỗi (phàm tục) của chính bản thân người đó, Kinh Thánh Tân Ước gọi là gột rửa cái cũ, khởi đầu một tạo dựng mới, là dấu chỉ chứng nhận Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên người được rửa tội, một đời sống tinh thần mới bắt đầu. Thánh Phao-lô viết: “… Ai ở trong Đức Christ thì là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, cái mới đã có đây rồi.” (Trích Thư 2 Gởi tín hữu Corinth 5,17).

Người Công giáo xét mình có tội hay không căn cứ vào 10 điều răn ghi trong Phúc Âm và 7 điều cấm của Giáo Hội Công giáo, không phải bất cứ chuyện linh ta linh tinh gì cũng chạy vô nhà thờ đòi gặp linh mục nói rì rà rì rầm hoài (ai chịu cho nổi, linh mục cũng là người chớ có phải là thánh đâu.) Nếu đã biết bản thân mình có tội, xưng tội thì phải ăn năn và làm việc đền tội. Thí dụ: Mình lấy trộm đồ của người khác, phải trả lại cho họ, hoặc lỡ xài hết thì phải đền bù xứng đáng, và làm việc giúp đỡ kẻ khó để đền tội; không phải “xưng tội” xong cứ giữ lấy của phi nghĩa xài hoài, rồi cứ tiếp tục “cầm nhầm” hoài, rồi “xưng tội,” thì có xưng “phù,” xưng “trướng” lên cũng không bao giờ có thể rửa sạch tội. Trong khi đám đông muốn ném đá người đàn bà tội lỗi, Đức Jesus nói: “… Đi đi, và đừng bao giờ phạm tội nữa.”

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Tín hữu Công giáo phải xưng tội mỗi năm ít nhứt là một lần trước ngày lễ Christmas Day nhằm “dọn mình thanh sạch đón Chúa Hài Đồng.” Tôi nhớ hoài lần đầu tiên tôi đi xưng tội trước lễ Christmas Day tôi rất là “ngây thơ” và “ngơ ngác.” Sáng sớm hôm đó, mưa phùn bay lất phất, thời tiết Sài Gòn hơi se lạnh. Tôi vô sân nhà thờ Kỳ Đồng, thấy một hàng người dài dằng dặc đứng xếp hàng trong mưa lạnh ở sân nhà hưu dưỡng mà giựt mình, bụng nghĩ: Trời, mình đã định đi sớm xưng tội xong đi công việc khác mà những người này họ còn tới trước mình xếp hàng? Chắc họ phải đi từ trước 6 giờ sáng, họ ngoan đạo quá. Dòng người cứ nhích từng bước một “thủ thỉ” (chừng một phút) trước một Cha già ngồi xe lăn đang ghé tai qua hàng lục bình xi-măng (hàng rào nhà hưu dưỡng) để xưng tội với Cha già, rồi trở ra với nét mặt hoan hỉ. Tôi thấy xếp hàng dài quá cũng ái ngại sợ chờ lâu, bèn đi một vòng quanh nhà thờ, vô giáo đường để coi còn Cha nào giải tội nữa hay không. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong giáo đường có ít nhứt 5 ghế giải tội và 5 linh mục có khả năng “nghe và nói tốt” (tức từ trẻ đến trung niên,) nhưng đều “ế ẩm” không thấy ai tới xưng tội. Tôi lập tức nhảy vô xưng tội liền.

Xem thêm:   "Kỹ thuật nhồi sọ"

Vài hôm sau, tôi gặp một linh mục khác trong nhà thờ Kỳ Đồng, bèn đem chuyện ấy kể lại và đưa thắc mắc sao người ta chỉ giành nhau xưng tội với Cha già bên nhà hưu dưỡng, mà không xưng tội với Cha trẻ? Vị linh mục này cười, trả lời: Cha già Nghĩa bị lãng tai. Ai nói gì Cha cũng không nghe được, Cha cũng chỉ nói đi nói lại mấy câu nhân danh Chúa tha tội, về đọc kinh Lạy Cha sám hối, chúc ra về bình an.

Tôi được rửa tội năm 2009, tính tới nay là 14 năm, nhưng tôi đã “bỏ lễ ngày Chúa Nhật” (tội trọng trong 10 điều răn) nhiều hơn 6 năm. Hơn 4 năm “bận ngồi tù cộng sản” nên bỏ lễ, hơn 2 năm “bận dịch cúm Tàu” nên cũng bỏ lễ. Đầu mùa hè năm nay, tôi vô nhà thờ gặp linh mục xưng tội “bỏ lễ Chúa Nhật.” Vị linh mục ngồi khuất bên trong nghe tôi nói xong, chỉ nói mấy câu y chang như Cha già Nghĩa. Phàm những lỗi thuộc lý do khách quan thì coi như không phạm tội, biết có lỗi tự sửa mình là đủ.

Thánh Phao-lô giải thích: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Christ Jesus, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Trích Thư Gởi Tín Hữu Rome 6,3-4)

Chúng ta thường nghe chúc nhau “Thiên chúa ở cùng bạn và gia đình,” “Bình an trong Chúa,” “God bless you”… Xưng tội, để tâm hồn thanh sạch, được có một đời sống tinh thần mới để hiệp thông với Đức Christ Jesus.

TPT