Con nít, người lớn lổm nhổm ngồi kín nơi phòng khách nhà chú Năm Ðình đến nỗi không tìm thấy được lối đi. Qua khung cửa sổ, mấy chục con mắt cũng hướng về cái ti-vi 19 inches, nhãn hiệu “National”, đang phát ra những khúc nhạc rộn ràng. Ðêm nay đài số 9 phát hình một chương trình ca múa nhạc đặc biệt; và cũng khá lâu rồi, khán giả gần xa mới được thưởng thức những tiết mục đầy màu sắc do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thực hiện.

Bên cạnh sự góp mặt của nhiều ca, nghệ sĩ hữu danh của đất Sài-Gòn, một gương mặt mới toanh, xinh đẹp và duyên dáng được trình làng, ca sĩ Sơn Ca lần đầu xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Với đôi mắt to tròn đen lay láy như hột nhãn và giọng ca cao vút, chị đã lập tức chinh phục khán giả trong những nhạc phẩm song ca, đơn ca ngập tràn hương lúa, tình quê…

“Anh đưa em đi về, vùng quê hương yêu dấu

Anh đưa em đi về, vùng quê hương tuyệt vời” ..

(“Rước tình về với quê hương”, Hoàng Thi Thơ)

“Ở lưng trời có con bươm bướm

Ðâu, đâu nào đâu

Ở dưới đồng có đóa hoa xinh

Ô kìa, kìa kìa

Ơi tình yêu ta đã chớm, bướm hoa rập rình

Ấy, ấy tình ta với mình” ..

(“Tình ta với mình”, Hoàng Thi Thơ)

Nghe Sơn Ca hát, người ta như đang ngửi được hương thơm của mùa lúa chín, của tháng Chạp chập chờn cơn gió chướng và ai nấy cũng vội vàng sắm sửa cho cái Tết gần kề, gạo thóc đầy bồ, trai gái có đôi, hoa mai hoa cúc đang khoe mình trong làn nắng xuân ấm áp. Ðến đoạn cuối bài hát “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”, ông đạo diễn lồng thêm đoạn phim (ngoại cảnh) cô thiếu nữ mặc áo dài, tóc xõa ngang lưng ngã quỵ và chết trong rừng thì mấy cô, mấy dì không còn cầm được nước mắt. Chị bé Năm, bé Sáu khóc hu hu đến nỗi chú Năm phải ngưng phì phà cái ống điếu và cất tiếng:

Xem thêm:   Máy cứu rỗi hôn nhân

– Hai con nhỏ kia mắc chứng gì mà bây khóc như cha chết, mẹ chết dzậy!

Từ chương trình ca nhạc đêm đó với sự “lancé” nhiệt tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, tiếng hát Sơn Ca đã được chắp thêm đôi cánh phượng hoàng và bay ngoạn mục vào khung trời âm nhạc thênh thang rộng mở. Chị được mời xuất hiện hằng đêm ở phòng trà Maxim’s, các sân khấu đại nhạc hội, đài phát thanh, đài truyền hình và cộng tác với nhiều hãng băng nhạc danh tiếng thủ đô. Hai nhạc phẩm “Cô Thắm về làng” của tác giả Giao Tiên và “Những vùng đất mang tên anh” của nhạc sĩ Thanh Sơn với tiếng hát Sơn Ca được phát thanh nhiều lần trong ngày trên làn sóng điện suốt một thời gian dài. Hãng băng nhạc Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cũng thực hiện một cuốn băng đặc biệt gồm mười tám nhạc phẩm quen thuộc với duy nhất tiếng hát Sơn Ca vào giữa năm 1974.

Mùi hương Tết còn vấn vương đâu đó trong cõi nhân gian, con én đang lượn bay giữa khung trời mùa xuân vang lừng tiếng nhạc thì giông bão ập đến. Nước mất nhà tan, người ta bỏ xứ trốn chạy trên những chuyến bay cuối cùng hay trên con thuyền mong manh bé nhỏ. Tiếng hát Sơn Ca cũng đồng chung cảnh ngộ, lênh đênh trên biển, đến được quê hương thứ hai, thứ ba và may mắn thay, con chim quý vẫn còn được cất tiếng hót lảnh lót, vui tai trên vùng đất mới. Mấy mươi năm vật đổi sao dời, con chim Sơn Ca của ngày xưa đã thiên di đến một nơi thật xa, xứ sở Kangaroo và thường được gọi nôm na là “miệt dưới”. Chị đã tìm cho mình một nơi chốn bình an, một cuộc sống hạnh phúc đơn giản hiếm thấy. Thỉnh thoảng chị góp mặt, góp tiếng trong những chương trình ca nhạc gây quỹ cứu trợ hay trên đài phát thanh địa phương. Cái tuổi “retired” chỉ còn hoạt động giới hạn trong lãnh vực âm nhạc và truyền thanh để đỡ nhớ nghề cũng như hoài thương một thời hoạt động nghệ thuật sôi nổi nơi chốn cũ.

Xem thêm:   Móng sư tử

Những ngày cuối năm, gió chướng lại về, thiên hạ sắp đón chào xuân sang trên quê hương đã trải qua nhiều giông bão. Người ở nơi xa cũng đang nhớ về quê nhà những ngày giáp Tết, có hương lúa đồng quê, có tiếng quết bánh phồng, có tiếng trống múa lân rộn rã và không thiếu tiếng hót của con chim sơn ca líu lo đầu ngõ. Mùa xuân thanh bình đã xa lắc lơ cho dù quê hương bốn bề đã im lìm tiếng súng.

TV