2 năm nay, các chuỗi tiệm tạp hóa lớn của Mỹ như Walmart, Target đều giảm số lượng nhân viên cashiers, thay vào đó là hàng loạt máy scan cho khách hàng tự tính tiền số hàng khách đã chọn, trả tiền rồi đi ra cửa. Khách có thể trả bằng bất cứ loại thẻ nào mà tiệm thu được tiền từ tài khoản của khách, hoặc trả bằng tiền mặt, gọi là hình thức self-checkout (tự thanh toán). Walmart nói rằng việc lắp đặt nhiều máy self-checkout nhằm “giúp khách hàng hoàn tất việc mua sắm nhanh hơn, không phải chờ đợi”. Tôi đếm được tại tiệm Walmart trung tâm ở thành phố Garden Grove có khoảng 15 cái máy self-checkout, tức tăng thêm gấp 3 lần số máy tôi nhìn thấy cách đây 3 năm về trước.

Dùng smartphone scan để biết chính xác giá món hàng.

Target cho biết, quyết định giới hạn một số người mua hàng tự thanh toán của Target ở mức 10 mặt hàng được đưa ra nhằm nâng cao thể nghiệm của khách hàng và đặc biệt là giảm thời gian chờ đợi.

Tiệm Home Depot cũng nhanh chóng đặt máy cho khách self-checkout đối với những món đồ nhỏ gọn. Sở dĩ tôi nói Home Depot để khách tự scan đồ nhỏ gọn là vì có những thứ bự bành ky họ dán mã code ở chỗ nào, thiệt tình khách hàng tìm hoài không thấy, nhưng nhân viên Home Depot thì biết rõ. Có lần tôi vô Home Depot mua một thanh gỗ nhỏ nhưng dài khoảng 2 yards, tôi lật tới lật lui thanh gỗ tìm mảnh giấy dán code mà không thấy. Nhân viên tiệm tới, lập tức lật thanh gỗ lên scan vô mảnh giấy code nhỏ xíu bằng móng tay út dán ở đầu thanh gỗ, mảnh giấy lại còn tiệp màu với màu gỗ nữa trời ạ. Thiệt là dán code chỗ “nghiệt” mà tôi không nghĩ ra.

Đầu năm nay, tôi thấy tiệm Costco (thành phố Garden Grove) cũng đặt thêm 2 máy self-checkout cho khách tự trả tiền bằng thẻ bank. Máy self-checkout Costco không nhận tiền mặt như Walmart, Target, Hom Depot.

Tôi thường nói đùa với bạn tôi rằng các máy tính tiền này là “Đế quốc Mỹ bóc lột sức lao động của khách hàng, thay vì trả lương cho cashiers thì đặt máy khỏi cần trả lương hàng tháng.” “Tiệm Walmart máy của nó “ghê” lắm, mình vừa đưa tiền vô thì lập tức nó giựt mạnh tiền vô liền, làm như nó sợ mình đổi ý không mua đồ của nó.”

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Thật ra, các máy self-checkout quả là tiện lợi, nhứt là đối với những người mua đồ số lượng ít và không phải cân đong đo đếm gì. Cứ đưa vô cho máy nó scan mã code là màn hình hiện ra số tiền phải trả liền. Tôi đã từng nếm cảnh mua một hoặc vài món đồ, và phải đứng xếp hàng chờ tính tiền có khi mất gần 30 phút, chỉ vì lúc đó tôi không biết nói một chữ tiếng Anh và cũng không biết sử dụng thẻ bank trả tiền. Ở Việt Nam tôi có trương mục ngân hàng đâu mà biết xài.

Tuy nhiên, trả tiền theo kiểu trực tiếp với nhân viên cashier vẫn được phần lớn khách hàng ưa chuộng. Nhiều lần, tôi nhìn thấy các máy self-checkout bỏ trống rất nhiều, nhưng ở các quầy thanh toán có cashier đứng thì khách xếp hàng dài xọc. Cái khó là khách hàng mua món đồ không có dán mã code mà muốn tính tiền thì phải làm sao? Có lần, tôi “nghe đồn” Walmart mới nhập bắp tươi nguyên trái về tiệm, rẻ mà ngon lắm, tôi bèn vô tiệm mua thử 2 trái, giá 50 cents/trái, mà trên trái bắp thì không dán mã code để scan. Tôi bèn gọi nhân viên phụ trách tới nhờ tính tiền giùm. Cậu nhân viên này chỉ chỗ cho tôi bấm chọn những phím tính tiền rất dễ dàng. Khi mình lỡ scan rồi mà muốn trả lại không mua nữa, tôi cũng gọi họ tới để họ bấm phím trừ bớt ra.

Gần đây, vài khách hàng phàn nàn rằng họ bị các máy self-checkout của Walmart, Target “lừa đảo.” Số là khi chọn đồ trên kệ hàng thì thấy giá tiền hợp ý, bèn bỏ vô xe đẩy ra. Tới lúc đưa vô máy scan mới tá hỏa tam tinh khi thấy số tiền phải trả cho món đồ đó cao gấp đôi số tiền nhìn thấy trên kệ hàng, nhưng đã lỡ scan nhiều món đồ rồi, không biết làm sao trừ bớt ra, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà trả tiền luôn, nhưng trong bụng rất là ấm ức, cứ đinh ninh cái máy nó lừa mình. Có người thì nói cái máy self-checkout bị “hư” cài đặt rồi, nên scan cái nọ ra giá tiền cái kia. Có người tức giận “thề” rằng sẽ không bao giờ dùng self-checkout nữa, mà cứ trả tiền trực tiếp cho cashier, xếp hàng dài mấy cũng phải xếp hàng.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Vụ này tôi cũng bị vài lần rồi, cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” nên tức quá, cứ nghĩ tiệm Walmart lừa khách ghi giá bán khác mà tính tiền giá khác. Tôi bèn quay trở lại tiệm “nghiên cứu” kỹ tại sao, hóa ra tôi xớn xác không coi kỹ chớ tiệm không lừa. Số là tôi mua mấy vỉ sáp thơm đốt trên bàn thờ, có 2 loại sáp dày và sáp mỏng cùng hiệu, cùng màu, nếu sơ ý thì thấy hai vỉ sáp giống nhau. Và ai đó sau khi coi đồ xong đã trả vỉ sáp lại sai vị trí ban đầu, vỉ sáp dày bị để vô vị trí giá tiền loại sáp mỏng, làm tôi tưởng giá đó của vỉ sáp dày.

Tôi bèn coi kỹ bảng giá tiền, đối chiếu với từng món đồ thì thấy trên bảng giá và món đồ có hàng số code, nếu số trùng nhau thì đúng là giá của món đó. Coi giá ở tiệm Walmart, Target, Home Depot dễ hơn Costco ở chỗ tôi có thể lấy smartphone ra, bấm vô app của tiệm, bấm vô chỗ scan của app trong điện thoại rồi scan vô mã code món đồ, lập tức trên điện thoại hiện lên hình món đồ kèm theo giá tiền.

Năm hết Tết đến, đi mua đồ ở các chợ Việt Nam tại Little Sài Gòn (Quận Cam) là một kiểu hành xác đầy ngán ngẩm. Các chợ Việt Nam không lắp đặt máy self-checkout, có những chợ không trang bị máy scan cầm tay cho cashiers, người mua phải tự bưng bao gạo hoặc các món đồ nặng đặt lên bàn cashier, thiệt mệt ná thở luôn. Người Việt có thói quen sợ xếp hàng dài, sợ chờ đợi, thích dự trữ thực phẩm dịp Tết, vậy là phần lớn người mua khi trở ra tính tiền đều đẩy một xe hàng đầy chất ngất. Đồ nhiều tất thời gian cashier làm việc cho một khách hàng bị kéo dài ra, gặp cashier cũ thông thạo công việc còn đỡ, ai xui gặp ngay cashier mới lóng ngóng, có một ít đồ mà làm lâu, những người xếp hàng đứng sau thi nhau thở dài thậm thượt.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Self-checkout có vẻ rất tiện lợi, nhưng cần phải cẩn thận chú ý, máy self-checkout nó cũng biết “phản phé” người mua. Nữ luật sư Garnados nói với tờ The Sun rằng khách hàng của bà bị buộc tội trộm cắp sau khi quên scan món hàng trị giá 6 Mỹ kim trên tổng số hàng hóa đã trả tiền trị giá 300 Mỹ kim. Điều tai hại của thân chủ bà Garnados là cô này đã từng có tiền án về tội trộm cắp, nên người ta nghi ngờ thân chủ của bà luật sư “Ngựa quen đường cũ.”

Bà Garnados cảnh báo: “Nếu bằng cách nào đó, bạn không quét thứ gì đó một cách thích hợp hoặc máy vô tình không nhận được nó khi bạn quét, bạn có thể bị buộc tội trộm cắp nhẹ hoặc trộm cắp trọng tội, tùy thuộc vào mức độ lớn (giá trị tiền) của món đồ đó”. Bà Garnados cho biết: “Những chiếc máy đó bị lỗi ở nhiều mặt và chúng không nhạy cảm với từng đặc điểm cụ thể và rất tiếc là thỉnh thoảng chúng sẽ không quét các món đồ nào đó.” Trường hợp này người Việt gọi là “Tình ngay lý gian.”

Vì vậy, khi dùng máy self-checkout chúng ta không nên vội vàng, scan một món đồ phải chờ nó hiện rõ tên, giá tiền lên màn hình đầy đủ mới scan tiếp món khác. Người xưa có câu: “Cẩn ngôn vô tội, cẩn tắc vô ưu” là vậy.

TPT