Khi tôi bắt đầu gõ những dòng chữ này, thành phố dường như đã đi qua gần hết mùa hè rồi. Tiếng ve hầu như tắt hẳn sau những tàn lá xanh um ngăn ngắt. Và những buổi chiều sẩm tối ở vùng ven ngoại thành này thỉnh thoảng vẫn còn tiếng tắc kè rúc lên báo từng hồi: “Hết Hè! Hết Hè!…”. Nghe mà não nuột!

Thuở nhỏ, còn đi học thì tôi cũng vẫn còn biết đến Hè, biết cái cảm giác “lòng man mác buồn”, biết nghêu ngao những lời ca “chín mươi ngày qua chứa chan tình thương”, cũng như bắt chước ai kia e ấp “cánh phượng hồng ngẩn ngơ” để “giữa giờ chơi mang đến lại mang về”… Chứ kể từ khi ra đời đi làm rồi thì hầu như ngày nào cũng như ngày nấy. Mùa Hè cũng như mùa gần Tết, loay hoay hồi thì chỉ nhớ đến ngày làm, ngày chấm công và những ngày nghỉ phép mà thôi.

Sáng nay, trên đường đi làm, thoáng thấy vài đốm phượng đỏ cuối mùa le lói trên những hàng lá xanh lại thấy nhớ nhung da diết đến lời ca mở đầu trong một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: “Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới/ Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi…”.

Với biết bao người, phượng vẫn luôn tươi thắm, vẫn đỏ rực, vẫn hừng hực một màu mạnh mẽ giữa nắng hè oi ả. Nhưng rồi, đến khi tiết trời chuyển dần sang chớm Thu, “mùa vàng hoa cúc”, thì hoa phượng cũng dần lặng lẽ lui lại phía sau. Nhìn thật kỹ, thật lâu, ta mới có thể bắt gặp vài đốm phượng đỏ còn sót lại cuối mùa. Đang giữa Hè, phượng rơi ngập sắc hồng tô lối, xác phượng vẫn tươi vui như màu pháo cưới đưa em về phía bên chồng ngày nào. Nhưng cho đến thời điểm này thì những đốm phượng lẻ loi rơi xuống chính là báo hiệu cho ai đó biết mùa Thu đã chính thức cận kề.

Xem thêm:   Cái gương cũ

Ánh nắng chói chang của mùa Hè phương Nam đã dịu bớt lại. Những cuộc du lịch cho gia đình, cho công ty trong dịp Hè cũng vừa xong. Trẻ con bịn rịn chia tay những chiều Hè đồng quê yên ả, từ biệt ông bà, í ới gọi nhau chuẩn bị tập vở, bút viết, đồ dùng học tập cho một năm học mới. Phụ huynh thì lại tiếp tục hành trình dấn bước vào những cuộc chạy đua tuyển sinh đầu cấp muôn thuở.

Tôi, cũng như phần lớn mọi người, cũng phải guồng chân làm lụng kiếm tiền, loay hoay trong vòng xoáy sinh nhai. Chỉ thỉnh thoảng lại vô tình bất chợt ngước mắt lên bắt gặp một trái trứng cá chín đỏ giữa vòm xanh, trái xương rồng hườm hườm phía xa xa sau hàng rào đầy gai hay chỉ đơn giản là nhành phượng vĩ đỏ rực lấp ló trong tàn cây giữa sân trường hôm mang hồ sơ đi nộp ghi danh cho con bên chỗ mới … Nhiêu đó thôi, cũng đủ làm cho con người ta bần thần, xao xuyến khôn nguôi.

Ngày xưa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mặc dù đã đem “chút tình riêng gởi núi sông” vậy chứ, tâm hồn đa cảm dễ rung động của một người nhạc sĩ khiến ông “vẫn nhớ một trời, vẫn nhớ đời đời…”. Làm sao mà có thể nói quên là quên ngay được hình ảnh “phượng rơi rơi trong lòng tôi”!

Xem thêm:   Cầu thang thoát hiểm

Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ viết về mùa Hè và hoa phượng nhưng với họ thường là những phượng thắm tươi giữa mùa, phượng yêu, phượng buồn… chứ không phải chút phượng hoang hoải cuối cùng, chỉ để người ta nhận ra: “Mùa thu tới!”. Người nhạc sĩ xưa đã “hát trong màu hoa nhớ” với những nỗi niềm u hoài về người ra đi. Nhưng, người ra đi thì cũng đã đi biền biệt, có quay lại bao giờ, để lại nơi đây một thềm vắng với xác hoa hồng mênh mông…

Cảm ơn hoa phượng đã giữ gìn sắc đỏ trong suốt mùa Hè! Sau một mùa Xuân bừng bừng đủ các màu hoa tươi thắm đón Tết thì mùa Hè dường như thiệt thòi với ít loài hoa được nhắc đến hơn. Nói tới mùa Hè, người ta thường chỉ nghe tả về những ngày dài dằng dặc với ánh nắng chói chang, làn gió thổi sàn sạt khô khốc trên da, tiếng ve sầu rên rỉ inh tai từ sáng đến gần tối mịt… chứ ít ai kể về những loài hoa chào Hè. Thì đó, vẫn còn những đốm phượng đỏ rực giữa trời Hạ, những đốm đỏ tựa như ánh lửa “thắp trong bao mắt”, chỉ để người thi sĩ bất chợt thổn thức: “Anh đứng thành tro em biết không?” (*).

“Nhớ muôn vàn nhớ ơi!”.

LH (Tháng 8.2024)

(*) Sắc hoa màu nhớ: tên một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Xem thêm:   Tia laser

(*) Áo đỏ: bài thơ của Vũ Quần Phương.