Vào lúc học lớp đệ lục A-1, thầy Nguyễn Văn Kỷ Nghiêm đã khiến chúng tôi từ điên đầu về “chia động từ” đến kinh sợ và rồi “cúp cua” 6 giờ học hằng tuần. Ðến lớp đệ tứ, vào Nông Lâm Súc, trong lớp tôi đứa nào cũng dốt nát tiếng Anh cả. Sau 3 năm học ở NLS Bảo Lộc, tôi đã học được chút ít Anh Văn nhờ ở chung với Nguyễn Khánh Luận, người đã có thể trò chuyện với một nhóm nhà môi trường người Mỹ đến thăm trường tháng 11 năm 1973.

Trong số bạn học cũ ở NLS Cần Thơ, Tài Râu giỏi tiếng Anh hơn cả. Vì nó mơ làm một chính trị gia, một nhà làm chiến lược tầm cỡ thế giới, nó phải tra cứu Anh Văn rất nhiều trong thư viện của Hội Việt Mỹ. Trong thời gian tôi về Cần Thơ chuẩn bị thi đại học, tháng 5/1974, tôi thỉnh thoảng gặp hắn hoặc đến nhà tôi để trò chuyện. Khi bù đầu học thi Toán, Lý và Hoá, đâu có ai màng đến tiếng Anh làm gì. Tôi chẳng mong gì hơn là thi đậu vào đại học cho mẹ tôi vui lòng. Một hôm, Tài Râu đến nhà tôi và tỏ ra rất hào hứng. Hắn vào đề ngay:

– Hội Việt Mỹ đang “sale” sách. Có vài cuốn tự điển bỏ túi đã lắm. Tao thấy mấy tiệm trên đường Ngô Quyền cũng có nữa, mày ra mua ngay một cuốn đi. Ðừng để trễ uổng lắm, Thành Xì ơi.

Tôi quý những lời khuyên như vậy và nhất là từ Tài Râu, một đứa bạn tốt, ham học hỏi và có lý tưởng. Tôi quyết định nghe lời khuyên của nó. Tôi mở hết tất cả các quyển sách đặc biệt mà tôi đã giấu tiền trong đó. Ðếm đi đếm lại, tôi có được khoảng 535 đồng. Ðây là số tiền tôi không chi tiêu, từ khi từ Bảo Lộc về nhà. Má tôi cho một ít, chị tôi nhét vào túi tôi một ít. Nếu tôi không cất giấu kỹ lưỡng, chắc thằng em xì ke của tôi đã chộp mất rồi. Bộ dây đàn ny lon trên cây đàn guitar yêu quý của tôi đã bị nó tháo mất cách đó mấy ngày rồi còn gì. Tôi đang mong có đủ tiền để mua lại một bộ dây khác. Chừng nào có đủ tiền để mua lại bộ dây mới thì tôi không rõ nhưng tôi tin lời Tài Râu rằng sách bán sale không phải lúc nào cũng có. Tôi quyết định đi mua cuốn tự điển với số tiền tôi đang có.

Xem thêm:   Tương lai TikTok có bị cấm ở Hoa Kỳ?

Trưa nắng nóng tháng 5 hôm đó khá gay gắt. Tôi đạp xe đến hai tiệm sách liền kề trên đường Ngô Quyền. Tiệm Ðức Trí hôm đó đóng cửa. Tiệm sách Văn Nhiều có khá nhiều sách ngoại văn. Trên tủ kiếng đầu tiên, có hai cuốn tự điển khổ bỏ túi có niêm yết giá. Quyển bìa mầu đỏ “The New Merriam – Webster Pocket Dictionary” giá 500 đồng. Tôi tự hỏi: “Ta có thể tìm ra một quyển hay hơn, đẹp rẻ hơn không?”

Dắt xe đạp qua năm căn phố trên đường Ngô Quyền, tôi nhận ra một quyển tự điển tương tự, nhưng cái bìa màu đen “The Webster Pocket Dictionary” giá 550 đồng.

Chẳng hiểu mô tê gì về việc làm sao để chọn một quyển sách tốt hơn, tôi đã mở quyển màu đen để tra một từ đơn giản như “butterfly”. Với hình in đủ màu sắc, con bướm trông rất ấn tượng. Nhiều từ khác nữa cũng có hình màu minh hoạ. Tôi nhận ra sự khác biệt của 2 quyển và tôi cũng nhận ra ngay tôi không có đủ tiền để mua cuốn bìa màu đen đó. Biết rằng có thể bị ai đó phỗng tay trên cho nên tôi đã xin người thủ quỹ cho tôi đặt cọc một khoản tiền trước.

– Thế em chọn mua quyển nào? Người bán sách hỏi tôi.

– Dạ em cũng chưa quyết định xem nên chọn cuốn nào nữa. Tôi đáp lời.

– Chỉ còn hai cuốn này thôi đó nghen. Em nhanh tay lên. Chị ta mỉm cười với tôi.

– Em sẽ trở lại ngay.

Tôi đáp nhanh để kịp phóng lên xe đạp về.

Cách cái chòi lá nhỏ ngay đầu hẻm khoảng 20 mét, tôi dừng xe vào sát lề đường Tự Ðức. Từ đây tôi có thể nhìn thấy cái mặt sau cái chòi của mẹ tôi. Tôi hình dung ra lúc ấy mẹ tôi đang dọn cơm. Tôi hình dung ra các món thức ăn bà nấu ở cái bếp che tạm bợ bằng đủ thứ loại vật liệu dễ cháy. Tôi hình dung ra cái tủ kính nhỏ vừa được dùng để đựng thuốc lá phía ngăn trên và đựng tiền trong cái hộc tủ nhỏ ở dưới. Tôi nhớ lúc nào cái hộc tủ cũng được mẹ tôi khoá lại sau khi nhận tiền hoặc thối tiền cho khách.

Xem thêm:   Thác lửa ở California!

Cái chòi lá được mẹ tôi dựng lên, ọp ẹp, chắp vá. Tự tay bà kê chỗ để nằm bằng miếng ván ép bà mua của mấy người đạp xe ba gác bán dạo. Cái sàn nước bằng các miếng ván cũ được kê trên các khúc cây tràm vụn do mấy ông làm thợ hồ bán. Hai cái bàn nhựa thấp với năm ba cái ghế cũ kỹ cũng do các người mua ve chai dạo bán cho bà. Với những thứ như vậy, mẹ tôi bán cà phê, suốt ngày, một ít đồ tạp hoá, một ít đồ gia vị, nước đá cục, đá bọc, kem chuối và bất cứ thứ gì bà tạo ra được hàng ngày. Tôi biết rất rõ nỗi vất vả nhọc nhằn từng ngày, từng giây phút của mẹ tôi để có số tiền mà tôi đã nhận được trong ba năm học trên Bảo Lộc.

Tôi tự dưng trào nước mắt. Tôi không muốn chùi các giọt nước mắt nóng hổi, trong cái nắng nóng như bốc lửa. Tôi chỉ muốn có thêm 15 đồng để mua cái quyển tự điển có hình màu minh hoạ, có cái bìa màu đen mà tôi ưa thích hơn. Nhưng tôi sẽ có thể làm mất đi 150 phút hoặc có khi là 15 ngày làm việc vất vả của mẹ tôi. Tôi sắp có được cái tôi thích, nhưng tôi cũng sắp làm mất đi một nụ cười hay ít ra là cái vẻ mặt bình thường của mẹ tôi – điều mà từ lâu nay tôi không muốn nhìn thấy một chút nào cả.

Tôi tự trách mình đã không làm ra được một xu nhỏ nào cho nhu cầu của bản thân mình. Mẹ tôi không cần biết hai cuốn tự điển đó khác nhau ra sao. Bà không thể hình dung niềm vui đơn giản tôi sắp có được. Nhưng mẹ tôi, với một nét nhăn nhỏ – có thể là rất nhỏ – sẽ phải mở cái khoá nhỏ, đếm tiền lẻ để đưa cho tôi 15 đồng. Tôi không chắc rằng từ ngày hôm ấy cho đến ngày mẹ tôi mất đi, còn có bao nhiêu lần tôi tránh gây cho mẹ tôi những nếp nhăn lớn nhỏ trên trán, những phiền muộn lo toan vì tôi. Tôi không thể chắc rằng tôi có thể báo hiếu, có thể chăm sóc, có thể tạo cho mẹ tôi những nụ cười, những niềm vui hay không. Nhưng, rất chắc chắn, tôi tránh được một nếp nhăn trên gương mặt của mẹ khi tôi không hỏi xin thêm 15 đồng nữa.

Xem thêm:   Nghệ sĩ tiền phong Cô Năm Sa Đéc

Người bán sách của tiệm Văn Nhiều chắc đã ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi – mồ hôi nhễ nhại, hai mắt đỏ hoe – đạp xe trở lại rất nhanh để mua ngay quyển tự điển màu đỏ.

Bạn bè của tôi ngạc nhiên khi thấy tôi – thằng dốt tiếng Anh – lúc nào cũng chưng quyển tự điển ấy trên đầu giường hay trên cái tủ nhỏ đựng vật dụng. Tài Râu thì hài lòng khi tôi nghe lời hắn. Mẹ tôi từ hôm ấy và sau  nhiều năm tháng nữa không có điều gì để phiền lòng về tôi. Còn tôi thì còn nhớ mãi cái cảm giác tiếc rẻ vì đã không mua được quyển tự điển bìa màu đen có hình minh họa. Dĩ nhiên, tôi chứng minh rõ ràng như toán học tại sao tôi mua cuốn tự điển bìa màu đỏ với giá 500 đồng.

Sau 43 năm, đến nay nhiều học trò của tôi ngạc nhiên khi thấy tôi rất ưa tra từ với quyển tự điển ấy. Nó chỉ chứa 5,000 từ tiếng Anh thông dụng nhưng theo tôi nó còn ẩn chứa một cụm từ tiếng Việt rất thông dụng: “Tình thương dành cho Mẹ.”

LNT