Từ khi internet vào VN và mấy năm gần đây, khi smartphone đã khá phổ biến, trong xã hội xuất hiện một từ được dùng rộng rãi và thường xuyên: QUẸT!

Chữ “quẹt” được nghe trong từ “va quẹt” trong giao thông, “mắm quẹt” trong thực đơn nhà hàng và “quẹt thẻ” (hay cà thẻ). Chữ “QUẸT” viết in ở trên là quẹt trên điện thoại thông minh và iPad, đứng đâu, ngồi đâu cũng quẹt, người lớn cảnh báo con nít, bố mẹ la con cái vì việc này làm xao nhãng công việc, đầu óc mụ mị!

Mẹ tôi qua đời ở tuổi 105 nay đã gần đến giỗ thứ nhì. Khi mẹ qua đời, hai nhà rộng mênh mông chung vách chỉ còn hai chị ở. Con gái chị Ba ở cách 5km. Các cháu con hai ông anh thỉnh thoảng vào thăm cô nhưng đợt dịch vừa rồi vắng hoe, chỉ đến trước cổng treo thứ gì đó, báo cho các cô biết ra nhận rồi đi ngay như sợ… dịch!

Khi mẹ tôi còn sống, tôi về thăm mẹ vài ba lần mỗi năm, lúc đi trở lại, các chị đều than buồn và nhà vắng vẻ. Bây giờ chỉ còn hai chị, người 84 tuổi, người tuổi 78, nhà lại vắng hơn và hiu hắt nhất là những ngày trời mưa, những chiều trời chập chùng mây xám. Theo thói quen, cứ hơn 5 giờ chiều là hai chị khóa cổng, khóa cửa vì sợ trộm cắp, việc xảy ra đã vài lần nhiều năm trước dù khá kín cổng cao tường!

Xem thêm:   Máy làm biếng

Mấy năm trước, con gái chị Ba mua cho mẹ cái iPad, chị Năm thì sắm một cái laptop, bạn từ Mỹ về tặng cái iPad Mini và có cháu tặng hai lần 2 cái smartphone, đó là chưa kể khi anh Hai qua đời, để lại cho chị cái iPhone 6. May mắn là hai chị còn minh mẫn để gọi Zalo, Messenger hoặc Viber cho con cháu và bạn bè. Thì giờ còn lại, ngoài việc lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa thì các chị dùng cho việc QUẸT! Hai chị nghe các pháp thoại trên Youtube của thầy Minh Niệm, thầy Pháp Hòa, còn lại là coi “7 chú tiểu Bồng Lai” và bây giờ là “Thiền am bên bờ Vũ Trụ”. Hai chị còn theo dõi cả số phận cụ Lê Tùng Vân và bà Phương Hằng. Gần đây, còn dành thì giờ theo dõi trên Zoom chuyên chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, một hoạt động của người tình nguyện.

Anh Cả tôi năm nay 91 tuổi, sau khi vợ qua đời hơn 2 năm nay, anh buồn nhiều dù con cháu quây quần bên anh, dù con gái út ở cùng lo cho cha đầy đủ và chu đáo. Cái đáng quý ở anh là tập thể dục và tự xoa bóp đều đặn mỗi sáng. Con gái thứ tư cho anh cái iPhone 6 plus khi đổi cái mới hơn, anh dùng nó rất tích cực. Ăn sáng xong anh lên võng nằm khi con cháu đã đi học đi làm, sau khi đọc báo giấy đặt mua hàng ngày rồi cũng . . . QUẸT! Ðiều đáng nói là anh không quẹt như số đông mà rất trí tuệ vì anh đọc nhiều, biết nhiều do có nguồn sách hiếm và độc đáo. Anh nghe “Bàn tròn thứ 5” của BBC, tìm hiểu qua Youtube số phận của những tướng lãnh, chính khách, những văn nghệ sĩ nổi danh của MNVN trước 1975 và tìm nghe những bản nhạc ngày xưa. Anh là người đã khuyên tôi tìm coi “Ðà Lạt ngày tháng cũ” có lần tôi đã giới thiệu với mọi người ở một stt trên wall facebook. Ðiều tôi tâm nguyện là luôn biết cám ơn tạo hóa, biết cám ơn những thành tựu của khoa học công nghệ, cách riêng là với Internet, với Youtube đã giúp nhiều người và anh chị tôi, những người già tìm thấy niềm vui trong tuổi già, đỡ thấy ngày tháng quạnh hiu khi sức khỏe và trí tuệ không còn ‘chìu’ mình, khi con cháu dù yêu thương đến đâu cũng không thể kề cận luôn luôn vì phải lo học hành và cơm áo.

Xem thêm:   Một đời lan

Vợ tôi cũng thích QUẸT nhưng cô ấy chỉ online khi rảnh. Hôm về thăm giữa tháng 4 này, cô vừa mừng cho anh chị của tôi vừa khiếp, khiếp vì thời gian anh chị dành cho việc QUẸT quá nhiều, everytime, everywhere, everything. Riêng tôi, vẫn nghĩ rằng, nếu không quẹt, chắc là cuộc sống tinh thần của anh chị tôi chắc chắn là rất ít vui và vô vị!

NHQ (29.4.2022)