Nhạc sĩ Văn Trí tên thật là Văn Minh Trí, sinh ngày 31.07.1942 ở Cà-Mau, theo học ở trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký niên khóa 1954-1961 rồi đại học sư phạm Sài-Gòn khoá 1963-1967 và dạy môn Quốc văn nơi trường trung học An Xuyên, tỉnh Cà-Mau. Nhạc sĩ Văn Trí được giới yêu nhạc mến chuộng qua nhạc phẩm “Hoài thu” và “Tình yêu và huyền thoại”.

Nhạc phẩm “Hoài Thu” ra đời sau một chuyến đi nghỉ mát ở Đà-Lạt lúc tác giả còn ngồi trên ghế nhà trường (lớp đệ ngũ). Nhạc sĩ Văn Trí sáng tác khoảng gần 20 nhạc phẩm, trong đó có 3 bài hợp soạn với nhạc sĩ Hoàng Lang. Trong số những nhạc bản viết riêng, chỉ có “Hoài Thu” và “Tình yêu và huyền thoại” được phổ biến nhiều nhất. Những nhạc phẩm còn lại không được nhắc nhở nhiều mặc dù tác giả rất tâm đắc như “Đẹp Hậu-Giang” (ca sĩ Thái Thanh trình bày và được phát thanh qua sông Bến-Hải), Thu đi cho mắt nai buồn (ca sĩ Hà Thanh), “Bài ca sông Cửu” (ca sĩ Hồng Phúc), “Bài ca đẹp nắng” (Ban thiếu nhi Nguyễn Đức), “Tiếng sóng Cửu Long” (ban Hoàng Lang hợp ca), “Nắng thôn chiều” (ban Hoàng Lang), “Hoa nắng rừng mai” (nhạc chuyển mục của đài phát thanh Sài-Gòn).

Sau ngày mất nước, nhạc sĩ Văn Trí định cư ở New Zealand và không tham gia vào sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại. Nhạc sĩ Văn Trí sống kín tiếng và âm thầm nên không mấy ai biết được tin tức về ông.

Xem thêm:   Tản mạn về Quốc ngữ

Chân thành cám ơn anh admin Trương Minh Công của trang website cựu học sinh Petrus Ký ở Úc châu đã cho em biết tin tức về nhạc sĩ Văn Trí cũng như anh Võ Phi Hùng đã bỏ nhiều công sức thu thập tài liệu về nhạc sĩ Văn Trí.

Hình bìa tờ nhạc “Hoài thu” do nhà xuất bản Ly Tao phát hành năm 1959 

Lối quen xưa dệt muôn ngàn sắc lá

Chợt bồi hồi thương tiếc một mùa thu

Xúc cảm từ tùy bút “Cảm thu” của thi sĩ Đinh Hùng (*), nhạc sĩ Văn Trí đã phác họa khung trời mùa thu bâng khuâng qua nét nhạc. Trong lần ghé thăm miền cao nguyên vào mùa thu trút lá, non nước hữu tình và cảnh vật nên thơ gợi cho chàng trai trẻ những rung cảm tuyệt vời …

“Mùa thu năm ấy

Trên đường đến miền cao nguyên

Đà-Lạt núi rừng thâm xuyên

Thác ngàn nước bạc thiên nhiên

Chạnh lòng tôi thấy

Lá vàng rơi nhẹ say mơ

Trong rừng thu đẹp nên thơ

Lưng trời đàn chim bơ vơ”

Chàng đi qua sông hồ, biển cả rồi mải miết trên đường quốc lộ nên đã quên rồi miền cao nguyên năm đó. Tuổi vào đời bước thấp, bước cao và dễ dàng bị cuốn hút bởi những điều mới mẻ. Nhưng nỗi niềm bâng khuâng khó quên của mùa thu trước lại xôn xao trong trái tim của chàng trai lãng tử. Thời gian không giúp người ta lãng quên hay khi muốn quên lại càng thêm nhớ. Hôm nay, mùa thu cũng về lại trên miền cao nguyên sương mù, đất đỏ. Bước chân phiêu linh rời xa phố thị ồn ào để được ngắm bầy nai ngơ ngác đạp trên thảm lá vàng khô hay nhìn đám thỏ múa bâng khuâng trên bờ cỏ rộng. Giữa không gian bao la giao hòa của trời đất, chàng lắng nghe từng nhịp đập ngỡ ngàng của rừng thu vắng lặng …

Xem thêm:   Tiễn một người đi

“Mùa thu năm nay

Tôi lại thấy lòng lâng lâng

Khi nhịp bước nhẹ đôi chân

Trong rừng vắng lạnh bâng khuâng

Bầy nai ngơ ngác

Lá vàng rơi đầy miên man

Trên bờ cỏ rộng thênh thang

Nghe mùa thu đi ngỡ ngàng”

Ca sĩ Thanh Lan và Băng Châu trên hình bìa tờ nhạc “Hoài thu” do nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam tái bản năm 1972

Một mình trên lối nhỏ, thấp thoáng đâu đó những tia nắng vàng ấm áp làm xuyến xao tâm hồn của người trai năm trước. Có phải là tia nắng quái của chiều thu cũ. Lối mòn xưa và những gót chân như lạ, như xa. Lá mùa thu nhuộm vàng màu kỷ niệm để thấy nước hồ chợt xanh và trong hơn. Bước chân nào chợt xa vắng hay chỉ là một cơn gió thoảng qua mành. Gió vương vấn, mơn man tâm hồn đang đơn lẻ hay muốn khơi gợi dư âm của ngày tháng đã phai phôi ..

“Nắng đây vẫn là nắng ấm

Mùa thu thương nhớ mơ màng

Gió thu về đây mơn man

Hồ thu xanh biếc tràn lan”

Thu đi rồi thu đến theo sự đổi thay của 4 mùa thời tiết cũng như định luật tuần hoàn trong vũ trụ. Thu năm nay cũng giống như mùa thu năm trước, vẫn khoảng trời bàng bạc áng mây trôi và thềm rêu cũ ngập muôn vàn xác lá nhưng hình như trong cảm xúc đã có nhiều thay đổi. Giữa mênh mông đất trời, tuổi hồn nhiên đã âm thầm chấp cánh bay xa và còn sót lại nơi đáy tim một mảnh linh hồn thu hiu hắt. Có phải khói hoàng hôn dấy lên nỗi buồn nhớ thương mùa thu trước hay tâm hồn chợt xót xa khi thấy áng mây chiều còn vấn vương đồi thông cũ.

Xem thêm:   Tháng 3 hoa đào nở

Cuộc đời ngắn ngủi, phù du này giống như những chuyến xe xuôi ngược, có gặp nhau chỉ kịp vẫy tay chào. Ngày tháng qua đi có bao giờ trở lại nên ai nấy trong cuộc sống này luôn trân trọng cái hiện hữu, khi hôm nay còn gặp nhau, ngồi bên nhau và trao nhau bao niềm luyến lưu thân ái vì đâu biết được ngày sau sẽ ra sao, lần gặp này có thể là vĩnh viễn và hôm nay có thể là lần sau cùng.

TV (28.10.2024)

(*) tùy bút “Cảm thu” được đăng trong giai phẩm “Mùa gặt mới”, xuất bản tại Hà-Nội năm 1940. Đây cũng là sáng tác đầu tiên của thi sĩ Đinh Hùng được đăng trên báo với bút danh Hoài Điệp Thứ Lang. “Cảm thu” được tác giả diễn tả với lời văn trau chuốt, mượt mà như một bài thơ nên được nhiều độc giả yêu thích và ví von là “thơ văn xuôi”.