“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học” (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.
Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.
Người Ai Cập cổ đại đã biết sơn móng tay và dùng màu sơn móng tay nhận biết đẳng cấp trong xã hội. Vào năm 1964, trong một cuộc khai quật các ngôi mộ cổ ở Ai Cập, xác ướp của Pharaoh Nyuserre, nhà vua trị vì trong giai đoạn từ 2458 – 2422 trước Công Nguyên cùng đoàn tùy tùng đã được tìm thấy. Người ta cũng đọc được những dòng chữ khắc trên tường của ngôi đền cổ có nhắc đến cụm từ “những người giữ gìn và chăm sóc móng tay cho Pharaoh”.
Từng có thời kỳ, ai sơn móng tay đều bị quy là “người xấu” và “ăn chơi”. Những bộ móng tay được tô vẽ là đặc trưng của giới nghệ sĩ nữ, gái bán hoa hoặc dân giang hồ. Tòa Thẩm giáo ra đời, những người nuôi và sơn móng tay sẽ bị buộc tội là phù thủy và bị thiêu sống.
Mary E. Cobb được xem là người phụ nữ Mỹ đầu tiên học nghề làm móng một cách bài bản ở Pháp. Sau đó, bà hệ thống lại toàn bộ quy trình làm, chăm sóc móng tay để mang về lại Mỹ và mở tiệm làm móng tay-chân đầu tiên mang tên “Mrs. Pray’s Manicure” vào năm 1878.
“Mẹ của ngành làm móng” của người gốc Việt tại Mỹ lại là một người Mỹ – bà Tippi Hedren, người sáng lập ra hội thiện nguyện “Food for the hungry”. Sau biến cố năm 1975, bà Tippi Hedren đã thực hiện một dự án nhân đạo trợ giúp 20 phụ nữ người Việt Nam mới đặt chân sang Mỹ. Ban đầu bà định dạy cho họ 2 nghề: Nghề đánh máy và nghề thợ may. Thế nhưng, khi những người phụ nữ trong trại tị nạn đều tỏ vẻ ngưỡng mộ những bộ móng được chăm sóc kỹ lưỡng trên những ngón tay bà, bà quyết định giúp họ học thêm một nghề khác: nghề nails. Mỗi tuần, bà cho máy bay riêng về Los Angeles đón bà Dusty Coots (chủ một tiệm Nails danh tiếng) đến trung tâm cộng đồng ở Bắc California để dạy họ cách làm móng. Sau khi khoá học kết thúc. Bà gởi 20 người phụ nữ gốc Việt mà bà bảo trợ về trường Citrus Heights Beauty College tại Sacramento để thi lấy bằng. Bà đã vận dụng sự uy tín và nổi tiếng của mình để giúp cho 20 học viên này có được việc làm trong những tiệm Nails sang trọng thời bấy giờ.
Từ 20 người gốc Việt đầu tiên, đến nay, số người gốc Việt làm nghề nails đã được nhân rộng trên toàn nước Mỹ. Đã có những Tướng Lĩnh, Khoa Học Gia, Bác Sĩ, Kỹ Sư, các nhà Tham Mưu, Nghiên Cứu… của thế hệ thứ hai hoặc thứ ba được trưởng thành và thành danh ở Mỹ đều nhờ vào những đồng tiền kiếm được từ nghề nails của bậc sinh thành ra họ. Cạnh bên, trong xã hội hiện nay đã có không ít những gia đình có cuộc sống rất ổn định nếu không muốn nói đến giàu có nhờ vào chính nghề này.