Ai cũng có một tuổi thơ. Tuổi thơ ảm đạm hay ngọt ngào hạnh phúc vẫn là những kỷ niệm tinh khôi, bắt đầu của một đời người. Những kỷ niệm được kể ra với niềm hãnh diện, nuối tiếc. Hoặc cất giữ cho riêng mình vì những niềm đau, xót xa nào đó, tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người. Với những người cầm bút, tôi nghĩ ít nhiều đều có viết về thời thơ dại của họ. Tự truyện hay ẩn mình qua một nhân vật.

Cháu và 2 chắt ở Pháp về thăm cố ngoại    

Tôi đã từng viết về tuổi nhỏ của mình. Bản thảo chỉ có vài đoạn ngắn ngủi dở dang. Có lẽ tôi không đủ hứng thú để hoàn tất. Trang viết được giữ cẩn thận trong máy vi tính, nhưng từ lâu tôi đã quên nó.

Và bây giờ tôi đang đọc lại những đoạn dang dở đó.

Quán cà phê nằm trong sân ga, sát ngay cổng chính. Qua những khung kiếng rộng, khách có thể nhìn xuyên suốt mọi vật trên con đường lớn phía ngoài. Tôi chọn một chỗ ngồi với một ly cà phê nhỏ nhất. Tôi không ghiền cà phê, tôi vừa ăn điểm tâm không đầy một tiếng đồng hồ. Ly cà phê chỉ là một điều hợp lý, cho phép tôi có một chỗ ngồi.

Tôi cảm thấy thật thú vị khi cởi áo khoác, tháo găng tay và luôn cả chiếc mũ len trên đầu. Tôi đặt tất cả những khăn áo gọn ghẽ ở một góc trên băng ghế sát tường, rồi thả người trong lòng ghế. Cái thả người ngồi xuống như vừa đóng kín cánh cửa của một căn phòng, khép mình trong im lặng để hoàn toàn tự do với chính mình. Tự do của một con người khác ẩn kín trong tôi.

Tôi không sốt ruột như những hành khách. Những  người chờ để đi, hoặc chờ đón  ai đó sẽ  đến. Họ đi qua đi lại, thỉnh thoảng ngước mắt ngó lên màn ảnh điện tử. Cứ khoảng năm mười phút màn ảnh lại nhấp nháy thay đổi những thông tin về giờ giấc, bến đổ. Chuyến tàu nào vừa đến vừa đi. Tôi ngồi ngắm những hoạt cảnh linh động đó.

Ðường vắng, xe cộ thưa thớt, sương sớm được nhìn thấy lan man, huyễn hoặc hơn trong vùng ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn trên vỉa hè đại lộ trước sân ga. Những ngọn đèn vàng mang cho người sự ấm áp nhưng tự chúng lại toát ra một vẻ hiu hắt, buồn bã.

Ở một góc khuất, một cặp trai gái đang đứng sát vào nhau thầm thì. Mùa Ðông, dù giá lạnh, họ không muốn vào sân ga. Họ cần một nơi chốn riêng tư. Một đứa bé đang nhảy qua nhảy lại giữa hai chiếc trụ thấp dùng để ngăn khoảng cách giữa mặt đường và thềm ga. Nó không làm phiền đám hành khách qua lại. Con bé cũng biết chọn một chỗ riêng cho nó.

Đại gia đình

Ðứa bé và ánh sáng nhờ nhợ, mờ mờ hơi sương của một bình minh chưa thức giấc ngoài kia, chợt làm tôi nhớ về một đứa bé khác.

Một con bé thơ thẩn trước cổng trường trong bóng tối nhá nhem giữa đêm và ngày. Nó đến trường sớm hơn những bạn học cùng lớp. Phải đi học sớm như thế vì ngày trước gia đình con bé sống ở khu phố này và dời nhà đi nơi khác chưa được bao lâu. Dọn nhà vào giữa năm học, anh em nó không thể đổi trường. Mỗi ngày, cậu anh phải đèo con nhỏ em đi học thật sớm, để cậu còn kịp giờ đạp xe đến trường của cậu.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Con bé đến trường cùng lúc với những người bán hàng rong, nên nó không biết làm gì ngoài việc đi qua đi lại hết hàng này đến hàng kia, chờ giờ trường mở cửa. Nó đứng ngắm những chiếc thúng đầy thức ăn, bát đũa dưới ánh sáng leo lét của cây đèn dầu. Ðể thấy đường bày biện, sắp xếp, ngọn đèn được mắc trên cao, giữa đầu đòn gánh và chỗ nối kết những nan tre của quang gánh. Tất cả sẵn sàng chờ đám học trò được cha mẹ cho tiền đến trường ăn quà sáng, trước khi vào lớp. Những ngọn đèn đường không rọi sáng hết bóng tối của khoảng sân. Nên mỗi gánh hàng là một khối vật thể tù mù di động. Quang cảnh như một phiên chợ đêm,  hay đêm ở một khu cắm trại nào đó.

Và cũng cái con bé ấy, mỗi ngày vào khoảng mười một giờ trưa, thường thơ thẩn trước thềm nhà. Căn nhà có ngọn dừa cao ngất mà mỗi một cơn gió dù mạnh hay chỉ nhẹ nhàng thoảng qua, đều thả đầy xuống nền đất những chiếc hoa vàng nhạt, nhỏ li ti. Ðôi lúc con bé nhặt hoa, vun đầy trong lòng bàn tay nhỏ. Nó ngồi trên ngạch cửa, nhẩn nha đếm từng cánh một.

Xóm nghèo, đường vào hẻm chỗ lồi chỗ lõm. Nơi gốc dừa già cỗi trước nhà có một chỗ đất trũng, nước thường đọng lại  sau những cơn mưa. Vũng nước đọng đã cho con bé nhiều trò chơi không biết chán. Nó tìm một cành cây khô vớt những chiếc lá héo cong queo, những chiếc hoa dừa xinh như những ngôi sao nhỏ lềnh bềnh trôi. Cũng có khi là con kiến yếu ớt kém may mắn rớt vào vũng nước, đang loi ngoi cố tìm cách vào bờ. Có lúc chỉ là một vài mảnh giấy con con. Những vật thể nào đó vô tình rơi xuống nước đều được con bé vớt lên. Chán chê với trò nhặt nhạnh, nó lại dùng chiếc que khuấy nước sủi bọt lăn tăn, hoặc đưa tay túm hai ống quần lên cao rồi nhảy qua nhảy lại từ bên này qua bên kia, hai bờ của vũng nước. Nhưng chốc chốc, con bé không quên chạy ra đầu hẻm, nhìn xa ngóng mẹ về. Mẹ nó sẽ xuất hiện ở đầu đường lớn, nơi có nhiều hàng quán tụ tập đông đảo dưới bóng mát của một tàn me to, cành nhánh rậm rạp. Mẹ chỉ về nhà bằng con ngõ chính này chứ không thể là một nơi khác. Nó biết chắc như thế, nhưng nó không được phép đi  xa. Chỗ xa nhất nó được đến là khoảng sân rộng của một xưởng nhuộm vải, cách nhà vài bước chân. Một buổi mẹ về, mẹ mặc chiếc áo màu nâu non. Trong chiếc giỏ của mẹ có một con búp bê bằng nhựa. Món quà mà người mẹ nghèo đã chắt chiu từng đồng để mua cho con. Món quà là nỗi mơ ước, là hạnh phúc to tát của một đứa trẻ nhà nghèo nên nó nhớ mãi không quên.

Tác giả và mẹ 1956

Con bé ấy là tôi, là tuổi thơ, là quá khứ.  Cái quá khứ nghèo nàn, chỉ như dăm ba tấm ảnh treo trong một góc tối, bất chợt hiện ra bởi một thứ ánh sáng vô tình lướt ngang, rồi lại mất hút vào bóng tối.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Không chỉ là những tinh sương, khung cảnh tranh tối tranh sáng ở một sân trường. Còn một tinh sương khác, tôi cũng thẩn thơ ở một ngôi chợ, một bến xe. Chờ lên xe, đi về đâu đó với ai? Mẹ hay chị thì tôi không còn nhớ. Nhưng hình ảnh những buổi mai tù mù lạnh lẽo ấy là một dấu ấn sâu đậm trong tôi. Bối cảnh này nếu nhìn thấy đâu đó, bất cứ nơi nào, nó luôn gợi tôi nhớ về thời thơ ấu.

Trí nhớ không giữ được nhiều kỷ niệm hay ấu thời của tôi chỉ có từng ấy trong ký ức? Ngôi trường của những sớm mai. Hẻm nhỏ những trưa nắng xế, cơn gió hiu hiu và tiếng kẽo kẹt của các tàu lá dừa va chạm bởi những cơn gió.


  Mai Thị Thái

Pháp danh Hoa Hạnh

Sinh ngày 15/7/1924 năm Ất Sửu

Tạ thế tại Việt Nam ngày 27/4/2021

(nhằm ngày 16/3 năm Tân Sửu)

Linh cữu được hỏa táng tại Bình Hưng Hoà

Hưởng thọ 97 tuổi


Sau khi rời khỏi xóm có ngôi nhà mát rời rợi vì sau lưng nhà là bến nước, cầu sông. Căn nhà tiếp nối cho tuổi thơ tôi nương náu là một căn nhà lợp tôn nằm trong trại gia binh. Nhà nóng hừng hực những ngày Hè. Mùa mưa, nước ầm ầm tuôn trên mái nghe như thác đổ. Thay thế bóng mát nhỏ nhoi toả xuống từ ngọn dừa là những vòm lá xanh của hai hàng phượng vĩ được trồng dọc hai bên cư xá. Hoa phượng đỏ rực suốt mùa Hè. Không như hoa dừa, hoa phượng cho tuổi thơ tôi khá nhiều trò chơi thú vị.

Ðứa trẻ tôi ngày ấy không còn một mình lẩn thẩn với những trò chơi tự chế như trước. Tôi có nhiều bạn hơn, vui vẻ hơn. Ngoài những nụ phượng non, lũ trẻ ngắt ra tìm nhuỵ để chơi đá gà, bọn trẻ còn có hàng đu đủ thấp sau dẫy nhà. Lá đu đủ dùng làm cờ quạt múa may. Mùa mưa ốc sên bò đầy trên mặt đất. Lũ ốc ngờ nghệch đã cho đám con trai những trò chơi tai quái.

Tác giả & Mẹ

Vui vầy nhộn nhịp như thế, song điều tôi nhớ nhiều nhất khi sống trong  khu cư xá này cũng là những tinh sương. Sương loãng như bức màn khói rũ xuống từ những hàng phượng cao. Lẫn trong màn sương có những  con sâu đo đong đưa giữa thinh không. Những con sâu uốn éo rơi xuống từ cây cành mà những nhựa cây hay một thứ tơ nào đó cầm giữ không cho chúng rớt xuống. Không một đứa trẻ nào dám ra sân chơi lúc nắng chưa lên, lúc loài sâu còn đong đưa lơ lửng.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Tôi sợ những con sâu nên nhớ hoài, hay trí nhớ chỉ lưu trữ những bình minh sương sớm?

Tôi vừa đọc xong bản thảo và ráp nối những đoạn rời lại với nhau.

Tôi đã viết về thơ ấu của mình như thế. Những điều chưa hề tâm tình kể lể với ai, được giấu trong những giòng chữ bị bỏ quên nhiều năm tháng. Ngay cả mẹ tôi, chưa lần nào tôi nói với bà rằng, tôi vẫn nhớ ngày xưa nhỏ nhít, đứng ở đầu hẻm chờ mẹ về. Tôi nhớ cánh áo tơ nội hoá màu nâu non của mẹ và cái dáng tất tả bước nhanh vào con ngõ của bà.

Coi lại ngày tháng, những đoạn rời đó tôi viết năm mẹ tôi tám mươi tuổi. Tuổi vẫn còn minh mẫn đọc báo, đọc sách. Mẹ tôi đặt mua báo tháng, mỗi ngày người phát báo vẫn nhét vào cửa sổ hai tờ báo cho bà. Nếu tôi hoàn tất truyện ngắn đó và đưa mẹ tôi đọc, có thể bà đã quên màu áo của bà ngày ấy. Quên con búp bê bà đã mua cho tôi. Nhưng quên hay nhớ những vật thể ấy thì có hề chi. Tại sao tôi lại không cố gắng viết ra cho mẹ đọc những nỗi lòng của mình?

Lâu rồi, chìm đắm trong chữ nghĩa với những «truyện ngắn, truyện dài», tôi đã không hề nhớ về những ngày bé thơ của mình nữa.

Ðêm qua, tôi đọc lại những đoạn rời dang dở. Có phải khi nhớ về mẹ, người ta thường nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu? Vì mẹ gần gủi kề cận bên ta thời ta còn nhỏ nhít. Khi khôn lớn, ta bỏ mẹ bay theo đời sống nhộn nhịp của tuổi trẻ. Vô hình trung kỷ niệm thắm thiết với mẹ cũng vơi đi phần nào.

Bây giờ tháng Tư, mùa Ðông chỉ vừa mới qua đi. Những bình minh đã trong vắt, tươi hồng, không còn sương mù ảm đạm. Mặt trời chưa lên, tôi vẫn còn nằm trong giường, trong bóng tối, thứ bóng tối được làm đầy thêm bằng những tấm màn đêm. Thứ bóng tối lười biếng, lặng thinh luôn làm tôi nhớ nhà, nhớ về tuổi nhỏ của mình.

Hoài niệm bây giờ không còn những sáng tù mù ở một sân trường tiểu học, một phố chợ có bến xe đò đèn đóm đìu hiu. Hay những con sâu đo đong đưa trong làn sương sớm dưới những nhánh phượng mùa Ðông.

Tôi nhớ một màu áo, những vạt nắng giữa ngày. Chiếc giỏ xách có con búp bê bằng nhựa, mẹ về sau buổi chợ trưa.

Tháng Tư, với những người sống xa tổ quốc là tháng buồn thương tiếc nuối. Tháng nhớ về một quê hương bỏ lại. Thương những phận người, tưởng tiếc những anh linh đã hy sinh trong cuộc chiến. Tháng Tư của tôi bây giờ thêm một tóc tang. Lòng tôi tràn đầy ân hận vì một trang bản thảo bị bỏ quên.

Ngày mai, khi nơi này còn là đêm thâu, thì bên kia Sài Gòn nắng lên rực rỡ. Nắng thiên thu cay mắt mặn môi tôi.

«Ngày mai má thành tro bụi,

ngày mai má về thiên thu”

ĐML

(cuối tháng  tư, 2021)