Những tháng cuối Thu 1974 cả Tiểu đoàn 105 đau ‘rạt gáo’ về một chứng sốt kỳ lạ tràn lan khắp hết bốn đại đội cho đến các trung đội trên Ðộng Ô Do. Quân số Tiểu đoàn thiếu hụt trầm trọng, hao hết phân nửa do bệnh lạ nói trên. Tôi gắng lắm, cuối cùng cũng ‘chống gậy’ theo xe tiếp tế về nằm tại Bệnh Xá Tiểu Khu thôi.
Bạn đọc có thể cho rằng tôi nói chi nghe lạ? Sao lại “chống gậy” lúc mới hai mươi mốt tuổi đời? Số là sau hai ba tháng tôi cứ cố gắng ở lại trên vùng này, nhưng sốt quá nên người tôi ốm nhom, mắt lúc nào cũng hoa lên hay buồn nôn, cuối cùng sao mà tôi không chống gậy cho được?
Lúc tôi về nằm bệnh ở Diên Sanh tôi khá may mắn do có Ông Ðại Uý Quân Y Hoàng Trọng Mộng, một người quen biết với gia đình ngoại tôi, đang làm Trưởng Bệnh Xá Tiểu Khu. Chữa bệnh tại Bệnh Xá này non hai tháng; hết bệnh người khỏe ra, tôi cầm tờ giấy phép mười lăm ngày vào tận Mỹ Tho thăm gia đình. Ðây là tờ giấy phép đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) trong đời quân ngũ. Tôi khá liều khi đi phép lần này do bận nguyên bộ đồ lính lại đi xe đò qua các vùng ‘xôi đậu’ như Tam Quan Bồng Sơn. Lính không tiền thì phải liều thôi. Vả lại, tôi từ trên núi về làm gì có áo quần dân sự bận vào?
Tôi an toàn vào được Mỹ Tho nơi gia đình tôi tá túc. Tôi có ghé Bình Tuy thăm bà con ở xứ Ðộng Ðền. Người Quảng Trị năm 1974 đã vào Bình Tuy hơn một nửa, chỉ một phần ba hồi cư về lại thôi. Tiểu Khu Quảng Trị cũng chia đôi để đi theo DI DÂN LẬP ẤP.
Tôi ghé thăm vùng đất mới Ðộng Ðền vỏn vẹn hai ngày nhưng nhiều ấn tượng. Hình ảnh những cánh rừng mới bị chặt hạ ngổn ngang trên vùng đất cao, những quán cà phê nho nhỏ, hai ba cái chợ nhà quê, những mái nhà tôn và tranh chen lẫn. Ði đâu cũng là người Quảng Trị gần nhau, đùm bọc nhau mà sống. Năm này chỉ có bà con ngoại tôi ở đây. Gia đình ba mẹ tôi một năm sau (1975) mới giã từ Mỹ Tho để về vùng này.
Khoảng Noel 1974 tôi ra lại đơn vị. Những ngày này tôi lẩn quẩn về Hải Thọ thăm mợ tôi, lên khu Thị Tứ trước mặt Tiểu Khu thăm bà con lối xóm mới hồi cư. Gạo hồi cư của người Hồi Cư Quảng Trị sáu tháng cũng vừa hết. Bà con sống nhờ vào đồng lương lính hay công chức quá eo hẹp không biết làm sao sống trên cồn cát trắng phau? Có thể số người ở đây giờ này ai cũng không quên số ngày ‘cơ khổ’ lúc ấy? Gạo thiếu củi hết? Những cồn cát bị bới tung hết, rễ sim mốc làm chất đốt dần dà cũng cạn kiệt? Mỗi ngày người ta nấu hai bữa ăn tức là lúc 10 giờ sáng và bữa còn lại lúc 4 giờ chiều thôi. Xem như không có bữa sáng. Hồi cư thì chỉ biết là hồi cư nhưng sống ra sao thì không ai tính trước được?
Ðó là những gì gọi là đời sống của bà con ngày tôi về đơn vị. Vào hậu cứ Tiểu Ðoàn 105 chờ xe tiếp tế lên núi để đi theo. Tôi không đợi quá lâu vì mỗi tháng đều có ba chuyến tiếp tế lên núi.
Chiếc GMC của Tiểu Ðoàn 105 ì ạch bò quanh co theo con đường sơn đạo lên hướng Ô Do mất gần nửa ngày. Tất cả mạch sống của mấy tiểu đoàn hướng núi chỉ nhờ vào sơn đạo này. Làm gì có máy bay vào lúc này, hoạ chăng lính TQLC còn may ra. Lính Ðịa thì mong chờ. Chỉ hai bàn chân và mấy chiếc GMC của Tiểu Ðoàn, tuy cũ kỹ nhưng bao lâu nay, nó là ‘người bạn tiếp vận’ đắc lực cùng trung thành nhất cho Tiểu Ðoàn chúng tôi.
Khu thị tứ và cư xá công chức Tiểu Khu Quảng Trị tại Diên Sanh 1973
Men theo những triền tranh tôi lội bộ về chốt trung đội. Anh em gặp nhau mừng vui hỉ hả như thể người thân vừa về lại nhà. Tội nghiệp tôi chẳng có quà gì cho anh em ở lại cả. Ði bệnh viện về người tôi còn gì đâu ngoài cái thân còm nhom này.
Trung sĩ Thản, người trung đội phó xuýt xoa kể cho tôi nghe chuyện đêm kia khi nghe quả lựu đạn gài dưới chân đồi phát nổ ra sao. Tất cả Trung đội lên đạn sẵn sàng.
Sáng dậy một người bò xuống chốt. Té ra con mang bị vướng lựu đạn chết oan. Ðược mười mấy ký thịt – chất tươi hiếm quý.
– Tiếc quá không có mặt chuẩn uý liên hoan một trận cho đã!
Trung đội phó Thản vừa kể vừa phân trần. Phó Thản vác sang đại đội trưởng Lê Kim Chung một cái đùi sau, còn chia cho 2 chốt tiểu đội kia…
-Vừa xong thì chuẩn uý lên đây!
Tôi không nhớ có cám ơn tấm lòng anh em trung đội hay không. Chỉ tiếc là chưa thưởng thức hương vị thịt con mang kia ra sao. Xưa tôi hay nghe “Mang lạc là mác làng” không biết lành hay dữ đây!? Mà chốn núi đồi có nhiều đêm tôi hay nghe mang “tác” có sao đâu? Ðộng trời thì mang nó tác chẳng có chi lạ.

Bao thuốc lá Capstan
Trời sắp đón Xuân 1975 hay cái Tết đầu tiên tôi đón Xuân trên miệt núi. Trên cao nhìn về đồng bằng là cả một mảng mù sương. Những ngày quang đãng, hướng mắt về Diên Sanh tôi thấy rõ những viền cát trắng. Những lúc trời thật trong, tôi còn nhìn thấy mép đại dương xanh ngọc bích.
Ban ngày chúng tôi có thú vui là đánh bài xẹp. Bài xẹp gần giống bài tứ sắc. Ðó là cái thú tiêu khiển cho đời lính đóng chốt ở đây. Radio nghe riết cũng hết pin mà hết pin thì khó lòng mua được, ngoại trừ dùng lại những cục pin cũ của máy PRC 25 tức là máy truyền tin của trung đội.
Tất cả đều thiếu thốn. Mười ngày mới có một chuyến xe tiếp tế phải tới đỉnh Ông Do nhận hàng do xe không thể bò tới chốt của từng đại đội được. Từ chốt trung đội tôi có thể men theo đồi tranh đi tắt bằng con đường tự mở để tới chốt đại đội ‘ký sổ’.
Ký sổ có nghĩa là mua thiếu hàng tại chốt đại đội. Nào kẹo đậu phụng nào sữa Ông Thọ, bột gạo lức Bích Chi, nào thuốc hút Capstan… những thứ này không thể thiếu. Vào những năm này lính phần nhiều ghiền thuốc hút Capstan đến thế. Hút xong bao thuốc đọc ngược rồi lại đọc xuôi, tất cả dân hút đều thuộc và đồng ý những chữ đầu của bao CAPSTAN là:
– Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát?
– Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn!
Dù có nhiều câu khác nhưng hai câu trên là hai câu phổ thông nhất mà người lính bộ binh nào vào cái thời ghiền Capstan đều chịu.
Nước uống thì vác ống đạn bò xuống chân núi để lấy nước khe. Ðoạn đường nguy hiểm và hồi hộp làm sao! Không phải chúng tôi sợ cọp hay ngại beo mà là sợ bị phục kích. Nhưng không có nước thì xem như ngồi trên chóp núi mà chết khát thôi. Nhược điểm của đóng quân trên cao là vậy. Chúng tôi biết làm sao hơn cái chiến thuật vào thời đó có cái tên là “CHỐT và KIỀNG” một danh từ trong quân trường những người sĩ quan đều học cả.
Ðủ thứ nghi ngại cho căn bệnh sốt tại miền núi Ông Do vào thời gian đó. Do nguyên nhân nào không quan trọng. Chuyện đáng lo là quân số quá thiếu, tiếp vận thì eo hẹp.
Chuyện đời lính là vậy, còn “cái mạng” để hàng ngày ngắm trời mây là may rồi.
Trường Trung Học Nguyễn Hoàng trên cồn cát Diên Sanh cạnh TKQT
Có một con sông nhỏ, một khám phá lý thú cho riêng tôi khi dò trong bản đồ vùng tôi đóng quân. Nó mang tên là “SÔNG NHÙNG”. Ngày xưa tôi quen gọi là “Nhồng’. Cầu Nhồng là cái tên tôi không bao giờ quên. Ngày tôi còn nhỏ những năm lớp Nhì- lớp Nhất, tôi hay vào Diên Sanh; lúc này xe hàng từ Quảng Trị vô phải qua Cầu Nhồng. Con đường Quốc Lộ 1 vào Diên Sanh phải qua Hải Thượng tức là con đường cũ. Xe qua Cầu Nhồng rồi mới đến Cồn Dê trước khi đến Diên Sanh tức là Xã Hải Thọ.
Huyền thoại về Cầu Nhồng, thời nhỏ tôi chưa quên. Người ta kể rằng: thời Pháp qua Cầu Nhồng hay có ma. Có khi ma nó xui cho tài xế thấy cả “hai cầu Nhồng” trước mắt và lái tòm xuống sông? Ðó là chuyện thời xưa khi còn Pháp, tôi chưa ra đời. Rồi thập niên 1964-65 khi ba tôi làm tại Chi CA Hải Lăng người hay lái xe vào Cầu Nhồng, đi bộ lên một đoạn ném lựu đạn bắt cá. Có hôm bắt được con cá tràu khoanh lại to gần bằng cái bánh xe hơi.
Hôm nay Cầu Nhồng chắc đã vào quên lãng khi Quốc Lộ 1 đổi hướng từ Ngã Ba Long Hưng qua Cầu Dài vào tuốt Mỹ Chánh. Khi viết những dòng này, tôi không biết chiếc cầu đó còn không. Có điều tôi chắc chắn Diên Sanh trở thành “Thị Trấn Ðìu Hiu” do Quốc Lộ không còn đi qua nó nữa.
Tôi thú vị với hai chữ Sông Nhùng để ngày ngày ngắm nó uốn éo lượn lờ dưới chân núi. Tiếng là sông nhưng chỉ là con suối dài, nước chảy mạnh qua nhiều nơi tung nước trắng xoá. Sông và thảm rừng dưới xa là cả một bức tranh thuỷ mạc.
Ðời lính và quê hương đôi lúc tình cảm phát sinh là những lúc lặng ngắm non sông như thế. Trước khi đổi quân lên núi, tôi từng đóng quân mạn biển. Khi tai nghe sóng trùng dương và mắt ngắm biển trời bao la bát ngát, tôi mới chợt nghiệm ra tình yêu nước dâng trào trong cơn gió lộng. Lên đây, vùng cao: một lần nữa khi đứng trên đỉnh cao ngắm xuống một con sông đang lượn lờ uốn khúc, tôi mới nhận ra quê hương sao đẹp quá! HỒN THIÊNG SÔNG NÚI ngàn đời mãi xanh.
Xuân 1975 sắp tới rồi chỉ còn vài ngày nữa thôi. Từ đỉnh cao, quanh tôi có nhiều đồi tranh bạt ngàn và những triền rừng xanh um. Trên đỉnh cao khó lòng có những khóm mai rừng. Chuyện chúng tôi đáng nhớ và cảm động làm sao khi nhận những món quà bánh Tết từ Diên Sanh hay hậu cứ Tiểu Khu được gửi lên từng trung đội. Chia về từng tiểu đội. Tuy chỉ vài ba cái bánh ú bánh chưng đơn sơ nhưng đó là cả một tấm lòng của dân. Dưới kia bà con còn túng thiếu, người HỒI CƯ biết làm chi ăn trên một vùng cát trắng và người thì mới về?! Ðó là những tình cảm đáng quý và trân trọng, đó mới chính là mối tình quân dân mãi thắm và cảm động biết bao!
Hơn bốn muơi mùa Xuân qua nhưng lòng tôi vẫn nhớ mãi mùa Xuân của Một Chín Bảy Lăm. Từ mùa Xuân đó tôi không còn cơ hội chiêm ngưỡng cảnh đẹp non sông, núi rừng và Xuân biên giới. Nhưng tôi còn may mắn hơn những người đã nằm xuống do còn ngồi đây để viết lại đôi dòng ký ức. Sau hết khi đối diện với con tim mình, tôi luôn tin rằng HOA QUÊ HƯƠNG vẫn mãi mãi nồng thắm trong tâm hồn.
ĐHL
SAN JOSE, CA
Nhớ xuân 1975 núi rừng Quảng Trị