Chuyến bay dài mười mấy tiếng đồng hồ đáp xuống phi trường Frankfurt. Tôi uể oải từng bước kéo lê cái va-ly cồng kềnh rời khỏi phi trường. Tôi đã về lại cái quê hương thứ hai như định mệnh đã an bài từ mấy chục năm về trước. Từ lối đi sạch sẽ đến từng ngọn cỏ xanh tươi ven đường được cắt tỉa đẹp đẽ đã quen mắt, ưa nhìn, nhưng lòng tôi sao bỗng nghe lạ lùng quá đỗi!

Mới sáng hôm qua, hai má con tôi còn ngồi với nhau ăn buổi điểm tâm mà! Buổi sớm mai ở Sài-Gòn nắng gay gắt đến ghê người. Dòng xe cộ đông đúc như mắc cửi cùng với âm thanh ồn ào khiến cho cuộc sống nơi này thêm hối hả bội phần. Đất Sài-Gòn dường như mỗi ngày thêm hẹp cho dù người ta đã lấp hết mương rạch và lấn dần ra tới cửa sông để nới thêm diện tích. Xế chiều, cậu em bạn đến đón tôi để đưa ra  phi trường Tân Sơn Nhứt như đã hẹn. Má tôi cúi mặt và lững thững đi vào gian bếp ở cuối nhà. Đôi vai của má hơi run run. Má tôi đang rưng rưng. Tôi bước theo, xoa nhè nhẹ lên tấm lưng gầy còm của má và an ủi:

– Có đi rồi mới có về, con hổng đi bữa nay thì lần sau đâu có về thăm má được!

Tôi không nghe tiếng trả lời của má. Phút giây đó, hình như không gian bị chùng lại! Chắc chỉ có nhà soạn kịch mới nói ra được cái tiếng lòng lặng thầm đó chứ người trần tỏ mắt, thính tai như mình khó mà bày tỏ được. Mười mấy ngày về thăm má trôi nhanh như cơn gió thoảng. Thời gian dường như thu ngắn lại để dài thêm niềm thương nỗi nhớ. Má tôi đã yếu nhiều lắm rồi, bước đi chập chờn như ngã như xiêu, chỉ còn được cái trí nhớ vô cùng minh mẫn.

Hình Má của tác giả, chụp hồi giữa thập niên 50. 

Lần đó, hai má con tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì được về quê ngoại và viếng thăm mồ mả ông bà. Đường đi dù xa xôi mà cứ tưởng chừng như trong gang tấc. Suốt quãng đường đi, má tôi kể đủ thứ chuyện mà chuyện nào cũng xưa lơ xưa lắc như là trong cổ tích, như thuở má về với ba. Có lẽ tuổi già thường hay như vậy, họ thường lấy cái dĩ vãng xa xưa để xoa dịu cái già nua cũng như bù đắp cho cuộc sống hữu hạn này.

Xem thêm:   Tia laser

Đây là chợ Bạc-Liêu với tiệm trà đông khách của ông ngoại, kia là Cầu Quay in dấu chân của má tôi mỗi ngày hai lượt đến trường. Tuổi thơ của má gắn liền với tiệm trà, với ngôi chợ thân thương, với con sông Mỹ-Thanh hiền hòa, êm ả chảy xuôi. Rồi đến một ngày má tôi cũng phải từ giã ông ngoại để lên Sài-Gòn lập nghiệp. Và mấy chục năm sau đó, cũng giống như ngày xưa của má, má cũng tiễn tôi đi. Phút chia tay bịn rịn ở góc đường Nguyễn Tri Phương, trước tiệm bánh bao ông Cả Cần. Chiếc xe lam hướng về xa cảng miền Tây lăn bánh đã khá xa, má tôi vẫn đứng yên nơi đó, tay quẹt nước mắt và tay kia vẫy vẫy chào. Chiếc áo bà ba điểm bông li ti màu tím nhạt và chiếc quần Mỹ-A mờ dần sau làn khói xe xám đục. Tôi xa nhà, và từ biệt má, ba để đi tìm sự sống trong cái chết.

Lần về thăm má năm đó tôi cũng có linh cảm là lần gặp gỡ sau cùng. Xe lăn bánh nhẹ nhàng rời xứ sở Bạc-Liêu, má tôi còn quay lại dõi theo bóng hoàng hôn mờ nhạt. Khác với chuyến khởi hành nhộn nhịp và rôm rả, chuyến trở về nghe sao yên ắng đến lạ thường. Khi xe gần đến Sài-Gòn, tôi thấy những dòng lệ tuôn chảy trên đôi gò má nhăn nheo, héo hắt. Tôi vẫn giữ cái không khí lặng yên, không hỏi han, không thắc mắc, ít ra để cho má mình được sống trọn vẹn với ký ức, với những kỷ niệm ngày xưa. Mười tháng sau, má tôi qua đời. Má tôi ra đi thật nhanh và không để lại một lời nhắn nhủ.

Mới ngày nào còn được Má bồng trên tay – đứa bé được bồng là .. TV, 1964

Những kỷ niệm ấu thơ cứ chập chờn trong ký ức, mới ngày nào má dắt tay tôi đến trường để vào lớp mẫu giáo. Má bước chân đi tôi lại khóc òa. Cô Huệ xinh đẹp và dịu dàng như nghệ sĩ Thanh Nga dỗ dành cách nào tôi cũng không chịu nín. Ăn hết cây cà-rem trên tay và trong màn nước mắt giàn giụa, tôi thưa với cô:

Xem thêm:   Đi mây về gió

– Cô ơi, em muốn về với má!

Nửa thế kỷ đã đi qua mà sao như mới hôm nào, cứ ngỡ như ngày ba má tôi còn tại thế. Lần đi xa nào, má tôi cũng dặn dò trong phút giây bịn rịn:

– Cuộc đời này vốn phù du và hữu hạn, con phải sống cho nên người tử tế.

Trong chuyện tình cảm, đôi khi đã không cùng nhau nhìn về một hướng, thì vòng tay ôm cũng hờ hững buông lơi. Dù thành công hay thất bại trong cuộc đời, má tôi vẫn chấp nhận và đồng hành để dìu con mình đi tiếp đoạn đường trước mặt. Một lần thất vọng hay thất bại của con cái, ba má đau đớn đến mười lần hơn. Vòng tay của má vẫn ấm nồng như những ngày ấu thơ và hơn bao giờ hết, lời ru êm ái năm xưa là hành trang cho con vững bước trên đường đời. Má ơi, xin má hãy an lòng, ngày từng ngày con của má sẽ cố gắng theo lời má dạy, sẽ tập tành làm người tử tế.

TV