Chúng ta tiếp tục theo dõi phần hai của bản dịch The Federalist No 52. Trân trọng giới thiệu:

The New York Packet

Thứ Sáu, 08 tháng Hai 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

… Cùng lý do như thế, cũng là không đúng đắn nếu để quyền này cho các nhánh lập pháp của các Tiểu Bang quyết định; thêm nữa, làm như thế còn làm cho bộ phận này của chính quyền Liên Tiểu Bang, chỉ nên phụ thuộc duy nhất vào nhân dân (“nhân dân” ở đây có tính chất toàn Liên Tiểu Bang. ND), sẽ trở thành quá lệ thuộc vào các chính quyền Tiểu Bang. Nếu gò các điều kiện khác nhau của các Tiểu Bang vào cùng một lối cai trị thì giờ đây nhiều Tiểu Bang hẳn phải bất mãn và Hội Nghị đã phải gặp thêm nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị của Hội Nghị đang tỏ rõ là các đại biểu đã chọn được cách tốt nhất. Lựa chọn này chắc chắn sẽ làm hài lòng mọi Tiểu Bang vì nó có thể thuận hợp với các chuẩn mực đã hoặc có thể sẽ được lập bởi chính các Tiểu Bang. Nó sẽ bảo đảm an toàn cho Hợp Chúng Quốc (nguyên văn: “United States”.) vì, do được các hiến pháp các Tiểu Bang tuân thủ, sẽ không thể bị biến đổi bởi chính quyền các Tiểu Bang và không thể có nguy cơ nhân dân các Tiểu Bang sẽ biến cải bộ phận này trong hiến pháp của họ để lược đi các quyền được Hiến Pháp Liên Tiểu Bang bảo đảm dành cho họ.

Ðiều kiện của người được bầu, dầu ít được xác định kỹ càng và đầy đủ trong các Hiến Pháp các Tiểu Bang, và đồng thời là vấn đề có thể phải chấp nhận sự đồng nhất, đã được Hội Nghị xem xét và điều chỉnh hết sức hợp lý. Người đại diện cho Hợp Chúng Quốc phải có tuổi đời ít nhất 25 năm; phải có 7 năm làm công dân của Hợp Chúng Quốc; phải là cư dân của Tiểu Bang sẽ đại diện vào lúc được bầu; và, trong khi đại diện, không được giữ một chức vụ nào của Hợp Chúng Quốc. Với những giới hạn hợp lý này, cánh cửa của bộ phận này trong chính quyền Liên Bang sẽ luôn để mở cho mọi người đủ điều kiện, dù là bản địa hay nhập cư, trẻ hay già và bất kể nghèo, giàu, tín giáo.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Nhiệm kỳ cho các đại diện là vấn đề thứ hai cần xem xét đối với nhánh quyền lực này. Ðể xác định sự đúng đắn cho vấn đề này, cần phải xét hai câu hỏi: Một, phải chăng bầu cử chu kỳ 2 năm sẽ an toàn cho bộ phận quyền lực này? Hai, phải chăng bầu cử 2 năm là cần thiết hay thiết thực?

Thứ nhất, vì điều cốt yếu cho tự do là chính quyền về tổng quát phải có cùng lợi ích với nhân dân, vậy điều cực kỳ cốt yếu là bộ phận này (tức Cơ Quan Đại Diện. ND) của chính quyền phải lệ thuộc trực tiếp vào, và phải có sự đồng cảm mật thiết với nhân dân. Ðương nhiên, bầu cử định kỳ là phương tiện duy nhất để sự lệ thuộc và đồng cảm này được bảo đảm đầy đủ. Nhưng thường kỳ ở mức nào để có thể tuyệt đối bảo đảm đạt được mục đích này lại tỏ ra không thể định được chính xác, và còn bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố liên đới khác. Như vậy, chúng ta cần phải tham khảo kinh nghiệm, kẻ dẫn đường đáng tin cậy mỗi khi chúng ta gặp được.

Cách thức đại diện, một cách thức thay cho việc tất cả mọi công dân cùng gặp gỡ nhau trực tiếp, nếu có cũng rất không phổ biến ở thời cổ nên chúng ta chỉ có thể hy vọng tìm được các bài học về cách thức này trong những thời gần đây. Ngay cả như thế, để tránh sa vào thông tin quá mông lung, dàn trải, chúng ta cũng nên tự giới hạn vào một số mô hình nổi tiếng nhất và có sự tương đồng lớn nhất với hoàn cảnh riêng của chúng ta. Vì vậy, mô hình đầu tiên phù hợp với tiêu chuẩn này là Viện Thứ dân (“the House of Commons”, tương đương với Hạ viện. ND) ở Ðại Anh quốc. Lịch sử của nhánh quyền lực này trong Hiến Pháp Anh tiền Magna Carta (Magna Carta (Đại Hiến Chương) – một khế ước chính trị nổi tiếng giữa nhóm quý tộc Anh với Vua John vào năm 1215 thường được coi là dấu mốc cho sự bắt đầu của thượng tôn pháp luật (the rule of law) hay tinh thần hiến pháp. Khế ước đó quy định Vua Anh phải tôn trọng một số quyền dân sự và chính trị của giới quý tộc hoặc muốn thay đổi phải có sự ưng thuận trước của họ. ND) quá mờ mịt nên không cho nhiều thông tin. Ngay sự tồn tại của nó vẫn là một nghi vấn trong giới chính trị học. Các ghi chép sớm nhất của thời sau này cho biết nghị viện chỉ HỌP hàng năm; không phải được BẦU hàng năm. Và, ngay cả các phiên họp thường niên này cũng bị lệ thuộc quá nhiều vào ý chỉ quân vương tới mức những cuộc ngừng trệ lâu và nghiêm trọng lại thường do Hoàng Gia tạo ra với nhiều lý cớ khác nhau. Ðể chữa trị vấn nạn này, dưới triều Charles II (Charles II (1630-1685) vua của 3 vương quốc England, Scotland và Ireland, trên thực tế từ 1660-1685. Mặc dầu đã được nối ngôi sau khi vua cha Charles I (1600-1649) bị hành hình nhưng Charles II phải đi lưu vong 9 năm do biến động chính trị. ND), có một bản luật quy định các khoảng ngừng họp không được dài quá 3 năm. Lúc William III (William III (1650-1702) vua của 3 vương quốc England, Scotland và Ireland từ 1689-1702. ND) lên ngôi, khi một cuộc cách mạng về chính quyền (đây là cuộc cách mạng rất nổi tiếng của Anh, thường được biết với cái tên Glorious Revolution 1688 (cách mạng vinh quang 1688), có ý nghĩa rất quan trọng cho các cải cách chính trị sau này theo hướng thượng tôn pháp luật và dân chủ. ND) nổ ra, vấn đề đã được quan tâm trở lại nghiêm chỉnh hơn và có quy định rằng một trong những quyền cơ bản của nhân dân là nghị viện phải hoạt động (nguyên văn: “parliaments ought to be held”, động từ “to hold” ở thể bị động này có nghĩa rộng, không cụ thể, ở đây có thể hiểu là “họp”, “tổ chức” hay là “bầu cử”. ND) THƯỜNG KỲ. Vài năm sau, trong cùng triều đại, một luật khác đã được thông qua trong đó thuật ngữ “thường kỳ”, trước đó hàm ý là khoảng thời gian 3 năm dưới triều Charles II, đã được chuyển thành nghĩa chính xác với quy định rằng một nghị viện mới phải được triệu tập trong vòng 3 năm sau khi nghị viện cũ kết thúc. Sự thay đổi cuối cùng, từ 3 năm thành 7 năm, chúng ta biết rõ là mới được thực hiện vào khoảng đầu thế kỷ này (thế kỷ XVIII. ND) trong sự báo động về việc dòng họ Hanover sẽ nối ngôi (Hanover là một dòng họ quyền thế châu Âu, nối tiếp dòng họ Stuart trong việc trị vì Great Britain (gồm England và Scotland) và Ireland từ 1714-1901. ND). Các sự kiện này cho thấy số lần bầu cử nghị viện thưa nhất, được coi là cần thiết trong vương quốc đó, để buộc các đại diện phải lệ thuộc vào cử tri, là không quá 3 năm. Và nếu chúng ta căn cứ vào mức độ tự do đạt được ngay cả qua các cuộc bầu cử chu kỳ 7 năm, và xét cả những yếu tố bất lợi khác trong cấu trúc nghị viện, thì chúng ta không thể nghi ngờ việc giảm chu kỳ từ 7 năm xuống 3 năm, cùng với những cải cách cần thiết khác, sẽ làm cho nhân dân có thêm nhiều ảnh hưởng lên các đại diện và chúng ta phải hài lòng thấy rằng bầu cử chu kỳ 2 năm trong hệ thống Liên Bang sẽ không thể đe dọa đặc tính tiên quyết của Cơ Quan Ðại Diện là phải lệ thuộc vào cử tri.…

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

(còn tiếp)

PHS (01/05/2021)