Nhiều kỳ – Kỳ 7C:

(The Federalist No 51)

Các nhà lập quốc Mỹ đã dứt khoát dứt khỏi sự quản trị của Anh quốc để lập ra một nhà nước-quốc gia mới, hoàn toàn tự lập-độc lập trên cơ sở 13 thuộc địa của Anh quốc, nhưng họ có một tinh thần cao thượng và sáng suốt là họ rất kính trọng thể chế chính trị Anh quốc. John Adams, Tổng thống thứ hai của Mỹ, đã từng cho rằng: “The English constitution is the finest under heaven.” (Hiến pháp Anh quốc là bản hiến pháp tốt nhất trên trần gian) (dẫn theo Gordon S. Wood, The Creation of the American Republic 1776-1787, Norton, 1972, tr. 11)

Với nhận thức này, họ đã sao chép lại những đặc tính tiến bộ của chính thể Anh quốc, và những mô hình khác, với một tinh thần thành thực nhưng rất sáng tạo cho phù hợp với những yêu cầu và đặc tính của một quốc gia mới – là sự kết hợp của 13 quốc gia khác nhau: quốc gia liên bang.

Bầu cử chưa có tính phổ thông (non-universal) nhưng tự do (free) và công bằng (fair); quyền lực phải bị phân chia (seperation of powers) thành ba bộ phận; trên nền tảng một xã hội đa nguyên có tối thiểu tự do báo chí là những đặc tính tiến bộ căn bản của chính thể Anh quốc đương thời được các nhà lập quốc Mỹ tiếp thu trọn vẹn trong khi tìm cách xây dựng chính quyền mới cho chính họ. Nhưng đây mới chỉ được coi là các biện pháp kiểm soát chính quyền từ bên ngoài và hoàn toàn chưa đủ để ngăn chặn khả năng một nhánh có thể thâu tóm dần các quyền lực từ hai nhánh kia hoặc khả năng ba nhánh cùng câu kết vì một mục đích ngược với lợi ích chung của cộng đồng. The Federalist No 51 đã nêu ra đề xuất tối ưu cho vấn đề này:

[B]iện pháp an ninh tốt nhất để chống lại sự tập trung dần dần tất cả các quyền lực vào cùng một bộ phận là phải cho những người điều hành mỗi nhánh quyền lực có hai thứ: một, các công cụ hiến pháp cần thiết; hai, những động lực cá nhân để chống lại sự xâm lấn của các nhánh quyền lực khác. Phương tiện tự vệ, trong lĩnh vực này cũng như mọi lĩnh vực khác, phải được cấu tạo đủ uy lực tương xứng với nguy cơ tấn công. Tham vọng phải được tạo ra để đối trọng lại tham vọng. Lợi ích, ham muốn của con người phải bị ràng buộc với các quyền hiến định tại chỗ.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/10/2025)

Ðây chính là tinh thần nền tảng để đạt được một cấu trúc nội tại của chính quyền hướng theo yêu cầu làm cho “chính quyền tự kiểm soát chính nó”. Ðây cũng là cốt lõi của thuật ngữ thành danh trong khoa học chính trị sau này: “checks and balances”. Ba nhánh chính quyền phải có các quyền hiến định, có động lực và tham vọng riêng để mỗi nhánh tự thân là một phương tiện kiểm soát, kìm giữ (checks) và đối trọng, bù trừ (balances) cho quyền lực của hai nhánh kia.

Nhìn vào sự vận hành của chính quyền Mỹ nói chung, đặc biệt là chính quyền hiện hành dưới thời Tổng thống Donald Trump, không ít người cảm thấy ngao ngán trước các mâu thuẫn, tranh cãi, tố giác, kình chống nhau giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp và ngay cả trong nội tại mỗi nhánh, mỗi đảng chính trị. Nhưng, tất cả những biểu hiện có tính bất hòa, bất ổn đó lại có nền tảng xuất phát ngay từ ý muốn của các nhà lập quốc Mỹ, của The Federalist và cả The Anti-federalist, nhằm ước chế tối đa sự xâm hại của “chính quyền” đối với tự do và quyền lợi của xã hội.

Tác giả của The Federalist No 51 nói rõ rằng mỗi nhánh của chính quyền phải được trang bị “phương tiện tự vệ” để chống lại nguy cơ tấn công, xâm lấn từ các nhánh khác. Không những thế, ông còn nhấn mạnh phải khiến cho mỗi nhánh đều có các tham vọng tương đương với tham vọng của các nhánh khác và phải tiên liệu cẩn trọng để “phương tiện tự vệ” của mỗi nhánh luôn đủ khả năng chống trả những nguy cơ lạm quyền tiềm ẩn của các nhánh khác:

Phương tiện tự vệ… phải được cấu tạo đủ uy lực tương xứng với nguy cơ tấn công. Tham vọng phải được tạo ra để đối trọng lại tham vọng.”

Ví dụ, vì nhánh lập pháp có khả năng, do vô tình hoặc cố ý, làm ra các luật gây tổn hại cho quyền lợi xã hội; thì hành pháp (tổng thống) phải có sẵn quyền phủ quyết (veto) để kìm lập pháp lại. Nhưng nhìn ở góc độ “tham vọng”, nếu nhánh lập pháp có tham vọng đưa ra các luật cải cách xã hội/ghi dấu ấn cho cá nhân/phe phái thì “tham vọng” này sẽ phải đối mặt ngay tức khắc với “tham vọng” cũng muốn cải cách xã hội/ghi dấu ấn của hành pháp/tổng thống, thành ra xã hội sẽ được tận hưởng lợi ích của sự cạnh tranh, canh chừng lẫn nhau giữa lập pháp và hành pháp; và để tạo được “tham vọng” cho tổng thống thì cần trao quyền phủ quyết dự luật cho tổng thống. Song, quyền phủ quyết lại có thể bị hành pháp lạm dụng khiến chính quyền bế tắc, do đó, không nên trao quyền phủ quyết tuyệt đối cho tổng thống. Nhưng, điều kiện để bác được quyền phủ quyết của tổng thống phải được xây dựng sao cho uy quyền của hành pháp không trở thành hình thức và việc bác phủ quyết của tổng thống phải là kết quả của sự cân nhắc cẩn trọng và phải là sự đồng ý của một đa số tuyệt đối đại diện cho ý chí của toàn xã hội. Những dò xét, cảnh giác và chống đối lẫn nhau thường trực ngay trong chính quyền như thế sẽ tự nhiên làm cho người dân, ít nhất, được hưởng sự thảnh thơi không thể có khi toàn bộ kẻ cầm quyền đều nhất nhất đồng thuận, thống nhất với nhau theo một ý chí, một tham vọng như trong các xã hội độc tài toàn trị sau này.

Xem thêm:   Của rẻ

Chúng ta đã thường nghe thấy câu ngạn ngữ “chia để trị” với ý phê phán hay than vãn về hiện tượng kẻ cầm quyền độc tài luôn dùng thủ đoạn phân hóa, chia rẽ xã hội/cộng đồng để dễ bề trói buộc, nô lệ hóa con người. Nhưng, ở đây, The Federalist No 51 lại giúp ta thấy một ý nghĩa mới của “chia để trị”: phải chia rẽ chính quyền để bảo tồn tự do cho con người, phải phân hóa chính quyền để bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng, khai phóng xã hội.

Chính quyền không chỉ bị chia cắt thành ba mà ngay đối với mỗi nhánh, nếu cần, cũng phải chia cắt, phân hóa thêm bằng nhiều cách khác nhau:

Trong chính thể cộng hòa, lập pháp cần có quyền lực lớn nhất. Cách chữa trị sự bất tiện này là chia lập pháp ra thành những bộ phận khác nhau; và làm cho chúng, thông qua các cách bầu cử khác nhau và nguyên tắc vận hành khác nhau, trở nên ít liên đới nhất với nhau trong giới hạn mà chức năng và sự lệ thuộc chung của chúng với xã hội cho phép.

Ðây chính là một nguyên do quan trọng của mô hình lập pháp lưỡng viện (bicameral): Hạ viện và Thượng viện.

Không chỉ cố lập ra các cơ chế đặc biệt nhằm làm cho các quyền lực của chính quyền tự kìm soát, đối trọng lẫn nhau, tác giả của The Federalist No 51 cũng không quên nói đến tầm quan trọng của những vấn đề rất đời thường nhưng vô cùng thiết thực cho con người cũng như cho mục tiêu “chính quyền tự kiểm soát chính nó”:

Một điều hiển nhiên nữa là lương bổng liên quan tới chức vụ của các thành viên trong mỗi bộ phận càng ít phụ thuộc vào thành viên của các bộ phận khác thì càng tốt. Ví dụ, nếu lương bổng của tổng thống hoặc của thẩm phán lại lệ thuộc vào lập pháp thì sự độc lập của họ trong mọi lĩnh vực khác chỉ còn danh nghĩa mà thôi.

Xem thêm:   Nhỏ mà có võ

Tới đây chúng ta đã thấy các nhà lập quốc Mỹ đã ý thức rất sâu và rất sáng tạo trong việc tạo ra một “cấu trúc nội tại” của chính quyền khiến những kẻ cầm quyền tự kìm soát và đối trọng lẫn nhau (checks and balances) để bảo vệ, duy trì đời sống tự do của người dân. Song, không chỉ dừng ở đó, The Federalist No 51 còn nêu ra một lo ngại khác đối với xã hội.

(còn tiếp)

PHS (25/08/2020)