Lời Giới Thiệu: Ít ai biết rằng tác giả Lê Chiều Giang chỉ bắt đầu viết từ tháng 6 năm 2020 với bài tùy bút đầu tiên: “Người về khuất chân trời, Nghĩ với Trần Quang Lộc.” Từ đó đến nay, tất cả những bài viết của chị đều có đăng trên Trẻ cũng như một vài tạp chí văn học khác và được giới cầm bút hải ngoại đón nhận nồng nhiệt. Nhà văn Trần Vũ từng nhận định: Tùy bút của chị Lê Chiều Giang là sự êm đềm của một dòng sông trong vắt.

Trẻ xin giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ về tập sách “Không Đứng Mãi Trong Tranh”  của Chiều Giang vừa ấn hành.

Khi biết ý Lê Chiều Giang in tác phẩm đầu tay và duy nhất, sẽ không phát hành. Cô chỉ dành tặng đến hết những Bạn Bè của Nghiêu Đề và Bạn Cô. Tôi cười thú vị khi hình dung ra những khuôn mặt của chúng tôi. Những Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Trùng Dương, Duy Trác, Ngô Thế Vinh… Bạn bè thời huy hoàng hay cả những ngày lang bạt, khốn khó, và thê thảm. Chúng tôi sẽ đọc Lê Chiều Giang, những dòng chữ chảy lui về quá khứ. Một quá khứ không thể nào không nhắc về, nhớ tới… Những quá khứ của thời “Chết đi, sống lại”. Và còn thêm Bạn Bè Cô, sẽ đọc với chúng ta, trong tác phẩm đặc biệt này.

Lê Chiều Giang viết mà như vẽ lại, như tả chân một cách vô cùng linh hoạt. Không hề tẩy xóa, chẳng tô vẽ thêm, nhưng rất lạ, Cô đã làm mới lại được những điều xa xưa, những tháng ngày rất cũ. Như phòng tranh Alliance Francaise, với nhiều bức tranh của Hội Họa Sĩ Trẻ. Những bước chân reo cho một đổi mới của nền hội họa Miền Nam Việt Nam thời 1960. Như những chuyện xoay quanh căn chung cư bên dòng sông Thanh Đa, nơi mà Huỳnh Hữu Ủy đã nhắc: “Cư Xá Thanh Đa, căn nhà trước và sau 1975, lúc nào cũng rất đông bạn bè, nhà Nghiêu Đề và Chiều Giang, một nơi luôn vui cười rộn rã… Bất chấp hết mọi sự rình rập…”

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Cư Xá Thanh Đa, thời Nguyễn Đình Toàn, Chiều Giang, Trần Quang Lộc, và bè bạn, ôm đàn hát trên chiếc thuyền nhỏ trong những đêm trăng. Để đến bây giờ Nguyễn Đình Toàn vẫn nhắc với tôi: “Sau 75, nếu chúng ta không cùng có nhau trên “Dòng Sông Ca Hát” của nhà Nghiêu Đề, chắc chắn cả đám đã rục rã trong khô héo…”

Điều đặc biệt khác, tôi thích Thơ Cô. Những bài thơ hiện thực đầy ẩn dụ, và bàng bạc trong thơ Lê Chiều Giang, vẫn còn nguyên cái tính chất quyết liệt, không ngờ.

Quyết liệt như mối tình thơ mộng của Cô, với người bạn tài hoa của chúng ta. Nghiêu Đề.
Người đã bỏ chúng ta đi từ nhiều năm trước.

NTTV

Trích:

“Nhớ về Hội Hoạ Sĩ Trẻ”

“…Sàigòn, những ngày xao xác cùng chiến tranh, những lửa đạn kinh hoàng Khe Sanh, Quảng Trị…

Ðạn lạc tên bay tận những nơi xa vời để bảo vệ cho Saigon. Một Saigon không tiếng súng.

Và tôi, trốn hết học hành trường lớp. Tôi mê muội theo những hương thơm ngát của sơn dầu, tôi bàng hoàng bên những nét cọ sắc sảo. Nét cọ mà khi dào dạt cùng tranh, đã phải óng ánh hơn những nét bút rời rạc; chữ nghĩa lơ mơ chợt quên, chợt nhớ của tôi trong trường thi, lớp học.

Tôi bị cuốn theo những chiều rực rỡ La Pagode, những đêm Givral hoa đèn lấp lánh.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Và cả với những sáng khi Sàigòn còn mờ hơi sương, lúc phòng  tranh chưa mở cửa. Nơi đó, có năm bảy chàng họa sĩ trong Hội Họa Sĩ Trẻ, ngồi nghi ngút cùng cafe bên góc hè của Continental Hotel, ngay cạnh phòng triển lãm Alliance Francaise.

Hình ảnh mà sau này tôi xem trong phim tài liệu về những Họa sĩ thuộc thế kỷ 19th: Claude Monet, Rodin, Degas, Renoir, Cezanne… Họ đã có những sáng vang vang bốc khói cùng cafe, những đêm rượu đổ đầy đường trên phố Montmartre. Họ cũng đã ngồi cùng nhau bên những câu chuyện đầy mầu sắc, ấm áp và chan chứa nhiệt tình, không khác gì những vị trong Hội Họa Sĩ Trẻ.

Từ The Boulevard Montmartre tới Ðại Lộ Tự Do Sàigòn. Trăm giấc mơ đã cùng với khói thuốc mịt mù bay, họ say sưa bàn bàn, nói nói về những tác phẩm tinh khôi, nhằm sáng tạo ra nhiều nét khác biệt hẳn với những tàn dư cũ.

Những bước chân reo cho một ước mơ dài: Làm mới, làm thăng hoa thêm cho nền hội hoạ của Miền Nam Việt Nam.

Hội Họa Sĩ Trẻ, và phố xá, và Sàigòn của những đêm mưa… Ánh đèn đường lạnh lẽo hắt hiu, mờ mờ soi vàng những chiếc lá lao xao, rơi rụng.”

Trích: “Tranh, tiếng nói cuối cùng”

“…Cái âm thanh của “không nói gì hết”, khi đối diện với điều tận diệt trước mắt, đã làm tôi chới với, đã làm tôi hãi sợ…

Lặng lẽ, anh sắp xếp lại những cọ vẽ, sơn dầu. Tôi ngồi im nhìn như quan sát một tử tội, đang xếp muỗng nĩa cho ngay ngắn trước bữa ăn cuối cùng.

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Anh muốn vẽ.

Sơn dầu, một mùi hương gay gắt nồng, mà tôi đã thở cùng trong những năm dài chung sống.

Với tôi, nó như một biểu hiện của sự thủy chung, lòng yêu mến và những gắn bó không rời.

Suốt bao năm dài, anh hay dùng những màu âm u, lạnh lẽo, những màu tái ngắt, lạnh tanh. Bức tranh cuối cùng anh dùng màu hoàng kim, rực rỡ và ấm áp.

Sự im lặng của anh đang dàn trải trong tranh…

Nhưng xô dạt trong tĩnh lặng, tôi nghe ra những âm thanh ầm ĩ, đầy cuồng nộ.

Tôi nghe ra hết những đắng cay, nghiệt ngã, những buồn phiền, điên đảo của đời người… Buồn hơn thế, tôi nghe ra trong tranh lời nỉ non, van vỉ của một níu kéo, trì hoãn thảm thương…

Và qua nét cọ, sắc như những vết dao. Vết dao chém dọc, chém ngang, chém quyết liệt, kinh hoàng trên mặt của nỗi chết…

Bức tranh không được hoàn tất.

Anh buông những cây cọ, những tuýp màu, và mùi dầu sơn vương vãi…

Tôi đã không thu vén dọn dẹp, tất cả còn nguyên đó như có thêm bức “Tĩnh Vật” trong căn phòng tối tăm.

Căn phòng không bao giờ cần có đèn thắp sáng.”

Trích: “Đầu hàng”

“…Ðứng mãi trong tranh

Ðóng vai  “Goá phụ”

Sáng nay ta ra với mặt trời

Như kẻ trăm năm trở về trái đất

Ngó quẩn quanh đời

Chẳng thấy ai

……

Bước lại trong tranh và

Diễn tiếp…

Hỡi thế gian. Ta

Bỏ cuộc chơi…”

(Lê Chiều Giang – Không Đứng Mãi Trong Tranh)

Không Đứng Mãi Trong Tranh của Lê Chiều Giang.

Lời tựa: Nguyễn thị Thụy Vũ

Nhà xuất bản Nhân Ảnh 2021  *  Được phát hành qua Amazon

https://www.amazon.com/dp/1990434193    Hoặc tác giả: tranh55@gmail.com