Là bạn facebook với chị Lê Triều Hồng Lĩnh (nhà thơ Phạm Thị Quý) cũng như theo dõi trang facebook Tập san Văn học Nghệ thuật Quán Văn đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia buổi gặp gỡ Quán Văn số 103 từ lời mời rộng rãi trên Facebook của chị Hồng Lĩnh: “Chương trình ra mắt Quán Văn 103 “Hành trình Phù sa tháng Tư” giới thiệu Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh được tổ chức ở 2 nơi là ở TP. HCM và Vĩnh Long” với nhiều chi tiết khá hấp dẫn cho một chuyến đi.

QUÁN VĂN SỐ 103

Thú thật, dù đã biết hoạt động của Quán Văn lâu nay nhưng tôi hơi bị ngỡ ngàng khi cầm trên tay tập san số 103, một cuốn sách khá dày dặn, nhiều trang tranh in màu đẹp, trình bày bắt mắt với chuyên đề về tranh của Lê Triều Điển và thơ của Phạm Thị Quý. Sách dày hơn 350 trang, trong đó hơn 173 trang dành riêng cho hai vợ chồng tài hoa Lê Triều Điển – Phạm Thị Quý.

Trong buổi họp mặt ở Sài Gòn (ngày 14/4/2024), nhà văn Nguyên Minh, chủ biên Quán Văn phát biểu đại ý rằng, từ ngày còn nhỏ, nhìn những bức tranh của các hoạ sĩ trên thế giới mà cụ thân sinh treo trong phòng, ông chỉ thấy lạ, không hiểu gì nhưng ông không ngờ nó đã ám ảnh ông cho đến khi lớn lên và từ đó ông thích hội hoạ. Và bây giờ bạn bè là hoạ sĩ cũng nhiều. “Lâu nay Quán Văn chỉ làm về thơ văn thôi, tôi suy nghĩ thêm về chị Phạm Thị Quý. Thơ chị tôi đã đọc rồi, chị vẽ tranh tôi cũng xem rồi và một điều lạ là chị làm thơ và chị đưa những con chữ vào tranh. Thơ văn đi vào trái tim con người và bức tranh hài hòa về màu sắc đã làm rung động tôi”.

Hoạ sĩ Thanh Tùng phát biểu:

Nói về bước đường đi của hai vợ chồng rất keo sơn, đi trên từng cây số không chỉ tìm chất liệu cho sáng tác mà còn vì mục đích xã hội, làm việc thiện nguyện, anh chị còn là mối liên kết bạn bè văn nghệ sĩ các vùng miền để tạo nên các cuộc chơi văn nghệ.

Anh Lê Triều Điển suốt 2/3 cuộc đời chưa tìm được hướng đi riêng cho mình, và đến phần đời bây giờ thì anh dùng hội họa để làm cuộc chơi với những cổ tự được sắp xếp bố cục cho màu sắc thành những bức tranh rất lạ, làm nên hướng đi và phong cách riêng vững chắc.

Xem thêm:   Quê nhà một góc nhớ mênh mông!

Chị Hồng Lĩnh ban đầu viết dạng thơ thư pháp rồi chị sáng tạo ra phông nền bằng sơn dầu, lót bằng nhiều màu sắc và viết những câu thơ chọn lọc của mình trên đó. Đây là cái mới, ít ai làm và chị đã thành công. Hai vợ chồng sáng có thể ở Sài Gòn và chiều có thể là Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc… Nơi nào có hơi hướng văn học nghệ thuật để gặp gỡ, giao lưu. Anh chị đã có công gắn kết những buổi họp mặt ra mắt…

Nhà văn Nguyên Minh

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ:

– Hai vợ chồng anh Lê Triều Điển quả là hạnh phúc khi được Quán Văn dành cho một số đặc biệt. Làm báo không chuyên nghiệp mà như Quán Văn thì tôi thấy tuyệt vời. Tôi và anh Nguyên Minh có duyên với nhau từ lâu. Trước năm 1975, tôi làm tạp chí Việt, bạn chí thân là Nguyễn Phú Yên, anh Nguyên Minh làm tạp chí Ý Thức. Các tạp chí ở miền Nam trước 1975 đã để lại dấu ấn rất đậm trong Quán Văn ngày hôm nay. Tôi cũng có duyên với chị Phạm Thị Quý khi năm 1990 làm báo Thanh Niên, tôi có giới thiệu trang thơ của chị. Cả hai vợ chồng anh chị đều hiến mình cho nghệ thuật là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Tôi rất vui vì sau 34 năm giới thiệu thơ Phạm Thị Quý và sau 4 năm được anh Lê Triều Điển cho tranh để in trong tập thơ “Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi”, được gặp lại hai vợ chồng họa sĩ – nhà thơ quá tài hoa và thật tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Chúc mừng hai người bạn mà tôi hằng quý trọng.

Trên trang facebook của mình, nhà thơ Hoàng Hưng viết về lần đầu gặp mặt Quán Văn (ra mắt số 103 chuyên đề Lê Triều Hồng Lĩnh):

“Cảm ơn cặp uyên ương hoạ sĩ – nhà thơ Lê Triều Điển-Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý mời vợ chồng tôi tới dự!

Mới giao lưu với anh chị mấy năm, nhưng cảm ơn anh chị rất nhiều: theo dõi hoạt động của anh chị đầy sức sống, sức sáng tạo ở tuổi này, luôn đem lại hứng khởi, hưng phấn cho tôi,  khuyến khích tôi những lúc nản chí vì sức khỏe sa sút vì tuổi tác và… Covid!

Thơ Hồng Lĩnh có sự kết hợp không nhiều người có được giữa sự sôi nổi hồn nhiên (của châu thổ sông Cửu Long) với sự suy tư, trầm lắng (của châu thổ sông Hồng?); chị lại táo bạo kết hợp Thơ – Hoạ, không chỉ xếp chữ bài thơ thành bức hoạ đồ như các bài Calligrammes (Thư đồ thi) của G. Apollinaire mà biến bài thơ thành tác phẩm hội hoạ đích thực!

Xem thêm:   Món quà

Lê Triều Điển dường như đã đạt đến sự hồn nhiên của tuổi thơ khi vào tuổi thượng thọ (kỳ cuối cùng của đời người đi đến đích: lạc đà -> sư tử -> cừu non)!

Với Quán Văn, theo dõi ít lâu nay, qua nhà giáo Hoàng Kim Oanh, nhưng hôm nay mới bén duyên. Lại vinh dự được mời lên phát biểu đôi câu!

Quán Văn 103 ở SaiGon

Rất hoan nghênh tinh thần QUÁN VĂN hoàn toàn đồng nhất với đường lối hoạt động văn hoá của TÔI trong nửa đời người (sau 1975): KHÔNG PHÂN BIỆT BẮC/NAM, TRONG/NGOÀI NƯỚC. Chỉ có một nền văn chương nghệ thuật của NGƯỜI VIỆT NAM!

Chúc hai bạn và Quán Văn tiếp tục thành công!”.

Sau buổi họp mặt thân tình ở Hội Mỹ Thuật, đoàn lên đường đi Vĩnh Long. Chúng tôi đã có một buổi chiều đi thuyền từ sông Tiền vào sông Cổ Chiên để đến Cù lao An Bình, ghé thăm nơi sản xuất mật ong hoa nhãn, nhâm nhi tách trà và chuyện vãn văn nghệ cùng nhau. Bữa cơm chiều thân mật trên thuyền du lịch. Tiếng hát, gió đêm, mùi sông, hàng ánh đèn trên sông đêm … để lại nhiều cảm xúc.

Và sáng hôm sau chúng tôi được chìm đắm trong màu sắc gốm từ Bảo tàng gốm đến Làng gốm, Nhà gốm…

Buổi gặp mặt Quán Văn 103 (ngày 15/4/2024) trong không gian nhìn quanh đâu cũng là gốm với các anh chị văn nghệ ở Vĩnh Long và Chợ Lách thật vui vẻ.

Nhà thơ Văn Quốc Thanh viết trên facebook của mình về buổi gặp mặt Quán Văn 103 ở Làng gốm Tư Buôi:

“Cách đây hơn 20 năm, tôi có bình về 1 bài thơ “Đu Quay” của nhà thơ Phạm Thị Quý đăng trong “Tuyển tập 20 năm Văn-Thơ-Nhạc Vĩnh Long”, có mấy câu này rất hay, rất để chúng ta suy ngẫm:

Trẻ con đu quay rất đỗi hồn nhiên

Đâu nghĩ mình đang đổi nhau vị trí

Chỉ có chúng ta trước trò chơi giản dị

Bỗng nhận ra mình trên chiếc đu quay

Và trước mặt mình cuộc sống đang xoay

Với nhiều vòng tròn chóng mặt.

(Trích thơ Đu Quay của Phạm Thị Quý)

Vợ chồng Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh (bên phải) – Quán Văn 103 ở Sài Gòn

Ngoài ra, chị còn ký tặng tập thơ “Những chuyện thường ngày”. Tập thơ đã ố vàng theo năm tháng, nhưng tình anh em văn nghệ vẫn xanh mãi với thời gian.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (07/10/2025)

Dẫu biết anh chị thỉnh thoảng có về miền Tây chơi, nhưng mình biết mà không đến, trừ phi anh chị nhắn tin hay gọi điện mời.

Hai ông bà rất tâm đầu ý hợp, đi dọc dài đất nước, thậm chí có những cuộc Triển lãm tận trời  Âu rất thành công. Ngoài mặt tinh thần, anh còn thu về nguồn kinh tế từ những bức tranh bán được. Từ đó, tái tạo sáng tạo nghệ thuật để mở rộng cho những chuyến đi nối tiếp chuyến đi.

Cách đây gần 4 năm, rất vui được anh ký tặng tập sách song ngữ HÀNH TRÌNH PHÙ SA.

Mới đọc mấy dòng ở trang đầu: “Cuộc đời là dòng sông, có lúc phẳng lặng êm đềm trôi, có khi mạnh mẽ ầm ào vượt qua bao ghềnh thác. Trong dòng sông ký ức, dòng chảy trong tâm hồn tôi đó là những con nước lớn ròng, lên xuống theo chu kỳ vận hành của trời đất, là một dòng sông bao la chậm rãi hiền hoà chia thành hai ngả sông Hậu và sông Tiền”.

Quán Văn 103 gặp mặt ở Nhà gốm Tư Buôi – Vĩnh Long

Và, trong tập sách có nhiều tranh minh họa theo phong cách trừu tượng. Anh chủ ý vẽ để diễn đạt cảm xúc hơn là trình bày những gam màu, đường nét “hợp nhãn” người xem, như anh từng trải lòng trên báo chí:

“Tôi không vẽ đẹp về đường nét hay màu sắc, mà muốn vẽ đời sống nội tâm của mình. Chủ trương của tôi khi vẽ phải đạt được ý đồ làm sao mỗi ngày nhìn cùng một bức tranh sẽ thấy nó khác ngày hôm qua. Sự chuyển động nội tâm của họa sĩ trong bức tranh quan trọng hơn đường nét sắc màu. Tôi không muốn tranh của mình bị lồng khung, vì tôi muốn màu sắc và đường nét trong tranh phải vượt thoát khỏi giới hạn của diện tích bức tranh”.

Hôm nay, được anh chị tặng hoa, tặng sách cho anh chị em văn nghệ Vĩnh Long. Anh chị luôn nhớ về bạn bè, không phân biệt họ là ai. Cái tình văn nghệ gắn bó với nhau thật sâu lắng, đã mấy mươi năm rồi vẫn không thay đổi.

Chân thành cám ơn họa sĩ Lê Triều Điển và nhà thơ Phạm Thị Quý. Chúc anh chị Lê Triều- Hồng Lĩnh luôn thành công, vui khoẻ trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật”.

Chương trình văn nghệ kéo dài mặc cho cái nắng và nóng của tháng Tư rát mặt, các anh chị nghệ sĩ vẫn hát nhiệt tình như không muốn ngỏ lời chào tạm biệt Vĩnh Long…

Tranh của Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh tại Nhà gốm Tư Buôi

ĐTTT