Tôi không thuộc giới biểu diễn, cũng không thích quan tâm quá nhiều đến đời tư người khác, trừ phi họ có hành vi phi đạo đức quá đáng tới mức không thể chấp nhận được. Coi biểu diễn là để thưởng thức nghệ thuật của nghệ sĩ, không cần thiết phải “theo chân” vô tới tư gia của họ…

Bìa cuốn Bài ca vọng cổ Bạc Liêu, in năm 1931 ở Sài Gòn.

Cứ mỗi đợt nhà nước cộng sản Việt Nam xét “tặng” danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu Tú” (NSƯT) và “Nghệ sĩ Nhân Dân” (NSND) thì dư luận trên báo chí quốc nội lẫn mạng xã hội đều “dậy sóng,” bàn cãi sôi nổi, dù “sóng dậy” theo nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau chớ không chỉ một chiều.

Nếu chỉ có vậy thì chuyện ai và ai được “tặng” danh hiệu NSƯT, NSND không liên quan gì tới tôi. Tuy nhiên, thời gian gần đây làn sóng di dân bằng máy bay từ Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng vọt, số lượng đông đảo. Có rất nhiều nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn, cũng có rất nhiều nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại định cư, thậm chí nhiều người đã an cư lạc nghiệp, có quốc tịch nước khác (ngoài Việt Nam) nhưng vẫn cứ “ôm ấp,” “vọng tưởng” danh hiệu NSƯT, NSND. Có nghệ sĩ gạo cội “trong ấm ngoài êm” ở Mỹ rồi, mà cứ hát “tụng ca” hoài câu: “Danh hiệu NSƯT, NSND của Nhà nước phong tặng là rất cao quý đối với nghệ sĩ.” Tôi nghe rất chướng tai.

Nghị định 40/2021/NĐ-CP và Nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ CSVN quy định về tiêu chuẩn NSƯT “Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân,” thì tiêu chuẩn hàng đầu vượt lên trên mọi tiêu chuẩn phải là: “1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;” (còn diễn giải nhiều, tôi trích dẫn ngắn gọn.)

Tiêu chuẩn NSND thì “nâng cao” hơn tiêu chuẩn NSƯT. Với cả hai danh hiệu, tiêu chuẩn (1) là quan trọng nhứt, tức phải “trung thành” với đảng cộng sản Việt Nam, “đảng ta” có “Chỉ lộc vi mã” (Chỉ hươu nói ngựa) nghệ sĩ cũng phải hùa theo ừ à đó là con ngựa (có tí sừng) mà, nào phải con hươu. Đồng thời phải “ngoan ngoãn” hoạt động nghệ thuật trong một tổ chức, cơ quan (đoàn, nhà hát,) tỉnh thành nào đó (cụ thể là Phòng Văn hóa hay Sở Văn hóa) quản lý. Nghệ sĩ nào hoạt động tự do không đủ tiêu chuẩn.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Giám khảo “cách mạng”

Hàng năm, Sở Văn hóa – Thông tin (VH-TT) tỉnh Bạc Liêu (xứ tôi) đều có tổ chức “Hội diễn sân khấu cải lương” (tức cuộc thi) Và Phó (hoặc Giám đốc) Sở VH-TT nắm quyền Trưởng ban tổ chức. Năm 1993 mới bắt đầu có danh hiệu NSƯT, chưa rộ lên như hiện nay, báo chí cũng chỉ là báo giấy, nên thông tin hiếm lắm. Xứ tôi là cái nôi của nghệ thuật cải lương, dân quê ai cũng mê coi cải lương. Nghệ sĩ nào, nghệ danh gì, họ tên thật là gì, quê ở đâu, hát “độc chiêu” gì … mọi người đều biết rành “6 câu vọng cổ.”

Đã là cuộc thi, tất phải có Ban Giám khảo (BGK,) và năm nào tôi cũng thấy công bố thành phần BGK đều có “NSƯT T.L..” “NSƯT T.L.” là ai? Tên nghe lạ hoắc hà. Tôi bèn cất công tìm kiếm thông tin về “NSƯT T.L.” trên mạng lẫn báo giấy, kết quả “NSƯT T.L.” vốn xuất thân là “cô văn công” Quân Khu 9, kinh nghiệm “hát cải lương” của “NSƯT T.L.” là đã từng ca vài bài ca cổ “phục vụ kháng chiến” trên Đài Phát Thanh Giải Phóng. Sau ngày 30-4-1975, ai đã từng nghe các bài ca cổ như là “Dệt Chặng Đường Xuân”, “Đêm Xuân nhớ Bác”… thì biết kiểu những bài ca này. Nội dung bài hát ca ngợi thành tích “giải phóng miền Nam,” “Cuộc chiến tranh đánh thắng Mỹ – Ngụy thần thánh, vĩ đại của dân tộc ta.” Cấu trúc bài ca cổ gồm hai đoạn vọng cổ, nói lối, ngâm thơ, 2 hoặc 3 điệu Lý (dân ca) xen vô giữa. Tôi dám nói bà không biết diễn vũ đạo cải lương, không diễn được các thể loại cải lương tuồng cổ, không biết hát hồ quảng. Tôi phải nói rõ như vậy để quý độc giả hiểu về kỹ thuật ca cải lương và sắm vai trên sân khấu thì trình độ chuyên nghiệp của “NSƯT T.L.” có vẻ kém hơn đào kép các gánh cải lương bồ tèo (nhưng hát quanh năm) ở quê tôi. Nhưng “NSƯT T.L.” vẫn liên tục được mời ngồi ghế giám khảo nhờ vào vị thế hai vợ chồng là “văn công cách mạng” hơn là trình độ hát cải lương.

Xem thêm:   Kẻ ngốc

“NSƯT T.L.” xuất hiện trước công chúng luôn có quàng khăn rằn đen trên cổ. Mới cái đợt năm 2023 này, bà xuất hiện ở một “hội diễn” tỉnh trong trang phục áo dài sọc ca-rô mịn giống ca-rô khăn rằn, và chiếc khăn rằn đen trên cổ muôn thuở, như muốn nhấn mạnh rằng “NSƯT T.L.” là “người có thành tích chống Mỹ,” không “tầm thường” như các nghệ sĩ khác.

Làm cách nào để có huy chương?

Năm nào, huy chương cũng được “chia đều” cho hầu hết nghệ sĩ các đoàn cải lương nhà nước thuộc Sở VH-TT quản lý, mà báo chí gọi là phân phát huy chương “kiểu mặt trận,” không phải đoạt huy chương do dùng tài năng nghệ thuật “đả bại” đối thủ. Các vở tuồng được chấp thuận tham dự “hội diễn” phải là tuồng “cách mạng,” “chống Pháp, chống Mỹ,” “chống nhà Nguyễn (Gia Long) phong kiến,” “Anh hùng nông dân” (thần thánh hóa vai trò “cướp chánh quyền” của nhân vật, ngầm nâng tầm của “cướp chánh quyền” của cộng sản…) Vì vậy, sau “hội diễn” các tuồng và vai diễn đó phải xếp xó, chớ bán vé ai mua. Nghệ sĩ lại tiếp tục diễn những tuồng bị “hội diễn” cho ra rìa.

Tỉnh tôi có lần một giám khảo bất đồng với ban tổ chức về việc trao giải cao nhứt cho thí sinh nọ, giám khảo cho rằng “không công bằng” nên đã bỏ về. Thí sinh nọ vẫn được ban giám khảo trao giải như không có chuyện gì xảy ra. Xem ra, giám khảo chỉ ngồi cho có vị, quyền quyết định ai được huy chương là ban tổ chức, và đã chia huy chương sẵn hết rồi.

Xem thêm:   Máy làm biếng

Để đối phó với với quy định và kiếm huy chương (nhằm tăng sức thu hút khán giả, hoặc thêm phần “oai vệ,”) trước mùa “hội diễn” các nghệ sĩ tự do phải “đầu quân” cho một đoàn cải lương nào đó, và dự thi với danh nghĩa thành viên của đoàn đó. Xong mùa tiếp tục rã đám “ai về nhà nấy.”

Phần lớn các đoàn nghệ thuật ở miền Nam là sở hữu tư nhân, rất ít đoàn là sở hữu nhà nước. Ngược lại, các đoàn ở miền Bắc phần lớn lại là sở hữu nhà nước, diễn viên cũng lãnh lương, nghỉ hưu như công chức nhà nước. Điều đó giải thích tại sao nhiều nghệ sĩ miền Nam cuối đời không có an sinh xã hội, sống nghèo khó; hoặc khán giả ít thấy NSƯT, NSND hoạt động nghệ thuật, dù họ khoác trên đủ loại danh hiệu, huy chương. Việc phải khai lý lịch, làm đơn xin danh hiệu khiến nhiều nghệ sĩ tài năng và biết tự trọng cảm thấy bị sỉ nhục, nên đã không làm đơn xin.

Do đó, huy chương, danh hiệu NSƯT, NSND có đi đôi với tài năng hay không là chuyện “khó nói.” Nhiều nghệ sĩ đặc biệt xuất sắc, cả đời cống hiến cho nghệ thuật sân khấu, cuối đời chẳng có huy chương, danh hiệu gì, nhưng giới trong nghề và khán giả vẫn coi họ là “cây đa, cây đề” của làng nghệ thuật cải lương. Mấy người không thích nịnh nhà nước, không “ngoan” thường bị “lọt sổ.”

Tôi dị ứng với ai giới thiệu nghệ sĩ mà kèm theo “chức danh” NSƯT này NSND nọ (có tài năng, nhân dân hay không nhân dân tự biết mà,) càng thấy MC vô duyên hơn nếu nghệ sĩ đồng trang lứa mà không có danh hiệu lại bị đứng chung sân khấu lúc đó. Đối với tôi, tài năng thật sự và đạo đức mới quan trọng, các danh hiệu “xin – cho,” “tự xưng” đều vô giá trị.

 TPT