Nơi phía đông cuối chân trời, một vài tia sáng loé lên chiếu qua các tầng mây, làm rực sáng một vùng với muôn màu rực rỡ, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Chim bên ngoài cửa sổ kêu hót líu lo, làm tôi giật mình thức giấc. Tôi lật đật ngồi dậy hai tay dụi hai con mắt lia lịa, rồi hốt hoảng như là trễ lắm vậy, day qua lắc lia lắc lịa đánh thức anh tôi: “Dậy, dậy đi về má”. Rồi lẹ làng phóng xuống đất chạy đi rửa mặt.

Những năm ở bậc tiểu học, anh em chúng tôi ở với ông bà Ngoại để được gần trường học và để ông kèm cho học thêm. Như thường lệ, mỗi Chúa Nhật chúng tôi được về thăm ba má. Lấy tiếng là thăm chứ thực là một ngày thảnh thơi, rong chơi không phải học hành. Chỉ có hai cây số mà đôi khi mất gần hai giờ đồng hồ chúng tôi mới về đến nhà.

Tôi và anh tôi vọt ra đường. Cái lạnh se sẻ da thịt làm tôi rùng mình. Như con ngựa con sổ chuồng, tôi nhảy cà tửng cà tửng cho ấm. Tôi tung chân nầy, tôi đá chân kia. Ðá vào những giọt sương lóng lánh còn đọng trên ngọn cỏ, vào những mạng nhện chăng bắt mồi đẫm hơi sương óng ánh như tơ. Qua một đoạn lộ đá chúng tôi rẽ vào con đê dẫn về nhà, nhưng không đi trên bờ cái đâu. Tôi và anh tôi phóng xuống ruộng băng xuyên cánh đồng.

Bây giờ là tháng Chạp trời vào xuân, lúa ngoài đồng đã gặt hái gần xong, cánh đồng trơ trọi những rạ và rơm. Từng mớ rơm to độ người ôm, chủ ruộng để lại phơi khô chờ qua Tết đem về chất thành cây. Cây nào cây nấy như một cái nấm khổng lồ cao năm mười thước. Ở quê, nhà nào cũng có một hay hai cây tùy giàu nghèo, ruộng nhiều hay ít. Rơm để dành đốt lò nấu cơm, cho trâu bò ăn hay nuôi nấm. Có những lần về chơi gặp lúc nhà cộ rơm, tôi thích lắm thế nào cũng xin đi theo để được ngồi xe cộ có hai con trâu kéo xộc xộc xuyên qua những thửa ruộng khô cằn nứt nẻ. Sướng ích gì đó, cái mông bị dằn tưng tưng trên những thanh tre tê đít gần chết và chỉ ngồi có được một bận ra thôi, còn bận về phải lội bộ theo vì cộ đầy rơm. Chân đi lọt lỗ nẻ, hay gốc rạ xọt ống quyển trầy xước da rướm máu đau điếng, vậy mà vẫn ham.

Sáng sớm dế gáy vang cả cánh đồng, nó ở trong những mớ rơm, trong những đường đất nứt nẻ. Tiếng gáy rét rét, chắc chắc gọi mái, bên nầy bên kia, trước mặt sau lưng làm tôi hồi hộp quá. Tôi sửa bộ mang lại cái giỏ đựng một số hộp giấy đựng dế, mà tối hôm qua tôi đã gom góp trước khi đi ngủ. Tôi khoái nhứt những hộp quẹt diêm không, vừa vặn một con dế mà cũng gọn gàng bỏ trong túi quần sọt. Tôi bắt đầu đứng im, lắng nghe, định hướng xem con nào gáy gần mình nhất. Tôi nghe trong mớ rơm dế gáy phát ham mà không dám, vì lỡ lật rơm sang một bên con rắn đang khoanh mình nằm rình chuột mò đến ăn lúa sót trong rơm, phóng ra có nước mà chết giấc. Dế chắc mái dễ bắt hơn, vì nó mải lo ve vãn bạn tình nên không để ý đến tiếng động chung quanh. Nhiều khi lần theo tiếng chắc chắc, rón rén đến sát một bên, nhìn xuống kẽ đất cạnh bàn chân mình thấy nó còn đang ưỡn mình, vểnh râu, xoè cánh phát ra tiếng chắc chắc. Những lúc đó hồi hộp lắm, nhè nhẹ ngồi xuống, nín thở, từ từ cho hai bàn tay ép vào kẽ đất nứt chận đường đi, đường về rồi lùa dần vào giữa. Con dế hoảng hồn phóng vội lên. Ăn tiền là ở chỗ nầy, lanh tay là ở chỗ nầy, chụp vội lấy. Cũng phải nghệ thuật lắm, vừa nhẹ tay vừa chính xác, để con dế nằm gọn trong lòng bàn tay, nếu không thì nó sẽ bị đè dẹp lép gãy chân gãy đầu. Khi biết chắc là con dế đã nằm gọn trong lòng bàn tay úp, ngón tay cái sẽ lần vào kẹp nó lại lật ngửa bàn tay lên. Con dế ngo ngoe đưa sáu cẳng lên trời, bỏ vô hộp ghi một thành tích. Ðôi khi lật ngửa bàn tay lên với một chút ngỡ ngàng, vì rõ ràng là chụp con dế trống, vậy mà con dế mái từ đâu phóng ra đỡ mạng chàng, nằm yên trong lòng bàn tay mới tức. Quăng nó đi chứ đâu có ai bắt con dế mái bao giờ. Nó đâu biết đá, biết gáy! Phải chi có con gà cho nó rồi đời phá đám.

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

Mải đuổi theo hướng dế gáy, rình mò theo tiếng chắc mái, chăm chỉ cắm cúi thộp đầu nó bỏ vô hộp, anh em tôi dần dần xa nhau mà không hay. Ðến khi mặt trời lên khỏi ngọn cây, những áng mây muôn màu ban sáng từ từ chuyển sang màu trắng lơ lửng trên nền trời xanh, đồng thời ánh nắng và sức nóng bắt đầu tỏa xuống muôn vật. Người người và trâu bò ra đồng nhiều hơn, tiếng dế gáy cũng thưa dần. Sực mình ngoảnh lại tìm nhau, thì chỉ còn là hai chấm trắng trên cánh đồng. Tôi đứng dậy quẹt mồ hôi trán, nhẩm tính bắt được tám con. Quá đã! Có một con cồ lửa (dế vàng) to bằng ngón tay cái mà tôi mơ ước. Phen nầy chắc tôi sẽ làm trùm mấy thằng bạn trong lớp và xóm chợ. Con cồ lửa mặc sức mà giương càng, giơ râu, phùng cánh gáy chiến thắng! Tôi hí hửng vọt chạy lại phía anh tôi khoe thành tích:

– Em được tám con, có con cồ lửa nữa. Anh được mấy con?

– Mười con, có hai con than cồ.

– Anh hay quá. Về nhà mình cho nó đá nhau nghe.

– Ờ, thôi đi về. Nắng rồi.

Tôi và anh tôi đi trở lại con đê có hàng cây trâm bầu cho có bóng mát. Ðất mịn êm mát bàn chân. Phải đi ngang qua xóm nhà ông hai Ðính, ông ba Siêu, ông sáu Hợi, có lũy tre bao quanh với những ngọn tre cao vút, cong xuống đong đưa như những lưỡi hái vĩ đại và hai khu mộ ở hai bên con đê mới về đến nhà. Hôm nay có người tảo mộ và có anh tôi đi cùng, nên tôi không chút sợ sệt. Chả bù có khi đi một mình đến đây, tôi trông trước trông sau rồi cắm đầu chạy một hơi. Chừng qua khỏi rồi, mới đứng lại hai tay chống gối thở thục mạng.

Gió sáng phe phẩy lao xao cành lá. Trên đầu mấy con ong vo ve hút nhụy hoa trâm bầu, làm bụi phấn rơi lả tả trong nắng sớm. Con bọ hung từ đâu rẹt lá bay sà trước mặt bám vào vai tôi. Tôi liền chụp lấy. Nó to độ ngón chân cái, vỏ cứng màu đen tuyền bóng loáng rất đẹp. Nó có một sừng ở chính giữa đầu, làm tôi nhớ có lần thầy giáo nói con tê giác cũng có một sừng ở chính giữa đầu. Không biết con tê giác có giúp ích gì không, chứ con bọ hung có mã đẹp nhưng không chơi trò gì được. Nó ngọ ngoạy trong tay tôi cất tiếng kêu kẹt kẹt muốn bay đi, nên tôi không thèm giữ lại mà tiện tay tôi chọi đại nó lên ngọn cây, làm giựt mình mấy con chim sâu đang chuyền cành bắt mồi kêu chíp chíp.

– Ông nói Chúa Nhật tới mình đi tảo mộ đó anh.

– Ừ.

Tôi nhớ năm rồi, trời vừa hừng sáng ông kêu anh em tôi dậy đi theo ông. Ông dẫn anh em tôi đến khu đất có nhiều mộ. Có cái xây bằng đá xanh, đá tổ ong đỏ. Có cái xây bằng xi măng hay núm đất cỏ mọc um tùm. Vừa đến nơi tôi thấy đã có rất nhiều người có mặt ở đó rồi. Có người tôi biết mặt vì đến nhà ông tôi nhiều lần, có người không. Ông tôi bảo tất cả những người đang có mặt ở đây đều là bà con, có cùng chung một cội nguồn, một gia tộc. Tôi thấy họ đốt nhang cắm trước mỗi mộ, rồi bắt đầu giẫy cỏ, quét dọn sạch sẽ, xeo đất đắp lại những ngôi mộ bằng đất bị mưa gió xoáy mòn. Tôi cũng bắt chước làm theo. Họ cười nói hỏi thăm nhau rất là thân thiện.

Mùi trầm của nhang quyện trong gió sớm còn đẫm hơi sương, hoà lẫn mùi rơm rạ, mùi đất mới làm tôi thấy lòng mình nao nao. Tôi biết tảo mộ xong là Tết đến, tôi có quần áo đẹp, có tiền lì xì, có pháo đốt.

– Tại sao phải tảo mộ vậy anh?

-Tảo mộ là để con cháu tu bổ, bồi đắp mồ mả tổ tiên, ông bà cha mẹ. Nếu không tảo mộ, mồ mả sẽ sụp đổ trôi dạt mất hết, thì mình đâu biết mồ mả tổ tiên mình ở đâu?

Bây giờ thì tôi muốn về nhà cho lẹ, vừa đi vừa chạy. Chúng tôi chơi rượt bắt cho rút ngắn đoạn đường. Vừa về đến nhà thưa ba má xong là anh em tôi đổ dế ra hai cái thùng lớn xem thành tích của mình. Tôi bắt con cồ lửa ra, anh tôi bắt con than cồ cho đá. Con cồ lửa của tôi, nhìn kỹ thấy nó ngầu thiệt. Nó to bằng ngón tay cái màu vàng đậm, dắn đòn, đầu to, càng bự. Hai chân sau, phần đùi to rắn chắc như lực sĩ cử tạ, phần chân dưới có những gai tua tủa về sau sắc bén như hàng kiếm của hiệp sĩ Phù Tang. Thấy địch thủ nó liền tấn thế giương càng chìa ra trước dềnh dàng như xe ủi đất, rồi xấn tới cất tiếng gáy thị uy. Bất thình lình nó phóng tới lao thẳng vào đối thủ. Con mun cồ bị một vố bất ngờ quay đầu bỏ chạy. Nó gáy rét rét ca chiến thắng nghe mà đã cái lỗ tai, mát cái ruột. Anh tôi nắm đầu con mun ra, giựt lấy cọng tóc trên đầu chặp lại làm cái thòng lọng, rồi đút đầu con dế vô quay cho nó say. Xong anh bỏ vô đá lại, nhưng cũng bị một vố là nó chạy ngay. Con cồ than thứ hai cũng thua luôn. Tôi khoan khoái trong bụng, không dám hí hửng sợ anh tôi bị quê cú lên đầu thằng em cho bõ ghét.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Anh tôi tiu nghỉu đứng dậy phủi đít bảo:

– Lát nữa tao kiếm bắt con khác đá lại.

Ăn sáng xong, má tôi biểu anh Vạn dẫn anh em tôi lên đìa Cống bắt tôm càng nướng ăn. Mùa nầy gặt hái xong, ruộng đất khô cằn, tôm cá rút xuống sinh sống trong các đìa nhiều vô số kể. Tôm càng dễ bắt lắm, chỉ cần nhảy xuống miệng đìa quậy một hai phút cho nước đục, là mấy  con tôm càng xanh với hai con mắt đỏ lòm nổi lên, quơ râu đơm trên mặt nước. Mình chỉ quơ tay nắm râu quăng nó lên bờ. Tôm càng nướng trong lửa rơm còn phải nói. Bóc bỏ cái vỏ vàng cháy sém đen, thịt tôm trắng phau. Mùi tôm quyện với mùi khói rơm thơm lừng cái mũi, dịch vị ứ đầy miệng không kịp chấm muối tiêu. Cắn một miếng bự, nhai ngồm ngoàm ngọt cay lẫn lộn, nuốt đến đâu biết đến đấy. Anh Vạn còn điệu nghệ đem theo một mớ rau răm, làm cho hương vị thêm đậm đà.

Nắng đã lên cao, bụng đã căng đầy tôm, lửa rơm đã tàn mà khói còn tỏa lan lan. Mùi rơm cháy đặc biệt lắm, thơm thơm, hăng hăng, nồng nồng. Khói rơm nữa, màu trắng đục quyện trong nắng sớm, bay trong gió chiều, lãng đãng trên mái nhà tranh bốc ra từ cái bếp ai đó.

Xa quê bao nhiêu năm rồi tôi không sao quên được mùi nầy, nó đã ăn sâu vào khứu giác. Ôi nhớ quá, thương quá!

No nê rồi hai anh em về chui vô vườn nằm tòng teng trên hai cái võng máng giữa mấy tán cây, đánh một giấc ngon lành cho đến khi những tia nắng xuyên khoai nhảy múa trên mặt và những con chim sâu bay rột rẹt bắt mồi đánh thức dậy. Tôi nghiêng đầu qua anh nói:

– Ði chèo ghe đi anh.

– Bộ mầy muốn má la hả? Nắng chang chang mà chèo cái gì?

Bị la sảng, tôi tiu nghỉu đứng dậy:

– Em đi câu cá!

– Tao đi nữa.

– Vậy anh đi lấy cần đi, em đi lấy mồi với thùng đựng.

Tôi đi vô nhà bếp lấy một mớ tép bạc làm mồi và cái thùng rồi đi thẳng ra cái mương ăn thông với con kinh trước cổng. Anh em tôi tìm bóng mát đứng. Vừa xé con tép móc mồi quăng xuống nước chưa chìm hẳn mà cá đã ghịt rồi. Tôi khoái quá giựt mạnh cần câu lên. Một con cá rô bằng bàn tay theo ngọn cần câu rẹt nước giãy giụa trên không. Hai con, ba con rồi nhiều quá, móc mồi gỡ cá phát mệt.

– Cá rô không hà, gỡ đau tay thấy mồ, em không khoái. Em khoái cá trê với cá lóc, nó ghịt biết đã.

– Ðào trùng đi, cá trê cá lóc ăn mồi trùng. Mà coi chừng gỡ cá trê nó chém nhức thấu ông trời nghe mậy!

– Sức mấy mà chém.

Thế là hết một ngày Chúa Nhật, anh em tôi chuẩn bị ăn cơm để đi về Ngoại đi học. Chúa Nhật tới, mùa tới, nhiều chuyện vui chơi tới.

Tôi thích nhất mùa nầy, nắng ấm khô ráo được rong chơi cả ngày, tắm sông, chèo ghe, câu cá, bẫy chim hay vào vườn đầy hoa quả thơm ngọt, nằm đu đưa võng dưới tàn cây, nhìn từng sợi nắng xiên khoai, hay những con chim đủ màu nhảy nhót bắt sâu. Xa hơn nữa là thử tài thiện xạ của mình bằng giàn ná thun, mà mục tiêu là những trái cây đầu cành, chót ngọn không ai hái tới.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Còn mùa mưa, tuy ướt át sình lầy nhưng đi câu cá rô con trên ruộng những ngày nắng cũng thích. Dọc theo đường cày nước trong vắt cá lội lền khên. Quăng thảy miếng mồi trứng kiến vàng trước mặt, nó giành nhau táp, ghì lội thấy vui. Hay đi vớt cá lia thia đá cũng là một cái thú không kém bắt dế. Anh tôi và tôi có hàng dãy keo đựng cá to nhỏ khác nhau, chúng phùng mang, trợn má, giương kỳ, biến đổi màu sắc rất đẹp. Nếu cho chúng đá nhau có khi lâu hàng nửa giờ, vi, kỳ, đuôi, vảy, rách te tua mới chịu thua. Phải đợi lúa trổ đồng, nghĩa là lúc đó nước ruộng mênh mông, cá cua đang lớn đầy đồng. Cá lia thia trống và mái kéo cỏ sát bờ ruộng xây tổ tròn tròn phun nước bọt đầy mặt nước. Chính nhờ nước bọt nầy mình phát giác ra chúng. Nếu muốn bắt ta nhìn kỹ sẽ thấy chúng lội nhởn nhơ phía dưới, chỉ nhẹ nhàng đưa cái rổ luồn dưới đáy lẹ tay xúc lên, nhưng chúng vọt trốn cũng nhanh  không kém.

-oOo-

Trở về thăm quê sau ba mươi năm dài xa cách, cũng mùa tảo mộ, cũng tiết trời lành lạnh hoa mai hoa cúc đơm nụ đầy cành. Nhưng tiếng dế gáy vang không còn nữa chỉ lác đác đó đây. Ðứng ở đầu con đê nhìn về quê cũ, tôi thật sự ngỡ ngàng trước một khung cảnh hoàn toàn xa lạ đến nỗi tôi nghĩ mình đang đi lạc.

Tôi định thần và tự nhủ không thể được. Ký ức của tôi không thể phản bội tôi, không thể nhầm lẫn hình ảnh thân yêu mà tôi đã sống hết tuổi thơ. Chân tôi đã bước muôn ngàn bước trên con đê từ Ngoại về nhà và từ nhà ra Ngoại nên không thể lẫn được. Tại vì tôi đang tìm điểm mốc là cây me cổ thụ với tàn lá đen sẫm in đậm cuối chân trời là nhà tôi đó không còn nữa, làm tôi không biết định hướng nhà mình ở đâu. Hơn thế nữa, con đê với bờ trâm bầu mát rượi đã biến mất. Thế vào đó là con lộ đất và con kênh chạy song song lững lờ nước đục đầy cỏ dại hai bên. Tôi đánh liều bước lên con lộ đất không một bóng cây dưới ánh nắng chang chang lần tìm lối về. Vừa đi tôi vừa nghĩ trong đầu, lý ra mùa nầy cánh đồng đã khô cằn nứt nẻ với những rạ và rơm, nhưng giờ nầy được phủ bởi một màu xanh ngát của từng đợt sóng lúa non, nhấp nhô tận chân trời.

Phải rồi, con kênh đã dẫn nước cho người dân bơm lên tháo xuống làm lúa ba tháng quanh năm, thì còn chỗ nào dung thân cho loài dế và cá cua sinh sản. Ngay cả hình ảnh thân yêu thơ mộng nhất ở đồng quê là những con cò trắng đậu trên mình trâu đang gặm cỏ, cũng biến mất nhường cho những chiếc máy cày xanh đỏ rải rác khắp nơi, thì ý nghĩ lạ lẫm không là chuyện lạ.

Tôi tiếp tục đi, thỉnh thoảng bắt gặp mấy ngôi mộ đá với hình dáng còn trong trí nhớ, một vài vuông tre bị che lấp bởi nhà mới cất hai bên lộ, mà từ xa tôi không thể nào nhìn thấy, thấy vui. Người đâu mà nhiều quá, nhà đâu mà san sát bên nhau dọc con lộ với hàng quán cà phê, bánh kẹo, rau quả, lèo tèo đủ thứ như ở chợ.

Sau cùng rồi, tôi cũng về đến nhà. Ruộng đất đã bị cướp sạch chỉ còn một khuôn viên nhỏ. Cây me cổ thụ không còn. Bờ tre trống trơn. Cây rơm không có, chuồng trâu mất tiêu. Sân phơi lúa bít chịt cây trồng và nhiều, nhiều cái không còn nữa. Lại một lần nữa hụt hẫng. Tôi đứng im mà nghe niềm đau như xoáy sâu tận đáy lòng.

Tôi hăm hở đi tìm những gì thuộc về kỷ niệm của thời niên thiếu, đơn sơ mộc mạc. Những gì tôi nhớ, tôi thương và tôi canh cánh bên lòng.

Nhưng tất cả là mất mát, không còn nữa. Tất cả chỉ còn là ký ức.Thật buồn!

Quê hương tôi. Vĩnh viễn xa rồi…

HN