Nhận diện con Rồng
Rồng là loài vật linh thú thượng cổ do con người tưởng tượng ra, rồng xuất hiện trong những câu chuyện thần thoại từ rất sớm. Theo thần thoại Hy-La, rồng là con ngựa trắng có sừng, có cánh, bay trên trời như chim, là vật cỡi của các vị thần trên đỉnh Olympus. Châu Âu cũng có một loài rồng khác, hình dạng giống loài khủng long, có cánh giống cánh dơi, bay được và biết phun ra lửa. Rồng này hình dáng hung hãn, thường tượng trưng cho cái ác. Rồng Châu Âu không được coi là linh vật biểu tượng cho một năm trong cách tính lịch của người Châu Âu.
Rồng Châu Á được mô tả có mình rắn, cổ rắn, trên mình có vảy giống vảy cá. Mặt, mũi to, hàm vuông khỏe dài vừa phải, miệng vuông rộng, răng sắc nhọn, các bộ phận đầu rồng gần giống đầu sư tử, có bờm giống bờm sư tử đực quanh mặt, mắt và trán giống đại bàng vàng thảo nguyên, tai giống tai bò, có thêm râu trên mũi dài giống râu cá trê, trán có cặp sừng giống sừng hươu, chân to có phần đùi và khớp nối to khỏe, ngón chân có móng vuốt giống chân đại bàng vàng, có vây trên lưng và đuôi giống cá. Nói chung, rồng Châu Á mang nhiều nét đặc trưng của các loài động vật mạnh khỏe, hung bạo, khôn ngoan trên cạn lẫn dưới nước. Rồng Châu Á có uy lực hơn rồng Châu Âu ở chỗ có thể bay trên chín tầng mây, hô phong hoán vũ, biến hóa, ẩn hiện, sống dưới nước như ở nhà (hí thủy,) chân trước cầm châu báu, “đồ chơi” của rồng Châu Á là nhật nguyệt (chầu nguyệt, chầu nhật.) Rồng Châu Á cũng là loài vật “đa tình,” “đào hoa” (truyền thuyết “Long Sinh Cửu Tử”), là vua trong thế giới linh vật (đứng đầu tứ linh) và loài vật. Do đó, từ thời thượng cổ, rồng đã được coi là biểu tượng cho vương quyền của vua chúa.
Sơn Hải Kinh (thư tịch cổ đầu thế kỷ 4 trước Công nguyên) có đoạn chép rằng: “Phàm ở đầu Thứu Sơn, từ hòn núi Chiêu Diêu để đến hòn núi Ky Vĩ, phàm có 10 ngọn núi, 2,950 dặm, thần ở đó dạng đều thân chim mà đầu rồng, lễ tế vị đó: lông mao, dùng một ngọc chương chôn xuống, gạo cúng dùng gạo lúa nếp, một bịch gạo thóc, đá oánh trắng làm chiếu.” Trong sách này có hình vẽ Ứng Long, nhìn tương tự như hình vẽ rồng dùng cho Vua chúa thời phong kiến Trung Hoa.
Ở Việt Nam, rồng còn được coi là tổ tiên của người Việt cổ (truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên,” Lạc Long Quân là rồng.) Rồng Trung Hoa cổ đại và rồng Việt Nam cổ đại có nhiều nét tương đồng với nhau. Rồng Việt Nam có thay đổi hình dáng tùy theo triều đại, càng về sau, dáng rồng Việt Nam càng thể hiện sự uy vũ, mạnh mẽ, tràn trề sức lực, nhưng không kém sự mềm mại, sang trọng và thanh thoát.
Đặc điểm chung của rồng Trung Hoa cổ đại và Việt Nam cổ đại vừa thể hiện sự uy mãnh, vừa thể hiện sự hiền từ, biểu hiện tính cách “Minh quân chi chúa” với dân chúng, chưa bao giờ mang nét phô trương, hung dữ hoặc tàn bạo. Và chúng đều được chọn đại diện cho một con giáp (một năm) trong hệ Thập Nhị Chi dùng tính thời gian.
Có người cho rằng bàn chân rồng Việt Nam là chân hổ, điều này chưa đúng. Chân hổ giống chân mèo, khi không tấn công chúng luôn thu vuốt nhọn dưới bàn chân. Rồng Việt Nam luôn lộ móng, từng ngón chân xòe rộng với móng to sắc nhọn, đặc điểm này giống bàn chân chim ưng. Rồng Việt Nam cổ đại ngoài việc làm hình ảnh đại diện cho vương quyền, còn được coi là một Phúc thần đem đến mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Sự khác biệt là rồng Việt Nam được thể hiện hình dáng rõ ràng với đuôi dài có vây giống bàn tay xòe, rồng Trung Hoa cổ đại (người tạo ra) không để người xem nhìn thấy đuôi, đúng câu “Thần long kiến thủ bất kiến vĩ.”
Tóm lại, vẻ đẹp của rồng cổ đại là vẻ đẹp kinh điển thuần túy đúng tiêu chuẩn (classical) của loài rồng: uy mãnh, sang trọng, uyển chuyển, không hung bạo, phô trương quá mức.
Và con Gồng
Từ điển tiếng Việt giải thích gồng nghĩa là “dồn sức làm cho các bắp thịt nổi lên và rắn lại.” Có thể hiểu là hành vi “phô trương thanh thế” có tính cách uy hiếp, gây sự hiểu lầm về thực lực, làm đối phương hoảng sợ, nhưng thực tế cái sự “phô trương” ấy không phải là thật, không bền lâu. Những linh vật rồng được tạo hình theo kiểu phô trương sức mạnh, biểu cảm hung ác: mắt trợn lồi ra, mày cau châu lại trên sống mũi, mũi nhăn chun lại như mũi con sói đầu đàn trước khi nhảy bổ vô tấn công con mồi, mặt ốm choắt lại như con nghiện, mõm nhọn dài xọc như miệng cá lìm kìm và luôn há hoác to tướng với những cái răng dài và nhọn như chực táp vô mặt người đối diện, gai góc sửng lên nhọn hoắt đầy mình như uy hiếp, tư thế xông tới hoặc bổ nhào xuống từ trên cao … thì tôi không gọi nó là con Rồng, mà tôi gọi nó là con Gồng. Một con thú có biểu cảm hung ác như vậy không thể là đại diện cho cái Tết vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Vậy mà Tết Giáp Thìn năm nay, tôi nhìn thấy rất nhiều con Gồng.
Tôi không có ý chê bai những con rồng Tết được tạo hình không “classical”, nhìn xấu xí, nhìn thấy phải bật cười, hoặc không thể hiểu nổi nó là con gì (bởi người tạo nó “lực bất tòng tâm”.) Ở đây tôi chỉ đề cập những con Gồng quá lố, mà có vẻ như một cách xâm lăng văn hóa có tính toán cho mưu đồ “Một vành đai một con đường,” thể hiện tính cách “chủ nghĩa Đại Hán cộng sản hiếu chiến.” Càng hiểu thêm vì sao nhà cầm quyền Trung cộng đi đâu cũng tự xưng nước họ là “con rồng.”
Tôi đã bỏ công lên mạng tìm hiểu và thấy rằng những con Gồng “Đại Hán cộng sản” này xuất xứ từ Trung cộng, và “lấn sân” sang Việt Nam, thò chân luôn qua xứ Mỹ bằng những món đồ chơi tưởng chừng vô hại.
Chỉ cần vô Google gõ chữ “rồng Trung Quốc” bằng tiếng Việt, thì quý vị sẽ thấy vô số hình rồng được vẽ rất công phu, tỉ mỉ, màu sắc phong phú, sống động, đường nét sắc sảo, dung lượng files ảnh rất lớn, cho phép quý vị download miễn phí về làm hình nền máy tính. Nhìn những hình nền này tôi có cảm giác những con Gồng rất hung ác và rất kinh tởm, nếu dùng làm hình nền máy tính ngày nào cũng nhìn thấy chắc tôi mỗi đêm đều gặp ác mộng. Tôi không đính kèm hình cho quý vị coi, sợ rằng quý vị nhìn thấy sẽ ói ngay lập tức.
Những con Gồng hung ác và tởm lợm này chúng luôn xuất hiện trong các games online Trung Quốc mà bất kỳ ai online cũng đều có thể nhìn thấy.
Năm nay, thiệp “Year of the Dragon” Trung Quốc sản xuất bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử Mỹ, vẫn là hình ảnh con Gồng kiểu tôi mô tả ở trên, nhưng in ấn nhìn đỡ kinh tởm hơn hình trên máy tính. Tôi đi hội chợ ở Little Sài Gòn (quận Cam) thấy thiệp này được bày bán tùm lum ở các quầy bán thiệp Tết. Một món đồ chơi 3D khác dành cho trẻ em, nhìn rất quái và tởm. Tôi hỏi đây là cái gì? Người bán trả lời là con rồng Trung Quốc, giá 25 đồng/con. Trời đất quỷ thần ơi, nếu không ai nói đó là “con rồng” thì đố biết nó là con gì. Nó dài nhằng, ốm nhom với cái đuôi nhọn hoắt, với sừng, vảy, u nần chơm chởm từ đầu tới đuôi. Con Gồng 3D này đang có bán trên sàn điện tử Mỹ, giá bằng một nửa giá ở hội chợ.
Tôi chỉ biết cầu mong người Việt ở Mỹ đừng ai rước những con Gồng quái dị như vậy về nhà mình trong năm mới.
TPT