Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ có tài nhưng bạc mệnh. Ông mất ở tuổi 40, cái tuổi đủ độ chín về sự nghiệp thi ca vào một mùa Thu ở Garden Grove, California, Hoa Kỳ. Ngày 03/8/2024 là đúng 32 năm ngày mất của ông. Nguyễn Tất Nhiên sinh ngày 30/05/1952 tại Biên Hòa, năm 1966, lúc mới 14 tuổi ông đã tập hợp một số bạn bè yêu thơ văn thành lập Thi Văn Đoàn và xuất bản tập thơ “Nàng thơ trong mắt”, in chung cùng người bạn tên Đinh Thiên Phương ở Biên Hòa, tiếp theo năm 1968, cùng bút đoàn “Tiếng tâm tình” in tập thơ “Dấu mưa qua Đất” với bút danh là Hoài Thi Yên Thi. Một bút danh mà bạn bè thuở ấy của Nguyễn Tất Nhiên gọi là “sến”?
Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, học Trung học tại trường Ngô Quyền, ngôi trường nổi tiếng lúc bấy giờ ở Biên Hòa từ năm 1963- 1970. Điều ít người biết, là trước Nguyễn Tất Nhiên 2 năm, cũng có một học sinh tên Nguyễn Thái Hải cũng rất đam mê văn chương, là cộng tác viên đắc lực của nhóm Văn chương Tuổi Hoa do Linh mục Chân Tín và nhà văn Trường Sơn, chủ trương phụ trách ở Sài Gòn, và cũng đã in tác phẩm từ thời còn học ở Ngô Quyền. Nguyễn Thái Hải chuyên viết cho thiếu nhi, còn có bút danh khác là Khôi Vũ, người đã đạt giải thưởng Hội Nhà Văn VN năm 1990 với tiểu thuyết “Lời nguyền 200 năm”, hiện vẫn còn sinh sống và viết tại Biên Hòa.
Giải thích về bút danh Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ Phạm Chu Sa, bạn thân của Nguyễn Tất Nhiên cho biết: “ Khoảng năm 1969, tại quán cà phê La Pagode (Cái chùa) ở đường Tự Do, Sài Gòn, Nguyễn Tất Nhiên lần đầu gặp nhà thơ Du Tử Lê, trong câu chuyện, Nhiên hỏi Du Tử Lê : Cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi của em bạn bè nói… hơi sến phải không anh?- Du Tử Lê trả lời: Tất nhiên! Rồi cười hỏi: Em họ Nguyễn phải không? Thế thì lấy Nguyễn Tất Nhiên đi! Và cái bút danh Nguyễn Tất Nhiên được khai sinh từ đấy! Song tháng 1 năm 2010, trong một bài viết tựa đề “ Trả lời bài viết của Du Tử Lê” đăng trên “Diễn đàn Người Việt” (USA) của Nguyễn Thị Minh Thủy, là vợ cũ nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, cho rằng bút danh Nguyễn Tất Nhiên là do bạn bè ông đặt từ trước đó chứ không phải do nhà thơ Du Tử Lê đặt cho?
Tập thơ đầu tiên, Nguyễn Tất Nhiên in một mình là tập “Thiên tai”, xuất bản năm 1970 là tập thơ được họa sĩ Đinh Cường vẽ bìa, Linh mục Lê Hoàng Yến, giám đốc trường Trung học Khiết Tâm, Biên Hòa tài trợ. Tập thơ chỉ gồm có 16 bài thơ, tất cả theo thể thơ tự do, bài ngắn nhất có 4 câu và bài dài trên 30 câu, năm ấy (1970), Nguyễn Tất Nhiên đang học lớp 12B trường Ngô Quyền. Và theo ông, tập thơ làm vì một tình yêu đầu tiên với một cô bạn gái chung lớp tên là Bùi Thị Duyên ( cô Duyên chỉ coi Nguyễn Tất Nhiên như một người bạn và đã lấy chồng sau đó, hiện nay còn sống tại Hoa Kỳ).
Giải thích tựa đề tập thơ “Thiên tai”, trong trả lời tuần báo Tuổi Ngọc phỏng vấn ông trong số báo 141, phát hành ngày 05/ 8/ 1974. Nguyễn Tất Nhiên cho biết: Nhiên quan niệm Tình yêu là… thiên tai, nên chọn tựa đề này! Một trùng hợp ngẫu nhiên là năm ấy miền Trung xảy ra bão lũ … Một “Thiên tai” làm kinh động lòng người!
Có lẽ vậy chăng mà bài thơ đầu tiên được phổ nhạc của Nguyễn Tất Nhiên là bài thơ “Linh mục” do nhạc sĩ Du ca nổi tiếng Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, đã làm “kinh động” nhiều người với ca từ “ Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng. Nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang…” . Và tiếp theo là nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với những bài thơ “Thà như giọt mưa”, “Em hiền như Ma soeur”, “ Cô Bắc kỳ nho nhỏ”… đã trở thành một hiện tượng và được rất nhiều người ưa thích vào thời ấy, nhất là giới học sinh, sinh viên với tâm trạng “ Ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi… đau lòng ta muốn khóc… Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá. Có còn hơn không? Có còn hơn không?”
Ca khúc “ Thà như giọt mưa”, vốn Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Khúc tình buồn”, song trong “Khúc tình buồn” không có nói về “ngang qua trường Luật, thi hỏng Tú tài, hay người con gái tên Duyên”. Đặc biệt là ca từ “ Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên...” mang tính chất “oán hờn, nguyền rủa” người con gái làm Nguyễn Tất Nhiên đau khổ, thất tình! Mà một số bạn trẻ cho rằng nhà thơ “ích kỷ, cay nghiệt và hẹp hòi”? Thật ra, những hình ảnh “trường Luật, thi hỏng Tú tài, tên Duyên” là Phạm Duy lấy ý từ một bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên là “Duyên của tình ta con gái Bắc” ( mà Phạm Duy nói là theo lời kể của Nhiên!), và ca từ kết thúc ca khúc “Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên” là do Phạm Duy đặt ra, thêm “sức mạnh…” cho bài hát! Và ca khúc theo như dự đoán của Phạm Duy đã trở thành một “Top Hit”, đưa tên tuổi của Nguyễn Tất Nhiên trở thành “hiện tượng” của thời bấy giờ.
Cũng theo trả lời của Nguyễn Tất Nhiên với tuần báo Tuổi Ngọc, vắn tắt về cuộc đời mình là: Học Luật (Đại học Luật khoa), cô đơn, túng thiếu, lang thang, khổ tâm… Thực ra, gia đình ba mẹ của Nguyễn Tất Nhiên cũng thuộc hàng khá giả ở Biên Hòa, nhà có tiệm may lớn, song bản tính Nhiên ưa mơ mộng, thích lang thang, có lúc lãng đãng, nên bạn bè hay gọi đùa là “Hải khùng” và số phận đã ám ảnh đeo đuổi Thi sĩ mãi đến khi sang Pháp, rồi sang Mỹ, có vợ và 2 con, sau đó ly dị rồi sống lang thang trên một chiếc xe hơi đã cũ. Cuối cùng nhà thơ đã tự kết thúc cuộc đời mình trong chiếc xe- ngôi nhà ấy. Hiện mộ ông ở trong “Khu vườn Vĩnh cửu”, thuộc nghĩa trang Westminster, tiểu bang California, Hoa Kỳ, trên bia mộ khắc đoạn trích của bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng” giống như một lời nguyền của định mệnh:
“ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
phải đau theo từng hớp rượu tàn
phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!
(vì Thượng Đế từ lâu kiêu hãnh
cầm trong tay sinh tử muôn loài
tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
thì em hỡi, ngai trời ta đạp xuống!)”
(Giữa Trần gian
tuyệt vọng, 1972).
Theo trang Web “Người nổi tiếng”, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên được xếp thứ 69,979 về những người nổi tiếng trên thế giới và thứ 631 trong danh sách nhà thơ nổi tiếng.
Khúc Tình Buồn
1.
người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
2
thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
1970
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Thà như giọt mưa.
THV