LỜI GIỚI THIỆU:

Wendy Nicole NN Duong (Dương Như Nguyện)  là người mà Trẻ đã giới thiệu qua nhiều loạt bài và truyện, thơ đã đăng. Cô là luật sư đầu tiên người gốc Việt được bổ nhiệm vào ghế quan tòa tại thành phố Houston 1992, được Luật Sư Đoàn Hoa Kỳ vinh danh là một trong những phụ nữ da màu tiên phong của ngành tư pháp Mỹ. Sau đó, cô từ chức thẩm phán Texas để đi nhiều nơi châu Á và châu Âu với tư cách một luật sư quốc tế, đồng thời theo đuổi nghệ thuật trình diễn và văn chương ngoài việc hành nghề luật sư. Trước đó, cô từng dự thi vào chung kết nhạc kịch Miss Saigon năm 1989 ở Nữu Ước.

 Sau cùng, năm 2000, với văn bằng Thạc Sĩ Luật từ đại học Harvard, cô chọn nghề dạy luật toàn thời gian, cống hiến gần 12 năm đời sống nghề nghiệp chuyên môn vào địa hạt giáo dục.

Loạt bài “Nhìn lại hình ảnh phụ nữ Mỹ gốc Á trước thế kỷ 21- Chúng ta phải làm gì từ bây giờ?” được viết trước đây bằng Anh ngữ, nay được dịch ra Việt ngữ bởi Thường Đức Ái và chính tác giả Dương Như Nguyện đã hiệu đính lại để đăng trên Trẻ.

LOẠT BÀI NHÌN LẠI HÌNH ẢNH PHỤ NỮ MỸ GỐC Á TRƯỚC THẾ KỶ 21

Bài 2:

Phong trào “Tôi cũng thế” bắt đầu ở Mỹ

Song song với phong trào “ME TOO” của nước Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 mở ra một chương mới về hình ảnh phụ nữ tại Mỹ:  Ðệ nhất phu nhân Melania Trump đã phá vỡ những rào cản, vượt qua những hình ảnh người mẫu gợi cảm phô trương, công khai bỏ qua các cáo buộc hành vi thiếu chuẩn mực về tính dục của chồng. Bà tuyên bố với truyền thông Mỹ là bà xem đó như vấn đề “chuyện đàn ông con nít” (boys’ talks), và các cáo buộc chính khách ngoại tình “chẳng phải là quan tâm của tôi,” bà nói.

Bà Trump không phải là người đầu tiên nâng cao hình ảnh người mẫu và phụ nữ trong giới giải trí lên tầm vóc “nguyên thủ quốc gia” nhờ kết hôn. Ðệ nhất phu nhân Pháp quốc chứng tỏ cho thế giới thấy rằng: quay ngược lại thời gian, Marilyn Monroe xinh đẹp với cái lưng ong đã có thể biến nghệ thuật trình diễn của mình trở thành ngôi vị Ðệ nhất phu nhân, thập niên 1960, bằng cách thoát khỏi hình mẫu của biểu tượng tính dục (sex symbol), định mệnh đàn bà, và tiêu biểu đau khổ của một mỹ nhân có số phận bi thảm. Gần như nửa thế kỷ sau cái chết của Monroe, và sau hàng chục và hàng chục diễn viên nữ đứng lên bày tỏ tiếng nói về trải nghiệm đáng sợ của họ trong một thế giới của những người đàn ông quyền lực ưa “sờ mó”, “xô đẩy”, và hành động vũ phu, ngay cả hãm hiếp.  Nếu Monroe còn sống, bà cũng sẽ thì thào, “ME TOO!” bằng giọng nũng nịu, hơi khàn khàn nhưng ngọt lịm từ trong cổ, rất đặc trưng của bà.

Phong trào “ME TOO” ở Mỹ đi quá xa, theo Catherine Deneuve mẫu mực, một tài tử quốc tế và là báu vật của nước Pháp, và cũng là người hâm mộ Monroe. Ngôi sao cao sang của nước  Pháp này tham gia với hơn 100 phụ nữ Pháp trong ngành giải trí, xuất bản, và hàn lâm, đưa lập luận trong một bức thư gởi tới tờ Le Monde rằng phụ nữ và đàn ông ngày nay đã dùng phương tiện mạng xã hội như một diễn đàn táo bạo mô tả những hành vi sai quấy tình dục, bằng cách công khai theo đuổi, trưng bày những kinh nghiệm cá nhân, từ đó tạo ra một không khí độc tài toàn trị. Bức thư có đoạn viết:  “Hiếp dâm là tội ác. Nhưng tán tỉnh lỳ lợm hay xô bồ không phải là tội ác, cũng không phải dâm ô, hay vồ vập coi thường phụ nữ.” Deneuve sau này đã xin lỗi vì có ký tên trên lá thư đó, lá thư đã mô tả phong trào “ME TOO” là “trò săn phù thủy” “khắt khe.” Trong một bài viết mục xã luận, Deneuve giải thích lời xin lỗi của bà: “Tôi làm diễn viên từ khi tôi 17 tuổi… Tôi chứng kiến nhiều tình huống còn hơn là tế nhị nhạy cảm… Ðơn giản, tôi không cần phải lên tiếng nói thay cho chị em của mình.”

Dĩ nhiên, trong những “chị em” của Deneuve bắt buộc phải có những phụ nữ gốc  Á “trầm lặng,”  có mặt ở châu Âu, Mỹ,  Á,  Phi, trong các nền “tiểu văn hóa của sự yên lặng”, nơi mà câu nói “ME TOO” có thể là biểu hiện của nỗi hổ thẹn ở quê nhà, nơi mà “ẩn số của yên lặng” áp đặt lên người phụ nữ bởi một “thế giới bên ngoài vô cảm.”

Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, Melania Trump, cùng với chồng, trước công chúng Mỹ   

Gần đây nhất (tháng 11 năm 2019), cũng trong chính quyền TT. Trump, một phụ nữ châu Á duyên dáng, Mina Chang, người được bổ nhiệm Phụ tá Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã phải đối mặt với cáo buộc gian lận, làm ô danh “con gái châu Á hiền lành nghiêm túc và chăm chỉ.”  Ðây là một phụ nữ bị cho rằng đã leo bậc thang danh vọng nghề nghiệp trong khi không xứng đáng, cho nên phải “gian lận” về thành quả xuất sắc của mình, nào là tốt nghiệp Ivy League Harvard, vân vân. Nói một cách khác, Chang đã lộ liễu đi ngược lại chuẩn mực văn hóa và đạo đức của phụ nữ châu Á đến nỗi cô ta thực sự đã ngang nhiên tạo ra “một thực tế hư ảo thay thế thực trạng có thật” (alternate reality), để củng cố cho chính mình trước quần chúng: theo cáo buộc, thì cô đã gian trá bằng cấp Harvard, thổi phồng thành quả nhiều kinh nghiệm trong công tác nhân quyền quốc tế, tổ chức từ thiện, và khả năng lãnh đạo, để được cất nhắc vào một chức vụ chính trị của chính phủ Mỹ. Trong lịch sử trải nghiệm của phụ nữ cộng đồng Mỹ gốc Á, Chang đã trả một giá rất đắt.  Ðiều này đã tạo nên thành kiến gì cho biểu tượng phụ nữ gốc Á xinh đẹp?

Xem thêm:   Học Sinh Cá Biệt

Lại mới đây nữa, trước thềm năm 2020, năm quyết định vận mạng nước Mỹ, một nữ ứng cử viên tổng thống, gốc Á và da màu, cựu công tố viên tiểu bang California, và đương kim nghị sĩ liên bang Kamala Harris, đã bước ra ngoài vòng tranh cử tổng thống của đảng Dân Chủ, từ bỏ “ánh đèn sân khấu gay go nhất” ấy, sau khi công chúng biết rằng khi còn trẻ, bà đã “hẹn hò tình  ái” với một người đàn ông quyền lực quá nhiều tuổi so với bà. Theo bà, thì ngay hôm nay, việc bà “bỏ cuộc chơi” nơi chốn chính trường của “siêu quốc gia quyền lực thế giới” này, chung quy cũng chỉ vì bà “không tiền rừng bạc bể.”

Ðối mặt với tất cả bối cảnh này, trong một giây phút hoài niệm, tôi dùng Google internet để tìm kiếm và phát hiện bài viết của mình trong Viet Stream của giáo sư quá cố Lê Văn. Tôi quyết định cập nhật bài viết và sẽ đưa ngòi bút đến độc giả Việt Nam dưới hình thức dịch thuật, qua sự giúp đỡ của một độc giả, bởi lẽ tôi tin nên có một nhu cầu nhìn lại quá khứ cho hành trình trước mặt của phụ nữ gốc Việt tại Mỹ, ở đủ các loại “sân khấu,” kể cả sân khấu của “yên lặng” mà chúng ta gọi là “nguồn cội.” (Tình trạng từ 1975 và đã bao lâu nay thì hình như sự yên lặng của Ðất đã trở thành hiện tượng “đóng cửa mà cãi nhau” — người Việt cãi người Việt mà thôi, dễ dàng đi đến tình trạng mạ lỵ phỉ báng, tựu trung là hiện tượng “ai muốn nói gì thì nói,” xong rồi thì…biến mất, hoặc người Việt đưa nhau ra toà án Mỹ, với những trở ngại tâm lý chẳng hạn như:  tránh voi không xấu mặt nào, chén kiểu chọi với chén sành, không nên dây dưa với hủi, một sự nhịn chín sự lành, vân vân.)

Nữ tài tử Pháp Catherine Deneuve, khi còn trẻ

Nhìn lại tổng quát thế kỷ 20 và nhìn trước mặt, chúng ta cần hỏi: Có một sự tiến bộ, hay chỉ là nuối tiếc hoặc thoái hoá, hay là kết hợp cả hai thái cực, trong cái nhìn biểu tượng nhưng thấu đáo về phụ nữ gốc Á trong dòng chính của thế giới Âu Mỹ?

Xem thêm:   Mưu sinh từ… rác

Từ thời điểm tuổi trẻ của tôi, những năm sau 2010, tôi đã chứng kiến và ghi nhận rất nhiều sự lớn mạnh trong phụ nữ Mỹ gốc Á và gốc Việt: nhiều gương mặt xuất hiện, chiếm những vị trí cao ở chốn công quyền, các chức vụ dân cử, môi trường nghệ thuật, giải trí, hàn lâm và doanh nghiệp. (Trong thập niên 2000, khi tôi còn dạy đại học luật, thì danh sách niên giám giáo sư luật gốc Việt tại Mỹ có tất cả là 7 người:  Việt Ðinh, Lan Cao, Nhân Vũ, Thảo Nguyễn, Huyền Phạm, tôi Wendy NN Duong, và thêm một vị đã về hưu là bà Tăng thị Thành Trai. Hình như chỉ có tôi là dạy môn bắt buộc phải có mặt trên kỳ thi vào luật sư đoàn khi sinh viên tốt nghiệp. Còn các vị kia dạy những môn mà sinh viên chọn lựa – (elective).  Ngoài điểm bảy người này là gốc Việt, thì trong số bảy người, đến sáu người đều chia sẻ mẫu số chung rằng họ có bằng cấp từ trường luật của đại học Harvard hoặc Yale. Riêng bà Trai thì tốt nghiệp luật ở bên Pháp và sau đó học lại ở Chicago, được coi là Ivy League như Yale và Harvard. Trong số bảy người, đã dạy rồi từ chức để quay trở lại hành nghề thì chỉ có tôi và Nhân Vũ. Và hai người tốt nghiệp luật sớm nhất ở Mỹ là tôi và bà Trai, thuộc thế hệ của cha mẹ tôi.  Khi tôi đang học luật năm thứ nhất thì bà Trai đang làm việc cho nhà in thông số về luật, công ty Sheppard – (muốn đăng tải thông số về luật cho các luật sư nghiên cứu xem luật có còn được áp dụng hay không thì phải có luật gia đọc những án lệ của toà).  Vì thế trong những năm đi học tôi có được niềm an ủi là thế hệ của cha mẹ tôi có người làm gương cho tôi ở nước Mỹ trong thế giới luật, tuy rằng giữa tôi và bà Trai không hề có liên lạc cá nhân trong thời điểm đó.  Và những quyết định về nghề nghiệp tôi không hề có ai trong cộng đồng gốc Việt hướng dẫn hay chia sẻ.

Mina Chang, phụ nữ Mỹ gốc Hàn Quốc, phải từ chức trong chính phủ vì bị tố gian lận bằng cấp từ đại học Harvard.

Tuy nhiên, một sự thật tồn tại: chưa có được một nữ đại sứ, nữ thượng nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ, nữ giám đốc chủ tịch điều hành CEO Fortune 500, nữ chủ tịch, viện trưởng đại học, người nữ đoạt giải Nobel, nữ thẩm phán tòa án liên bang tối cao, nữ diễn viên hay nữ đạo diễn giải Oscar, mà là phụ nữ Mỹ gốc Việt. Và còn nhiều vai trò khác mà sự tưởng tượng của chúng ta có thể hình dung, kể từ khi tôi được “lôi ra” đảm nhận việc ngồi tòa khiêm nhường ở địa phận Houston, và kể từ khi tôi tháo bỏ tạm áo luật sư, đơn thân độc mã trên đại lộ Broadway của Nữu Ước, với tờ giấy nhạc đơn sơ bản Giọt Mưa Trên Lá, không chút kinh nghiệm hay huấn luyện công phu trường kỳ nào, mà lại dám gõ cửa văn phòng Casting Agency của Johnson Liff.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 12 tháng 12 năm 2024

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, không có một nguyên thủ quốc gia là phụ nữ Việt nào, thực sự so với hình ảnh 2000 năm trước của Hai Bà Trưng (người dựng nước Việt Nam năm 40 sau Công Nguyên), hay một Triệu Thị Trinh muốn chém cá Tràng Kình ở Bể Ðông, khoảng 200 năm sau đó?

Nhưng điều này có ý nghĩa gì, khi gương mặt một người nữ Việt Nam hay một phụ nữ Mỹ gốc Việt nào, cuối cùng thì cũng sẽ xuất hiện trong bất kỳ những vai trò này, có thể thực sự làm nên khác biệt? Khác biệt như thế nào? Và đó là sự khác biệt gì, ra sao?

Có phải chúng ta sẽ chỉ nhìn một gương mặt, nguồn gốc di truyền và sắc tộc, hay là chúng ta nên nhìn sự hy sinh, cá nhân hay tập thể, từ một người, nhiều người, rất nhiều người, có tên hay không tên, được nêu danh hay không hề được biết đến, tất cả những ai đã góp phần xây đắp vun trồng và dấn thân, đặt mình xuống để trở thành những viên đá đầu tiên qua sự hy sinh, đầu óc xuất sắc, thái độ kiên trì, và lòng can đảm, kể luôn cả cá tính lập dị, để chiếm lấy cơ hội, hay để bỏ qua cơ hội, của từng người, nhằm đưa sự thành tựu của cá nhân trở thành tập thể?

Ðó mới là nguyên nhân tôi muốn khôi phục lại bài viết trước đây: một cái nhìn về quá khứ, cần thiết để bắt đầu phản ảnh sâu xa hơn, về con đường trước mặt, bên ngoài “VietStream” của cố giáo sư Lê Văn khả kính và nhân ái. Tôi muốn đưa ra thách thức, và dành câu trả lời cho mỗi người, hay tất cả mọi người, đàn ông cũng như đàn bà, như bất kỳ một câu trả lời khả dĩ nào, ở mọi tầm nhìn với mỗi chọn lựa cá nhân cũng như sự chuẩn bị tập thể. Quan trọng nhất, là nhìn cho ra chân dung một lý do thật chính đáng, đi đến sự chung tay hỗ trợ, sự đoàn kết tối cần thiết cho sự tồn tại và khởi sắc cho văn hóa và tập thể Việt Nam, ở Việt Nam hay ở Mỹ thì cũng thế.

Thượng nghị sĩ Kamala Harris, luật sư, cựu công tố viên, cựu ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, từ tiểu bang California, đã phải rút lui khỏi vòng tranh cử.

Kỳ TỚI: bài 3

Từ Madam Butterfly (Hồ Điệp Tử) đến Hòn Vọng Phu:  phụ nữ giữa hai thế giới