Nhắc tới chuyện chưng diện, không hiểu sao người ta hay liên tưởng đến các bà, các cô trong khi từ thời… cụ Nguyễn Du đã thấy văn học nhắc tới sự đỏm dáng của các ông: “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Hoá ra, từ “chưng diện” đâu chỉ dành cho các con cháu Eva?

Bảo Huân

Dù cũng có cùng ý nghĩa là làm cho ai đó trở nên đẹp hơn (nhờ việc trang điểm hay cách phục sức, ăn mặc) nhưng dùng từ “chưng diện” nghe có vẻ tiêu cực hơn thì phải. Thế nên khi nghe ai đó dùng từ “chưng diện” để nói về một người, có thể tự hiểu ấy là người nói có ý chê hơn khen. Xung quanh chuyện chưng diện cũng có nhiều điều để nói.

Trang điểm nhẹ nhàng, vừa phải và phù hợp với lứa tuổi làm cho người không đẹp trở nên đẹp hơn, còn người đã đẹp sẵn trở nên đẹp mặn mà, đậm đà, sắc sảo hơn. Cũng tương tự, việc ăn mặc có gout, có thẩm mỹ khiến người bình thường trở nên thanh lịch (đúng nghĩa “người đẹp vì lụa”)  và người đã đẹp sẵn trở nên sang trọng, lịch lãm hơn. Vậy nhưng nhiều người vẫn bị cho là ăn mặc gây khó chịu, là thiếu tế nhị hay thậm chí là “lố “. Bên cạnh đó còn có quan niệm sai lầm khi cho rằng cứ trang phục đắt tiền thì người mặc sẽ “auto đẹp”. Trong khi lại có ý kiến “người đẹp thì mặc gì cũng đẹp”. Mà ý sau này nghe hợp lý hơn.

Mới đây, tôi xem trên mạng clip của cô gái nọ đang ở Mỹ. Cô thích trồng cây, làm vườn nên hay quay clip trong lúc trồng trọt đăng lên mạng. Nhiều người xem clip của cô rồi bình luận, đại ý “sao ở Mỹ mà ăn mặc đơn giản quá?” Câu trả lời của cô khiến tôi buồn cười: đang làm vườn bùn đất lấm lem thì mặc đẹp nỗi gì? Nhưng cô cũng thừa nhận là người Mỹ ăn mặc đơn giản hơn dân mình. Tôi còn thêm vào ý của cô rằng: không chỉ giản dị, họ còn lưu ý đến yếu tố chất liệu, sự thoải mái và tiện lợi chứ không chỉ quan tâm giá trị của bộ đồ.

Xem thêm:   Bích Đầm đảo dân cư xa nhất trong vịnh Nha Trang

Tôi từng chứng kiến những hành khách nữ mặc quần đùi ngắn cũn cỡn, áo hai dây trên máy bay hoặc thậm chí là trong… nhà thờ. Và ngược lại, đi chợ hay đi bác sĩ mà gặp phụ nữ trang điểm dày đậm, kỹ càng thì y như rằng, khả năng cao là dân mình. Hoặc, loại trừ giới nhà giàu hoặc siêu giàu, đa số dân Mỹ xem xe hơi như một phương tiện cơ bản để đi lại nên đa phần họ đi các loại xe tầm trung, thậm chí xe cũ. Còn dân mình phải mua xe mới, xe có thương hiệu mới chịu (dù là mua trả góp và công việc, thu nhập của họ cũng bình thường thôi).

Cũng với suy nghĩ “nhìn không giống… Việt kiều!”, tôi từng chứng kiến những tình huống không biết nên vui hay buồn. Đó là lần đầu tiên cô em họ tôi về thăm quê hương sau nhiều năm định cư ở nước ngoài. Một người bà con trong nhà không rõ là nói đùa hay nói thật khi nhìn cô em một lượt từ đầu đến chân rồi xuýt xoa: “Bộ ở bên ấy vất vả lắm hả con?” Tôi thấy không tiện đính chính giùm cho cô em với những gì tôi biết về cuộc sống khá thuận lợi của cô nơi xứ người. Chỉ thấy tội nghiệp cho người bà con lớn tuổi đang suy diễn theo những gì bà nhìn thấy từ bộ trang phục bình thường mà cô em đang mặc trên người mà lẽ ra theo bà “Việt kiều là phải khác lắm chứ có đâu bình thường thế?”

Lần khác, nhóm tôi đi cùng một cô bạn ra mắt người yêu là Việt kiều Mỹ mới về, họ chuẩn bị cưới. Sau buổi ra mắt, mọi người xầm xì bảo nhau trông anh người yêu kia đen đúa, khắc khổ, chẳng khá giả gì, chắc là cô bạn sắp cưới của tôi sắp… khổ đến nơi rồi. Tôi nghe mà buồn… cười quá, khổ là như nào? Là phải cày bừa bạc mặt hay gì? Ở đâu mà chẳng phải “có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho?” Buồn cười hơn khi tôi đoán chắc mấy chị bạn cả nghĩ của tôi (có lẽ là) đã nhìn mặt mà bắt hình dong khi thấy anh bạn kia mặc quần short, áo pull đơn giản mà tôi cho là để đỡ nóng hơn là vì lý do anh ấy không có được bộ trang phục nào giúp anh trông ra vẻ “Việt kiều” hơn một tí.

Xem thêm:   Dịch vụ cho thuê xe máy

Tôi cũng nghe nhiều người nhận xét một cách bông đùa rằng “cứ đi đâu (ở Mỹ) mà thấy người nào chưng diện, bảnh tỏn là biết người Việt Nam”. Câu nói với hàm ý mỉa mai, dễ gây tự ái dân tộc, thậm chí có phần thô nhưng thật. Thực ra, những người Mỹ mà tôi quen, tôi làm việc chung hoặc tôi từng thấy cũng có người này người kia nhưng đa phần họ chỉ chưng diện (well-dressed) những khi cần thiết, còn thì họ trang phục giản tiện là chính. Ngược lại, nhiều người Việt trong cảm nhận của tôi thích bề ngoài trau chuốt hơn (nhất là khi ra ngoài hay gặp gỡ ai đó). Nói cách khác là họ coi trọng hình thức và cũng hay đánh giá người khác qua diện mạo bên ngoài. Chính vì vậy mà nhiều người dễ ngộ nhận, dễ “hố hàng” hay bị người khác lợi dụng như một yếu điểm để … lừa đảo vì họ hay đánh đồng cái vẻ ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng với sự giàu có, thành đạt và uy tín.

Chiếc áo không làm nên thầy tu, việc ăn mặc đẹp không làm tăng giá trị hay thay đổi bản chất của một người (từ xấu thành tốt hay ngược lại). Tuy nhiên, nếu biết chưng diện hay biết cách tận dụng việc chưng diện theo hướng tích cực, người ta có thể thay đổi ấn tượng của người khác dành cho mình. Nhiều ca sĩ ở Việt Nam là minh chứng cụ thể nhất cho nhận xét này. Có thể họ có giọng hát không hay (thậm chí dở tệ) nhưng nhờ những bộ cánh đắt tiền từ những thương hiệu nổi tiếng mà họ có thể che lấp bớt sự chênh, phô trong giọng hát đầy khuyết điểm của mình để dẫn dắt khán giả từ “nghe” sang “nhìn”. Phần khán giả cũng không cảm thấy bị lỗ lã gì khi bỏ những số tiền không nhỏ đến nghe ca sĩ dở hát. Dù giọng hát chẳng đáng tiền nhưng bù lại, họ được mãn nhãn ở phần nhìn do gout thẩm mỹ thời trang của các ca sĩ quá đẳng cấp khiến khán giả thay vì được thư giãn trong những giai điệu bay bổng, lãng mạn thì lại được học hỏi những xu hướng thời trang đẹp đẽ, thời thượng. Trong tình huống này, việc chưng diện (của các ca sĩ) đã thực thi một vai trò rất quan trọng, chẳng phải đã cho thấy cái “trình” của họ trong việc chinh phục thị hiếu nghe (hay nhìn?) của khán giả đấy sao?

Xem thêm:   Bài ca "Chiêu hồi"

Nếu cho rằng ăn mặc lịch sự là tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình là đúng. Tuy nhiên, nói người Mỹ ăn mặc xuề xoà, đơn giản hơn người Việt cũng không hẳn. Nói đúng hơn là người Mỹ cũng biết chưng diện nhưng tuỳ lúc, tuỳ nơi, và họ hiểu một nguyên tắc cơ bản của việc ăn mặc chính là sự “phù hợp”, yếu tố quan trọng làm nên phong cách của một người. Thời trang phải phù hợp với vóc dáng, màu da, điều kiện (tài chính), hoàn cảnh nơi họ xuất hiện và cách họ ứng xử, giao tiếp khi khoác trên mình bộ trang phục nào đó. Ví như khi mặc bộ áo dài nền nã, nhu mì thì người phụ nữ không thể đi đứng sỗ sàng hay nói năng ồn ã. Hay một người đàn ông không thể đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt trong bộ veston, thắt cravat. Một cô công nhân lao động chân tay mà cứ trang điểm như diễn viên là thấy chỏi liền. Nói “phù hợp” ở đây là vậy.

Việc chưng diện tốt hay xấu đôi khi đến từ cảm nhận cũng như khiếu thẩm mỹ của người mặc lẫn người đối diện. Nhưng việc đánh giá (giá trị của) ai đó qua trang phục bên ngoài chỉ cho thấy sự hời hợt về nhận thức cũng như sự nông cạn về cách sống, cách ứng xử mà thôi.

VL