Tôi thích nghe cải lương từ năm mới 8, 9 tuổi. Nay ngót nghét 70, niềm đam mê ấy vẫn vẹn nguyên!

Gánh hát, đào kép vang bóng một thời. nguồn: Người việt 

Trước năm 1963, đối diện nhà, anh Bốn Lộc hay mở máy dĩa nhựa các vở cải lương Mắt em là bể oan cừu, Thuyền ra cửa biển… Bên trái nhà có bác Hai Kế, lúc ấy sửa radio thì chuyên trị những dĩa Người vợ không bao giờ cưới, Nửa đời hương phấn… Anh Ba Thích (Ngô Viết Thích) nay ngoài tám mươi vẫn còn ở Ðà Nẵng, con ông cậu ruột, thường mua những bài vọng cổ, bìa in màu, có ảnh nghệ sĩ trên giấy về ca, tôi hay mượn. Những hình ảnh, âm thanh ấy lôi cuốn tôi. Còn ông anh con bà dì ruột, anh Nhì (Phạm Văn Khánh), nay cũng ngoài tám mươi, hiện ở phường 12, quận Tân Bình, Sài Gòn. Anh em nếu có dịp gặp nhau cứ vẫn nói chuyện về cải lương, về những nam danh ca, bà hoàng tân cổ, sầu nữ, giọng ca không tuổi… sống mãi với thời gian.

Những giọng ca Thành Ðược, Hữu Phước, Út Trà Ôn, Minh Chí, Minh Cảnh, Tấn Tài, Thanh Sang, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Phương Quang, Thanh Thanh Hoa, Diệu Hiền… tôi phân biệt được ngay khi họ vừa cất tiếng hoặc chậm nhất là lúc xuống xề!

Trước năm 1965, thị xã Ðà Nẵng lúc ấy có Ðoàn cải lương Trường Thành, Túy Nguyệt hay diễn ở sân trụ sở xã Thạc Gián, nay là phường Vĩnh Trung, đường Hùng Vương. Ðoàn có kép đẹp Bảo Toàn và hề Thanh Chất nổi nhất. Không đêm diễn nào mà tôi không lén mẹ chạy đi xem. Các đoàn Kim Chung, Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga, Minh Cảnh… về diễn ở Khu Giải trí, rạp Trưng Vương hay rạp xi nê Chợ Cồn, sau đổi tên thành rạp Thanh Vân (Ðoàn cải lương của danh ca Minh Cảnh hay hát ở đây) tôi đều có mặt. Khi thì chễm chệ ngồi ghế, lúc ngồi bệt giữa lối đi. Chẳng hề chi, miễn nghe thấy các nghệ sĩ ca, diễn là đã rồi. Nhớ có chú Út, lính Hải quân, ở Quảng Ngãi, bà con với nhà chú Tám Giới hàng xóm, ghiền cải lương ác chiến. Chú ra Ðà Nẵng là thế nào cũng mua vé xem cải lương và dẫn tôi theo. Lúc thì tôi xin phép mẹ lúc thì trốn đi xem. Nhớ có vài lần không mua vé được, chú năn nỉ người soát vé kẹp cho tôi vào rạp. Có lúc gặp phải ông soát vé khó tính, chằn ăn, tôi bị đuổi ra chỗ khác chơi phải chạy bộ hơn cây số về nhà.

Đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát Tết tại rạp Quốc Thanh, Sài Gòn. nguồn: Người việt

Buồn và tủi ác liệt!

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Lúc bấy giờ, trước năm 1970, sắm được cái cát-sét là ngon lắm. Mẹ tôi biết con mê cải lương nên xuống chợ trời, đối diện với chợ Cồn, mua một cái máy cát-sét hiệu Sony cho tôi. Cứ có tuồng cải lương nào mới là mua băng “zin” mang đến tiệm thâu về. Những Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Máu nhuộm sân chùa, Ðêm lạnh chùa hoang, Dốc sương mù… hễ có Minh Cảnh ca là tôi xin tiền mẹ đi thâu hoặc mua băng về nghe. Tua đi tua lại đến khi băng nhão. Sau này thần tượng của tôi còn có Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Minh Vương… Cứ tuồng nào có thần tượng ca là lùng mua băng mang về nghe quên ăn quên ngủ. Tất nhiên là có bắt chước ca theo giọng Minh Cảnh, Thanh Tuấn… nhưng thường là “nửa đường đứt gánh” vì hơi mấy nghệ sĩ này dài thấy bà.

Những lời ca mượt mà, dạt dào ý nghĩa; soạn giả lại rất khéo dùng nhiều mỹ từ cộng với làn điệu bổng trầm này nọ của nghệ sĩ thật sự chinh phục người nghe. Tôi không chỉ nghe đơn thuần mà còn học, trau dồi vốn từ ngữ cho thêm phong phú qua những vở cải lương, những bài vọng cổ.

Nghe Minh Cảnh, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ… ca vọng cổ hơi dài, luyến láy thì thôi rồi, nó ngọt lịm như đường phèn!

Đoàn Kim Chung, một thời nức tiếng ở Sài Gòn. nhacxua.vn

Sau năm 1975, cải lương có lúc thoái trào nhưng không vì thế mà đam mê trong tôi phai nhạt. Vẫn nghiện vọng cổ dài dài. Có người cười cợt ông thầy giáo, ông nhà báo mê cải lương, sến ác! Tôi không buồn, không giận mà còn vui. Ði công tác xa, trong xách luôn thủ sẵn máy nghe nhạc, vài ba băng cải lương. Sau này có smartphone thì cứ vô tư tải hết các vở tuồng nổi tiếng, hay những bài ca lẻ, tân cổ giao duyên có những giọng ca tuyệt vời của Minh Cảnh, Thanh Tuấn, Tấn Tài, Thanh Kim Huệ, Bích Hạnh… mang theo bên mình, lúc rảnh nghe đã đời ông địa. Mấy lần công tác miền Tây, thế nào cũng tìm nghe cải lương, đờn ca tài tử. Nhớ mãi mấy cháu ở Vĩnh Long, Bến Tre… ca trích đoạn Người tình trên chiến trận, Ðường gươm Nguyên Bá… cũng nổi da gà. Tiếc là các cháu không tham gia dự thi Chuông Vàng vọng cổ (CVVC)!

Xem thêm:   Trăm năm tiếng Việt

Hơn 10 năm, tôi không bỏ sót cuộc thi CVVC nào. May quá, nhờ chương trình này, cải lương cầm cự được. Vui nhất là xuất hiện một số bạn trẻ nói giọng Bắc nhưng ca cải lương giọng Nam cũng mùi mẫn lắm. Nghệ sĩ Vương Hà, Thanh Thanh Hiền gốc Bắc ca cải lương rất hay. Tôi mê Thanh Thanh Hiền ca bài Chuyến tàu hoàng hôn, Tàu đêm năm cũ… nên nghe đi nghe lại hoài.

Rạp Nguyễn Văn Hảo giới thiệu chương trình của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga, Sài Gòn, đầu xuân 1961. Ảnh tư liệu của Ngành Mai/ Người Việt.

Ðôi lúc tôi có cảm giác Ban Giám khảo CVVC gần đây không khách quan lắm khi nhận xét về ca diễn của một số thí sinh hoặc người dẫn chương trình lố quá đến mức vô duyên khiến mình ngán ngẩm. Vì thế vài năm trở lại đây tôi không còn háo hức đón chờ CVVC nữa. Chỉ xem thi CVVC “nguội” trên YouTube chứ không thèm xem “nóng” – trực tiếp nữa.

Những Bùi Trung Ðẳng, Võ Thành Phê, Thanh Nhường, Văn Mẹo, Lê Văn Gàn, Hồ Ngọc Trinh, Ngọc Ðợi, Thu Vân, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Ngọc Châu, Trịnh Ngọc Huyền, Mỹ Tiên… là những Chuông Vàng, Bạc, Ðồng tràn đầy sức trẻ, tha thiết với cải lương. Các bạn hát hay, diễn giỏi không thua kém gì các nghệ sĩ tiền bối. Năm 2015, Chuông vàng Nguyễn Thanh Toàn với trích đoạn Dấu ấn giao thời, theo tôi là khó có chỗ chê. Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết và Minh Vương đã không tiếc lời khen dành cho Toàn. Cũng thấy buồn khi các diễn viên trẻ đã thành danh phải đi hát ở đám cưới, đám ma, sinh nhật… để có thu nhập thay vì có đoàn để diễn trên sân khấu. Còn chương trình Vầng trăng cổ nhạc lâu lâu mới có một lần.

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Thiển nghĩ nghệ sĩ hiện nay, nhất là ở lĩnh vực cải lương thì tài, sắc cần hài hòa. Ðẹp mà ca diễn hay thì khán giả sẽ tìm đến nhiều hơn, tất nhiên bên cạnh phải có kịch bản mới, hay, có đất cho nghệ sĩ diễn. Mỗi thời mỗi khác. Nghệ sĩ cải lương trước đây nhiều người đâu có đẹp nhưng ca cũng quá hay. Riêng tôi, đào, kép đẹp ca cải lương hay tôi sẽ chọn người ấy làm thần tượng.

Tôi sẽ đón xem họ với tất cả sự ưu ái, mến mộ!

Một cảnh trong vở tuồng “Tình sử Dương Quý Phi” của đoàn Thanh Minh Thanh Nga . Ảnh: Huỳnh Công Minh/Màn Ảnh Sân Khấuvn

LKD