Hồi mới đọc thơ, tôi luôn ám ảnh bởi câu “Bên giàn thiên lý bóng xuân sang” của Hàn Mặc Tử, nhiều khi tôi tự hỏi, giữa thiên lý với mùa xuân có mối quan hệ nào mà tác giả lại ám ảnh, chuyển hóa thành thơ vậy. Có chồng, có con, nhà cũng trồng một giàn thiên lý, lúc này không phải để ngắm bóng xuân sang mà để nhớ bà ngoại, bởi bà ngoại ở quê cũng có trồng một giàn thiên lý đón “bóng xuân sang”, cái bóng xuân của bà ngoại, nói ra nghe buồn cười (mà cay sống mũi), ấy là những lạng thịt bò ông ngoại mang về mỗi khi đi làm thuê trên phố huyện. Món thịt bò xào bông lý, hình như gắn sâu vào ký ức của tôi là vì vậy!

Hồi nhỏ tôi sống với ông bà ngoại, trong một căn nhà 3 gian nhỏ, lợp ngói đỏ và có một chái bếp, trước chái bếp có để ảng nước, trồng bụi chuối bồ hương, có cây vả lá to như lá sen, trái dùng để hầm thịt hoặc xắt lát chấm mắm ruốc ăn với cơm trong những ngày không có thức ăn, trước nhà có trồng một giàn thiên lý nho nhỏ, cứ mỗi độ xuân về, chừng mạnh xuân thì bắt đầu trổ bông lác đác, trọng xuân thì trổ bông nhiều và quý xuân (Ba tháng mùa xuân được chia thành 3 thời: Mạnh, Trọng và Quý, Mạnh tháng Giêng, Trọng tháng Hai và Quý tháng Ba) thì trổ bông rộ cho đến qua khỏi 3 tháng hè, có năm qua cả mùa thu vẫn còn những chùm bông muộn.

Hoa thiên lý thơm ngọt, pha giữa mùi hoa cau với hoa sữa. Lạ ở chỗ bất kỳ loài hoa nào màu trắng cũng đều có mùi thơm rất ngọt, mùi có gì đó gợi cho người ta về dòng sữa mẹ ngọt ngào.

Xem thêm:   Một ngày của tổng thống

Những ngày Hè nắng xứ bãi ngang cứ như ai đó hắt than vào mặt vậy. Ông ngoại làm nghề thợ tre, lúc này du lịch Huế mới phát triển, ông ngoại được các gia đình trên thành phố mời lên làm những sản phẩm tre cao cấp, đòi hỏi tay nghề lâu năm. Thường thì ngày công của ông được trả giá khá là cao so với thợ tre dưới quê. Nhưng bù vào đó, ông phải đạp xe đi từ sáng sớm, vượt hơn hai chục cây số để lên thành phố, và chiều về, ông cũng về tối mịt.

Bà nấu cơm bằng lửa rơm, luộc mấy cái trứng gà và hái một ít bông lý, rửa sạch, để sẵn chờ ông. Tôi vẫn thích nhất hình ảnh ông đạp chiếc xe đạp ngang thời Pháp để lại, trước cổ xe treo lủng lẳng một miếng thịt bò và nhìn bà cười cười “Thương chồng nấu cháo le le, nấu canh bông lý nấu chè hạt sen”. Bà nghe vậy thì cười tủm tỉm “Già rồi mà còn hoang! Lý này xào chứ không có nấu canh mô ôn ơi!”. Ông nghe vậy thì cười hà hà!

Sau này tôi mới hiểu rằng món canh bông lý hay bông lý xào thịt bò cũng như món cháo le le, chè hạt sen là những món có tính tráng dương bổ thận, tăng cường khí huyết. Hóa ra ông bà ngoại tôi già rồi mà còn nghịch đáo để! Mới đây thôi, giờ ai cũng xa rồi, ai cũng bỏ con cháu mà đi thật xa, nghĩ về, tự dưng thấy cay sống mũi!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (07/17/2025)

Thường thì đợi ông tắm táp, xả hơi mệt xong, bà lột mấy cái trứng gà luộc giằm nước mắm, xắt thịt bò, ướp chút hành tiêu, ớt tỏi và nước mắm, sau đó bắc cái chảo nhỏ lên bếp, cho một ít dầu phụng vào chảo, đợi dầu tới thì cho tỏi giã dập vào phi thơm. Tỏi vừa thơm thì cho bông lý vào, xào đảo liên tục, sau đó chừng nửa phút (30s), bà dùng đũa vén tất cả hoa lý sang một bên chảo, cho thịt bò vào bên chảo trống, đảo liên tục 30s thì trộn lẫn, đảo đều hoa lý với thịt bò, chừng 3 phút là bắc chảo hoa lý xào thịt bò xuống.

Khi xào, bà cho lửa vừa, lửa rơm mà giữ vừa thì rất khó, không giống như lửa bếp gas bây giờ đâu! Bà bảo nếu xào lớn lửa thịt bò sẽ dai, mất mùi thơm, mất vị ngọt, còn bông lý lại bị thâm đen, không còn hấp dẫn nữa.

Bông lý xào thịt bò

Cảm giác bữa cơm quê thật ấm áp, cơ mà bữa cơm quê có chén trứng luộc giằm nước mắm, có dĩa bông lý xào thịt bò, cơm gạo quê thơm phưng phức… Những thứ ấy bây giờ tìm không dễ, càng tìm càng thấy nhớ. Mặc dù tôi cũng có giàn thiên lý, cũng xào thịt bò, cũng có cơm gạo quê. Nhưng cái cảm thức quê, bữa cơm dưới ánh đèn dầu tù mù thì có tái diễn cũng không được như xưa.

Xem thêm:   Răng giả

Nhưng dẫu sao, hoa thiên lý cũng là món ngon tự nhiên, không bị bơm hóa chất và món bông lý xào thịt bò vẫn còn gì đó mang hồn cốt của một thuở cơm quê.

Xin lưu ý, món bông lý xào thịt bò, muốn ngon, phải có tỉ lệ “chuẩn một chút, nghĩa là 3 bò   7 lý, tỉ lệ này bảo đảm thịt bò không lấn vị bông lý mà bông lý không làm thiếu vị thịt bò.  3 lạng thịt bò, 7 lạng bông lý. Ngoài ra còn có tỏi, tiêu, hành phi và nước mắm.

Món bò xào bông lý muốn ngon, tuyệt đối không thêm bột nêm hoặc vị tinh vào. Vì những thứ đó làm cho bông lý mất đi vị ngọt gốc của tự nhiên. Một cái vị ngọt chỉ có thể có từ bông lý.

Cũng xin nói thêm, thường người ta hay chọn nụ lý để xào ăn chứ ít ai chọn bông lý, nhưng kỳ thực, bông lý xào ăn có dưỡng chất cao hơn nụ lý. Bởi khi con ong đi hút mật, nó chỉ hút những bông hoa đang nở, hoa lý cũng không ngoại lệ. Khi hoa lý đang nở là lúc dưỡng chất và đường mật của hoa đạt ở mức cao nhất.

Chúc quý vị có một bữa ăn thật thú vị với món thịt bò xào bông lý, món này có thể ăn với cơm, ăn với bánh tráng, ăn kèm với đậu phụng rang để uống bia, ăn thuần bông lý xào bò uống bia… Tất cả đều cho cảm giác ngon và cảm xúc quê kiểng, khó tả…!

PK