Bài dự thi số 18

1

Anh tôi gửi qua Viber cho tôi tấm hình nhà mới của anh đã xong phần ngoài kèm theo dòng nhắn: “Bên trong còn lu bu lắm, chắc phải hết tháng sau mới hoàn thành”. Tôi nhìn hình ngôi nhà mới của anh mà không khỏi bồi hồi nhớ lại quãng thời gian anh băng qua Covid.

Những tháng Sài Gòn căng mình trong trận cuồng phong Delta (1), tôi thường ví Covid như màn sương dày mù mịt chắn ngang trước mặt, và anh tôi là người lữ hành bắt buộc phải băng qua màn sương ấy mà đi trong cuộc chiến với bệnh tật.

Cuối tháng 12 năm 2020, một tuần liền anh cảm thấy bao tử có những cơn đau nhói lan lên ngực, vai trái, khiến anh thường bị mệt. Hôm anh đi khám bệnh ở Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh, lấy số thứ tự xong chờ vào khám, anh bỗng thấy hoa mắt chóng mặt, người lạnh toát và ngã xỉu. Trong cơn nửa mê, nửa tỉnh anh nghe tiếng người lao xao gọi cấp cứu và sau một loạt các xét nghiệm, chụp phim, siêu âm…, một cuộc phẫu thuật đặt stent mạch vành cứu anh qua cơn nguy cấp. Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, anh bị đau bụng dữ dội, không ăn uống gì được. Bác sĩ mời gia đình đến hội ý, một khối u Gist ở ruột có nguy cơ bị vỡ, bắt buộc phải phẫu thuật, không trì hoãn được. Ca mổ nguy hiểm ở chỗ anh đang uống thuốc chống đông máu (sau phẫu thuật đặt stent). Các bác sĩ cho biết thêm, đây là ca bệnh khó, khó thể đoán tỉ lệ thành công. Gia đình không còn chọn lựa nào khác dù hai cuộc phẫu thuật cách nhau chỉ 8 ngày. Anh được đưa vào phòng mổ trong lằn ranh sinh tử rất mong manh. Chúng tôi và cả anh chỉ biết cầu nguyện, xin Chúa cho tai qua nạn khỏi, phó thác mọi sự cho bác sĩ.

Ca phẫu thuật thành công, nhưng sinh thiết khối u ác tính. May mắn cho anh là bệnh này chỉ phải uống thuốc trong vòng ba năm. Từ đó, mỗi tháng anh phải tái khám ở hai bệnh viện Gia Ðịnh và Ung bướu. Hên là cả hai bệnh viện đều gần nhà.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Tháng Sáu năm 2021, anh được chuyển về điều trị ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 Thủ Ðức, cách nhà khoảng 15 cây số, cũng là thời gian Sài Gòn bùng dịch, thành phố vào giai đoạn phong tỏa gắt gao. Tháng một lần, anh lầm lũi một mình chạy xe máy băng qua Covid với App đi đường qua 8 chốt kiểm dịch nội đô. Trước ngày tái khám, anh phải khai báo trên ứng dụng điện thoại là đi đến đâu, làm gì, thời gian bao lâu. Lưu ý phải khai đúng địa điểm đi đến và chính xác khoảng thời gian; nếu không đúng, khi kiểm tra có thể bị phạt vi phạm quy định phòng dịch. Một mã QR sẽ được cấp trên điện thoại. Qua các chốt kiểm dịch, anh đưa điện thoại cho nhân viên quét mã, nếu khớp họ sẽ cho qua.

Mỗi lần anh đi tái khám cả gia đình lo lắng khi anh chưa có mũi tiêm phòng nào. Ðường đi cả chục cây số, điện thoại qua tay nhiều nhân viên ở các chốt gác cầm nắm, biết Covid nơi nào mà tránh, chỉ với những cách phòng bị đơn giản là khẩu trang, xịt cồn. Không những kỹ lưỡng bên ngoài mà về đến nhà cũng thế, anh chỉ tiếp xúc với vợ con sau khi làm vệ sinh, giặt quần áo…

Thời gian đó, bất cứ ai vào bệnh viện bắt buộc phải test Covid. Giá một lần test 700,000VNÐ, mỗi tháng anh phải test hai lần (hai bệnh viện), đó là nếu không có gì trục trặc. Mỗi lần test Covid anh bị căng thẳng tột độ, anh không dám nghĩ đến nếu lỡ dương tính thì sao? Anh sẽ bị đưa đi cách ly mà liên lạc với gia đình sẽ rất khó, anh lại đang trong giai đoạn điều trị bệnh. Anh không còn cách nào khác là phòng bệnh thật kỹ và cầu nguyện. May mắn, anh không nhiễm Covid.

Tháng 8, anh tiêm mũi 1, gia đình mừng mũi 1. Hồi hộp đợi mũi 2 với App đi đường, chốt kiểm dịch, test Covid… Rồi mũi 3, thở phào, nhẹ được một phần. Anh đi lần qua từng tháng rồi hết năm… Bệnh tình ổn,  anh khỏe.

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Tháng 5 năm 2022, anh cất nhà. Anh có một ngôi nhà mua đã lâu cho thuê. Hết hợp đồng, anh lấy lại xây mới làm nơi an dưỡng tuổi già. Căn nhà anh đang ở tuy là quận trung tâm nhưng hơi bí. Nhà mới hơi xa trung tâm nhưng gần chợ, siêu thị, bệnh viện… Ban đầu gia đình cản vì anh tuổi lớn (năm nay anh 66 tuổi), lại đang chữa bệnh, nhưng ý anh đã quyết. Em gái út đồng tình: “Anh đã qua một lần đối diện với cái chết, hãy để anh muốn gì làm nấy, cũng là một cách tạo cảm hứng sống tuổi về chiều. Ðời người được bao lâu mà ngăn anh hưởng điều rất chính đáng ấy”.

Bảo Huân

2

Nhóm hành hương Ðức Mẹ La Vang của chúng tôi bắt đầu từ năm 2016, đều đặn mỗi năm. Chỉ gián đoạn năm 2020 vì dịch Covid bùng ở Ðà Nẵng. Riêng anh, năm ngoái 2021 không đi, lý do bệnh ở trên. Ðầu tháng Bảy vừa rồi 3 anh em chúng tôi hành hương viếng Ðức Mẹ La Vang. Ngồi trên xe, anh bồi hồi nhớ lại thời điểm sau phẫu thuật mỗi ngày cố gắng tập đi từ 5 mét, rồi 10 mét… Hôm tôi đến thăm, anh thều thào nói: “Chắc không bao giờ anh đi viếng Mẹ La Vang được nữa rồi!”. Vậy mà, mọi thứ cũng qua. Anh nói: “Khi xe cua vào La Vang, anh muốn khóc luôn”. Chuyến hành hương La Vang năm nay với anh rất nhiều cảm xúc.

Hôm ấy nơi linh địa, sau khi chúng tôi đọc kinh xong, anh tha thẩn bước đi trên những con đường, ngồi trầm ngâm trên ghế đá. Tôi hiểu, anh đang nói chuyện với chính lòng mình, những buồn vui đã qua, những ngày bắt buộc phải lao ra đường, trong thành phố vắng đến rợn người, chỉ biết phó thác hết cho may rủi. Ai biết con Covid “núp” ở đâu để mà tránh?

Tôi chợt nhớ bài giảng của Ðức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho trong một Thánh Lễ trực tuyến trên YouTube thời gian giãn cách về “sứ điệp Ngày Truyền giáo Thế giới”. Ðức Cha nói:

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

– Nhiều người dị ứng với từ truyền giáo cho rằng giống như đi quảng cáo, chính vì vậy mà trong thời gian sau này Hội Thánh ít dùng từ truyền giáo. Gọi truyền giáo, chính xác hơn là loan báo tin mừng, Phúc Âm hóa hay làm chứng cho Chúa. Chuyện thực tế trong đời sống là trong gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư hay là bị nhiễm Covid, tìm thầy thuốc chữa không hết, tốn bao nhiêu tiền, đi bao nhiêu thầy thuốc, mất bao nhiêu thời gian mà không khỏi. Bỗng nhiên có ai giới thiệu thuốc, lá cây hay mua thuốc hay chữa bệnh rẻ tiền mà khỏi… Anh chị em vui, phản ứng đầu tiên là vui quá. Vì vui không thể kìm giữ được, không thể giữ kín được. Ði đâu, gặp ai cũng kể, một cách rất hứng khởi. Nhiều người bảo: “Ông mới kể hôm qua rồi mà”. Thế là trả lời: “Tôi sẽ còn kể nữa, hôm qua kể, hôm nay kể, vui lắm, do sự hứng khởi từ trong lòng mình và kể. Tôi cảm nhận niềm vui từ trong lòng tôi và chia sẻ với mọi người.

Tôi kể lại câu chuyện anh tôi không chỉ như một cách loan báo tin mừng, tạ ơn bề trên ban cho anh tôi sự may mắn, phước lành. Còn là, kỷ niệm khó quên những tháng (6, 7, 8, 9) năm 2021, Sài Gòn vô cùng căng thẳng khi dịch bùng phát, tất cả mọi người ai cũng phải “băng qua Covid” mà đi. Còn nữa, để tưởng niệm hơn hai mươi ngàn người đã không may mắn băng qua được Covid.

ĐTTT

(1): Biến thể Delta SARS-CoV-2, loại virus tạo ra bệnh Covid-19, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đ?tặt tên nó là biến chủng Delta vào ngày 31 tháng 5 năm 2021. Đây loại biến thể lây lan mạnh (gấp 1000 lần bản gốc SARS-CoV-2) ra hơn 150 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, hơn hai mươi ngàn người chết vì nhiễm biến thể này ở Sài Gòn chỉ trong thời gian bốn tháng năm 2021.