Chẳng biết tự bao giờ, phong tục lì xì – cho tiền mừng tuổi dịp Tết đã trở thành một trong những tục lệ ngày Xuân phổ biến. Cũng đã có rất nhiều câu chuyện giải thích sự ra đời của bao lì xì này nhưng hầu hết đều xuất  phát từ mong muốn cầu chúc những điều may mắn, tốt lành sẽ đến trong năm mới cho người được nhận.

Người Việt ta từ lâu cũng duy trì tục lệ này vào những khoảnh khắc đầu tiên của năm để mừng con trẻ lớn thêm một tuổi, chúc khỏe mạnh, bình an. Ý nghĩa của bao lì xì ngày Tết thường không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ở ý nghĩa của hành động tốt đẹp vào ngày Xuân ấy. Nhưng càng ngày, nét đẹp truyền thống đó đã ngày càng “biến tướng” và sinh ra nhiều hệ lụy. Con cháu làm ăn có tiền, Tết về biếu quà cáp, gửi tiền mừng chúc thọ ông bà, rồi ông bà lì xì mừng tuổi mấy cháu bé bỏng… Phong tục nhìn ấm cúng, chan hòa đẹp đẽ đến vậy, nhưng thật ra chỉ còn phù hợp trong quy mô gia đình thân thiết, dòng họ ruột thịt. Tục lì xì khi mở rộng ra ngoài xã hội đã trở thành một trong những vấn nạn, áp lực của ngày xuân hồi nào không hay.

Ngày xưa còn nhỏ, tôi và em trai cũng tỏ lời chúc Tết và háo hức đón nhận lại những bao lì xì mừng tuổi từ cô chú, cậu dì trong họ hàng, từ những bạn bè của ba mẹ đến thăm nhà. Chúng tôi hít hà mùi tiền mới, biết tị nạnh sao đứa này được nhiều hơn đứa kia, biết phân bì sao năm nay ít hơn năm ngoái, biết so sánh cô dì này lì xì ít hơn của cậu chú kia … Trẻ em quanh tôi ngày ấy đều vậy, và bọn trẻ bây giờ vẫn chẳng khác, riết rồi những cảm giác ấy trở nên mặc định và dần dần làm xìu đi, mất vui bớt hương vị của mùa Tết hồi nào không hay. Lớn lên một chút, chúng tôi biết, ba mẹ mình cũng đã phải dành phần riêng, lì xì cho mấy đứa cháu bên nội, bên ngoại, thì anh em chúng tôi mới được phần ngược lại. Lớn hơn nữa, tôi mới hiểu, có cô chú trong năm làm ăn khó khăn, làm sao mà đủ tiền lo cho gia đình cái Tết tươm tất, nói gì đến việc dành tiền để lì xì con cháu được nhiều như năm rồi.

Xem thêm:   Hồn người viễn xứ

Tôi vẫn còn nhớ, năm đó dượng Sáu phải mổ dạ dày, ngưng làm việc nặng. Nằm nhà dưỡng bệnh không yên, dượng lãnh vé số về đi bán dạo, phụ thêm tiền ăn cho cô. Vậy mà Tết đó, dượng cũng ráng vuốt thẳng mấy tờ tiền lẻ giúi vào tay tôi, gọi là lì xì cho cháu ngày Tết, trước khi tôi lên xe quay vào Sài Gòn học tiếp. Đến giờ, tôi vẫn không quên được cảm giác xúc động của mình ngày hôm ấy!

Tuy nhiên, dần dà tục lì xì ngày Tết đã biến tướng thành một áp lực vô hình. Có người vì ngại phải lì xì cho một gia đình quá đông con mà thôi, né luôn dịp Tết, để ra Giêng gặp gỡ nhau sau. Có nhân viên lại xem việc lì xì cho con sếp chính là một trong những hành động “lót tay” công khai trước mặt sếp bà. Cũng có những nhân viên nghèo, khó khăn, không dám đến thăm chúc Tết nhà sếp vì sợ, không biết phải đối diện với chuyện lì xì con sếp ra sao. Ít quá sợ bị coi thường, nhiều thì không khác gì hối lộ, mà lại còn thêm phần khó khăn, chật vật phía sau đó.

Qua thăm bạn bè, chở theo con cũng bị dị nghị chắc đi kiếm tiền lì xì. Rồi con của bạn, liệu khi nhận tiền lì xì từ mình, chúng có móc ra đếm ngay trước mặt rồi bĩu môi dè bỉu như mấy câu chuyện cám cảnh vẫn đọc được trong những mùa Tết trước? Rồi bạn mình có vô tình buột miệng: Mình lì xì con nó vầy, mà nó mừng tuổi lại con mình có chút xíu!

Xem thêm:   Tản mạn về Quốc ngữ

Trên mạng mùa Tết đầy rẫy những câu chuyện về lì xì. Những hình ảnh trách móc sao không lì xì; hình ảnh nôn nao, vòi cho bằng được tiền lì xì; hình ảnh phong bì tiền vung tung tóe, lì xì kiểu “nhà người ta” và bên dưới thế nào cũng có những bình luận giễu nhại: “chỉ biết ước”, “cô/chú ơi, có nhận thêm con nuôi không”… Giới trẻ tuổi teen nhiều khi còn xem việc nhận tiền lì xì như một cơ hội kiếm thêm mùa Tết, từ việc “khai thác triệt để” những mối quan hệ của cha mẹ, anh chị chúng.

Có một điểm sáng tươi vui trong tục lì xì mà tôi thấy là đến từ giới trẻ thanh niên gần đây. Tuổi này đã đi làm được 2, 3 năm, cũng có chút ít thu nhập, chúng chuyển khoản cho nhau bằng những số tiền ý nghĩa kiểu: “126,800 – chúc mười hai tháng lộc phát”; “868,686 – phát lộc, phát lộc, phát lộc” hoặc “535,888 – năm ba năm phát phát phát”… Có bạn trẻ còn “chơi trội” hơn, văn minh hơn, “lì xì” hẳn 300ml máu cho một đơn vị thiện nguyện, có bạn lại lì xì cả nửa tháng tiền thưởng Tết của mình cho trại dưỡng lão, chăm sóc trẻ mồ côi; có bạn đổi nguyên xấp tiền lẻ mới cứng, tham gia đứng đặt bát cúng dường ở một thiền viện ngày Tết … Đấy là những hình ảnh hiếm hoi từ cái đẹp của lì xì, của những tấm lòng biết quan tâm đến người khác, “bình thản cho đi” trong mùa Tết!

Xem thêm:   Nhạc sĩ Thanh Bình một đời tình lỡ

Tuy nhiên, phần lớn còn lại vẫn là e dè với tục lì xì. Riết rồi cả cái Tết không dám đến chơi nhà ai, cứ dắt con đến các tụ điểm vui chơi, công viên giải trí cho lành. Ở đó, có tiền thì được phục vụ, tiền ít dịch vụ ít, tiền nhiều dịch vụ cao cấp hơn, không tiền thì cứ nghỉ ngơi ở nhà thư giãn, nghe nhạc xuân, ăn uống thỏa thích. Mọi sự thăm hỏi xin để lui qua khỏi mùa Tết, lúc khái niệm lì xì đã lắng lại thì khi ấy việc đến thăm nhau, mang theo thùng bia hay hộp bánh ngọt trao tặng nhau vẫn dễ dàng, thuận tiện, thoải mái hơn nhiều.

Chắc chắn sẽ chẳng có ai bám theo để hỏi: Sao cô/chú không lì xì con, nếu mình đến thăm nhà chúng vào tháng Ba đâu nhỉ.

LH