Vương Hồng Sển một cái tên hoàn toàn Miền Nam. Một nhân cách Miền Nam.

Sách vở còn ghi: Họ Vương là học giả, nhà văn nổi tiếng. Ông sinh năm 1902, tại Sóc Trăng, mang ba dòng máu Việt, Hoa, Miên. Nguyên tên thật ông là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh, khi làm giấy khai sinh người giữ sổ lục bộ ghi nhầm là Sển (theo cách phát âm tiếng Hoa).

Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Phổ thông Trung học Lê Quý Ðôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.

Vương Hồng Sển rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn những tác phẩm của ông rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn giữ gìn được.

Ngay từ thuở nhỏ Vương Hồng Sển đã sớm biểu lộ sự ưa thích đồ cổ. Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài Phát thanh Sài Gòn với các bút hiệu: Anh Vương, Vân Ðường, Ðạt Cổ Trai. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay, rất sành về đồ cổ. Có thể nói ông là kho tàng sống về các lãnh vực kể trên.

Trong suốt cuộc đời, ông sưu tầm được hơn 800 cổ vật, trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là đồ gốm men xanh trắng thế kỷ 17-19. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xác định niên đại và phân loại một số đồ gốm cũng như hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ. Các công trình nghiên cứu của ông được giới chuyên môn đánh giá cao.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Ông mất ngày 9 tháng 12 năm 1996 tại Thành phố Sài Gòn, thọ 94 tuổi.

Học giả Vương Hồng Sển

Về tác phẩm

HƠN NỬA ĐỜI HƯ của Vương Hồng Sển

‘Hơn nửa đời hư’ là cách nói lộng ngữ mang tính tự trào, tự mỉa của tác giả Vương Hồng Sển; mà theo ông cho đến cuối đời, vẫn chưa làm nên sự nghiệp, dù chỉ với ý nghĩ khiêm nhường.

Bắt tay viết cuốn sách Hơn Nửa Ðời Hư này, họ Vương khi ấy đã vào cái tuổi ngoài Thập cổ lai hy (tức tuổi trên 70) xưa nay hiếm. Ðó là vào năm 1974, cho tới tháng 7-1978 ông mới viết tiếp trang cuối cuốn hồi ức Hơn Nửa Ðời Hư này.

Tóm tắt nội dung

Ðây là một thiên hồi ức của một nhà văn hóa, một lão học giả học cao, hiểu rộng, có vốn sống vô cùng phong phú và một phương pháp làm việc khoa học – nói có sách, mách có chứng – vì ông nhiều năm làm Viện trưởng Viện Bảo Tàng, tinh thông nghề sưu tầm cổ ngoạn, ghi chép những sự việc, những điều chính ông nghe, thấy, làm và biết được. Ðó là những bước thăng trầm, “những nỗi buồn, vui, đau khổ” ăn năn, tự vấn, “những tâm sự rải rác phân tán manh mún, vụn vặt về cuộc đời và con người” quanh ông hơn nửa thế kỷ, ở một thời mà ông gọi là “ kinh cụ, khóc, cười lẫn lộn”, nào “Tây cuốn gói, Nhật chạy càng, đến ông Ngô băng lẹ như diều đứt dây”. Trong đó, chính ông dù “địa vị thua, chức phận thua duy về chua tân khổ há dám thua ai”.

Bạn đọc sẽ tìm được trong sách Hơn Nửa Ðời Hư những chuỗi ngày xưa tuy xa mà gần của vùng đất phương Nam này, từ Sóc Trăng, Sa Ðéc, lên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh… những phong tục, tập quán xã hội, phong cách sống, nét ứng xử, tình bạn thủy chung, tình thầy và trò cung kính, tình gia đình, cha mẹ, xóm làng ấm áp, đầy tình thương và trách nhiệm. Bên cạnh đó, tuy phác họa đơn sơ nhưng người đọc chúng ta cũng hình dung khá rõ chân tướng của hạng người sâu mọt, lọc lừa, nịnh trên nạt dưới, các thói kịch cỡm, rởm đời thời cũ (trước tháng tư năm 1975), mà bọn họ cũng điển hình trong các cách đe nẹt, hù dọa, miệt thị lẫn nhau, ăn hối lộ, hà lạm, hiếp dân, dựa vào thế lực ngoại bang để vinh thân phì gia.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Tất nhiên, Vương Hồng Sển một lão tri thức đầy thiện tâm, với những đóng góp của mình đã có được chỗ đứng trong lòng dân tộc.

Ở tuổi của ông, việc dùng từ pha cổ, xen nhiều tiếng địa phương, cách viết cách tả đôi lúc rề rà, cà kê nhưng bạn đọc chắc chắn dễ thông cảm và thể theo sở nguyện của ông, những nét tốt, đức lành cùng những tật xấu, thói hư, tiếng thơm, tiếng thảo tôi cố giữ y như đã nghe thấy, được biết, chép lại đúng sự thật, ghi dẫu một thời đã qua để làm gương cho hậu thế…(Vương Hồng Sển). *Nguồn: SACH XƯA

Tại sao là nửa đời “hư”? Học giả Vương Hồng Sển cho rằng bản thân có nhiều cái “Hư”. HƯ vì “tiền sẵn trong tay mặc sức tung hoành… Tửu-sắc-tài-khí đều có chấm chút”; HƯ vì hai lần tự mình làm đổ vỡ gia đình; HƯ vì vẫn chưa bỏ tật ích kỷ, “trong thì ép vợ ép con ăn kham mặc mót, ngoài thì tiêu pha đàng đúm, hời hợt với người dưng”. Thế nên, thay vì như người khác về già viết hồi ký lấy thơm, ông lại muốn riêng bêu xấu, viết về cái hư của mình và những chua chát trong đời.

Quyển hồi ký được phân thành ba tập theo từng giai đoạn trong hơn nửa đời của tác giả. Thuở còn bé thơ đến khi làm việc ở tòa-bố Sa-Ðéc, đến những năm cử nghiệp lao đao lận đận và quãng thời gian làm việc và sinh sống ở Sài Gòn. Xen lẫn những sự kiện xảy ra, tác giả Vương Hồng Sển còn miêu tả những thú vui, những món ăn, tiếng nói và nếp sống của người xưa. Ông cũng đề cập đến những thói xấu tồn tại trong xã hội với một giọng văn thẳng thắn nhưng rất chân chất, mộc mạc.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

“Ðọc hết ba tập “‘Hơn nửa đời hư”, các bạn sẽ thấy đời của tôi, bé mọn mặc dầu, cũng có lúc quay tít như con vụ ó. Ai từng chơi vụ ó, mới hiểu câu nầy, tôi muốn nói gì.”

Quả thực, ai cũng có thể đọc Hơn Nửa Ðời Hư, nhưng để đọc “được” thì cần có trải nghiệm với văn hóa Nam bộ, có sẵn kiến thức thì càng thêm thấm thía. Hiếm có một hồi ký nào của Việt Nam sống động, hấp dẫn và chân thực như “Hơn nửa đời hư”. Tác phẩm chi tiết đến như thể học giả Vương Hồng Sển không chỉ phục dựng cá nhân mình mà còn tái hiện bối cảnh đất nước, đặc biệt là vùng đất Nam bộ trù phú với những chuyện có thể nói là kỳ lạ, mà chính tác giả là nhân chứng. Nhà văn Sơn Nam, vốn là bạn vong niên của tác giả, nhận định: đó là một kiểu “Vũ Trung tùy bút… là sự đóng góp quý báu về tư liệu xã hội học, dân tộc học ở vùng đất mới”. *Nguồn NXBTRE

Vương Hồng Sển ra đi đã ngoài hai mươi năm, những tác phẩm và kho cổ vật ông sưu tầm được vẫn còn đó và còn nguyên giá trị. Riêng tác phẩm Hơn Nửa Ðời Hư đã để lại trong lòng chúng ta những bức tranh kỳ ảo của một thời với nụ cười không bao giờ tắt. Xin nghiêng mình trước một danh nhân của dân tộc.

N&BH