Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền là tác giả lớn của Văn Học Miền Nam. Ông được nhiều người yêu mến và kính trọng. Sau 1975, ông im lặng và hầu như không viết gì. Nguyễn tôi được biết và quen thân với TTT từ sau 1982 lúc đi tù cải tạo về (cả hai cùng được cho về một lượt). Trước 1975, tôi chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy ông ở La Pagode, café Majestic nhưng không quen ông. Sau khi đi tù về, tôi thường gặp TTT ở nhà Tô Thùy Yên hoặc nhà Đinh Cường, nhà Hà Thượng Nhân và có mối giao tình với ông từ đó. Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, tôi nhận xét thấy TTT là người đọc nhiều, biết nhiều, thẳng thắn, sâu sắc. Ông thường cho tôi mượn sách và nói cho tôi nghe về các nhà văn đương thời ở nhiều nơi trên thế giới. Thỉnh thoảng tôi đến chơi nhà ông ở trong con hẻm trước Bệnh Viện Nguyễn Văn Học. Ông tự tay pha cà phê mời tôi uống và kể lại những mẩu chuyện về cuộc đời và văn chương của Vũ Khắc Khoan, Quách Thoại, Mặc Đỗ… Năm 1990 ông nhận được giấy xuất ngoại theo diện HO. Trước khi đi, ông đến nhà tôi ở Thanh Đa. Trao tặng tôi bài thơ Rũ Bỏ Ký Ức, Và Đi như một lời chia tay. Ông bảo sẽ gặp lại nhau ở Thế Kỷ 21 và từ đây ông không viết gì nữa. Trong lúc trò chuyện, tôi đưa cho ông xem mấy bài thơ vừa viết xong, trong đó có bài Phố Ôn Như Hầu. Ông đọc và chú ý ngay bài thơ. Đây là Phố Ôn Như Hầu ở Hà Nội hả. Ông hỏi và tôi trả lời không, phố ở đây, gần bên chùa Xá Lợi. Ông nói: đúng là cái nhìn thấu thị. Phố Ôn Như Hầu ở Hà Nội là nơi CS mở cuộc khủng bố lùng diệt các anh em Quốc Dân Đảng. Ngoài đó còn có phố Trường Thi nữa…

Và rồi anh em chia tay nhau, không ngày gặp lại. Tôi có đi với Cao Đông Khánh lên Minnesota, nơi ông ở muốn tới thăm ông, nhưng không ai đưa tới. Đành chỉ gởi lời nhắn thăm ông. Và rồi ông vĩnh viễn rời bỏ anh em ra đi. Ngày 22 tháng 3. 2006. Khiêng quan tài ông ngày ấy có Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Cung Tiến và một người bạn.

Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền, tôi chỉ nói một lời ngắn gọn: Ông là một nhà văn lớn có công khai phá và xây dựng nền văn chương Miền Nam, một nhân cách lớn nhiều người ngưỡng mộ. Vừa qua, bạn văn xa Ngộ Không Phí Ngọc Hùng gởi cho công trình sưu khảo Tác Giả Tác Phẩm, kỳ này là nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh. Trong đó có bài viết rất công phu, rất hay và đặc sắc của Ngô Thế Vinh về Thanh Tâm Tuyền. Nhân ngày tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền, xin trích đăng lại vài đoạn trong bài viết có tựa đề THÁNG BA. THANH TÂM TUYỀN RŨ BỎ KÝ ỨC KHÔNG THỂ KHÁC. Xin chân thành cảm ơn anh Phí Ngọc Hùng và Ngô Thế Vinh. NGUYỄN & BẠN HỮU  

Thanh Tâm Tuyền – tranh Đinh Cường 

Ngo thế Vinh

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Hắn rũ bỏ ký ức, và đi 

Prélude Cho Những Chuyến Ði, Về

(1982) 

Thanh Tâm Tuyền sinh tháng 3 [13/03/1936] cũng mất tháng 3 [22/03/2006]
Bài viết ngắn tháng 3 [22/03/2015] này để tưởng nhớ 9 năm ngày mất Thanh Tâm Tuyền.

Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh, Nghệ An. Mồ côi cha rất sớm. Ði dạy học từ 16 tuổi, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên, TTT sinh hoạt trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp; cùng chủ trương tập san Lửa Việt. Di cư vào Nam 1954, TTT viết cho tuần báo Dân Chủ, Người Việt và là một trong những cây viết chủ lực tạp chí Sáng Tạo cùng với Mai Thảo, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam khoảng từ 1956-1975 và cả những năm về sau này.

TTT bị động viên từ 1962, cấp bực cuối cùng đại úy. Sau 1975 bị đi tù 7 năm qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. TTT ra tù 1982, ít ai biết mấy năm sau đó TTT đã mất đứa con trai lớn trên đường vượt biển; từ 1986 cho đến khi TTT mất, anh đã không ngừng khắc khoải trong vô vọng lần tìm tin tức và dấu vết đứa con mất tích ấy. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1990, sống trong ẩn dật. TTT mất ngày 22 tháng 03 năm 2006, khi mới bước vào tuổi 70.

Ðã xuất bản:

_ Thơ: Tôi không còn cô độc (1956), Liên – Ðêm, Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ).

_ Truyện: Bếp Lửa (1957); Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967), Cát lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970).

_ Một số tác phẩm chưa xuất bản trong đó có tiểu thuyết Ung Thư, đã đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn, một tác phẩm quan trọng sauBếp Lửa được TTT nhắc tới trong bài phỏng vấn 1993. (4)

Nguyễn Xuân Hoàng trong số báo Văn đặc biệt về TTT, đã viết: “Thanh Tâm Tuyền như ngọn cờ đầu của thơ tự do Việt Nam, người làm mới thi ca Việt Nam.” (2) Ðặng Tiến khi viết bài tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền đã bày tỏ ít nhiều tiếc rẻ là “lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế.” Cũng vẫn Ðặng Tiến viết tiếp: “bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập ‘Thơ Ở Ðâu Xa’ cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết.

Thanh Tâm Tuyền nơi xứ tuyết

Ngoài những năm tháng tù đày của TTT, trước và sau 1975, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp TTT. Sang Mỹ, phương tiện đi lại dễ dàng nhưng TTT rất ít di chuyển và đi xa. Liên lạc với anh thường bằng thư, có lần qua điện thoại, đôi khi TTT gửi cho tôi cuốn sách mà anh đã đọc và thấy tâm đắc. Cũng để bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống nơi xứ tuyết của TTT — như một nhà văn lưu đày/ writer in exile từ một đất nước Việt Nam mà “tâm thái” anh thì không bao giờ muốn xa rời, sau đây là trích đoạn đôi ba bức thư trao đổi với Thanh Tâm Tuyền, như để chia sẻ với bạn đọc một chút riêng tư.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

St Paul 31-12-92

Anh Ngô Thế Vinh thân,

Ở đây trận bão lạnh từ bên ấy đang lùa sang, nhiệt độ xuống thấp hơn hai năm trước nhiều, âm độ F là sự thường, gió lạnh thổi có hôm xuống tới 40 – 50 độ âm, phố xá ướt át trắng xoá. Trước kia tôi cũng tưởng mùa đông chim chóc trốn tuyết hết, nhưng đã ở đây qua ba mùa đông, tôi ngạc nhiên thấy mình lầm. Chim chóc vẫn ở lại: quạ, bồ câu, chim sẻ… Bồ câu, chim sẻ đợi lúc có nắng tìm mồi quanh quẩn tại các công viên. Có lẽ chúng ở lại được với mùa đông nhờ trú ẩn trên những nóc mái của các nhà đều có hơi sưởi. Riêng có một loại cây ở đây không biết tên là gì, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Anh hãy tưởng tượng cả một lũng rừng khô úa trơ trơ giữa tuyết trắng. Tôi đã hỏi nhiều người và tra cứu nhưng vẫn chưa biết tên loại cây ấy. Khi lá của cây này rụng ấy là lúc mùa Xuân đã tới…

Nhận được thư anh năm đó 1992 và cho cả tới bây giờ, tôi vẫn cứ mãi bị ám ảnh mãi về một loại cây không biết tên, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Cũng là hình ảnh một TTT héo chết, nhưng tâm thái của anh thì vẫn bám chặt với một quê hương Việt Nam mà TTT không muốn xa rời.

St Paul 12-14-93

Anh Ngô Thế Vinh thân,

Gửi anh bài dịch của anh Phan Lạc Phúc đăng ở Úc để đọc. Tờ tạp chí Impressions du Sud đăng bài gốc tôi chưa nhận được. Khi có tôi cũng sẽ copy đầy đủ gửi anh xem… Anh cho gửi lời thăm và chúc lành của tôi cho hai người bạn thơ tôi. Nhân dịp đầu năm…

Ký giả Lô-Răng Phan Lạc Phúc, nguyên chủ bút báo Tiền Tuyến, là bạn văn trước 75 và cả bạn tù đày lâu năm của TTT nơi các trại giam ngoài Bắc. Phan Lạc Phúc định cư ở Sydney, Úc Châu từ 1991. Tác giả hai cuốn sách Bạn Bè Gần Xa (2000) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2002) như một hồi ức về những thảm cảnh mà bản thân Phan Lạc Phúc và các bạn văn của anh đã trải qua. Với bút hiệu Huy Quân, Phan Lạc Phúc đã dịch “Thanh Tâm Tuyền, Thơ trong chiến tranh và trong trại cải tạo”, có xen thêm ý kiến của người dịch [ghi chú của người viết]

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

St Paul 11-12-94

Anh Ngô Thế Vinh thân,

Cám ơn anh về quyển sách anh gửi tặng “để đọc trên xa lộ”. Có lẽ phải chạy “xa lộ xuyên bang” mới thấy cái hữu dụng của loại sách này… Tôi tính sáng nay thứ bảy, sẽ chạy xe ra bờ hồ gần nhà và mở nghe…

Gửi tặng lại anh quyển tiểu thuyết đầu tay của Henry Roth: Call It Sleep. Lâu lắm, có đến mấy chục năm là ít, mới có cuốn tiểu thuyết bắt tôi phải đọc một “hơi”, nói là một “hơi” vậy, chứ cũng phải mất cả tuần lễ, vào những sáng sớm khi thức khoảng 3,4 giờ và những chiều tối… Hồi còn ở Sài Gòn, tôi có đọc trong Express hoặc Nouvel Observateur nói về Henry Roth và quyển sách của ông được tái bản sau 30 năm không được chú ý. Tôi vẫn nhớ lúc bấy giờ ông đang sống bằng nghề “lái vịt” và đối với tôi ông là nhà văn bẻ bút đi chăn vịt. Bấy giờ là đầu những năm 60, Salinger đã bỏ đi đâu biệt tích… Chỉ mong anh đọc và thấy thú vị.

Tiểu thuyết “Call It Sleep” của Henry Roth xuất bản 1934, viết về kinh nghiệm một bé trai lớn lên trong một ghetto cộng đồng di dân Do Thái vào đầu thế kỷ 20 ở New York. Cuốn sách ế ẩm phải 30 năm sau mới bán hết. Nhưng khi sách tái bản 1964, đã trở thành một best seller với hơn một triệu ấn bản, được tuần báo Times 2005 sắp hạng là trong số 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất kể từ 1923 [ghi chú của người viết].

Ðây là một bức thư viết tay khá dài, phản ảnh nỗi thao thức của TTT và ngưỡng tuổi cầm bút. Năm 1994, TTT mới 58 tuổi. Anh viết:

“Hồi trước khi biết phải ngoài 50 tuổi Stendhal mới viết nổi Le Rouge et Le Noir, tôi phục quá. Bây giờ thấy Henry Roth ngoài 70 mới viết trở lại, càng phục hơn, tuy nhiên cứ khoa học mà nói 50 tuổi thời Stendhal thì cũng bằng 70 tuổi thời này, anh có nghĩ vậy không?” Rồi TTT say sưa kể về cuốn sách mới của Roth: “Trong quyển sách mới, xen giữa những đoạn kể là những mẩu ‘độc thoại tự kiểm’ của nhân vật – người kể, dưới hình thức ‘cuộc đối thoại một chiều’ giữa người viết và cái ‘computer’… Vẫn bị ám ảnh bởi Call It Sleep hơn là chính tác phẩm mới – có lẽ bởi đề tài không khác.”

Sang Mỹ, TTT vẫn đọc thật nhiều và tích lũy, anh cũng tiếp tục “lao động vinh quang” nhưng là trong tự do và tự nguyện, anh đi học và đi làm trở lại. TTT viết tiếp: “Cuối tháng này tôi sẽ bỏ chỗ làm xa về làm việc tại cái trường dạy nghề ở gần nhà, đỡ lo lái xe trong mùa đông và không khí trường ốc cũng hợp với tôi hơn. Nói để anh mừng cho tôi.”

NTV

*Nguồn: Tác giả và Tác phẩm. Ngộ Không Phí Ngọc Hùng