Nói tới các tạp chí văn học trước 1975 phải nói tới báo Văn và Trần Phong Giao. Hầu hết các nhà văn trẻ đều có kỷ niệm với tờ báo này. Nhà thơ Cao Thoại Châu là một trong những cây bút từng cộng tác với Văn. Sau đây là những điều ghi nhận được từ Tạp chí văn học nghệ thuật Thư Quán Bản Thảo, số 30, tháng Giêng năm 2008.

“Nhà thơ Cao Thoại Châu tên thật Cao Đình Vưu, sinh năm 1939, tại Giao Thủy, Nam Định, Bắc Việt. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn. Cựu giáo sư trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa và làm thơ từ năm 1963, hiện sống tại Long An, Việt Nam. Trước năm 1975, thơ anh xuất hiện rất nhiều trên các tạp chí thời danh bấy giờ như Văn, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Văn Học, Thái Độ. Sau 1975, không biết anh làm nhiều không, thỉnh thoảng bắt gặp vài bài thơ của anh trên Net.”

Sau đây là lời viết của Cao Thoại Châu. NGUYỄN & BẠN HỮU

Cao Thoại Châu

Thơ tôi đăng trên báo khá muộn so với tuổi tôi. Bài thơ đầu tiên lại là một bài lấy cảm hứng từ nghề nghiệp, tâm trạng một thầy giáo thời chiến tranh đang leo thang lấp ló cửa ngõ các thành thị miền Nam. Năm 1963 Tạp chí VĂN đăng bài “Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến”; đồng thời cũng là VĂN đã bóc tem bút danh Cao Thoại Châu của tôi.

Khi chọn báo để gửi, tôi đã nghĩ tới tờ VĂN lúc đó vốn có tiếng là chọn bài nghiêm ngặt, chọn địa chỉ này tôi nghĩ mình có thể khẳng định được chỗ đứng nhanh chóng hơn nếu mình thật sự có tài và có duyên nợ với thi ca. Và những gì diễn ra sau đó cho thấy suy nghĩ của tôi là đúng.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Tất nhiên cảm giác của tôi vào một buổi chiều trong thị xã miền biên giới là rất lâng lâng khi ghé mua tờ VĂN thấy có bài của mình. Cảm tưởng này còn được gia cố thêm khi vài ngày sau đó tôi nhận thư của toà soạn ký Trần Phong Giao. Trong thư, anh Giao tỏ ra chăm sóc tôi và tin tôi có thể đi xa hơn. Và cũng qua thư, tôi hiểu tờ báo này “trọng dụng” những cây bút trí thức và… lính! Thư đó và những thư sau, Trần Phong Giao hay gọi tên thực của tôi, hình như đó là kiểu của anh.

tap-chi-van-mot-thoi-toi-toi

Tạp văn “Vách Đá Cheo Leo” của Cao Thoại Châu

Ðiều tôi lưu ý tiếp theo với VĂN lại là cách làm việc giao tiếp phát hiện và trân trọng với cộng tác viên của người thư ký toà soạn. Từ bài thứ hai của mình, tôi không còn nằm trong “Những bài mới nhận được” mà là một vài dòng nhắn riêng của anh Giao, làm cho tôi có cảm giác mình không còn xa lạ với tờ báo nữa. Từ năm 1963 đó cho đến khi miền Nam có chủ mới, bút danh của tôi trở thành quen thuộc của tờ VĂN và điều này có nghĩa một sự quen thuộc của những người viết lúc bấy giờ.

Một tờ báo làm được cây cầu cho một tác giả đi vào nghiệp viết như VĂN đã làm, theo tôi là một tờ báo có trách nhiệm với văn chương. Có điều là, trong từng ấy năm tôi chỉ gặp anh Giao có 2 lần. Lần thứ nhất vào năm 1972 khi tôi chạy theo đoàn người di tản khỏi Pleiku trong Mùa Hè đỏ lửa về Sài Gòn. Trần Phong Giao nhắn tôi đến nói là có việc cần. Một người ngăm ngăm đen và to con lúc nào cũng thấy hít dầu gió, tiếp tôi. Là người ít nói không quen những giao tiếp văn nghệ nhưng tôi thấy Trần Phong Giao còn ít nói hơn. Vừa làm việc anh vừa nói dường như chỉ một câu thăm hỏi gia đình ra sao trên đường di tản. Trao cho tôi một phong bì, anh nói “Nhuận bút của cậu đó”, tôi hiểu vì thời ấy thơ không có nhuận bao giờ. Có thói quen khi làm việc không chia sẻ nên tôi chào anh mà về sau chỉ khoảng 15 phút.

tap-chi-van-mot-thoi-toi-toi1

Tạp chí Văn trước 1975

Lần thứ hai tôi gặp anh là sau 1975, lúc tôi tìm lại những bài thơ trên VĂN để chuẩn bị in Bản Thảo Một Ðời;. Quả đúng là con người mẫn cán và ngăn nắp, anh cho tôi coi đủ những số báo mà tôi cần, còn nhắc tôi những bài tôi không nhớ ra. Anh nói: Hai bài “Mời em uống rượu” và “Ðể nhớ lúc Trâm xa” là hai bài thơ hay. Ðó là lần duy nhất tôi được nghe Trần Phong Giao nói về thơ mình. Hôm ấy hai anh em nhìn nhau hơi có phần tâm trạng khi ngồi ở một cái quán nhỏ tại Ðakao, anh đãi tôi thịt dê và lần đầu tiên tôi biết tới thịt của con vật đầy tai tiếng này.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Lúc nhìn tủ sách nhà anh thấy những tờ VĂN xếp thẳng thớm trong tủ tôi thấy lòng mình có một cái gì đó như là bùi ngùi nhận ra đã hết hẳn những ngày tháng cũ trước làn sóng mới trùm phủ lên những người viết gọi là của Sài Gòn cũ. Một tờ báo khẳng định được tôn chỉ của mình, khẳng định được báo cho ai và do những ai viết như tờ VĂN, theo tôi là một tờ báo làm một cách tròn trịa vai trò của nó. Tôi còn nhớ, những lần đi chấm thi ở các tỉnh miền Trung thấy giới trẻ ở đó dường như coi VĂN là một cái đích mà họ phải đến, họ nhìn những ai có bài đăng trên đó như là… người thành công! Những người viết thuở đó còn đến hôm nay chắc sẽ hài lòng khi tôi nói chúng ta hầu như đều đi qua cái “cửa” VĂN này.

Giờ thỉnh thoảng đi qua con đường cũ thấy không còn dấu tích vật chất nào của tờ VĂN, những lúc như vậy tôi tự nhiên nghĩ tới những dấu tích văn chương của nó để lại hết sức lớn lao. Và làm sao mà lòng tôi không khỏi ngậm ngùi! Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung, và Những người muôn năm trước/ Hồn ở đâu bây giờ.Người xưa viết chẳng có sai một chút nào!

CTC

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo.