Nói đến nhà văn / bác sĩ Ngô Thế Vinh, trong học giới hầu như ai cũng biết. Từ thời là sinh viên Y Khoa, Ngô Thế Vinh đã cộng tác với tạp chí Tình Thương.Tốt nghiệp Y Khoa, ông chọn phục vụ tại Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù và thường xuyên đối diện với chiến tranh lửa máu. Tác phẩm của ông trong giai đoạn này gồm các tiểu thuyết: Mây Bão (1963); Bóng Đêm (1964); Gió Mùa (1965); và Vòng Đai Xanh (1970). (Cuốn Vòng Đai Xanh được trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1971 bộ môn Văn). Những gì Ngô Thế Vinh viết ra đều ít nhiều hiện bóng thực tại chiến tranh. 

Sang Mỹ, Ngô Thế Vinh tiếp tục hành nghề y khoa. Cùng lúc, ông dành thời gian để viết lách. Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, cộng thêm hàng chục tiểu luận biên khảo, nghiên cứu giá trị về những biến đổi nguy hại của hệ sinh thái sông Mekong – ông đóng góp không nhỏ vào việc tìm hiểu dòng sông Mekong và những hiểm họa treo trên đầu. Với những tác phẩm công phu của mình, Ngô Thế Vinh  được xem là con chim “báo bão” về mối đe dọa thường xuyên và ghê rợn từ phương Bắc đối với sự sinh tồn của đất nước và dân tộc. Một tác phẩm khác của Ngô Thế Vinh được văn giới đánh giá cao và trân trọng là Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá.  Ở đây, ông viết về: Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn-Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Phạm Biểu Tâm, Phạm Hoàng Hộ. Trong đó, hai người cuối danh sách là 2 nhà khoa học, từng là thầy của Ngô Thế Vinh trong Đại Học Y Khoa.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài điểm sách của Trịnh Y Thư về cuốn Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa đăng trên Việt Báo Online. Đây một bài viết đặc sắc và giá trị của Trịnh Y Thư mang tầm nhìn, sở học và tấm lòng người viết đối với văn hóa dân tộc. NGUYỄN & BẠN HỮU

Trịnh Y Thư

Văn học Việt Nam truyền thống không có bộ môn tiểu sử. Hay nói cho rõ hơn, không có những công trình dài hơi, thấu đáo, viết về chẳng những sự nghiệp mà cả thân thế đời sống riêng tư của các văn nghệ sĩ làm nên văn học sử nước nhà. Bên trời Tây, họ có truyền thống này ngay từ thời Trung đại. Nhờ thế, qua Thayer, chúng ta biết những “Người tình bất tử” của Beethoven chẳng qua chỉ là sản phẩm tưởng tượng nằm bên trong khối óc âm nhạc kỳ vĩ nhất của nhân loại; và nhờ nữ sĩ Elizabeth Gaskell viết cuốn tiểu sử Charlotte Brontë chúng ta biết nhân vật Rochester trong cuốn tiểu thuyết kiệt tác Jane Eyre được xây dựng từ một hình tượng có thật, đó chính là ông thầy dạy học Charlotte thời bà còn là cô gái trẻ du học bên xứ Bỉ và cô nữ sinh trong trắng đem lòng yêu thầy mình, một người đàn ông đã có vợ. Hiểu biết tường tận hơn về con người cá thể của tác giả, các nhà nghiên cứu hai ba trăm năm sau có thêm trong tay cơ sở quy chiếu để đọc văn bản từ một góc độ độc lập nào đó, tâm lý học chẳng hạn, và rất có thể có cái nhìn phân tích thú vị và trung thực hơn về tác phẩm.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Trong khi đó bên ta, lúc hiệu khảo bộ Truyện Kiều, học giả Trần Trọng Kim chỉ có thể đưa ra một tiểu sử rất sơ lược về cụ Nguyễn Du, thậm chí cụ Nguyễn sinh tháng nào, cụ Trần cũng lúng túng, không biết tra cứu nơi đâu! Rồi đến thân thế nữ sĩ Cổ Nguyệt Ðường Xuân Hương, cách đây khá lâu, chính xác là năm 1958, trên tạp chí Sáng Tạo, ông Lữ Hồ còn tỏ ý nghi hoặc về một bà Hồ Xuân Hương có thật!

Bước sang thời hiện đại, tình trạng thiếu sót ấy phần nào được bổ khuyết bởi những tác phẩm được viết dưới dạng “chân dung,” một tập hợp những phác thảo đại cương, thay vì một nghiên cứu chuyên sâu, về nhiều văn nghệ sĩ, mà cuốn mới nhất trình làng năm 2017 này chính là tuyển tập nhan đề Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa (CDVHNT&VH) [Viet Ecology Press xuất bản] do nhà văn Ngô Thế Vinh biên soạn.

Nhà văn Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại Thanh Hóa, theo học ngành Y tại Sài Gòn. Thời gian học ông từng giữ chức chủ bút tờ Tình Thương, cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên y khoa thời ấy. Tốt nghiệp năm 1968, ông gia nhập quân y, phục vụ tại Lực lượng Ðặc biệt và giữ chức vụ Y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Nhưng Ngô Thế Vinh trước đó đã được biết đến như một nhà văn. Những tác phẩm của ông trong giai đoạn này gồm có các tiểu thuyết: Mây Bão (1963); Bóng Ðêm (1964); Gió Mùa (1965); và Vòng Ðai Xanh (1970). (Cuốn Vòng Ðai Xanh được trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1971 bộ môn Văn.) Tuy vậy, trong vòng hơn 20 năm qua – với hai tác phẩm quan trọng gây tiếng vang không ít, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy SóngMekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, cộng thêm hàng chục tiểu luận biên khảo, nghiên cứu giá trị về những biến đổi nguy hại của hệ sinh thái sông Mekong – ông mặc nhiên được xem như một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, và một cách ưu ái hơn, con chim “báo bão” về mối đe dọa thường xuyên và ghê rợn từ phương Bắc đối với sự sinh tồn của đất nước và dân tộc. Ðể thực hiện các bộ sách về sông Mekong ông đã lặn lội từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc xuống các quốc gia Lào, Thái Lan, Cam Bốt và đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Qua các chuyến đi quan sát thực địa, ông đã tận mắt chứng kiến sự suy thoái bất khả đảo nghịch của con sông Mekong, “hậu quả dây chuyền của những bước khai thác tự hủy, tàn phá sinh cảnh, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường,” do chính sách phát triển kinh tế bất chấp hậu quả tai hại ra sao của nhà cầm quyền Trung Quốc, mà Việt Nam là quốc gia lãnh chịu hậu quả nặng nề và thiệt thòi nhất.

Tác giả Ngô Thế Vinh. Hình: Quảng Pháp/sentrangus.org

Tuy nhiên, tác phẩm nhà văn Ngô Thế Vinh xuất bản năm 2017 lại là một bất ngờ thú vị, một cuốn sách vẽ “chân dung” bằng chữ nghĩa các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong mắt nhìn của ông. Ðiều này cho thấy sự đa dạng, đa năng và tầm cỡ trong vóc dáng nhà văn của ông. Ðộng lực nào như một duyên khởi đã thúc đẩy ông thu nhặt không biết bao nhiêu nguồn tư liệu để đặt bút thực hiện tác phẩm dày gần 500 trang ấy? Người ta có thể thắc mắc như vậy. Muốn biết, chúng ta hãy nghe ông tâm sự với nhà văn Phùng Nguyễn:

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Loạt bài chân dung văn nghệ sĩ đến với tôi như một sự tình cờ.’ Khởi đi từ một bài viết ‘Nhớ về người bạn Tấm Cám Nghiêu Ðề’; họa sĩ Nghiêu Ðề là một cố tri từ tuổi rất thanh xuân, sau bài viết đó, tôi nhận được feedback từ mấy người bạn cũ của Nghiêu Ðề; trong số đó có Ðinh Cường, tỏ ra rất tâm đắc với bài viết và đã đưa ra nhận định không thể viết về Nghiêu Ðề hay hơn Ngô Thế Vinh nên Ðinh Cường có đề nghị sẽ đưa vào cuốn sách Ði Vào Cõi Tạo Hình II sắp xuất bản viết về những họa sĩ cùng thời từ 1957 đến 1966, năm thành lập Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam. Với tôi, thì đề nghị của Ðinh Cường là một niềm vui. Rồi phải kể tới những khích lệ của các bạn văn như anh Phạm Phú Minh Diễn Ðàn Thế Kỷ, anh Phùng Nguyễn chủ biên Da Màu, nhà thơ Thành Tôn…”

Dự định khởi đầu là một bài viết về cố tri, nhưng rồi không tránh được, chữ của Ngô Thế Vinh, “như một flashback, có thêm những khúc phim trắng đen ngắn của hồi tưởng rất chung và cả rất riêng tư, khá rời rạc đổ tràn theo những trang viết.”

Cứ thế đổ tràn, cứ thế tuôn ra ào ạt để ngày hôm nay độc giả chúng ta có cuốn sách cầm trên tay với 18 chân dung gồm 13 nhà văn, nhà thơ, nhà báo (Mặc Ðỗ, Võ Phiến, Mai Thảo, Linh Bảo, Nhật Tiến, Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Như Phong Lê Văn Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Xuân Hoàng, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn); 3 họa sĩ (Nghiêu Ðề, Ðinh Cường, Nguyên Khai); và 2 nhà văn hóa, hai trí thức khoa bảng đáng kính bậc nhất của Việt Nam: Bác sĩ y khoa Phạm Biểu Tâm và giáo sư, nhà sinh học thực vật Phạm Hoàng Hộ.

Sự chọn lựa các chân dung đưa vào sách hiển nhiên là chủ quan bởi danh sách văn nghệ sĩ và nhà văn hóa hàng đầu của dân tộc trong vòng hơn nửa thế kỷ qua dài hơn thế nhiều. Chủ quan bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ thân thiết giữa tác giả và những nhân vật được chọn. Ngô Thế Vinh bộc bạch điều này cũng với nhà văn Phùng Nguyễn: “… nhưng yếu tố quan trọng nhất là do tôi đã có mối liên hệ quen biết và thân thiết trước đó; và cũng từ đó tôi đã có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tư liệu cá nhân và cả những điều khá riêng tư.”

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

(Tuy vậy do quảng giao và đam mê văn chương ngay từ thuở còn là sinh viên y khoa, bàng bạc trong tác phẩm, tác giả cũng nhắc đến rất nhiều văn nghệ sĩ khác, có thể nói là không thiếu một ai, trong sinh hoạt văn nghệ miền Nam thời trước 1975 và sau đó ở hải ngoại. Ngoài những nhân vật “chính diện”, tác giả cũng không ngần ngại nhắc đến các thành phần “phản diện” như Vũ Hạnh, Phạm Xuân Ẩn, v.v.)

Trên sông Mê Kông

o O o

Mười sáu chân dung văn học nghệ thuật và hai chân dung văn hóa, qua giọng văn đầy thân ái và nhân hậu của nhà văn Ngô Thế Vinh, là một công trình biên soạn phong phú tư liệu, một tập hợp quý hiếm quy tụ những khuôn mặt văn nghệ và văn hóa tiêu biểu của một thời đại vốn được xem là nhiễu nhương nhất của dân tộc, suốt nửa sau thế kỷ XX cho đến nay. Ngô Thế Vinh không khoác áo nhà phê bình, ông không làm kẻ đứng trên bục giảng nghiêm khắc phê phán tác phẩm hay sự nghiệp mỗi văn nghệ sĩ được nhắc đến. Ông không làm thế, bởi họ chẳng phải ai xa lạ mà chính là những bằng hữu văn nghệ, những vóc dáng tài năng, gần như trọn đời người, đã cùng ông dấn thân trên những chặng đường trắc trở nhất, trong những điều kiện ngặt nghèo nhất, để xây dựng một nền văn nghệ nhân bản đích thực và có giá trị nghệ thuật cao cho dân tộc. Ông mượn tác phẩm của họ như cái cớ để ngồi xuống nhẩn nha lần giở từng trang ký ức bộn bề, len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn dưới lớp bụi dày thời gian, cố tìm lại những cung bậc hoài niệm mù tăm để làm nên những trang viết thật đẹp, thật ấm áp tình bằng hữu, thật chan chứa tình người. Tất cả những gì ông viết trong cuốn sách gần như chỉ là những nét phác họa đại cương về con người, khung cảnh sống, hoàn cảnh sáng tạo của những văn nghệ sĩ, mà chính ông cũng là một thành viên. Ðan xen vào đấy là những không gian và thời gian kỷ niệm, đầy ắp kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng được nâng niu, trân quý như món bảo vật khó tìm. Tuy thế, đọc kỹ hơn, chúng ta có thể cảm nhận ra một điều, là bên dưới lớp sắc màu tương đối hiền hòa, dịu êm ấy là niềm xác tín chắc nịch, một cái nhìn quả quyết cộng thêm chút tự hào, về một nền văn nghệ, văn hóa miền Nam Việt Nam tự do thời kỳ 54-75 và, trong chừng mực nào đó, vẫn tiếp nối ở hải ngoại, mà sự đột phá về các mặt tư tưởng, nghệ thuật, nhân sinh, tưởng như chưa thời nào qua mặt nổi.

(còn tiếp)