Sài Gòn Nghề Báo là quyển sách mới nhất của nhà báo Trần Nhật Vy. Nó là một tập biên khảo hết sức công phu với vô số tài liệu và tư liệu do chính tác giả sưu tập trong nhiều chục năm trời. Xét thấy đây là một cuốn sách quý đáng được mọi người biết đến, nhất là những ai quan tâm đến chữ quốc ngữ và lịch sử ngành báo tại miền Nam, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả báo Trẻ.
Trần Nhật Vy tên thật là Nguyễn Hữu Vang. Anh sanh năm 1956 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, nhưng sống ở quê mẹ là Sài Gòn từ năm 1957. Anh học tại Đại-Học Văn-Khoa ở Sài Gòn năm 1973 đến 1975, môn Triết. Sau 75 anh làm phóng viên rồi biên tập cho báo Tuổi Trẻ từ năm 1981 đến 2016. Năm 2018 anh được giải thưởng Phan Châu Trinh về sách hay. Anh sang Mỹ định cư vào năm 2019.
Các tác phẩm đã in của Trần Nhật Vy gồm có: Những Áng Văn Xuôi Quốc Ngữ Đầu Tiên (2019); Văn Chương Saigon 1881-1924 [bộ 5 cuốn] (2019-2019); Chuyện Nghề Báo, Nhà Báo Saigon (2016); Từ Bến Nghé Đến Saigon (2015); Báo Chí Quốc Ngữ ở Sài Gòn Cuối Thế Kỷ 19 (2015); Ba Nhà Báo Saigon (2015); Kim Vân Kiều Truyện, biên khảo (2015); Chữ Quốc Ngữ 130 Năm Thăng Trầm (2013); Mười Tám Thôn Vườn Trầu (2013); Đô La, tiểu thuyết (1991); Khúc Dạo Đầu, tập thơ (1987).
Ngoài ra, những sách sắp in gồm có: Trương Minh Ký, Nhà Văn Đầu Tiên; Kim Vân Kiều – Kịch Bản Hát Bội và Cải Lương Viết Bằng Quốc Ngữ Đầu Tiên Của Hai Ông Trương Minh Ký và Trương Quang Tiền.
Điểm danh những cuốn sách đã in và sắp in của Trần Nhật Vy, ta có thể thấy rõ tác giả là một người chuyên nghiên cứu về báo chí ở trong Nam. Đọc giọng văn của anh, ta dễ dàng hình dung ra một người Sài Gòn chánh hiệu, không thể nhầm lẫn vào đâu được. Và đó cũng là một trong những lý do tập biên khảo mới nhất này của anh có sức thu hút rất thuần thành và tự nhiên. Nó không dùng những từ ngữ màu mè hay khoa trương, thậm chí tối nghĩa hay sai nghĩa, của nhiều nhà báo Việt Nam hiện thời. Nó chơn chất nhưng chính xác, ngắn gọn nhưng súc tích, đầy đủ chi tiết cần thiết nhưng không rườm rà, vòng vo tam quốc.
Sách khá dầy, 500 trang, nhưng dễ đọc vì mỗi chương trung bình chỉ chừng 5-10 trang, bàn về một nhân vật hay đề tài nhất định nào đó. Người đọc có thể nhảy cóc từ chương này sang chương khác, không nhất thiết phải đi theo thứ tự. Song các chương được sắp xếp chủ yếu theo trình tự thời gian, dễ cho ta theo dõi sự phát triển và tiến triển của ngành báo qua các thời kỳ.
Bắt đầu bằng chương “Chánh Sách Báo Chí của Pháp từ 1881-1945”, tác giả khéo léo mô tả bối cảnh xã hội và chánh trị dẫn đến sự ra đời của báo chí Việt ngữ trong thời điểm chữ quốc ngữ còn phôi thai dưới thời Pháp thuộc. Qua đó ta được biết những đạo luật và nghị định nào đã được áp dụng để tạo cơ hội cho người Việt tham gia vào nghề báo, cũng như đã bị thay đổi thế nào để người Pháp kềm chế hoặc kiểm soát họ.
Rất có thể nhiều người Việt ngày nay không biết rằng thuở ban đầu, khi Pháp vừa chiếm được 3 tỉnh Nam Kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) làm thuộc địa sau Hoà Ước Nhâm Thân 1862, một trong những phương án trị an của thống đốc Bonard là không bắt người Việt tại đây phải học và chỉ được dùng tiếng Pháp nơi công sở như nhiều nước thuộc địa khác vẫn làm. Ngược lại, do áp lực từ các cộng đồng Công Giáo, Bonard còn quyết định cho dân Việt học và viết chữ quốc ngữ. Trong lời mở đầu, tác giả giải thích:
“Quyết định của Bonard là quyết định chưa có tiền lệ. Thoạt đầu dân chúng 3 tỉnh, trừ người Công Giáo, nghi ngờ quyết định nầy nên rất nhiều người không chịu cho con đi học chữ quốc ngữ. Mãi đến đầu thế kỷ 20, khi cả đất nước bị đô hộ và bị buộc phải học chữ quốc ngữ, vẫn còn nhiều người Việt Nam không chịu học chữ quốc ngữ vì sợ ‘mất gốc’ … Và để khẳng định quyết định của mình, Bonard đã có lịnh khuyến khích nhân viên công lực trong bộ máy chánh quyền ở Nam Kỳ phải học chữ Việt, và cho ra đời tờ Gia Định Báo… Nhưng để có chữ in tiếng Việt, ông ta đặt làm những chữ in ở tận bên Pháp. Công việc trên phải mất đến 2 năm, nghĩa là hoàn tất vào tháng Giêng 1864.”
Rất tiếc là khi Gia Định Báo ra đời, Bonard đã không còn ở Việt Nam để chứng kiến sự kiện lịch sử này. Tuy nhiên, vị thống đốc dân sự đầu tiên ở miền Nam – Le Myre de Vilers, vào năm 1884 đã ban hành một nghị định bắt buộc tất cả các viên chức trong hệ thống hành chánh Nam Kỳ “phải học và biết chữ quốc ngữ trong một thời gian nhất định; ai không biết chữ quốc ngữ sẽ bị loại!”
Ngay sau khi Gia Định Báo ra đời (1864), một số nhà báo người Việt đầu tiên liền xuất hiện — như Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường, Huỳnh Liễu Mai, Phủ Ka… Họ đích xác là những nhà báo Việt Nam đầu tiên. Phải đến năm 1869 ông Petrus Trương Vĩnh Ký mới bước chân vào nghề báo. Nhưng Petrus Ký lại là người Việt đầu tiên được giao nhiệm vụ Chánh Tổng Tài (tương đương với Tổng Biên Tập ngày nay) của Gia Định Báo. Có lẽ tại vậy mà nhiều người xưa nay vẫn nghĩ (lầm) rằng ông là cha đẻ của ngành báo Việt Nam.
Theo suy đoán của tác giả Trần Nhật Vy thì “Paulus Của có thể là chủ bút đầu tiên của Gia Định Báo. Vì báo xưa không ghi tên chủ bút trên măng-sét, song qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy thời ấy chủ bút chính là người phải viết mọi loại bài, tin v.v. trên báo, mà tên ông Của xuất hiện ở mọi thể loại.” Nếu đúng như thế thì tác giả cuốn tự điển quốc ngữ đầu tiên – Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, mới thật là cha đẻ của nghề báo. Song chuyện đó không là đề tài chính của quyển Sài Gòn Nghề Báo.
Qua công trình biên khảo này, người đọc sẽ được giới thiệu đến một lô những nhân vật cũng quan trọng không kém trong việc xây dựng, vun đắp và phát triển kỹ nghệ làm báo và in ấn ở miền Nam, vốn đi trước miền Bắc gần hai thập niên vì là thuộc địa chứ không phải chỉ được “bảo hộ” bởi Pháp. Họ là những tên tuổi như Lương Khắc Ninh, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Kim Đính, Phương Lan, Nguyễn Thị Manh Manh… Tuy không được công chúng thời nay biết đến nhiều như Trương Minh Ký hay Diệp Văn Kỳ, nhưng đó là những người đã góp công rất nhiều cho báo giới Nam Kỳ thuở ban sơ.
Ngoài ra, Sài Gòn Nghề Báo còn có những mẩu chuyện bên lề rất lý thú. Chẳng hạn chuyện một ông chủ báo bỏ nghề nhảy sang làm bầu cải lương. Hay chuyện Tản Đà làm báo ở Sài Gòn. Chuyện Bùi Quang Chiêu cùng làng báo tổ chức tang lễ cho cụ Phan Châu Trinh. Chuyện nguyên một gia đình vợ chồng con cái đều làm nghề báo v.v. Nói tóm lại, Sài Gòn Nghề Báo là một bức tranh lịch sử vô cùng sinh động. Bằng lối văn giản dị nhưng sắc sảo, Trần Nhật Vy đã thành công trong việc đóng góp cho kho tàng văn hoá và lịch sử của người miền Nam qua góc nhìn của một nhà khảo cứu cẩn trọng và nghiêm túc. Rất mong được đón tiếp và cụng ly cùng anh tại một buổi ra mắt sách ở Texas một ngày không xa
IB
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.