Tiến sĩ kinh tế Natalia Datskevych hiện là phóng viên thị trường và doanh nghiệp cho báo The Kyiv Independent của Ukraine. Sau đây là câu chuyện về chuyến di tản của bà và 3 đứa con từ Ukraine sang Ba Lan.

Đoàn xe thường dân băng qua một cánh rừng gần Kyiv. Ảnh: AP 

Natalia Datskevych

Người dịch ianbui

Cái cảm giác sợ hãi ấy dường như hiện hữu mọi lúc, mọi nơi. Một tiếng động lớn hay một tia chớp trên trời có thể khiến ta hoảng hốt. Cuộc sống của tôi, như của hàng triệu người khác, đã trở thành địa ngục kể từ khi quân Nga tràn qua xâm lược Ukraine…

Chỉ vài giờ sau khi chiến tranh bắt đầu, khi phi trường Hostomel bỗng biến thành bãi chiến trường, vợ chồng tôi quyết định dẫn 3 đứa con về quê, một ngôi làng phía bắc tỉnh Chernihiv, cách biên giới Nga không xa cho lắm. Lúc chiến tranh vừa mới nổ ra, nhiều người dân thành phố đã bỏ Kyiv để về quê vì họ tin rằng ở dưới quê yên ổn hơn. Chúng tôi cũng vậy. Nhưng không lâu sau đó chúng tôi biết mình đã lầm.

Chúng tôi chưa kịp ổn định cuộc sống tại chỗ ở mới — gọi là thị xã nhưng thật ra chỉ là một ngôi làng tương đối lớn — thì tình hình chiến sự đã chuyển xấu. Mấy thành phố gần quanh chúng tôi như Chernihiv, Kyiv và Sumy bị pháo kích ngày đêm. Vài trăm cây số về phía nam, Kherson, Mykolaiv, Mariupol cũng bị tấn công dữ dội. Riêng tại Mariupol không lâu sau đó đã xảy ra nhiều vụ thảm sát; hàng ngàn thường dân, đa số là phụ nữ và trẻ em, đã chết và bị thương bởi pháo kích.

Một video clip hết sức thương tâm, quay tại nhà xác Mariupol, chiếu cảnh vị bác sĩ nọ ôm xác một em bé chưa đầy một tháng tuổi. Hình ảnh đó rồi sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Trong làng, cư dân bắt đầu hốt hoảng. Người ta đồn lính Nga đã bao vây khắp mọi nẻo. “Ði lúc này rất nguy hiểm,” họ nói với tôi. “Anh chị nên suy nghĩ kỹ vì còn 3 đứa con nữa.”

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Sự sợ hãi càng lên cao độ khi có tin quân Bạch Nga (Belarus) sắp sửa bắt tay với quân của Putin, tiến qua biên giới để nhập trận. Ðiều này có nghĩa là giao thông giữa Kyiv và nơi chúng tôi đang ở có thể sẽ bị cắt đứt.

Đài truyền hình Kyiv sau khi bị quân Nga rót pháo. Ảnh Umit Bektas

Quân Nga vẫn tiếp tục rót pháo xuống những ngôi làng trong vùng. Mỗi khi nghe tiếng pháo là chúng tôi phải chạy xuống tầng hầm. Có lần tôi vừa ôm con bé nhỏ nhất mới một tuổi trong lòng vừa run bần bật. Nó thì khóc còn tôi thì lo, vì biết gia đình mình đang bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng không có ai đến cứu.

Thế rồi ngày 21/3, một buổi sáng nắng ấm, một tia hy vọng chợt loé lên. Chồng tôi ra ngoài để kiếm sữa, chợt anh gọi về nói ngắn gọn:

“Em chuẩn bị đồ đạc gấp. Một tiếng nữa ta rời khỏi đây. Anh đã tìm được người dẫn đường đến Kyiv.”

Hành trình đi tìm sự sống qua cái chết của chúng tôi thực sự bắt đầu. Nội ý nghĩ ra đi cũng đủ để tôi sợ phát khiếp: Tin tức cho biết lính Nga đã từng nã đạn vào các đoàn xe di tản, giết chết dân thường kể cả các gia đình có con nhỏ.

Nhưng mặc kệ, gia đình chúng tôi chất vào chiếc xe ô tô, lái theo sau một chiếc minibus chuyên đi Kyiv chở bánh mì về cho dân làng. Họ dặn chúng tôi phải mang theo đầy đủ giấy tờ, kể cả giấy khai sinh cho các cháu. Trong xe tụi nhỏ thật im lặng, không ồn ào như mọi khi.

Người tị nạn ngủ trong sân ga Lviv. Ảnh: Kyiv Independent

Vừa ra khỏi làng là chúng tôi gặp ngay một trạm kiểm soát. Tạ ơn Chúa nó là của phe ta. Sau khi xem xét kỹ lưỡng giấy tờ, anh lính chúc chúng tôi đi đến Kyiv bình an. Trên đường đi chúng tôi phải qua hơn hai mươi trạm kiểm soát như thế. Tuy bản thân không phải là một người sùng đạo, nhưng cứ gần đến chốt chặn là tôi lại cầu nguyện.

Xem thêm:   Allen PAC

Tại một điểm chốt trong rừng sâu tôi thấy có một anh lính rất trẻ, cỡ tuổi con gái lớn của tôi là cùng, khoảng 15-16 gì đó, tay nắm chặt khẩu súng. Ðứa con gái 6 tuổi của tôi buột miệng nói:

“Chắc anh ta can đảm lắm hả mẹ?”

“Ừ,” tôi nói nhỏ vào tai con. “Chắc hẳn là vậy.”

Chúng tôi lái 5 tiếng đồng gồ, băng qua một con đường rừng lạ hoắc. Bình thường đi Kyiv chỉ mất chừng tiếng rưỡi. Dọc bên đường tôi thấy nhiều xác xe cháy rụi, nhiều trạm kiểm soát, nhiều mìn — một hình ảnh mới của đất nước tôi ngày nay. Cuối cùng chúng tôi cũng vào đến Kyiv.

Ba cô con gái của tác giả trên chuyến xe lửa từ Kyiv. Ảnh: Natalie Datskevych

Xe đi ngang một địa điểm khá nổi tiếng nay đã bị quân Nga pháo kích. Ðó là cột tháp đài truyền hình và khu tưởng niệm Babyn Yar dành cho nạn nhân Do Thái bị diệt chủng thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Hầu như con đường nào chúng tôi đi qua cũng có chướng ngại vật chống xe tăng.

Dù ở trong thành phố, nỗi sợ làm tê liệt thần kinh vẫn không rời khỏi cơ thể tôi. Hoả tiễn và đạn pháo vẫn tiếp tục mưa xuống Kyiv. Từ khu apartment nhà mình, chúng tôi có thể nghe tiếng súng giao tranh của hai bên ở các vùng ngoại ô phía Tây Bắc như Irpin, Bucha, Hostomel.

Chúng tôi lo nghĩ đến Kharkiv và Mariupol, nơi cả ngàn thường dân đã bị quân Nga sát hại. Chúng tôi biết có thể đến phiên mình bất cứ lúc nào. Vì thế nên chúng tôi quyết định đi ra sân ga để tìm đường thoát.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Sau khi qua khỏi thêm vài điểm chốt, tôi nghe được câu nói mình chờ đợi đã lâu: “Mời quý hành khách lên chuyến xe chở người di tản từ Kyiv đến Lviv.” Trên tàu còn khá nhiều ghế trống, không đặc nghẹt như hai tuần lễ đầu khi chiến tranh mới vừa bùng nổ. Lúc bấy giờ thiên hạ nằm ngồi la liệt trên sàn tàu, mạnh ai nấy ôm con, ôm hành lý, thậm chí ôm cả thú cưng theo.

Sau 8 tiếng đồng hồ, tàu vào đến Lviv lúc nửa đêm. Thành phố đang trong giờ giới nghiêm. Mấy mẹ con chúng tôi cùng với các bà mẹ và trẻ con khác nằm lăn ra sàn sân ga để ngủ. Hôm sau mấy mẹ con chúng tôi quyết định đi tiếp, tức rời bỏ quê hương.

Sân ga Przemysl, Ba Lan, đón nhận người Ukraine tị nạn. Ảnh: NPR

Chuyến tàu từ Lviv sang thành phố Przemysl của Ba Lan chật cứng người tị nạn. Ðông đến độ tôi nghĩ xe điện của Tokyo Metro giờ cao điểm cũng phải chào thua. Thời điểm ấy tôi nghe nói đã có hơn 3.5 triệu người Ukraine phải di tản. Tôi nghĩ đến con số khổng lồ ấy khi quan sát hàng ngàn người đang cố leo lên chuyến tàu sang Ba Lan, làm cho con số khủng khiếp ấy càng khủng khiếp hơn.

Bình thường, tuyến đường Lviv-Przemysl chỉ mất chừng một tiếng. Chúng tôi mất 7 tiếng. Suốt đoạn đường tôi chỉ mong sao được bước ra ngoài để hít thở không khí trong lành. Tàu đến nơi, chúng tôi lại phải chờ thêm 40 phút trước khi cửa mở. Nhiều người chịu hết nổi. Mấy bà cụ bắt đầu than thở, cầu cứu. Trẻ con khóc lên khóc xuống. Những bà mẹ nhẫn nhịn trong im lặng.

Nhưng một khi đặt được chân xuống sàn sân ga, tôi biết mình đã hoàn thành sứ mạng cứu con mình khỏi móng vuốt của chiến tranh. Vài phút sau, cô con gái lớn bỗng hỏi một câu làm tôi phải sững sờ giây lát:

“Mẹ, mình trở lên tàu để quay về Lviv được không?”

“Hết chiến tranh, ta sẽ trở về,” tôi nói với con qua làn nước mắt. “Ta sẽ trở về!”

ND