Phu quân của Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh vừa qua đời, chỉ hai tháng trước ngày sinh nhật 100 tuổi của ông. Báo chí Việt ngữ khi thì gọi ông là Vương tế, lúc thì là Hoàng tế, người thì gọi là Vương tôn, kẻ khác dùng chữ Hoàng phu. Thật rắc rối vô cùng. Thế nào mới đúng?

Philip và Elizabeth tại Buckingham Palace ngày đính hôn, tháng 7, 1947. Nguồn: Topical Press Agency. 

Theo tự điển Hán Nôm, tế có nghĩa là rể. Cho nên mới có những từ như “phu tế” là cách vợ gọi chồng một cách thân mật, hay “hiền tế” hoặc “tế tử” là cách cha mẹ vợ gọi cậu con rể (nhưng “tử tế” lại không có nghĩa là thằng con rể chết tiệt đâu nhé!) Dựa theo ngữ nghĩa ấy, ta có thể suy ra “vương tế” là rể của vua. Nhưng con rể của vua chỉ mới là chồng của công chúa. Còn chồng của Nữ hoàng thì phải gọi bằng gì?

Trước khi có thể trả lời câu hỏi đó, ta phải phân biệt giữa “Vương” và “Ðế”. Theo cách gọi thời xưa tại các nước Âu cũng như Á, vương quốc là một vùng lãnh thổ nhất định có một vị vua đứng đầu, tiếng Anh gọi người đó là “King”. Ða số họ là đàn ông, nhưng đôi khi cũng có phụ nữ — như Trưng Vương chẳng hạn. Trong trường hợp đó ta có thể gọi vị vua đó là Nữ vương; tiếng Anh gọi là “Queen Regnant” (regnant nghĩa là “trị vì”) để phân biệt với “Queen” đơn thuần chỉ là vợ của “King” mà ta thường gọi là hoàng hậu.

Cao hơn vương quốc một bậc là đế quốc, gồm nhiều vương quốc nhỏ, đứng đầu bởi một vị Hoàng đế — “Emperor”. Giống như “King”, Hoàng đế cũng thường là đàn ông. Tuy nhiên trong lịch sử cũng đã từng có những người đàn bà cầm đầu một đế quốc, tiếng Anh gọi họ là “Empress”, tức Nữ hoàng. Tuy nhiên “Empress” còn được dùng để gọi vợ của Hoàng đế. Thành thử để phân biệt, đôi khi người ta cũng thêm chữ “Regnant” vào để gọi người phụ nữ cai trị một đế quốc — như Catherine của Nga, hay Võ Tắc Thiên của Trung Hoa.

Philip 18 tuổi, tại trường Gordonstoun, Scotland, 1939. Ảnh: Ullstein Bild

Elizabeth trong ngày sinh nhật thứ 13, 21/4/1939. Ảnh: Nguồn: Central Press

Lịch sử nước Anh xưa nay chỉ có một phụ nữ duy nhất được mang danh Empress, đó là Queen Victoria (Nữ vương Victoria) trị vì từ 1837 đến 1901. Lý do là vì vào năm 1876 Nghị Viện Anh biểu quyết trao cho bà thêm danh tước ‘Nữ hoàng của Ấn Ðộ’ — ‘Empress of India’. Trong khi đó thì Queen Elizabeth II hiện nay của nước Anh lẽ ra phải gọi là Nữ vương Elizabeth thay vì Nữ hoàng Elizabeth, vì bà chỉ đứng đầu Vương quốc Anh (United Kingdom) chứ không phải đế quốc Anh hay đế quốc nào khác. Dựa theo đó, chồng của Nữ vương đáng lý phải gọi là Vương phu. Nhưng lâu nay mọi người đã quen gọi Elizabeth là Nữ hoàng, nếu vậy phải gọi chồng bà là Hoàng phu Philip mới chuẩn.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Thế tại sao người Anh gọi ông Philip là Prince Philip? Và tại sao ta không dịch ra thành “Hoàng tử Philip” luôn cho gọn? Bởi vì thật ra chữ “Prince” này là nói tắt của chữ “Prince Consort” — consort ở đây hàm ý hôn phối, nghĩa là người này là một vị hoàng tử qua hôn phối chứ không phải con vua hay con hoàng đế. Tuy nhiên, Prince Consort Philip không đơn giản chỉ là phò mã. Bản thân ông cũng dòng dõi vua chúa. Ông Nội của Philip là Vua George I của Hy Lạp; ông Cố, tức bố của George I, là Vua Christian IX của Ðan Mạch (người từng ve vãn bất thành cô công chúa Victoria mà sau này là Nữ vương nước Anh).

Sinh ngày 10 tháng 6 năm 1921 trên đảo Corfus của Hy Lạp, vừa mở mắt chào đời Philip đã nằm trong dòng kế thừa của cả hai ngai vàng Hy Lạp và Ðan Mạch. Không những vậy, Philip và Elizabeth còn là cháu chắt bốn đời của Nữ hoàng Victoria — nghĩa là ngoài việc là vợ chồng hai người còn là anh em họ cách nhau ba đời. Chuyện kể họ gặp nhau lần đầu năm 1934 tại Westminster Abbey trong đám cưới của Công chúa Marina của Hy Lạp và Ðan Mạch, lấy chồng là Công tước của Kent. Lúc ấy Philip 12 tuổi, còn Elizabeth mới lên 7.

Đại uý Hải quân Philip năm 1946. Nguồn: Associated Press

Elizabeth năm 1946, khi này là người sẽ kế vị ngai vàng. Ảnh: Lisa Sheridan

Ðến khi họ gặp nhau lần thứ nhì năm 1939 thì tình hình vương triều đã hoàn toàn thay đổi. Trước đó ba năm vua Edward VIII thoái vị, bố của Elizabeth lên làm vua George VI. Lúc bấy giờ Philip đã là một thanh niên 18 tuổi khôi ngô tuấn tú, đang học tại trường Hải quân Hoàng gia Anh. Công chúa Elizabeth đang vào tuổi 13 đầy mộng mơ bèn đem lòng yêu chàng Philip.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, Philip được gởi ra chiến trường. Từ tiền tuyến chàng thường xuyên viết thư cho em gái Elizabeth ở hậu phương. Trong một chuyến về phép mùa Noel năm 1943, Philip còn được đến ở với gia đình của người yêu một thời gian. Sau chiến tranh cuộc tình của hai người ngày càng nảy nở. Nhưng Hoàng gia Anh không muốn Elizabeth lấy chồng quá sớm; ai cũng khuyên cô nên đi đây đi đó để học hỏi thêm. Thêm nữa, nhiều người không thích kiểu ăn nói bạt mạng thiếu phong cách quý tộc của Philip. Ðã vậy mấy người chị của Philip còn lấy chồng Ðức — kẻ thù của nước Anh trong chiến tranh, khiến nhiều người trong vương triều đâm nghi. Nhưng Elizabeth vẫn một mực nhất quyết bà không yêu và không muốn lấy ai khác.

Cuối cùng vua cha phải nhượng bộ. Ðám hỏi được công bố vào tháng 7 năm 1947. Ðể cho danh chính ngôn thuận, Philip đổi “quốc tịch” làm thần dân nước Anh và lấy họ bên ngoại là Mountbatten (được Anh hoá từ tên Battenberg gốc Ðức để tránh gây phiền phức). Ðám cưới được định vào tháng 11 cùng năm. Buổi sáng ngày cưới Philip được Vua George VI phong làm Công tước (Duke) của Edinburgh, đồng thời là Bá tước (Earl) của Merioneth, và Nam tước (Baron) của Greenwich. Ðây là những tước vị trong chế độ phong kiến Âu Châu ngày xưa, tương đương với Công Hầu Bá Tử Nam ở Á Châu (Hầu là Marquess; Tử là Viscount). Những người được nhà vua “phong tước” còn được thêm “kiến địa” — tức ban cho một vùng đất để cai quản, do vậy chế độ này mới được gọi là phong kiến.

Vợ chồng cùng hai con: Ann (trái) và Charles (phải) năm 1951. Nguồn: Keystone-France.

Ðám cưới diễn ra thật long trọng. Tuy lúc bấy giờ nước Anh còn đang trong thời kỳ tái thiết hậu chiến tranh và người dân ai cũng phải thắt lưng buộc bụng, Thủ tướng Winston Churchill ra lệnh đám cưới của công chúa phải được tổ chức thật chu đáo dù tốn kém. Ông gọi nó là “tia chớp rực rỡ sắc màu trên lộ trình u ám đất nước đang trải qua”. Sau đám cưới, Philip chính thức trở thành Vương tế Philip, tức rể của Vua George VI.

Xem thêm:   Ham & hố

Hai vợ chồng dọn về biệt thự Clarence House trong quận Westminster ở London. Philip, bấy giờ đã là đại uý hải quân, được điều về đóng tại Malta, một đảo quốc thuộc địa của Anh trong vùng biển Ðịa Trung Hải. Elizabeth được đóng vai vợ sĩ quan một thời gian, thỉnh thoảng bà lại xuống Malta ở với chồng vài tháng. Họ có một cuộc sống êm đềm, hầu như không bị công chúng chú ý hay làm phiền. Trong vòng ba năm kế tiếp Elizabeth cho ra đời Hoàng tử Charles (1948) và Công chúa Ann (1950).

IB

Kỳ tới

Cuộc sống trong vương triều