Thế Vận Hội Mùa Hè, Summer Olympics 2024, đã mở màn tại Ba-Lê, kinh đô ánh sáng. Có thể nói đây là một chương trình khai mạc đầy ấn tượng và đầy biểu tượng nhất từ xưa tới nay. Mọi khía cạnh xã hội và lịch sử nước Pháp đã được ban tổ chức khai thác triệt để. Và mặc dù không phải ai cũng đồng ý với các tiêu đề chính, nhưng không thể chối cãi rằng đạo diễn Thomas Jolly đã dàn dựng một màn kịch vô cùng táo bạo.
Năm 1783, quả khinh khí cầu đầu tiên do anh em Montgolfier sáng chế bay lên từ Versailles trước sự chứng kiến của vua Louis XVI, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử, con người đã rời khỏi được mặt đất. Thật ra chuyến bay đầu tiên ấy không chở người mà là 3 con thú: trừu, vịt, và một chú gà trống. Để đánh dấu đóng góp quan trọng ấy, ngọn lửa Olympics đã được thiết kế như một chiếc khinh khí cầu khổng lồ bay trên bầu trời Paris, tạo nên một điểm nhấn không thể nào đẹp hơn cho Thế Vận Hội 2024.
Để tăng phần hấp dẫn, ngọn đuốc Olympic được trao cho một nhân vật kỳ bí đeo mặt nạ. Người này cầm đuốc chạy trên các nóc nhà thành phố. Khi ẩn khi hiện, có lúc anh ta làm những màn nhào lộn thật vui mắt, băng qua vô số các địa điểm nổi tiếng của thành phố như bảo tàng viện Louvre, Musée d’Orsay… Từ hôm đó đến nay thiên hạ bàn ra tán vào đầy trên mạng xã hội, không biết ai là người đóng vai đó. Cuối cùng, hôm thứ Bảy Simon Nogueira đã lên tiếng nhận mình là “một trong những người” đóng vai ấy. Còn bao nhiêu người nữa thì ta vẫn chưa được biết.
Một nhân vật bí ẩn khác chưa được công bố chính là người kỵ mã cưỡi con ngựa sắt trên sông Seine. Nhiều cư dân mạng lầm tưởng đó là “thần chết”, nhưng thật ra đó là Sequana, bà chúa của dòng sông Seine thơ mộng. Trong bối cảnh câu chuyện, Sequana được dùng để đại diện cho tinh thần thể thao của Olympic và cho con sông nơi các đoàn Lực sĩ diễn hành trước công chúng. Tuy ta không biết ai là người đóng vai Sequana, nhưng ta có thể đoan chắc người ấy phải là một nữ nhân.
Khác những lễ khai mạc từ trước tới nay được làm bên trong vận động trường, lần này cả thành phố Paris được biến thành nơi công chúng được mục kích buổi lễ. Thay vì đi bộ, các đoàn Lực sĩ diễn hành trên những chiếc tàu trên sông Seine. Tuy làm ngoài trời nhưng khán giả vẫn phải mua vé để có được chỗ ngồi xem hai bên bờ sông. Tất nhiên không ai có thể xem được hết tất cả các tiết mục trong chương trình dài 4 tiếng đồng hồ này, nhưng đó là cái giá họ trả để được dự phần trong buổi lễ khai mạc có một không hai này.
Một trong những màn ấn tượng nhất là những cô gái ăn mặc sặc sỡ trên những cây nêu cao nghệu. Họ đứng phất phơ trong gió, và rồi khi âm nhạc trổi lên họ bắt đầu nhún nhảy, khiến các cây nêu cong oằn lên xuống qua lại như một bản đại hoà tấu vô cùng nhịp nhàng, vui mắt — nhưng cũng khá hồi hộp. Xem họ biểu diễn ta liên tưởng đến sự kết hợp diệu kỳ giữa những màn xiếc và thế giới thời trang mà Paris xưa nay vẫn nổi tiếng hàng đầu. Quả là dân Pháp có khác!
Đã là Olympic tất nhiên nước chủ nhà phải tận dụng tất cả các Lực sĩ nổi tiếng của mình trong màn rước đuốc. Đặc biệt lần này có sự góp mặt của nhà vô địch đua xe đạp Charles Coste, năm nay đúng 100 tuổi, là người áp chót được vinh dự cầm đuốc trước khi giao nó cho hai Lực sĩ cuối cùng là Marie-José Pérec và Teddy Riner để đốt lên ngọn lửa trên khinh khí cầu.
Một khi quả cầu được thả bay lên, chương trình kết thúc bằng một tiết mục “không chỗ nào chê”. Đó là Céline Dion với bài nhạc bất hủ của Edith Piaf mang tên “L’hymne à l’Amour”. Tuy là người Gia Nã Đại, nhưng Céline Dion đã từng diễn bài này tại Paris cách đây vài năm, trước khi bà bị mắc một chứng bệnh rất hiếm khiến cơ bắp trong người bị đơ cứng, không nhúc nhích được. Sự xuất hiện của Dion và màn diễn xuất thần của bà đêm hôm ấy chắc chắn sẽ sống mãi trong lịch sử Olympics nói riêng, và âm nhạc nói chung.
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.